Tà ác vô độ | III - 3: Giang Trạch Dân chiếm giữ, phá dỡ và thu hồi đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Phần 3: Chiếm giữ, phá dỡ và thu hồi đất

Chính sách đất đai của ĐCSTQ

Ở các nước phương Tây, phần lớn đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Hơn nữa, chủ sở hữu của một mảnh đất cũng là chủ sở hữu của bất kỳ công trình nào được xây dựng trên mảnh đất này. Ở Trung Quốc, đất đai thuộc về nhà nước.

Ai sở hữu một ngôi nhà thì người đó không thể sở hữu mảnh đất bên dưới ngôi nhà này. Bạn có thể thuê đất (thường là 70 năm đối với tài sản dân cư), nhưng sau khi hết thời hạn, chính phủ có thể quyết định không cho bạn thuê lại.

Tuy nhiên, sự sắp xếp sở hữu đất đai này không phải lúc nào cũng đúng như vậy trong suốt lịch sử của ĐCSTQ.

Trong cuộc nội chiến với những người theo chủ nghĩa Dân tộc vào những năm 1940, ĐCSTQ đã cưỡng đoạt đất đai của các địa chủ và chia cho hàng triệu nông dân không có đất. Quá trình này thường đẫm máu khi ĐCSTQ vận động nông dân nghèo giết địa chủ. Nó đã thúc đẩy nông dân tham gia lực lượng vũ trang của ĐCSTQ để chiến đấu chống lại những người theo Dân tộc chủ nghĩa và giúp Đảng giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Sau khi tiếp quản Trung Quốc vào năm 1949, ĐCSTQ dần dần lấy lại ruộng đất của nông dân và cư dân thành thị. Năm 1982, hiến pháp Trung Quốc lần đầu tiên quy định quyền sở hữu nhà nước: “Đất đai ở các thành phố thuộc sở hữu của Nhà nước", và “Nhà nước có thể, vì lợi ích công cộng và phù hợp với pháp luật, sung công hoặc trưng dụng đất để sử dụng và bồi thường đất bị thu hồi hoặc trưng dụng”.

Chiếm đoạt đất

Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ĐCSTQ phải dùng đến biện pháp phát triển kinh tế để lấy lòng người dân Trung Quốc. Năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện các chuyến công du đến một số thành phố phía Nam để thúc đẩy Trung Quốc bước vào một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới. Việc tước đoạt đất đai khỏi hàng loạt hộ nông dân đã bắt đầu từ đó.

Ban đầu, đất đai bị tịch thu được sử dụng để xây dựng các khu công nghiệp ở các thành phố ven biển nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm 1992, số khu công nghiệp này lên tới 2.000 và tăng lên hơn 6.000 vào năm 1993. Theo Bộ Nông nghiệp, hầu hết đất được sử dụng để phát triển các khu này ban đầu là đất canh tác.

Năm 1994, Bắc Kinh thúc đẩy cải cách tài chính để phân chia lại nguồn thu từ thuế giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhằm cứu chính quyền trung ương khỏi khủng hoảng tài chính. Ngay lập tức, doanh thu của chính quyền trung ương đã tăng gấp đôi, trong khi đó chính quyền địa phương bắt đầu rơi vào cảnh khó khăn. Do vậy, chính quyền địa phương chuyển hướng sang cho thuê đất thuộc sở hữu nhà nước để sử dụng số tiền thu được như một nguồn doanh thu.

Phí thuê đất như một phương tiện tài chính của chính quyền địa phương đã mang lại vô số lợi ích. Đầu tiên, thu nhập được chuyển trực tiếp đến chính quyền địa phương. Một lợi ích khác là việc cho thuê này đòi hỏi ít chi phí. Thông thường, chi phí phá dỡ công trình hiện tại thấp. Làn sóng phát triển bất động sản sẽ thúc đẩy GDP địa phương cũng như làm đẹp thành tích cá nhân của các quan chức.

Việc cho thuê đất cũng tạo ra nhiều cơ hội cho quan chức tham nhũng.

