Tà ác vô độ | I - 4: Giang Trạch Dân thanh trừng phe đối lập chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay khi nắm được quyền lực, Giang Trạch Dân tiến hành loại bỏ các đối thủ chính trị, hết người này đến người khác.

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Chương I: Sự trỗi dậy của Giang Trạch Dân

Phần 4: Giang Trạch Dân thanh trừng phe đối lập chính trị

Thanh trừng anh em nhà họ Dương vào năm 1992

Giang Trạch Dân không có kinh nghiệm về chiến tranh. Ai cũng biết rằng các nhà lãnh đạo cấp cao của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều không coi trọng họ Giang. Dương Thượng Côn (Yang Shangkun) từng chế giễu rằng Giang Trạch Dân không biết sử dụng súng.

Tình bạn giữa anh em nhà họ Dương và Đặng Tiểu Bình có từ những năm 1930, khi cả ba đều phục vụ trong quân đội ĐCSTQ. Đặng Tiểu Bình từng phục vụ trong Quân đoàn 2 của quân đội và trở thành Chủ tịch Quân uỷ Trung ương (QUTW) từ tháng 06/1981 đến 11/1989. Những người từng phục vụ trong Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 đều bất mãn với Đặng Tiểu Bình. Anh em nhà họ Dương đứng về phía Đặng Tiểu Bình, vì vậy, họ trở thành mục tiêu của sự bất mãn của một số phe phái trong quân đội. Giang Trạch Dân đã tận dụng cơ hội này để loại bỏ anh em nhà họ Dương.

Tháng 08/1992, Đặng Tiểu Bình bị đột quỵ và ốm nặng. Vào thời điểm đó, các vị trí và chức danh lãnh đạo đang được thảo luận cho Đại hội 14 của ĐCSTQ. Giang Trạch Dân gặp bất lợi vì đã chần chừ biểu đạt sự ủng hộ đối với bài phát biểu trong chuyến công du phía nam của ông Đặng.

Cuối tháng 08/1992, Dương Bạch Băng (Yang Baibing) kêu gọi một cuộc họp gồm 46 nhà lãnh đạo quân sự cấp cao ở Bắc Kinh để thảo luận về việc bố trí quân nhân, tập trung vào việc liệu Giang Trạch Dân có đủ tiêu chuẩn cho chức vụ Chủ tịch QUTW hay không. Dương Bạch Băng đã phát biểu rằng rất nhiều người phản đối chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình; đồng thời yêu cầu đề xuất các ý kiến ​​về cách tiếp tục thực thi các chính sách của ông Đặng sau khi ông qua đời. Những người tham gia đã chỉ trích sự kém cỏi của Giang Trạch Dân, viện lý do họ Giang không có nền tảng quân sự và không ủng hộ cải cách. Kết luận cuối cùng là Giang Trạch Dân không đủ tiêu chuẩn cho chức vụ Chủ tịch QUTW của ĐCSTQ.

Khi Giang Trạch Dân nghe tin về cuộc họp, ông ta đã vô cùng hoảng sợ. Theo lời khuyên của Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), một cố vấn mà họ Giang mang theo từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, Giang Trạch Dân bắt đầu tung tin đồn rằng anh em nhà họ Dương “có ý định lật đổ Đặng Tiểu Bình”. Họ Giang thậm chí còn nói với ông Đặng rằng bản thân ông ta thấy rất lo lắng cho ông Đặng. Sau một thời gian, Đặng Tiểu Bình bắt đầu nghi ngờ anh em nhà họ Dương và sai người đi thăm dò. Hiển nhiên, những tin đồn như vậy đã tồn tại sẵn. Vì vậy mà anh em nhà họ Dương đánh mất lòng tin của Đặng Tiểu Bình.

Tăng Khánh Hồng là “nhà tổ chức bí mật và đầy quyền lực trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ”, theo thông tin từ một bài báo năm 2014 của The Epoch Times [1]. Ông ta là thành viên của “Phe cánh Thượng Hải” - những nhân vật chính trị có liên hệ với Giang Trạch Dân kể từ những ngày họ cùng nhau làm việc tại Thượng Hải. Tăng Khánh Hồng được biết đến là “cánh tay phải”, “kẻ thi hành công vụ” của họ Giang và là “đồ tể” giúp Giang Trạch Dân 'ra tay' với những người khác.

