Đại diện ngoại giao EU: Chiến tranh Nga-Ukraine đã đến 'thời khắc nguy hiểm'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói với đài BBC vài ngày trước rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã khiến EU phải đánh giá lại mối đe dọa của Tổng thống Nga Putin một cách nghiêm túc, và xung đột Nga-Ukraine đã đến 'thời khắc nguy hiểm.

Chiến tranh Nga-Ukraine đang ở thời khắc nguy hiểm

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một bài phát biểu gần đây khi ông ra lệnh động viên một phần rằng, đất nước của ông có "tất cả các loại vũ khí hủy diệt" và sẽ "sử dụng tất cả các phương tiện theo ý của chúng tôi", đồng thời nói thêm rằng "đây không phải là một trò lừa bịp".

Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh cho biết: “Khi ông Putin nói đó không phải là một trò lừa bịp, quý vị cần phải đánh giá lại một cách nghiêm túc".

"Đây tất nhiên là một thời khắc nguy hiểm, bởi vì quân đội Nga đã bị dồn vào đường cùng, và phản ứng của ông Putin trước mối đe dọa vũ khí hạt nhân là rất tồi tệ", ông Borrell nói.

"Chúng ta có thể kết thúc cuộc chiến này, nhưng không phải với kết cục hòa bình mà sẽ nổ ra một cuộc chiến khác", ông Borrell nói.

Ông Borrell cũng bác bỏ lo ngại về việc EU không cung cấp không đủ vũ khí cho Ukraine. Ông nhấn mạnh EU vẫn sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tổng thống Putin cùng các đồng minh của ông. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng chi phí năng lượng tăng vọt bởi xung đột Nga-Ukraine đã khiến thế giới chao đảo.

Ông Borrell cho hay, người dân đất nước Tây Ban Nha của ông đang phàn nàn về giá khí đốt tăng vọt, gây khó khăn cho công việc kinh doanh. Ông cũng nói rằng, các nhà lãnh đạo ở Châu Phi, Châu Mỹ và Đông Nam Á cũng có những lo ngại tương tự.

Ông Borrell kêu gọi ông Putin thực hiện vai trò của mình trong việc đạt được một giải pháp thương lượng, "Để nhảy điệu tango, quý vị cần có 2 người".

"Tất cả những ai đến Moscow, đến Điện Kremlin, sau khi nói chuyện với ông Putin đều mang về câu trả lời giống nhau, "Tôi (Putin) có những mục tiêu quân sự, và nếu tôi không đạt được những mục tiêu quân sự đó, tôi sẽ còn tiếp tục chiến đấu". Đó chắc chắn là một hướng đi đáng lo ngại, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine", ông Borrell cho hay.

Ngoại trưởng Nga hạ thấp luận điệu về chiến tranh hạt nhân

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã đưa ra lời đe dọa chiến tranh hạt nhân với phương Tây, nói rằng những nhận xét của ông không chỉ là "trò bịp". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23/9 đã xuất hiện tại cuộc họp của đại hội đồng Liên Hợp Quốc để xoa dịu tình hình, nói rằng Nga không có ý định này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có bài phát biểu trong phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) tại trụ sở Liên Hợp Quốc, hôm 24/9/2022 ở thành phố New York. (Ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)

"Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai bằng vũ khí hạt nhân", tờ Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov. "Các quy tắc sử dụng vũ khí hạt nhân được nêu trong học thuyết quân sự của Nga".

Theo học thuyết quân sự của Nga, một khi Điện Kremlin tin rằng họ phải đối mặt với một "mối đe dọa hiện hữu" thì họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết trong một bài phát biểu, nếu Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự trên các địa điểm bỏ phiếu của cuộc trưng cầu dân ý tại bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporozhye và Kherson, thì đó sẽ được coi là một cuộc tấn công vào nước Nga.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lavrov chỉ ra rằng Nga không tìm kiếm một "cuộc xung đột mở" với Hoa Kỳ hoặc NATO, cũng như không muốn thấy tình hình leo thang hơn nữa. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền ông Biden cũng nhận thức được mối nguy hiểm gây ra bởi tình hình mất kiểm soát trong cuộc xung đột ở Ukraine".

Cựu Thủ tướng Ý: 'Ông Putin không còn lựa chọn nào khác'

Cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã lên tiếng bảo vệ cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng ông Putin bị "đẩy" vào cuộc xung đột và quân đội Nga được cho là sẽ thay thế ông Zelenskyy bằng một "người tử tế", đài BBC đưa tin.

Lãnh đạo đảng cánh hữu Ý "Forza Italia", Silvio Berlusconi trong chiến dịch tranh cử của đảng ông tại nhà hát Teatro Manzoni ở Milan, Ý, hôm 23/9/2022. (Ảnh: Filippo Monteforte/AFP/Getty Images)

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Rai 1 của Ý gần đây, ông Berlusconi cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin bị đẩy vào cuộc xung đột và "chỉ muốn thay thế chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bằng một người tử tế trong vòng 1 tuần" thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt. Sau đó, Moscow sẽ rời đi.

Ông Berlusconi cho hay, "Tổng thống Nga Putin đã được người dân Nga, đảng của ông ấy và các bộ trưởng của ông ấy thúc đẩy để khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt này".

Ông Berlusconi, 85 tuổi, là cựu thủ tướng Ý và là đồng minh lâu năm của ông Putin. Ý sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 25/9, và đảng "Forza Italia" của ông Berlusconi dự kiến ​​sẽ nắm quyền với một thành viên của liên minh cánh hữu.

Trước sự lên án rộng rãi về nhận xét của mình, ông Berlusconi đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 23/9 nói rằng, quan điểm của ông đã bị "phóng đại quá mức", tờ Reuters đưa tin.

Ông nói:"Vị thế của đảng Forza Italia là rõ ràng. Hành động chống lại Ukraine là không chính đáng và không thể chấp nhận được. Chúng tôi luôn sát cánh với EU và NATO".

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Đại diện ngoại giao EU: Chiến tranh Nga-Ukraine đã đến 'thời khắc nguy hiểm'