Cơn cuồng giành đất ngay lập tức vượt khỏi tầm kiểm soát, với quy mô và tốc độ của nó đã gây nguy hiểm cho lĩnh vực nông nghiệp của quốc gia. Trong năm 1997 và 1998 chính quyền trung ương đã phải ban hành các chỉ thị để đóng băng việc sử dụng đất canh tác cho các mục đích phi nông nghiệp. Tuy nhiên, lệnh hạn chế đã được thu hồi trong thời gian ngắn để giảm thiểu suy thoái kinh tế, nhưng cơn sốt vẫn tiếp tục.

Trong quá trình thực hiện, ý tưởng về các khu công nghiệp đã được thay thế bằng kế hoạch xây dựng các thành phố mới lớn hơn. Đây là thời gian mà quá trình đô thị hóa của Trung Quốc trải qua quá trình chuyển đổi từ phát triển kinh tế xã hội tự nhiên sang các dự án có kế hoạch.

Những đề xuất của chính quyền địa phương nhằm xây dựng các thành phố “đô thị quốc tế” đã tăng từ 78 trong năm 1998 lên 182 trong năm 2003.

Năm 2008, khi gói kích cầu 4 nghìn tỷ nhân dân tệ được rót vào nền kinh tế để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, quá trình đô thị hóa đã diễn ra như một chiến lược quốc gia đã được đẩy lên một tầm cao mới.

Trong khoảng từ năm 2014 đến năm 2020, 24 trong số 32 thành phố trực thuộc tỉnh đã được quy hoạch để xây dựng thành phố, với tổng diện tích quy hoạch 4.600 km2. Ví dụ, Thẩm Dương lên kế hoạch xây dựng 8 quận mới và Quảng Châu xây dựng 9 quận. Không chỉ các thành phố lớn, mà hàng trăm thành phố nhỏ hơn cũng làm như vậy.

Hàng trăm nghìn ngôi làng bị phá bỏ, hàng triệu nông dân bị đuổi ra khỏi nhà và chuyển đến các khu dân cư mật độ cao để “dành” đất cho quá trình đô thị hóa.

Ví dụ, năm 2005, tỉnh Giang Tô đã lên kế hoạch “hợp nhất” 250.000 ngôi làng tự nhiên của 40 triệu dân nông thôn thành 40.000 khu dân cư có quy hoạch, để tiết kiệm 4 triệu mu đất (đơn vị diện tích, một mu bằng 7.180 bộ vuông, 4 triệu mu = 660.000 mẫu Anh). Đến tháng 9 năm 2010, sự phá hủy hàng loạt các ngôi làng trên khắp Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm. Trong một cuộc khảo sát năm 2011, 20% nông dân đã bị ép buộc ở trong các tòa nhà dân cư, thậm chí là nhà cao tầng.[17]

Một quan chức giải thích sự hăng hái của mình theo cách: “Ở đây tôi có tổng cộng một triệu hộ nông dân. Tôi dự định phá bỏ tất cả những ngôi làng này trong vòng ba đến năm năm, bởi vì một triệu hộ nông dân sẽ chiếm một triệu mu đất (165.000 mẫu Anh) cho việc xây dựng. Hãy để một triệu nông dân sống trong các tòa nhà, để chúng ta có ít nhất 700.000 mu đất (115.500 mẫu Anh). 500.000 mu đất (82.500 mẫu Anh) sẽ mang lại cho chúng ta 350 tỷ nhân dân tệ (53,3 tỷ USD), một triệu mu (165.000 mẫu Anh) kiếm được 700 tỷ nhân dân tệ (106,7 tỷ USD). Có điều gì chúng ta không thể làm khi córất nhiều tiền thế này?”[18]

Trong vòng chưa đầy một phần tư thế kỷ, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa 83 triệu mu đất canh tác (13,7 triệu mẫu Anh), đuổi 127 triệu nông dân ra khỏi mảnh đất của họ và xóa sổ ít nhất 1,4 triệu ngôi làng.

Trong vòng từ năm 1999 đến năm 2015, doanh thu chuyển nhượng đất đạt tổng cộng 27,29 nghìn tỷ nhân dân tệ (4,16 nghìn tỷ USD), hay 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (0,24 nghìn tỷ USD) mỗi năm.