Để tạo ra rạn nứt trong mối quan hệ giữa Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn, Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã thực hiện một biện pháp đa diện. Trong những năm cuối đời, Đặng Tiểu Bình bị cô lập và phụ thuộc nhiều vào con cái để thu thập thông tin. Tăng Khánh Hồng đã nói với Đặng Phác Phương (Deng Pufang) - con trai của Đặng Tiểu Bình - rằng anh em nhà họ Dương muốn thay thế hoàn toàn người của Đặng Tiểu Bình trong quân đội. Tăng Khánh Hồng cũng nói rằng Dương Thượng Côn đã do dự khi tiến hành cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, và rằng ông ta có ý định lật ngược quan điểm của Đặng Tiểu Bình trong cuộc đàn áp.

Ngay sau cuộc gặp của Tăng Khánh Hồng với Đặng Phác Phương, Giang Trạch Dân đã gặp Đặng Tiểu Bình và khẳng định anh em nhà họ Dương có tham vọng nắm quyền lực quân sự của ĐCSTQ.

Từ ngày 07/09 đến 10/09/1992, QUTW đã họp để thảo luận về việc bổ nhiệm quân nhân tại Đại hội 14 của ĐCSTQ. Dương Bạch Băng phụ trách quân sự đã đệ trình danh sách thăng chức gồm 100 lãnh đạo cấp trung và cấp cao. Sau khi Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing) và Dương Thượng Côn thông qua, danh sách này đã được chuyển cho Giang Trạch Dân xem xét và phê duyệt. Họ Giang không chấp thuận và thông báo với ông Dương rằng ông ta cần hỏi ý kiến ​​Đặng Tiểu Bình.

Lúc này, nhiều tin đồn đã đến tai Đặng Tiểu Bình về tham vọng nắm quyền quân sự của anh em nhà họ Dương và ý định lật ngược quyết định về vụ thảm sát Thiên An Môn.

Vào đêm trước Đại hội 14 ĐCSTQ, ngày 06/10/1992, Đặng Tiểu Bình khi đó đã nghỉ hưu, đã viết thư cho Bộ Chính trị ĐCSTQ về việc sắp xếp nhân sự QUTW: “Trong tương lai, các đồng chí Lưu Hoa Thanh và Trương Chấn (Zhang Zhen) sẽ quản lý các hoạt động hàng ngày của QUTW dưới sự lãnh đạo của đồng chí Giang Trạch Dân. Đối với người kế nhiệm trong tương lai, chúng ta cần phải có một người quen thuộc với quân đội”. Trong thư, Đặng Tiểu Bình đã vạch ra một kế hoạch cụ thể cho ban lãnh đạo mới của QUTW.

Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Đại hội đại biểu Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 14 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 12/10 đến 18/10/1992. Anh em nhà họ Dương bị tước quyền lực quân sự. Gia đình ông Đặng và ông Dương chia tách sau tình bạn kéo dài 60 năm.

Cách chức Thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 vào tháng 09/1994, ĐCSTQ tuyên bố hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ hai sang thế hệ lãnh đạo thứ ba. Khi sức khỏe của Đặng Tiểu Bình xấu đi, Giang Trạch Dân dần dần thăng chức cho người của mình. Lúc này, Giang Trạch Dân bắt đầu có động thái chống lại chính quyền thành phố Bắc Kinh.

Bắc Kinh là trụ sở của ĐCSTQ. Quyền kiểm soát Quân khu Bắc Kinh, Ủy ban Đảng Cộng sản thành phố Bắc Kinh [còn gọi là Thành ủy Bắc Kinh], chính quyền thành phố Bắc Kinh và Trung đoàn Bảo vệ An ninh Trung ương ĐCSTQ là rất quan trọng đối với giới lãnh đạo ĐCSTQ; từ đó mà dẫn đến sự tranh giành quyền lực gay gắt tại đây. Nếu không thể kiểm soát, các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ không cảm thấy yên tâm.

