Chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ tập trung vào cạnh tranh với Nga và Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ hôm thứ Sáu (7/10) công bố một chiến lược mới ở Bắc Cực, trong đó dự đoán rằng cạnh tranh với Nga và Trung Quốc sẽ ngày càng leo thang. Do đó, Washington cam kết sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này.

Nhà Trắng hôm thứ Sáu (7/10) đã công bố Chiến lược Bắc Cực, nhấn mạnh sẽ ngăn chặn sự hiện diện của Nga và Trung Quốc ở khu vực này, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ mặt đất và biển lên cao, kéo theo tình trạng nóng lên toàn cầu và khiến băng tan nhanh.

Mỹ - Nga và miếng bánh Bắc Cực

Tài liệu về chiến lược mới do Nhà Trắng công bố cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ và bảo vệ lãnh thổ có chủ quyền của Mỹ”.

Chiến lược mới xác định bốn trụ cột bao gồm: tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ; tăng cường các cuộc tập trận với các nước đồng minh để "ngăn chặn sự xâm lược ở Bắc Cực, đặc biệt là từ Nga"; hiện đại hóa hệ thống phòng không NORAD và bổ sung các tàu phá băng của Cảnh sát biển; cũng như lập bản đồ và biểu đồ về vùng biển và thời tiết của khu vực.

Phần an ninh của chiến lược nêu rõ: “Mỹ sẽ tăng cường hiện diện về cả khả năng quân sự và dân sự ở Bắc Cực theo yêu cầu để ngăn chặn các mối đe dọa. Đồng thời, Washington sẽ dự đoán, ngăn chặn và ứng phó với kịp thời trước các sự cố gây ra bởi con người và tự nhiên. Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh Bắc Cực và các đối tác để hỗ trợ các mục tiêu này, đồng thời quản lý rủi ro quân sự hóa hoặc xung đột ngoài ý muốn, bao gồm cả những rủi ro do căng thẳng địa chính trị với Nga".

Vào tháng 8, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Nga đã mở cửa trở lại hàng trăm địa điểm quân sự từ thời Liên Xô cũ, đồng thời cho biết thêm rằng năng lực của Nga tại Bắc Cực đã đặt ra một thách thức chiến lược đối với liên minh 30 quốc gia.

Chiến lược mới lưu ý rằng Moscow đang “triển khai các hệ thống tên lửa phòng không cùng các tàu ngầm nâng cấp, đồng thời gia tăng các cuộc tập trận quân sự với một lực lượng chỉ huy tác chiến mới ở Bắc Cực".

Chiến lược mới cũng lưu ý rằng, cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực, khiến “hợp tác giữa các chính phủ với Nga ở Bắc Cực hầu như đóng băng”. Chiến lược để ngỏ cánh cửa nối lại hợp tác "trong những điều kiện nhất định" nhưng dự đoán rằng điều này "khó xảy ra trong tương lai gần".

Trung Quốc tính chen chân vào Bắc Cực

ĐCSTQ tuyên bố Trung Quốc là một “quốc gia cận Bắc Cực” vào năm 2012, với hy vọng tạo ra một số dấu hiệu hợp pháp nhằm thúc đẩy việc họ tiến vào khu vực này. Trong số những nỗ lực đó có cái gọi là Con đường Tơ lụa Địa cực (Polar Silk Road-PSR), một tuyến đường được cho là sẽ kết nối châu Á và châu Âu thông qua các tuyến đường thủy mở ra của Bắc Cực.

Chiến lược của Nhà Trắng lưu ý rằng Trung Quốc “tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở Bắc Cực thông qua mở rộng một loạt các hoạt động kinh tế, ngoại giao, khoa học và quân sự”.

“Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi đầu tư, tập trung vào khai thác khoáng sản quan trọng; mở rộng các hoạt động khoa học để thực hiện nghiên cứu lưỡng dụng với các ứng dụng tình báo hoặc quân sự ở Bắc Cực”, chiến lược nêu rõ.

Bằng cách đảm bảo các tuyến đường thương mại mới và tiếp cận quân sự ở Bắc Cực, ĐCSTQ đang tìm cách mở rộng năng lực của mình trong việc “phóng chiếu sức mạnh ra toàn cầu”, ông Rick Fisher, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế nhận định hôm 15/9.

“Đối với Trung Quốc, Bắc Cực mang đến một cơ hội chiến lược và chiến thuật", ông Fisher nói trong cuộc phỏng vấn với đài NTD, một kênh truyền thông chị em của The Epoch Times, phát sóng vào ngày 15/9.

“Băng đang tan chảy nhanh chóng, mở ra các tuyến đường biển vùng cực mới, cho phép Nga và Trung Quốc khai thác một trữ lượng lớn hydrocacbon. Tài nguyên này trở nên vô cùng hấp dẫn khi đi kèm với tính kinh tế của vận tải đường biển", ông Fisher cho hay.

Bắc Cực có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên rộng lớn, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại đất hiếm, kim cương và các ngư trường hoang sơ. Do đó, khu vực trước đây vốn không bị kiểm soát có thể sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng đối với địa chính trị toàn cầu trong những năm tới, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng tài nguyên toàn cầu tiếp tục diễn ra.

Ông Fisher nói: “Một Con đường Tơ lụa Bắc Cực thành công sẽ kéo theo các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Nga".

“Cùng với đó, sẽ có sự gia tăng các tàu tuần dương, tàu phá băng, tàu vận tải dầu khí của Trung Quốc, hợp tác với hải quân Nga, và nó cũng sẽ biện minh cho việc Trung Quốc điều động lực lượng hải quân của mình vào khu vực Bắc Cực".

Tuy nhiên, để có thể tiến vào Bắc Cực và đảm bảo các tuyến đường thương mại như vậy, ĐCSTQ cần phải xoa dịu người chơi quyền lực nhất trong khu vực: Nga.

Mỹ thành lập Văn phòng Chiến lược Bắc Cực để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc-Nga

Mỹ duy trì hơn 22.000 binh sĩ hoạt động tại khu vực Alaska và cũng có một căn cứ ở Greenland.

Theo tin tức do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố vào ngày 27/9, Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc ở Bắc Cực, đã thành lập “Văn phòng Chiến lược Bắc Cực” để đảm bảo chiến lược cũng như lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực này.

Bà Iris A. Ferguson đã được bổ nhiệm làm Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề ở Bắc Cực, một vị trí mới thể hiện tầm quan trọng của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ đối với khu vực Bắc Cực.

Bà Ferguson cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Bắc Cực là một khu vực trọng yếu trong việc xây dựng quyền lực và bảo vệ quê hương".

Bà nói thêm: “Chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng hoạt động địa chính trị của Nga và Trung Quốc trong khu vực".

Nga chỉ cách Hoa Kỳ 55 dặm (88 km) qua eo biển Bering. Bà Ferguson cho biết Nga có diện tích đất liền lớn nhất ở Bắc Cực và các nhà lãnh đạo Nga luôn coi họ là cường quốc thống trị trong khu vực.

Chiến lược này "cũng giải thích cho việc gia tăng cạnh tranh chiến lược ở Bắc Cực, do cuộc chiến tranh vô cớ của Nga ở Ukraine và sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng leo thang, đồng thời tìm cách định vị Mỹ để vừa đảm bảo sức cạnh tranh và vừa quản lý căng thẳng hiệu quả", chiến lược của Nhà Trắng cho biết.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ tập trung vào cạnh tranh với Nga và Trung Quốc