Dân Trung Quốc tức giận vì bị phong tỏa hà khắc khi Covid-19 lan rộng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Thượng Hải, người dân đang thể hiện sự bất bình trên mạng xã hội trước những biện pháp phong tỏa diện rộng và tình hình dịch bệnh tại thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Sau 2 năm sống dưới chính sách COVID-19 hà khắc nhất trên thế giới, dường như sức chịu đựng của người dân Trung Quốc đã đạt tới giới hạn. Giờ đây, có thể nghe thấy tiếng ầm ĩ của sự thất vọng bên trong các tòa nhà chung cư, trên đường phố, bệnh viện và trong khuôn viên trường học.

Tại siêu đô thị Thượng Hải, người dân đang thể hiện sự tức giận của họ trên mạng xã hội trước tình hình kiểm soát dịch bệnh tại thành phố, và bày tỏ sự hoài nghi đối với hiệu quả của chiến lược "Zero COVID". Nhiều hình ảnh và video về tình hình bên trong các trung tâm cách ly đông đúc ở Thượng Hải đang được lan truyền trên mạng xã hội.

Một trong những video được chia sẻ rộng rãi nhất là về cuộc trao đổi giữa một nhóm bệnh nhân và nhân viên y tế tại Trung tâm Triển lãm Thế giới Thượng Hải – nơi đang được cải tạo thành cơ sở cách ly.

Người quay phim đã hét lên trong video rằng: “Chúng tôi yêu cầu giải thích thỏa đáng. Liên tục có ca lây chéo ở đây. Nhà vệ sinh thì không có nước sạch, chất thải ở khắp mọi nơi.”

Nhiều người dân bày tỏ phẫn nộ vì không thể tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế, cũng như gặp khó khăn khi mua thực phẩm bởi các dịch vụ vận chuyển và giao hàng bị quá tải. Một cư dân mạng nói rằng: “Virus giờ đã lây quá rộng và quá nhanh, có lẽ đã đến lúc giảm nguồn lực cho truy vết, giải phóng các nguồn lực đang dùng cho những ca mắc không triệu chứng và không cần chăm sóc y tế.”

Một số người khác thì hỏi rằng: “Tại sao Trung Quốc không thể dỡ bỏ các hạn chế COVID như phần còn lại của thế giới?”

Bất chấp những thông tin tiêu cực, giới chức Thượng Hải tuyên bố rằng, công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn đang diễn ra hiệu quả. Chính quyền thành phố cũng khẳng định duy trì các kênh cung cấp thực phẩm và bảo đảm người dân được chăm sóc y tế. Được biết, kể từ ngày 27/3, thành phố Thượng Hải đã tiến hành một đợt phong tỏa mới, sau khi số ca mắc COVID-19 tăng thêm 13.000 ca trong vòng 9 ngày.

Trong khi đó, tại Quận Phúc Điền thuộc thành phố Thâm Quyến – trung tâm công nghệ của Trung Quốc, một đám đông công nhân đã hét lên với các nhân viên y tế ở phía bên kia rào chắn rằng: “Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa. Hãy dỡ bỏ phong tỏa. Chúng tôi yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa.”

Tại một khu phố khác trong thành phố, những người dân đã đập xoong nồi trong suốt nhiều giờ từ ban công của họ sau khi được thông báo rằng, việc giam giữ họ tại nhà đã kéo dài 2 tuần sẽ tiếp tục được duy trì.

Ở những nơi khác trong thành phố, những cư dân phẫn nộ đã có một cuộc đối đầu với các quan chức địa phương, họ lật đổ một chốt kiểm tra và phá bỏ hàng rào kim loại sau khi một nhân viên y tế nói với họ rằng, họ “tốt hơn là không nên ra ngoài trong vài tháng hoặc thậm chí là một năm”.

Tuy nhiên, cuộc biểu tình lớn nhất của đất nước diễn ra vào ngày 23/3, khi hàng trăm tiểu thương từ chợ Tứ Quý Thanh (Sijiqing) – một chợ buôn quần áo nổi tiếng ở thành phố Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, đã cản trở cảnh sát sau khi được yêu cầu trả tiền thuê nhà.

Một người phụ nữ lấy bí danh là Vương Linh (Wang Ling) – người tham gia vào cuộc biểu tình – đã kể lại rằng, vào đầu tháng 3, các quan chức đã đóng cửa toàn bộ khu chợ – nơi có hàng chục nghìn doanh nghiệp – chỉ vì một ca nhiễm virus và cách ly hầu như toàn bộ những người làm việc ở đó. Cô Vương cho biết, cô đã trải qua 16 ngày cách ly mặc dù không hề tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Cô nói với Thời báo Epoch Times rằng: “Chúng tôi thực sự không thể tồn tại được nữa.”

Cô cũng đã chứng kiến ​​cảnh sát bắt đi ít nhất 4 người. Cô Vương nói: “Họ nói rằng chúng tôi đang tụ tập với nhau để gây rối… Nếu chúng tôi muốn trở lại cuộc sống bình thường của mình, thì ai lại muốn đi gây rối kia chứ?”

Thiếu lương thực trong lúc phong tỏa

Phong tỏa cũng gây ra tình trạng khan hiếm nhân viên phân loại thực phẩm và giao hàng, do chỉ cho phép nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch rời khỏi nhà.

Ông Liu Renyuan, phó bí thư Thành ủy thành phố Trường Xuân, cho biết do phong tỏa phòng COVID-19, hai chợ thực phẩm lớn trên địa bàn đã đóng cửa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực, theo hãng tin Reuters.

Chính quyền tỉnh Cát Lâm đang tổ chức vận chuyển khoảng 1.000 tấn rau chia thành các túi đến thành phố Trường Xuân.

Không riêng gì Trường Xuân, phần còn lại của tỉnh Cát Lâm cũng đang chật vật khi ca mắc mới COVID-19 tăng hàng ngàn ca mỗi ngày kể từ giữa tháng 3.

Chính quyền Cát Lâm buộc phải phong tỏa toàn tỉnh 4,5 triệu dân trong vòng 3 ngày kể từ ngày 20/3 và tiến hành xét nghiệm đại trà để cô lập ca nhiễm. Riêng Trường Xuân đã hoàn thành hơn 10 vòng xét nghiệm đại trà toàn thành phố.

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Dân Trung Quốc tức giận vì bị phong tỏa hà khắc khi Covid-19 lan rộng