Đến năm 1995, Trần Hy Đồng (Chen Xitong) - ủy viên Bộ Chính trị và Thị trưởng thành phố Bắc Kinh - đã có một bảng thành tích đáng nể. Bắc Kinh đã tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á và mở Vành đai thứ hai và Vành đai thứ ba (những con đường tròn đồng tâm bên trong thành phố). Bắc Kinh đã trải qua một cuộc thay đổi lớn. Hơn nữa, Trần Hy Đồng có lập trường cứng rắn trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Vì vậy, ông ta tin rằng mình có nhiều công lao trong việc duy trì sự thống trị của ĐCSTQ và mong đợi một bước tiến trong Bộ Chính trị ĐCSTQ. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân đã chiếm vị trí cao nhất.

Trần Hy Đồng có quan hệ rất tốt với Đặng Tiểu Bình. Trong chuyến thăm Công ty Thép Bắc Kinh năm 1992, ông Đặng đã công khai tuyên bố rằng ông Trần là một nhà cải cách. Trần Hy Đồng lên tiếng ủng hộ cải cách thông qua các chương trình tại Đài truyền hình Bắc Kinh mà ông ta kiểm soát; đồng thời thực hiện nhiều bài phát biểu cải cách trong nhiều dịp khác nhau. Ông Trần đã chỉ đạo tờ báo chính thức của thành phố Bắc Kinh là Nhật báo Bắc Kinh (北京 日报 - Beijing Daily) đăng toàn văn bài phát biểu về chuyến công du phía nam của Đặng Tiểu Bình, sớm hơn một ngày so với tờ Nhân dân Nhật báo (人民日报 - People’s Daily) - tờ báo do Giang Trạch Dân kiểm soát.

Trần Hy Đồng trở thành một vấn đề lớn đối với Giang Trạch Dân!

Năm 1995, Chu Quan Ngũ (Zhou Guanwu) - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thép Bắc Kinh - bị cách chức do tham nhũng. Vụ việc của ông Chu đã dẫn đến một loạt các cuộc điều tra và cáo buộc tham nhũng. Tháng 04/1995, cấp phó của Trần Hy Đồng là Vương Bảo Sâm (Wang Baosen) qua đời tại một ngọn đồi nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh. Lời giải thích chính thức được công bố khi đó là ông Vương đã dùng súng tự tử vì sợ bị truy tố về tội tham nhũng. Tuy nhiên, các dấu chân tại hiện trường, vết thương, thùng thuốc súng, vỏ đạn và các manh mối khác cho thấy đây là một vụ giết người chứ không phải một vụ tự sát.

Giang Trạch Dân đã ra lệnh điều tra toàn diện. Có thông tin cho rằng, từ tháng 07/1991 đến 11/1994, Trần Hy Đồng đã nhận 22 món quà quý (8 sản phẩm vàng bạc, 6 đồng hồ sang trọng, 4 bút máy cao cấp, 3 máy ảnh và 1 máy quay phim) từ những vị khách nước ngoài mà ông ta gặp trong các cuộc gặp gỡ chính thức. Tổng giá trị các món quà đó là hơn 555.000 nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ VNĐ) [2]. Đối với các đồng chí lãnh đạo cấp của Bộ Chính trị ĐCSTQ, số tiền này có thể coi là cực kỳ nhỏ.

Năm 1998, Trần Hy Đồng bị kết án 16 năm tù về tội tham nhũng và xao lãng nhiệm vụ. Con trai của ông ta là Trần Tiểu Đồng (Chen Xiaotong) cũng bị kết án.

Kiều Thạch nghỉ hưu năm 1997

Năm 1997 là một năm quan trọng về chính trị đối với giới lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ. Vào tối ngày 19/02/1997, Đặng Tiểu Bình được công bố là đã qua đời sau khi mắc bệnh Parkinson trong nhiều năm.

Hai ngày sau lễ tưởng niệm, tất cả sĩ quan và binh lính của quân đội Trung Quốc cùng tất cả nhân viên cảnh sát được lệnh nghiên cứu bài điếu văn của Giang Trạch Dân; và được yêu cầu hành xử sao cho “phù hợp tuyệt đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng với Giang Trạch Dân làm cốt lõi”. Trong bài xã luận do Nhân dân Nhật báo phát hành vào ngày 25/02, cụm từ “Ủy ban Trung ương Đảng với Giang Trạch Dân làm cốt lõi” đã xuất hiện tới 9 lần. Điều này rõ ràng đã xác lập quyền lực số 1 của họ Giang trong hệ thống phân cấp chính trị của ĐCSTQ.

