Bộ trưởng Úc cảnh báo lằn ranh đỏ cho Solomon vì thỏa thuận an ninh với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 12/4, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Thái Bình Dương của Úc đã gạt chiến dịch bầu cử sang một bên để nhanh chóng bay đến Quần đảo Solomon bàn bạc về thỏa thuận an ninh có nguy cơ dẫn đến việc Trung Quốc mở căn cứ quân sự ở ngay sân sau của Úc.

Bộ trưởng Zed Seselja sẽ có cuộc hội đàm với các quan chức Quần đảo Solomon vào ngày 13/4 tại thủ đô Honiara và sẽ trở về cùng ngày.

“Các cuộc thảo luận của tôi sẽ bao gồm thỏa thuận an ninh dự kiến giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc”, ông Seselja cho biết trong một tuyên bố do tờ AAP thu thập được.

“Chúng tôi tôn trọng quyền của Quần đảo Solomon trong việc đưa ra các quyết định về chủ quyền và an ninh quốc gia của mình", ông nói thêm. “Quan điểm của chúng tôi là gia đình Thái Bình Dương vẫn sẽ tiếp tục đáp ứng các nhu cầu an ninh của khu vực".

Phát ngôn viên của Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare cho biết, lãnh đạo đảo quốc này sẵn sàng gặp Bộ trưởng Úc ở Honiara.

Mỹ và Úc lâu nay lo ngại Trung Quốc sẽ mở căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương để mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Cuối tháng trước, Trung Quốc và quần đảo Solomon đã đồng ý về nội dung của thỏa thuận an ninh cuối cùng, nhưng văn bản này chưa được công bố.

Ảnh của Epoch Times
(Từ trái sang) Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Thái Bình Dương của Úc Zed Seselja và Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne trong cuộc họp Mihi Whakatau tại Quốc hội New Zealand ở Wellington vào ngày 22/4/2021. (Ảnh Getty Images)

Chỉ vài ngày trước đó, thông tin chi tiết về yêu cầu từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Quần đảo Solomon gửi đến Bắc Kinh gồm: “vũ khí và thiết bị hạng nhẹ” bao gồm hai súng máy, một súng bắn tỉa, 10 súng lục, 10 khẩu súng trường và 10 dùi cui điện.

Theo các tài liệu ngày 3/12/2021, CHND Trung Hoa sẽ cử 10 nhân viên an ninh mặc thường phục trong thời gian từ 6 đến 12 tháng, để đối phó với các cuộc bạo động khiến khu Phố Tàu ở Honiara bị thiêu rụi và khiến 3 người thiệt mạng.

Bạo loạn được cho là xuất phát từ sự bất mãn với hiệu suất lãnh đạo của Thủ tướng đương nhiệm Manasseh Sogavare, cũng như các mối liên hệ của ông với ĐCS Trung Quốc - trong đó đã xuất hiện các cáo buộc hối lộ trắng trợn các chính trị gia ủng hộ ĐCS Trung Quốc.

Dự thảo thỏa thuận an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc bị rò rỉ gần đây đã gây sốc cho khu vực, nhất là nội dung cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng an ninh và hải quân ở quần đảo Solomon.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã phủ nhận về việc thỏa thuận có thể mở ra cánh cửa cho việc quân sự hóa trong khu vực, đồng thời Thủ tướng Sogavare nói rằng nó “sẽ không có lợi cho Quần đảo Solomon nếu thiết lập căn cứ hải quân hoặc quân sự của bất kỳ quốc gia nào”.

Ảnh của Epoch Times
Cảnh sát đứng gác bên ngoài quốc hội ở Honiara, Quần đảo Solomon vào ngày 6/12/2021 (Ảnh Getty Images)

Tuy nhiên, các tài liệu vào ngày 7/4 cho thấy, Bắc Kinh đã theo dõi khu vực này để tìm kiếm các dự án quân sự trong nhiều năm.

Tin tức về hiệp ước an ninh đã làm dấy lên một loạt hoạt động ngoại giao, khi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Kurt Campbell sẽ đến thăm Quần đảo Solomon cùng với ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phục trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương, theo nguồn tin từ tờ Financial Times.

Úc đã cử người đứng đầu hai cơ quan tình báo lớn đến gặp thủ tướng của Quần đảo Solomon — ông Andrew Shearer, Tổng giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia và Paul Symon, Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Mật vụ Australia.

Vào ngày 12/4, lãnh đạo phe đối lập liên bang Anthony Albanese đã đổ lỗi cho Liên minh trung hữu cầm quyền về các vấn đề ở Nam Thái Bình Dương và đặt câu hỏi tại sao vẫn chưa cử đến đó một bộ trưởng.

Albanese cũng đã đổ lỗi cho chính phủ liên bang vì đã không tích cực hơn nữa về vấn đề biến đổi khí hậu.

“Nếu quý vị đặt chân đến khu vực Thái Bình Dương và gặp các nhà lãnh đạo thì điều đầu tiên họ nêu ra không phải là viện trợ mà là biến đổi khí hậu", ông phát biểu vào hồi cuối tháng Ba.

Tuy nhiên, bà Cleo Paskal, một thành viên liên kết của Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương tại Chatham House có trụ sở tại London, nói rằng chính phủ Úc nên tập trung vào việc thúc đẩy quá trình dân chủ ở nước này và gây áp lực buộc Sogavare phải tuân theo Thỏa thuận Hòa bình Townsville năm 2000 — chấm dứt bạo lực trong nước và tạo cơ sở cho chính phủ dân chủ.

"Sogavare và các thành viên Quốc hội của ông có 2 sự lựa chọn, hoặc là đối phó với Trung Quốc, hoặc là đối phó với phần còn lại của thế giới", bà Paskal nói, đồng thời lưu ý rằng Sogavare và Nội các của ông có thể mất đi các đặc quyền vốn có.

Bà Paskal cho biết áp lực có thể buộc các bộ trưởng của Sogavare phải can thiệp để ngăn mọi thứ “đi quá xa”.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Úc cảnh báo lằn ranh đỏ cho Solomon vì thỏa thuận an ninh với Trung Quốc