Thủ tướng chính phủ lưu vong Đông Turkistan: Mỹ nên tẩy chay tất cả hàng hóa Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ không nên hy sinh nhân quyền ở Trung Quốc để đổi lấy cái gọi là cuộc cách mạng xanh, theo ông Salih Hudayar - Thủ tướng của chính phủ lưu vong Đông Turkistan (Tân Cương).

Ngày 28/04, hàng chục đảng viên Dân chủ và các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã đồng ý về một nghị quyết. Nghị quyết này sẽ hủy bỏ động thái khẩn cấp của chính quyền Biden trong việc loại một số tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất khỏi thuế quan. Tiếp theo đây, nghị quyết sẽ được đưa lên Thượng viện.

Trước đó, vào ngày 24/04, Tòa Bạch Ốc cảnh báo rằng Tổng thống Joe Biden sẽ phủ quyết nghị quyết này nếu nó được chuyển đến bàn làm việc của ông.

Động thái khẩn cấp “là cần thiết để đáp ứng nhu cầu về nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy, đồng thời đảm bảo rằng Bộ Thương mại vẫn có thể thực thi nghiêm ngặt luật thương mại của Hoa Kỳ, khiến các đối tác thương mại phải tuân thủ trách nhiệm của họ, và bảo vệ các ngành công nghiệp và người lao động Mỹ khỏi các hành vi thương mại không công bằng”, trích tuyên bố của Tòa Bạch Ốc.

Tránh thuế

Tháng 06/2022, chính quyền Biden đã có động thái khẩn cấp tìm cách miễn thuế trong 24 tháng cho các tấm pin mặt trời từ Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Malaysia. Tháng 09/2022, Bộ Thương mại Mỹ ban hành một quy định giúp điều này trở nên có hiệu lực.

Tuy nhiên, sau đó, một cuộc điều tra của Bộ Thương mại phát hiện ra rằng các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang tránh thuế quan của Hoa Kỳ bằng cách chuyển hướng sản xuất qua 3 trong số các quốc gia Đông Nam Á này.

Cuộc điều tra — có kết quả được công bố vào tháng 12/2022 — tiết lộ rằng công ty BYD Hong Kong chuyển hướng sản xuất sang Campuchia, công ty Canadian Solar và Trina chuyển hướng sản xuất sang Thái Lan, và công ty Vina Solar chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam. Nguyên nhân là để tránh thuế của Hoa Kỳ vốn áp đặt lên các tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất.

Các công ty kể trên sản xuất pin và tấm mô-đun mặt trời ở Trung Quốc, sau đó gửi chúng đến một trong các quốc gia Đông Nam Á kể trên để thực hiện một vài bước gia công nhỏ, sau đó xuất khẩu chúng sang Hoa Kỳ.

Tấm pin mặt trời được sản xuất bởi lao động nô lệ

Thủ tướng lưu vong Hudayar đã có buổi nói chuyện với chương trình “Trung Quốc tiêu điểm” của đài NTD vào ngày 09/05. Ông là người ủng hộ nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và ủng hộ nền độc lập của Đông Turkistan (còn được gọi là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương).

Khu vực phía tây bắc Trung Quốc là nơi cung cấp phần lớn polysilicon cho thế giới. Polysilicon là loại vật liệu được sử dụng trong hầu hết các mô-đun năng lượng mặt trời. Ngành công nghiệp này dùng nguồn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Đây chỉ là một trong nhiều vụ vi phạm nhân quyền được ghi nhận trong khu vực; ngoài ra còn có việc giam giữ khoảng 1,8 triệu người trong các trại tập trung.

Ông Hudayar nói rằng “Tổng thống Biden cần cứng rắn hơn với Trung Quốc, như ông ấy đã hứa ngay từ đầu. Ông ấy đã hứa sẽ bảo vệ nhân quyền, và ông ấy cần phải thực hiện lời hứa của mình”.

“Họ cần cấm hoàn toàn tất cả các tấm pin mặt trời được sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc hoặc bên ngoài Trung Quốc bởi các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc”, ông nói.

Theo ông Hudayar, có nhiều bằng chứng cho thấy các tấm pin mặt trời của Trung Quốc được sản xuất bằng lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

“Bắt đầu từ năm 2014, khi Trung Quốc triển khai các trại tập trung, số lượng polysilicon hay số lượng tấm pin mặt trời được sản xuất ở Đông Turkestan chiếm không đến 9% sản lượng toàn cầu. Đến năm 2019, [nó] đã tăng lên hơn 50%. Và tôi nghĩ, tính đến năm 2020, [nó đã] đạt khoảng 60%”, ông nói.

“Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, các tấm pin mặt trời đang được sản xuất tại Trung Quốc hoặc bởi các nhà máy Trung Quốc ở nước thứ ba để lách luật, chẳng hạn như lách Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ …”, ông cho biết thêm.

Ông Hudayar nhấn mạnh rằng việc Mỹ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này là không thể chấp nhận được, kể cả để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

“Làm sao quý vị có thể hợp tác với một quốc gia đang thực hiện diệt chủng, vi phạm nhân quyền hàng loạt, thi hành các chính sách tàn bạo trên diện rộng chống lại tất cả người dân của họ chứ đừng nói đến người dân Đông Turkistan hay Tây Tạng, hay [người tu luyện] Pháp Luân Công?”, ông đặt câu hỏi.

“Tôi nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ cần nói rõ rằng 'chúng tôi sẽ không hợp tác với ông [Trung Quốc] về bất cứ điều gì trừ khi ông giải quyết những vấn đề này’”.

“Đầu tiên, quyền con người phải là ưu tiên hàng đầu, nếu không, chúng ta sao có thể hưởng lợi từ các tấm pin mặt trời được làm ra bởi lao động nô lệ, vì chúng ta đóng góp vào nạn lao động nô lệ đó?”, ông nói thêm.

Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc

Tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA). Luật này, có hiệu lực từ tháng 06/ 2022, cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương Trung Quốc trừ khi nhà nhập khẩu có thể chứng minh rằng các sản phẩm không được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, theo ông Hudayar, phương án tốt nhất là tẩy chay tất cả hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc hoặc có thành phần được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.

“Tôi nghĩ doanh nghiệp Mỹ cần rút khỏi Trung Quốc. Chúng ta cần đầu tư vào các quốc gia khác, nơi họ không tham gia nạn diệt chủng hoặc không vi phạm nhân quyền hàng loạt. Chúng ta cần thoái vốn khỏi Trung Quốc, đưa một phần hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ nếu có thể”, ông nói.

Theo The Epoch Times

Thủy Tiên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng chính phủ lưu vong Đông Turkistan: Mỹ nên tẩy chay tất cả hàng hóa Trung Quốc