Sinh ra vào tháng 12/1924 tại Thượng Hải, Kiều Thạch (Qiao Shi) gia nhập ĐCSTQ khi mới 16 tuổi. Ông là thành viên của cơ quan ra quyết định cao nhất của ĐCSTQ - tức Ban Thường vụ Bộ Chính trị - từ năm 1987 đến 1997. Có thông tin cho rằng, ở mọi phương diện lựa chọn Tổng Bí thư ĐCSTQ, ông ta đều có trình độ cao hơn, có chứng chỉ tốt hơn và có mạng lưới chính trị rộng hơn so với vị cấp dưới trong một khoảng thời gian dài là Giang Trạch Dân. Song, cuối cùng ông ta lại thua họ Giang. Từ năm 1993, Kiều Thạch đã là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 8. Trong số các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ, ông Kiều được biết đến với lập trường tự do về pháp quyền; ông cũng có tư tưởng cải cách theo định hướng thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước. Với mạng lưới rộng lớn gồm các cấp dưới thân tín của mình ở các vị trí quan trọng trên khắp đất nước, Kiều Thạch đã trở thành một thách thức, nếu không muốn nói là một mối đe dọa, đối với sự lãnh đạo của họ Giang.

Sau cái chết của Đặng Tiểu Bình vào tháng 02/1997, Giang Trạch Dân và các cộng sự của ông ta đã đề xuất một chính sách rằng bất kỳ thành viên nào trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị phải từ chức trước khi 70 tuổi. Khi ấy, Kiều Thạch đã 73 tuổi. Đại hội ĐCSTQ lần thứ 15 đã được tổ chức từ ngày 12/09 đến 18/09/1997. Kiều Thạch rút lui khỏi chính trường Trung Quốc sau đó.

Bản thân Giang Trạch Dân lúc đó đã 71 tuổi và lẽ ra cũng phải nghỉ hưu theo chính sách 70 tuổi. Tuy nhiên, ông ta đã tạo ra một ngoại lệ cho mình vì ông ta lúc đó đang giữ chức vụ Tổng Bí thư ĐCSTQ.

Lý Thụy Hoàn từ chức năm 2002

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16 của ĐCSTQ dự kiến ​​được tổ chức vào tháng 11/2002. Theo quy định bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi 70, Giang Trạch Dân sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức. Để bản thân có thể tiếp tục cai trị ĐCSTQ ở hậu trường, ông ta cần phải cài đặt một vài nhóm thân tín của mình. Lý Thụy Hoàn (Li Ruihuan), một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đã trở thành trở ngại cho kế hoạch của họ Giang.

Lý Thụy Hoàn vốn là một thợ mộc ở Thiên Tân. Sau khi phát minh ra "phương pháp tính toán đơn giản", cập nhật "phương pháp tính toán" truyền thống trong nghề mộc, ông đã thăng cấp trong ngành xây dựng và chính trị ở Thiên Tân vào năm 1987, khi ông chuẩn bị vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên, ở tuổi 53, ông Lý sẽ là ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất và ông chỉ là Bí thư Thành ủy Thiên Tân vào thời điểm đó. Nếu ông được làm ủy viên Bộ Chính trị, một số lãnh đạo ĐCSTQ lớn tuổi có thể phản đối. Vì vậy, một số Bí thư Tỉnh ủy đã được nâng lên cùng một lúc. Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Lý Tích Minh (Li Ximing), Bí thư Thành ủy Thượng Hải Giang Trạch Dân, và Bí thư Dương Nhữ Đại (Yang Rudai) của tỉnh Tứ Xuyên - tỉnh lớn nhất ở Trung Quốc - được bố trí để tham gia Bộ Chính trị cùng với Lý Thụy Hoàn trong Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ năm 1987.

Để giữ quyền kiểm soát chính trường ĐCSTQ sau khi nghỉ hưu tại Đại hội 16 ĐCSTQ vào năm 2002, Giang Trạch Dân phải đảm bảo rằng Lý Thụy Hoàn cũng sẽ nghỉ hưu cùng với ông ta vào năm 2002, để cố vấn cấp cao của Giang Trạch Dân có thể kiểm soát Ban Bí thư và Thường vụ Bộ Chính trị.

