TNS Mỹ: Dòng vốn từ Mỹ vào Trung Quốc gây ra rủi ro kinh tế và đe dọa an ninh quốc gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một Thượng nghị sĩ Mỹ đã nêu lên mối lo ngại về rủi ro tới từ dòng vốn chảy từ Mỹ sang Trung Quốc, đặc biệt sau vụ vỡ nợ của Country Garden.

Sau vụ vỡ nợ bằng đồng USD của Country Garden và ảnh hưởng bất lợi của nó đối với các nhà đầu tư, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng hoà - Florida) muốn Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) của Mỹ điều tra và cung cấp thông tin về môi trường tài chính không minh bạch của Trung Quốc và những rủi ro liên quan, đặc biệt là những chi tiết gắn với Country Garden và các nhà phát triển bất động sản ở nước này. Muốn Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, ông Rick Scott đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, gia đình, nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Kể từ khi được bầu làm Thượng Nghị sĩ vào năm 2018, ông Scott đã kêu gọi cả các cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân tách rời hoạt động và tài sản của họ khỏi chế độ diệt chủng của Trung Quốc.

Trong bức thư gửi Chủ tịch Gary Gensler của SEC vào ngày 9/11, ông Scott viết rằng, Country Garden hiện là nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, điều khiến tình trạng này [vụ vỡ nợ của Country Garden] trở nên rất đáng lo ngại và đặc biệt đáng báo động vì dòng vốn Mỹ tiếp tục đổ vào Trung Quốc.

Ông nói thêm: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn vốn của Mỹ - đặc biệt là được huy động liên tục thông qua việc tiếp cận trái phiếu bằng đồng USD, trong khi cung cấp cho công chúng và các nhà đầu tư rất ít hoặc không có dữ liệu tài chính để xác thực các tuyên bố kinh tế trong nước của mình”.

Theo ông Scott, “dòng vốn Mỹ không bị cản trở” gây ra rủi ro về mặt kinh tế và đe doạ an ninh quốc gia Mỹ. Các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đang gặp nguy hiểm do nền kinh tế đang suy yếu của nước này và việc ĐCSTQ từ chối cải thiện sự minh bạch trong lĩnh vực tài chính.

Kể từ sự sụp đổ năm 2021 của Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, niềm tin vào thị trường bất động sản Trung Quốc đã giảm mạnh. Khi Country Garden thông báo vào tháng 8 rằng họ đang gặp khó khăn về thanh khoản, nhà phát triển bất động sản này đã trở thành gương mặt mới trong cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc.

Công ty tiết lộ vào ngày 10/10 rằng họ đã không thể thanh toán trái phiếu trị giá 470 triệu đô la Hong Kong (60 triệu USD) và trong khi các cổ đông Mỹ lo lắng về việc vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD, Citigroup International Ltd. vào ngày 25/10 đã tuyên bố công ty này đã lần đầu tiên vỡ nợ đối với một lô trái phiếu USD.

Country Garden, một trong những nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới, đã không trả được 15,4 triệu USD tiền lãi trái phiếu khi kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày sau khi bỏ lỡ thời hạn ban đầu là ngày 17/9.

Nhà đầu tư Mỹ mất nhiều tỷ USD trong những tháng gần đây

Ông Scott nói trong bức thư: “Khi Country Garden bỏ lỡ thanh toán và thị trường bất động sản của ĐCSTQ tiếp tục xấu đi, chúng ta phải đảm bảo các nhà đầu tư Mỹ được bảo vệ khỏi những công ty liều lĩnh và mờ ám này, những công ty được ĐCSTQ hỗ trợ để hoạt động theo cách giả tạo và gây ra những mối đe dọa đáng kể cho các nhà đầu tư và người về hưu của Mỹ”.

ĐCSTQ đã phá hủy lượng tài sản trị giá nhiều tỷ USD của các nhà đầu tư Mỹ trong những tháng gần đây do tác động gián tiếp của việc đàn áp các công ty của chính Trung Quốc.

Ví dụ, năm nay, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường đàn áp các công ty và tăng cường kiểm soát nền kinh tế, dẫn đến việc giam giữ, mất tích hoặc điều tra hơn chục giám đốc điều hành hàng đầu từ các ngành như công nghệ, tài chính và bất động sản.

Cuộc đàn áp được thúc đẩy bởi ham muốn kiểm soát của ĐCSTQ và mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh quốc gia. Nó vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng bất ổn, với đầu tư tư nhân giảm mạnh kể từ tháng 6.

