Nhà Trắng mong đợi tiến triển trong đàm phán với Nga, dù một số đề xuất của Nga 'không khả thi'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà Trắng cho biết, họ hy vọng sẽ đạt được tiến bộ với Nga trong các cuộc đàm phán vào tuần tới. Song, Nhà Trắng coi một số đề xuất của Moscow là “không khả thi”.

Hai nước đã lên lịch cho 3 cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở châu Âu. Các cuộc họp bắt đầu vào ngày 10/1 tại Geneva với các cuộc hội đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga, sau đó là cuộc họp của Hội đồng NATO - Nga vào 2 ngày sau đó. Tiếp đó, vào ngày 13/1, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (Organization for Security and Cooperation in Europe - OSCE) sẽ nhóm họp để thảo luận về tình hình an ninh trên diện rộng hơn của Châu Âu. Đại sứ Hoa Kỳ tại OSCE là ông Mike Carpenter sẽ đại diện nước Mỹ tham dự cuộc họp này.

Các cuộc đàm phán đang diễn ra khi Nga đã tăng cường binh lính tại biên giới với Ukraine trong những tuần gần đây, với ước tính khoảng 100.000 người dọc theo biên giới và ở Crimea do Nga sáp nhập.

Trong cuộc họp báo hôm 5/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã đổ lỗi cho Nga về việc gia tăng căng thẳng với Ukraine. Bà Psaki cho biết, Mỹ cũng có kế hoạch nêu vấn đề về những bất bình trong quá khứ với Nga. Bà nói: “Trong hai thập kỷ qua, chính Nga đã xâm lược hai quốc gia láng giềng, can thiệp vào nhiều cuộc bầu cử khác, sử dụng vũ khí hóa học để thực hiện các vụ ám sát tại nước này và vi phạm các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế”.

Tháng trước, Moscow đã đệ trình các dự thảo văn kiện an ninh yêu cầu NATO từ chối tư cách thành viên đối với Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ khác, đồng thời lùi các hoạt động triển khai quân sự ở Trung và Đông Âu.

Dù không nói cụ thể, bà Psaki cho biết, một số đề xuất của Moscow có thể đạt được tiến độ nhất định, trong khi những đề xuất khác không đáng thảo luận. Nữ thư ký nói: “Tổng thống [Joe] Biden đã nói rõ rằng, chúng tôi có thể đạt được tiến bộ trong một số vấn đề trong khi những vấn đề khác thì không khả thi. Chúng tôi không trả lời họ theo từng điểm một, và tôi không mong đợi chúng tôi sẽ làm vậy trong các cuộc đàm phán này, bởi vì theo kinh nghiệm của chúng tôi, bạn không đạt được tiến bộ thực tế khi đàm phán trước công chúng, và cũng bởi vì nhiều đề xuất không không xứng đáng với phản ứng như vậy”.

Thư ký Psaki cho biết, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì quan điểm rằng, biên giới giữa các nước không nên được vẽ lại bằng vũ lực và rằng, các quốc gia có quyền chủ quyền để xác định họ muốn liên kết với những quốc gia nào. Bà Psaki cũng nêu rõ, Hoa Kỳ cũng sẽ tìm cách hỗ trợ tiến bộ trong hiệp định Minsk, nhằm chấm dứt bạo lực ở vùng Donbas của Ukraine. Hiện trên thực tế, khu vực này đang nằm dưới sự kiểm soát của những người ly khai do Nga hậu thuẫn, những người đã nổi lên chống lại chính quyền Kyiv (thủ đô Ukraine) vào năm 2014.

Ông Biden đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin 2 lần trong những tuần gần đây — một lần trực tuyến và một lần qua điện thoại. Trong các cuộc điện đàm, ông Biden thúc giục ông Putin giảm bớt căng thẳng với Ukraine. Đương kim tổng thống Mỹ khẳng định, Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine, theo Nhà Trắng.

Ông Biden tuyên bố, việc Mỹ gửi quân đến Ukraine trong trường hợp Nga xâm lược nước này là “điều không phải bàn cãi”. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng cho biết, "các biện pháp khác" cho tình huống này có thể bao gồm bổ sung vật liệu phòng thủ cho người Ukraine, và củng cố các đồng minh NATO ở sườn phía đông của Nga với các khả năng bổ sung nếu Nga quyết định xâm lược.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại Washington vào ngày 5/1. Hai người đã trình bày một mặt trận thống nhất khi cho rằng, việc Nga xây dựng quân đội gần biên giới Ukraine đặt ra "thách thức cấp bách và tức thời" đối với an ninh châu Âu. Họ nhận định, bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng.

Mức độ nghiêm trọng của bất kỳ phản ứng nào đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine chủ yếu tập trung vào Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Ông Blinken cho biết, khí đốt có khả năng sẽ không chảy qua đường ống Nord Stream 2 chưa được phê duyệt nếu Nga xâm lược Ukraine. Đường ống này được thiết lập để vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức mỗi năm, nếu được các cơ quan quản lý phê duyệt.

Ngoại trưởng Đức Baerbock không giải đáp cụ thể câu hỏi liệu đường ống có được vận hành trong trường hợp có sự can thiệp của Nga hay không. Tuy nhiên, bà cho biết, chính phủ mới của Đức sẽ tuân theo một thỏa thuận đã ký vào mùa hè năm ngoái với Washington, trong đó nói rằng, Nga sẽ không được phép sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị chống lại châu Âu.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Trắng mong đợi tiến triển trong đàm phán với Nga, dù một số đề xuất của Nga 'không khả thi'