Năm 2002, Lý Thụy Hoàn 68 tuổi, trẻ hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 70. Do đó, Giang Trạch Dân đã đưa ra một chỉ lệnh mới: Nếu một người 67 tuổi, thì người đó vẫn có thể phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa tại Thường vụ Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nếu người đó đã 68 tuổi, thì người đó phải từ chức Thường vụ Bộ Chính trị.

Cả Giang Trạch Dân và Lý Thụy Hoàn đều từ chức tại Đại hội 16 ĐCSTQ năm 2002. Tăng Khánh Hồng trở thành thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Năm 2007, tại Đại hội lần thứ 17 của ĐCSTQ, Tăng Khánh Hồng đã tuổi 68 và nhận ra bản thân lại trở thành nạn nhân của chính thành công trước đó của mình. Ông ta phải từ chức Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Bè phái Thượng Hải

“Bè phái Thượng Hải” là tên được đặt cho các đồng minh trong ĐCSTQ của Giang Trạch Dân mà ông quen biết khi còn giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải, trước khi họ Giang trở thành Tổng Bí thư của ĐCSTQ. Đó là một phe cánh phân chia dựa trên khu vực địa lý của các tỉnh Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang. Cùng ‘đặc điểm nhận dạng’ với Giang Trạch Dân, các thành viên thuộc "Bè phái Thượng Hải" mang những đặc điểm rõ ràng của người ở các tỉnh Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang: Tinh ranh và thực dụng. Trong 13 năm khi Giang Trạch Dân giữ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ, các quan chức “Bè phái Thượng Hải” đã xây dựng mạng lưới khắp các cơ quan ĐCSTQ và cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, ở tất cả các cấp. Họ là lực lượng chính trị lớn nhất lúc bấy giờ.

Trần Lương Vũ (Chen Liangyu) là một ví dụ điển hình cho thấy sự thăng trầm khi còn là thành viên của “Bè phái Thượng Hải”.

Trần Lương Vũ trở thành Bí thư Đảng ủy Công ty Điện công nghiệp Thượng Hải vào tháng 03/1984. Ông đã nỗ lực đặc biệt để vun đắp tình bạn với vợ của Giang Trạch Dân là Vương Dã Bình (Wang Yeping), một nhân viên tại một công ty con trực thuộc doanh nghiệp của ông Trần. Ông ta đến thăm bà Vương tại cả nơi làm việc và cả nhà riêng với nhiều món quà, và cuối cùng cho bà ta leo lên một vị trí cấp cao. Ông Trần cũng sắp xếp một công việc trong công ty của mình cho con trai út của Giang Trạch Dân. Ông Trần thậm chí còn chi trả chi phí học đại học của người con trai này.

Kết quả của ‘tình bạn’ đặc biệt này, Trần Lương Vũ được thăng chức làm Phó Giám đốc Cục Cán bộ cũ Thượng Hải vào tháng 01/1985 và Trưởng quận Hoàng Phố ở Thượng Hải vào tháng 02/1987. Sau đó, ông Trần được đề bạt làm Phó Thị trưởng Thượng Hải. Sau khi Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn, ông Trần đã leo lên chức Thị trưởng Thượng Hải, Bí thư Thành ủy Thượng Hải và Ủy viên Bộ Chính trị. Trần Lương Vũ trở thành một trong những người đồng hành đáng tin cậy nhất của họ Giang và đóng vai trò như người quản gia của ông ta ở Thượng Hải.

Trần Lương Vũ đã bị cách chức vào tháng 09/2006 với cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc sử dụng sai mục đích tiền trong quỹ an sinh xã hội của Thượng Hải. Tháng 04/2008, ông Trần bị kết án 18 năm tù với các tội danh gian lận tài chính, lạm dụng quyền lực và hối lộ.

Các thành viên nổi bật trong “Bè phái Thượng Hải” bao gồm Tăng Khánh Hồng, Ngô Bang Quốc (Wu Bangguo), Hoàng Cúc (Huang Ju), Trần Lương Vũ (Chen Liangyu), Trần Chí Lập (Chen Zhili) và Giả Đình An (Jia Ting'an).

Ảnh hưởng của Giang Trạch Dân sau năm 2002

Ngày 15/11/2002, tại Đại hội 16 của ĐCSTQ, Giang Trạch Dân chính thức thôi giữ chức vụ cao nhất của ĐCSTQ với tư cách là Tổng Bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Tuy nhiên, ông ta vẫn tiếp tục kiểm soát hầu hết các cấp quyền lực cao nhất.

