Trung Quốc chật vật giữa khủng hoảng kép, cận kề nguy cơ khủng hoảng dân số

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Financial Times của Anh chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng cộng hưởng giữa dân số và lương hưu đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng, quy mô dân số nước này bắt đầu thu hẹp trong năm nay, khiến cho các công cụ kinh tế của chính phủ trở nên kém hiệu quả.

Tờ Financial Times đăng tải bài báo với tiêu đề "Cuộc khủng hoảng dân số Trung Quốc đang tiệm cận với nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình", trong đó phân tích rằng, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tiến tới nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), song xã hội Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi to lớn. Đất nước đông dân nhất thế giới sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô trong năm nay, khiến các công cụ kinh tế của chính phủ trở nên kém hiệu quả.

Wang Feng, một chuyên gia về thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc tại Đại học California, Irvine, cho biết: “Sự sụt giảm dân số của Trung Quốc trùng với thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình, điều này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có tác động trên thực tế".

Trong khi ông Tập Cận Bình rõ ràng vẫn chiếm ưu thế về mặt chính trị, thì các công cụ kinh tế ông sử dụng ngày càng bị hạn chế bởi các yếu tố như khủng hoảng bất động sản, một loạt các chính sách ngăn chặn dịch bệnh “không hiệu quả” đã làm tổn thương lòng tin của người tiêu dùng.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc vốn sụt giảm trong nhiều năm. Từ năm 2012, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, cho đến năm 2021, tỷ lệ sinh hàng năm đã giảm mạnh hơn 45%, xuống chỉ còn 10,6 triệu ca sinh vào năm ngoái.

Cũng có quan điểm cho rằng Trung Quốc hiện nay có dân số đông. Theo dữ liệu công bố, 10 thành phố có mật độ dân số cao nhất ở Trung Quốc là Thâm Quyến, Đông Quan, Thượng Hải, Hạ Môn, Phật Sơn, Quảng Châu, Trung Sơn, Sán Đầu, Trịnh Châu và Vô Tích, trong đó 8 thành phố có hơn 2.000 người trên một km vuông.

Trên thực tế, mật độ dân số có quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế. Là một tỉnh sản xuất lớn, Quảng Đông có quan hệ chặt chẽ với phần còn lại của thế giới. Đồng bằng Châu thổ Châu Giang, nơi từng được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", là trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Tuy chỉ chiếm 1% diện tích đất của Trung Quốc nhưng dân số lại chiếm khoảng 4,3% dân số cả nước.

Đồng thời, Đồng bằng Châu thổ Châu Giang, Hong Kong và Ma Cao tạo thành trung tâm kinh tế của Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macao.

Khu Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau (GBA) bao gồm hai Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong, Macau và 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông: Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Triệu Khánh với tổng diện tích 56.000 km2 và dân số khoảng 70 triệu người.

Đây là khu vực đô thị lớn nhất và đông dân nhất của Trung Quốc, đồng thời là khu vực kinh tế giàu có nhất ở miền nam Trung Quốc.

Ngoài ra, sự phát triển kinh tế của các tỉnh khác ở Trung Quốc rất không đồng đều và dân cư cũng đông đúc.

Ông Hồng Hạo, một nhà phân tích thị trường nổi tiếng của Trung Quốc và là cựu giám đốc điều hành của BOCOM International, chỉ ra rằng 7,64 triệu cuộc kết hôn đã được đăng ký ở Trung Quốc vào năm 2021, giảm 45% so với mức cao nhất 13,5 triệu vào năm 2013 và là mức thấp nhất trong gần 40 năm.

Điều này có nghĩa là trong tương lai, số ca sinh mới ở Trung Quốc sẽ sụt giảm hơn nữa.

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện "chính sách một con" từ năm 1980. Trong năm năm tới, nhóm người đầu tiên trở thành cha mẹ trong kỷ nguyên "một con" sẽ dần chuyển từ giai đoạn "già sớm" ở độ tuổi 60 và 70 sang giai đoạn tiếp theo ở độ tuổi 80.

Tổ chức nghiên cứu chính trị và kinh tế độc lập “Thiên Quân Chính Kinh” (Tianjun Zhengjing) đã viết một bài báo có tựa đề "2022 là khởi đầu quan trọng của ông Tập Cận Bình" vào cuối năm ngoái, chỉ ra lý do năm 2022 lại trở thành một thời điểm then chốt đối với ông Tập. Đối với các nhà chức trách, nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau đang xuất hiện trong xã hội Trung Quốc, nhưng có hai cuộc khủng hoảng có nguy cơ làm lung lay sức mạnh quốc gia của nước này: cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và cuộc khủng hoảng tuổi già/hưu trí.

Bài báo chỉ ra rằng mặc dù chính quyền ĐCSTQ thực hiện chính sách ba con nhưng không có ích gì cả. Khi người ta không có khả năng sinh con, và ngay cả khi làm cha mẹ cũng có nguy cơ thất nghiệp do sinh đẻ, áp lực cuộc sống đương nhiên tăng lên đối với những người già và cả những người trẻ.

Bất động sản đã trói chặt nền kinh tế Trung Quốc và hút hết tài sản của người dân, những người trẻ tuổi không muốn trở thành "nô lệ trong nhà", thậm chí còn không quan tâm đến việc kết hôn, chứ đừng nói đến việc sinh con.

Điều đáng chú ý là những người sinh trong thế hệ thứ hai của Baby Boomer (Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh) sẽ bắt đầu nghỉ hưu vào năm 2022, có nghĩa là số người sinh mới sẽ ít hơn 10 triệu người trong tương lai, trong khi số người nghỉ hưu mới sẽ vượt quá 20 triệu người mỗi năm, và xu hướng này có khả năng mở rộng. Mặc dù các quan chức đã đề xuất đẩy lùi việc hoãn nghỉ hưu nhưng vẫn chưa có phương án cụ thể. Người Trung Quốc đang già đi trước khi giàu lên, và cuộc khủng hoảng lương hưu đã nổ ra, có nguy cơ đẩy Trung Quốc đến bờ vực khủng hoảng nhân khẩu học.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc chật vật giữa khủng hoảng kép, cận kề nguy cơ khủng hoảng dân số