Mặc dù rất khó để ước tính ĐCSTQ đã hủy hoại bao nhiêu tài sản của các nhà đầu tư Mỹ, nhưng thông tin cho thấy rằng chỉ riêng việc trấn áp các công ty công nghệ Trung Quốc đã dẫn đến một đợt bán tháo khiến khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong cổ phiếu Trung Quốc bị xóa sổ và làm sứt mẻ danh mục đầu tư của một số tên tuổi lớn nhất thế giới trong lĩnh vực tài chính.

Theo một bài báo gần đây của CNBC, ít nhất 115 quỹ tương hỗ trong Kế hoạch tiết kiệm (Thrift Savings Plan) của chính phủ liên bang có bao gồm một hoặc nhiều hơn trong số 30 doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt hoặc bị liệt vào danh sách theo dõi.

Ngoài ra, cả Thượng nghị sĩ Bob Casey (Dân chủ - Pennsylvania) và ông Scott đều ước tính rằng các công ty đầu tư tư nhân của Mỹ đã đầu tư hơn 80 tỷ USD vào Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2022.

Vấn đề cơ cấu của kinh tế Trung Quốc

TNS Mỹ: Dòng vốn từ Mỹ vào Trung Quốc gây ra rủi ro kinh tế và đe dọa an ninh quốc gia
Một người đàn ông đi dọc con phố ở khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 3/2/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Theo các nhà phân tích, gạt sang một bên những lo ngại của ông Scott, cuộc tranh luận về đầu tư vào Trung Quốc đã dịch chuyển một cách sâu sắc sang các vấn đề cơ cấu dài hạn của Trung Quốc bao gồm nợ và giảm phát.

Morgan Stanley cho biết trong một ghi chú gửi khách hàng hôm thứ 2 (13/11): “2023 đánh dấu một năm đầy thách thức đối với Trung Quốc cả về mặt chu kỳ và cơ cấu với những lo ngại ngày càng tăng về nợ, giảm phát và nhân khẩu học”.

“Rủi ro giảm phát thực chưa từng có và những lo ngại về triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu cắt giảm mức đầu tư tích cực vào Trung Quốc trong 6 tháng liên tiếp kể từ tháng 4/2023 và chạm mức đầu tư thấp hơn so với tháng 10/2022”, ghi chú cho biết thêm.

Đối với các nhà đầu tư Mỹ, dự báo dài hạn về nền kinh tế Trung Quốc thậm chí còn đáng lo ngại hơn.

Một ghi chú của Goldman Sachs về dự báo kinh tế Trung Quốc được công bố hôm thứ 2 cho thấy tăng trưởng GDP thực chậm lại ở mức 4,8% vào năm 2024, kéo dài con đường tăng trưởng đang giảm tốc trong thời kỳ hậu đại dịch.

“Đến năm 2030, các nhà kinh tế của chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ổn định ở mức khoảng 3%, nghĩa là tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm sẽ là 4% trong thời gian còn lại của thập kỷ này”, ghi chú cho biết.

Bảo vệ vốn của Mỹ

Ông Scott cho rằng ĐCSTQ đang hưởng lợi ích từ việc Mỹ tăng cường đầu tư vào các thị trường của mình nhưng Bắc Kinh lại không tiết lộ số liệu thống kê tài chính đầy đủ để chứng minh cho những khẳng định của chính quyền Trung Quốc về sức khỏe của nền kinh tế trong nước.

Thượng nghị sĩ viết rằng, đã đến lúc phải bảo vệ nguồn vốn của Mỹ bằng cách đảm bảo rằng có sự rõ ràng về mặt tài chính liên quan đến các khoản đầu tư của Mỹ được thực hiện ở Trung Quốc.

Ông cũng đã đề xuất Đạo luật Bảo vệ Vốn của Mỹ để xử lý các lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt đầu tư, bảo vệ các nhà đầu tư khỏi các công ty Trung Quốc mờ ám và xác định các lỗ hổng để thúc đẩy giao dịch an toàn hơn.

Thượng nghị sĩ viết, mục đích của dự luật lưỡng đảng này là thúc giục Bộ Tài chính lưu giữ hồ sơ chi tiết về tất cả các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, bao gồm cả những khoản đi qua các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

TNS Mỹ: Dòng vốn từ Mỹ vào Trung Quốc gây ra rủi ro kinh tế và đe dọa an ninh quốc gia