Có đến 7 trong số 9 ủy viên thường vụ của Bộ Chính trị ĐCSTQ thuộc bè phái của Giang Trạch Dân, do sức ảnh hưởng đáng kể của họ Giang đối với cơ quan này. Hai ngày trước khi nghỉ hưu, họ Giang đã cùng các phe cánh của mình âm mưu một đề xuất đặc biệt bất ngờ và được thông qua tại một cuộc họp Bộ Chính trị. Động thái đặc biệt chưa từng có tiền lệ cho phép Giang Trạch Dân tiếp tục giữ chức Chủ tịch QUTW thêm 2 năm sau khi nghỉ hưu tại Đại hội 16 ĐCSTQ. Ngay cả sau khi nhiệm kỳ Chủ tịch QUTW kết thúc vào tháng 03/2005, Giang vẫn duy trì một văn phòng tại QUTW.

Ảnh hưởng đáng kể của Giang Trạch Dân đối với các vấn đề của ĐCSTQ thông qua các đồng sự của ông ta đã thể hiện rõ ràng trong trận động đất lớn ở Vấn Xuyên năm 2008. Ngày 12/05/2008, một trận động đất có cường độ 8,0 độ Ms (7,9 Mw) tại tâm chấn đã tấn công Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên. Khi đó, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) và Thủ tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) đã ra lệnh cho quân đội ĐCSTQ ngay lập tức đến hiện trường để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ khẩn cấp. Tuy nhiên, quân đội, dưới sự kiểm soát của Giang Trạch Dân, đã không xuất hiện cho đến ngày thứ 4, bỏ lỡ cơ hội quan trọng nhất để cứu người. Theo thống kê cuối cùng, có 69.197 người chết và 18.222 người khác mất tích.

Tại Đại hội 18 của ĐCSTQ vào tháng 11/2012, Tập Cận Bình (Xi Jinping) kế nhiệm Hồ Cẩm Đào và nhậm chức Tổng Bí thư ĐCSTQ. Dưới thời ông Tập, 5 trong số 9 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vẫn là phe cánh của họ Giang, những người tiếp tục các chương trình chính trị của họ Giang.

Âm mưu chính trị cuối cùng của Giang Trạch Dân là đảm bảo rằng ông ta sẽ không phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà chính ông ta đã khởi xướng vào tháng 07/1999. Sự ghen tị cá nhân được cho là lý do chính dẫn đến việc Giang Trạch Dân quyết định đàn áp pháp môn thiền định được nhiều người ưa chuộng này vào năm 1999. Vào thời điểm đó, có hơn 100 triệu người dân Trung Quốc đang tu luyện Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân đã thực thi cuộc đàn áp thông qua tay chân của ông ta trong Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ và Phòng 610. Cơ quan 610 được đặt tên theo ngày thành lập của tổ chức này - ngày 10/6/1999 - với mục đích quản lý và điều phối cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Như sẽ thảo luận trong các chương sau, quy mô và phạm vi của cuộc bức hại Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân đã vượt qua bất kỳ chiến dịch chính trị nào trước đây của ĐCSTQ.

Đọc tiếp: Chương I - Phần 5: Giang Trạch Dân bất tài và tự phụ

[1] Robertson, Matthew. (2014, ngày 03 tháng 02). ‘Enforcer’ Zeng Qinghong Said to Be Next Corruption Target (‘Kẻ thực thi’ Tăng Khánh Hồng sẽ trở thành mục tiêu tham nhũng tiếp theo). The Epoch Times. https://www.theepochtimes.com/enforcer-zeng-qinghong-said-to-be-next-corruption-target_485937.html.

[2] News of the Communist Party of China. (1998, ngày 31 tháng 07). Beijing Municipal High People’s Court Started Open Trial of Chen Xitong (Tòa án nhân dân cấp cao thành phố Bắc Kinh bắt đầu xét xử công khai đối với Trần Hy Đồng vào ngày 31/07/1998). People’s Daily Online. http://cpc.people.com.cn/GB/64162/64165/67447/68010/4645609.html.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | I - 4: Giang Trạch Dân thanh trừng phe đối lập chính trị