NATO có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

NATO đang lên kế hoạch triển khai một lực lượng quân sự toàn diện thường trực ở biên giới của mình trong nỗ lực chống lại sự xâm lược của Nga trong tương lai sau cuộc xâm lược Ukraine, The Telegraph đưa tin, dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ông Stoltenberg nói trong một cuộc phỏng vấn với The Telegraph rằng NATO đang "ở giữa một sự chuyển đổi rất cơ bản" sẽ phản ánh "hậu quả lâu dài" của các hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Những gì chúng tôi thấy bây giờ là một thực tế mới, một bình thường mới cho an ninh châu Âu. Vì vậy, chúng tôi hiện đã yêu cầu các chỉ huy quân đội của mình cung cấp các lựa chọn cho cái mà chúng tôi gọi là tái thiết lập, một sự thích ứng lâu dài hơn của NATO", ông Stoltenberg cho biết.

Ông Stoltenberg, người gần đây cho biết ông sẽ kéo dài nhiệm kỳ người đứng đầu liên minh thêm một năm, cũng cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng các quyết định về việc tái thiết lập sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại Madrid vào tháng 6/2022.

Là một phần của quá trình “tái thiết” lớn, sự hiện diện “kiềng ba chân” ở sườn phía đông của liên minh sẽ được thay thế bằng lực lượng đủ để đẩy lùi một cuộc xâm lược có chủ đích nhắm vào các quốc gia thành viên như Estonia và Latvia. Các tùy chọn tái thiết đang được các chỉ huy quân đội NATO đảm nhiệm.

Tiết lộ được đưa ra khi Thủ tướng Anh Boris Johnson có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv để hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thủ tướng đã sử dụng chuyến thăm, được lên kế hoạch bí mật, để thông báo rằng Anh sẽ gửi tên lửa chống hạm và 120 xe bọc thép trong đợt hỗ trợ quân sự mới nhất.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (P) lắng nghe khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua liên kết video trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo của Lực lượng viễn chinh chung (JEF) tại Lancaster House, London vào ngày 15/3/2022. (Ảnh Getty Images)

Trong một lần xuất hiện chung trên truyền hình với ông Zelensky, ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng người Ukraine đã thể hiện sự dũng mãnh của một con sư tử, và ông Volodymyr đã cho tiếng gầm của con sư tử đó".

“Chỉ ở Kyiv trong vài giờ, tôi không còn nghi ngờ gì về việc một Ukraine có chủ quyền độc lập sẽ trỗi dậy trở lại, trên hết là nhờ vào chủ nghĩa anh hùng, lòng dũng cảm của người dân Ukraine".

Ông Stoltenberg kêu gọi các quốc gia khác 'noi gương' sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine, khi ông ra hiệu đồng ý với quan điểm của ông Zelensky rằng các quốc gia như Đức đang phân biệt sai giữa vũ khí “phòng thủ” mà họ sẵn sàng cung cấp cho Kyiv và vũ khí “tấn công” mà họ xem như một lằn ranh đỏ.

Ông cũng tiết lộ rằng, mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ lần đầu tiên được NATO liệt vào “khái niệm chiến lược”, tài liệu chiến lược chính thức của nước này, vì Bắc Kinh và Moscow dường như đang “hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn với nhau”.

Trung Quốc không muốn làm mất lòng Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào ngày 04/02/2022. (Ảnh Getty Images)

Trong bối cảnh áp lực của một số nghị sĩ và bộ trưởng đảng Bảo thủ về việc tăng chi tiêu quốc phòng ở Anh, ông Stoltenberg nói rằng ông sẽ "hoan nghênh" chi tiêu quân sự nhiều hơn từ Anh. Nhưng trọng tâm của ông là đảm bảo các đồng minh NATO khác đáp ứng yêu cầu tối thiểu của liên minh là chi tiêu 2% tính theo tỷ trọng GDP của họ.

Đặt ra kế hoạch "tái thiết" NATO, ông Stoltenberg chỉ ra rằng họ hiện đã có 40.000 quân dưới quyền chỉ huy trực tiếp của mình ở phần phía đông của liên minh - gần gấp 10 lần con số mà họ có vài tháng trước cuộc xâm lược.

Trước ngày 24/2, sự hiện diện của NATO ở biên giới phía đông giáp Nga đã lên đến một lực lượng được gọi là "kiềng ba chân", nhằm báo hiệu ý định của liên minh là tự vệ trước một cuộc tấn công.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào các quốc gia như Latvia và Estonia, giáp biên giới với Nga, quân tiếp viện sẽ được hiệu triệu từ khắp liên minh. Nhưng giờ đây, NATO đang chuẩn bị hiện diện thường trực ở sườn phía đông với quy mô có thể tự bảo vệ liên minh trước cuộc tấn công của Nga.

Mỹ cam kết chuyển giao hệ thống Patriot cho Slovakia, thế chỗ S-300 hôm 8/4. (Ảnh Getty Images)

Tháng trước, Anh cho biết họ sẽ tăng gấp đôi quân số của mình ở Đông Âu và gửi một đợt triển khai mới đến Bulgaria, khi các nhà lãnh đạo NATO đồng ý tăng cường hơn nữa sườn phía đông của liên minh chống lại sự xâm lược của Nga. Nhưng phát biểu của ông Stoltenberg tiết lộ rằng liên minh vẫn đang chuẩn bị tiến xa hơn nữa.

Có vẻ bác bỏ tuyên bố của một số quốc gia rằng không nên cung cấp vũ khí “tấn công” cho Ukraine sẽ gây kích động Nga, ông Stoltenberg nói: “Mọi vũ khí Ukraine đang có đều vì mục đích phòng thủ và tự vệ trước những hành động tàn bạo, chống lại sự xâm lược và sử dụng vũ lực quân sự một cách tàn bạo chống lại đất nước của họ”.

Cùng với việc hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, ông Johnson cho biết Anh sẽ đảm bảo khoản vay bổ sung 500 triệu USD (385 triệu bảng Anh) của Ngân hàng Thế giới cho nước này, nâng tổng khoản bảo lãnh khoản vay của Anh lên 1 tỷ USD.

Huyền Anh

Theo Telegraph



BÀI CHỌN LỌC

NATO có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới