Chuyên gia phân tích ngôn ngữ cơ thể của ông Putin và ông Tập trong cuộc gặp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia đã phân tích đoạn video về cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai (ngày 20/3). Mặc dù ông Tập cũng có áp lực nhưng ông Putin tỏ ra căng thẳng hơn, bầu không khí căng thẳng cho thấy trong chính trị không có bạn bè thực sự.

Chiến tranh Nga - Ukraine đã diễn ra được hơn một năm, quân đội Nga chịu nhiều tổn thất trên chiến trường. Đối mặt với sự cô lập của phương Tây, ông Putin hy vọng có thể mượn chuyến thăm của ông Tập Cận Bình để gửi đi tín hiệu rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ Nga. Trước các đòn trừng phạt toàn diện của phương Tây, ông Putin cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với ĐCSTQ.

Reuters đưa tin, bà Karen Leong, Giám đốc điều hành của công ty Influence Solutions có trụ sở tại Singapore, nói rằng ông Tập đã vượt lên trước một bước khi đưa tay ra bắt tay ông Putin, ngụ ý rằng "mặc dù ông ấy là khách đến thăm Moscow, nhưng ông ấy sẽ là bên chiếm ưu thế trong mối quan hệ này".

Bà Louise Mahler, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể và hành vi lãnh đạo ở Melbourne, Úc, chỉ ra, trong khi ông Tập và ông Putin ngồi giao tiếp với nhau thông qua phiên dịch và chào nhau là "bạn thân mến", ông Putin ngồi một cách không thoải mái, chân co rúm, mắt nhìn chằm chằm xuống sàn nhà, cho thấy sự bất an ẩn bên trong.

Bà Leong phát hiện rằng, cũng có những dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình đang chịu áp lực. Khi ngồi xuống, ông ấy chớp mắt thường xuyên một cách bất thường.

Giám đốc Phòng thí nghiệm ngôn ngữ cơ thể Hàn Quốc Kim Hyung-hee chỉ ra, khi bắt tay, cả hai ông đều nắm chặt và cố ý tránh giao tiếp bằng mắt, nó cho thấy mối quan hệ giữa hai bên tồn tại rất nhiều mặt lợi - hại. Chuyên gia này nói: "Họ kỳ vọng rất cao vào cuộc gặp này. Quý vị có thể thấy không khí căng thẳng ở đó, và quý vị biết rằng không có những người bạn thực sự trong chính trị".

Hai người đàn ông này có rất nhiều điểm chung. Họ đều là những nhà lãnh đạo chuyên quyền, và họ đều quyết tâm đối đầu với các nước phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu. Họ đều muốn Nga giành chiến thắng ở Ukraine. Ông Putin không thể thừa nhận thất bại. Nếu Ukraine do NATO hậu thuẫn giành chiến thắng, các nỗ lực làm Đài Loan mất ổn định của ông Tập Cận Bình sẽ bị ảnh hưởng.

Do bị phương Tây tẩy chay, Nga rất cần sự hỗ trợ về kinh tế và ngoại giao, cũng như thị trường khí đốt và dầu mỏ. Kết quả là, Nga đã trở thành một nguồn cung năng lượng đáng tin cậy cho Trung Quốc. Lượng khí đốt và dầu mà Trung Quốc nhập từ Nga đã tăng hơn 50% trong năm ngoái.

Bài báo trên tờ Sky News của Anh cho rằng, đối với Nga, rủi ro còn lớn hơn rất nhiều. Bởi vì ưu tiên của ĐCSTQ sẽ luôn là ĐCSTQ. Nó có thể là một đối tác hợp tác vô cảm và chỉ coi trọng giao dịch, hỏi bất kỳ quốc gia nghèo nào đang rơi vào chiến lược bẫy nợ của ĐCSTQ là biết. Nga ngày càng phụ thuộc vào ĐCSTQ. Về lâu dài, những điều này sẽ không phù hợp với lợi ích chiến lược của Nga.

Ông John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết hai nước không có nhiều sự tin tưởng vào nhau, nhưng họ đã tìm thấy điểm chung trong việc chống lại phương Tây, chống lại sự lãnh đạo của Mỹ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia phân tích ngôn ngữ cơ thể của ông Putin và ông Tập trong cuộc gặp