Trung Quốc cảnh báo Mỹ sẽ phải trả giá đắt cho sự vi phạm lời hứa của mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm ngày 30/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng, Hoa Kỳ sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục ủng hộ nền độc lập của nước láng giềng phía Đông Nam của Trung Quốc - Đài Loan.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 30/12 với Tân Hoa xã, ông Vương nói: “Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Đây là một thực tế không thể phủ nhận về mặt pháp lý và lịch sử".

Tân Hoa Xã đã dịch bài phỏng vấn từ tiếng Trung sang tiếng Anh.

Mặc dù cuộc nội chiến nhiều năm trước đây dẫn đến sự đối kháng chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc chưa bao giờ bị cắt đứt và sẽ không thể bị cắt đứt, ông Vương Nghị nói.

Theo ông Vương, việc Hoa Kỳ ủng hộ quyền độc lập của người dân Đài Loan vi phạm những lời hứa mà Hoa Kỳ đã đưa ra với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi Tổng thống Jimmy Carter lúc bấy giờ thiết lập quan hệ ngoại giao với những người Cộng sản, từ bỏ quan hệ chính thức với Đài Loan.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết: “Hoa Kỳ đã đi ngược lại cam kết của mình khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, dung túng và tiếp tay cho các lực lượng ‘Đài Loan độc lập’, đồng thời cố gắng bóp méo và phủ nhận nguyên tắc một Trung Quốc. Điều này sẽ đặt Đài Loan vào một tình huống cực kỳ bấp bênh và mang lại một cái giá quá đắt cho chính Hoa Kỳ".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đảo Đài Loan, coi đây là một tỉnh ly khai cuối cùng phải thống nhất với đại lục. Tuy nhiên, đa số người dân Đài Loan dân chủ không muốn ĐCSTQ cai trị họ, một cuộc thăm dò của Tổ chức Dư luận Đài Loan năm 2020 cho thấy, Taiwan News đưa tin.

Khi bị Hà Lan chinh phục vào những năm 1600, Đài Loan từng là một lãnh thổ tự trị, không có chính phủ trung ương. Vào giữa thế kỷ 17, người Hà Lan đã từ bỏ Đài Loan, sau đó hòn đảo này được hưởng một thời gian độc lập ngắn ngủi cho đến khi nhà Thanh tiếp quản vào cuối thế kỷ 17.

Nhật Bản đã đánh bại nhà Thanh trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất và cai trị hòn đảo như một thuộc địa cho đến khi các cường quốc Đồng minh đánh bại Nhật Bản trong Thế chiến II. Sau đó Trung Hoa Dân Quốc, kế vị của nhà Thanh, giành được quyền kiểm soát hòn đảo.

Những người theo chủ nghĩa Dân Quốc và những người theo chủ nghĩa Cộng sản, hai phe phái chính trị chiến tranh trong cuộc Nội chiến Trung Quốc, lại tiếp tục xung đột khi Thế chiến II kết thúc. Cuộc xung đột dẫn đến việc những người Cộng sản đánh bại những người Quốc dân Đảng và giành quyền kiểm soát lục địa Trung Quốc, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay.

Những người theo chủ nghĩa Dân Quốc, hay Quốc dân Đảng, chạy sang Đài Loan, nơi họ gọi là Trung Hoa Dân Quốc. Ban đầu, Hoa Kỳ coi Quốc Dân Đảng là Đảng cai trị hợp pháp toàn bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ông Carter trở thành tổng thống Hoa Kỳ, ông đã đổi phe và công nhận ĐCSTQ là nhà cai trị hợp pháp của Trung Quốc.

Kể từ đó, trên giấy tờ, Hoa Kỳ đã ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”. Tuy nhiên, sự ủng hộ trên thực tế đối với quyền tự quyết của người dân Đài Loan đã tăng dần sau khi hòn đảo này trải qua quá trình dân chủ hóa đáng kể vào những năm 1980 và 1990. Thậm chí ngày nay, Hoa Kỳ vẫn không chính thức coi Đài Loan là một quốc gia mặc dù có quan hệ ngoại giao và thương mại với quốc đảo này.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường yêu cầu Đài Loan từ bỏ nền độc lập của mình, tiến hành các cuộc tập trận quân sự và các cuộc tấn công dồn dập nhằm cảnh giác các lực lượng ủng hộ độc lập của hòn đảo này. Mỹ đã cử các tàu Hải quân quá cảnh qua eo biển Đài Loan như một thông điệp mạnh mẽ cảnh báo Bắc Kinh không làm đảo lộn hiện trạng.

Hoa Kỳ cũng đã tăng cường can dự trực tiếp với ban lãnh đạo hòn đảo dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump khiến Bắc Kinh bàng hoàng. Hãng tin Reuters đưa tin vào năm 2020, tổng doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan đạt khoảng 5 tỷ USD. Trước khi ông Trump rời nhiệm sở, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo đã thông báo rằng Bộ Ngoại giao đã chấm dứt chính sách cấm tiếp xúc chính thức trực tiếp với các quan chức Đài Loan.

Tổng thống Biden đã tiếp tục gắn bó với Đài Loan, khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng, mặc dù khá thận trọng. Tháng 12, ông đã mời Đài Loan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, một động thái khiến ĐCSTQ khó chịu. Vào tháng 11, như CNN đưa tin, ông nói với ông Tập rằng vấn đề độc lập của Đài Loan là do Đài Loan tự quyết định.

Ông Vương nói trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã: “Thống nhất Trung Quốc là một xu hướng tất thành. Những nỗ lực nhằm tìm kiếm ‘Đài Loan độc lập’ chắc chắn sẽ thất bại. Không có lối thoát nào khác cho Đài Loan ngoài việc thống nhất với đại lục. Đây là một xu hướng không thể thay đổi của lịch sử và là kết quả thực tế và hợp lý duy nhất”.

Trước đó, Reuters đưa tin, ngày 29/12, một quan chức Bắc Kinh cảnh báo sẽ thực hiện "các biện pháp quyết liệt" nếu Đài Loan có các động thái hướng tới độc lập chính thức.

Theo Nikkei Asia, trong bài phát biểu chào mừng năm mới tại Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc vào sáng thứ Bảy ngày 1/1/2022, bà Thái kêu gọi ông Tập kiềm chế bành trướng quân sự. Bà nói: "Chúng ta [Đài Loan và Trung Quốc] đều gánh vác trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Xung đột quân sự sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế. Mỗi chúng ta đều cần chăm lo cuộc sống của người dân và trấn an xã hội, để hai bên eo biển có không gian và môi trường đối mặt với các vấn đề và tìm kiếm giải pháp một cách hòa bình".

Bà Thái cho biết, Đài Loan sẽ không nhượng bộ khi đối mặt với áp lực và sẽ không liều lĩnh tiến lên trong khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia thân thiện. Đồng thời, bà Thái nói thêm rằng, mục tiêu quan trọng nhất đối với chính quyền của bà trong năm 2022 là kiên định quản lý hòn đảo này.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc cảnh báo Mỹ sẽ phải trả giá đắt cho sự vi phạm lời hứa của mình