Xu hướng này vẫn tiếp tục và thậm chí còn đáng báo động hơn trong những năm gần đây: số tiền 3,15 nghìn tỷ nhân dân tệ (0,48 nghìn tỷ USD) trong năm 2011, 2,89 nghìn tỷ nhân dân tệ (0,44 nghìn tỷ USD) trong năm 2012, 4,13 nghìn tỷ nhân dân tệ (0,63 nghìn tỷ USD) trong năm 2013, 4,29 nghìn tỷ nhân dân tệ (0,65 nghìn tỷ USD) và sẽ có thêm 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (0,61 nghìn tỷ USD) dự kiến có được trong năm 2015.[19]

Bạo lực nổ ra khi nông dân bị đuổi ra khỏi nhà

Khi Hiến pháp đề ra việc chấm dứt quyền sở hữu đất đai tư nhân, nông dân Trung Quốc ở thế yếu trong việc từ chối việc thu hồi đất của chính quyền địa phương. Họ có thể canh tác trên mảnh đất của mình, nhưng không có quyền sở hữu, mua hoặc bán đất. Nếu ai đó dám bảo vệ nơi ở của mình trên mặt đất, thường sẽ xảy ra bạo lực có tổ chức.

Việc trưng dụng đất thường được thông báo đơn phương và trong thời gian ngắn, không có quá trình bàn bạc và hỏi ý kiến. Đó là bắt buộc, và không cần sự đồng ý của dân làng. Chỉ có một sự lựa chọn duy nhất cho nông dân là yêu cầu bồi thường càng nhiều càng tốt; bày tỏ quan điểm phản đối lại việc trưng dụng đất hoặc phá dỡ là không có căn cứ pháp lý. Thời hạn thường là ngắn: việc phá dỡ phải được hoàn tất hoặc cưỡng chế trước một ngày ấn định.

Một cuộc khảo sát năm 2011 đối với 662 thị trấn ở 17 tỉnh cho thấy rằng kể từ năm 1995, 43,3% số người được hỏi đã trải qua ít nhất một lần trưng dụng đất, trong đó 17,6% số người cho biết chính quyền đã sử dụng vũ lực. Trong một cuộc điều tra khác của Hội đồng Nhà nước đối với 39 ngôi làng ở Giang Tô, Sơn Đông, Tứ Xuyên và Bắc Kinh, đã cho thấy các vụ bạo lực đã xảy ra ở mức 36% ở các làng nơi xảy ra trưng dụng đất.[20].

Ép buộc và bạo lực xuất hiện trên phạm vi rộng dưới nhiều hình thức. Toàn bộ các cơ quan tư pháp địa phương - công an, tòa án và viện kiểm sát - đã được huy động và tham gia. Làm cản trở nông dân bằng cách cắt điện, nước và chặn đường là những chiến thuật điển hình. Các cáo buộc như “cản trở việc thi hành công vụ”, “gây rối trật tự xã hội” và “làm trở ngại cho các dự án xây dựng” là những lý do được sử dụng để bắt giữ hoặc giam giữ.

Đôi khi, những hành vi sai trái trước đây như hoạt động kinh doanh không có giấy phép, trốn thuế, hoặc thậm chí là “vi phạm kế hoạch hóa gia đình", sẽ bị khơi dậy như một biện pháp ép buộc phải phục tùng.

Các hành động chống lại cả một ngôi làng có thể liên quan đến hàng trăm, hàng nghìn người. Ví dụ, trường hợp của làng Shijiahe năm 2004, nằm bên ngoài Trịnh Châu (thủ phủ của tỉnh Hà Nam và là thành phố có 9 triệu dân).

Tờ Washington Post đưa tin: “Ngay sau 2 giờ sáng ngày 31/7, 500 đến 1.000 cảnh sát mặc đồ chống bạo động và đi trên một đoàn xe gồm hơn 50 xe chống đạn đã tiến vào làng để truy lùng các thủ lĩnh biểu tình".. Dân làng đã phản đối việc tịch thu đất nông nghiệp. Họ trở nên tức giận khi thấy cảnh sát bắt người đại diện của họ đi. Khi họ cố gắng ngăn cản cảnh sát, cảnh sát đã bắn đạn cao su vào dân làng và sử dụng hơi cay để giải tán họ. Một số nông dân bị thương nặng.[21]

Cùng năm đó, tại làng Sanchawan gần Ngọc Lâm ở phía Bắc tỉnh Thiểm Tây, nông dân đã phản đối việc thu hồi đất với ít bồi thường trong gần hai năm và không đi đến đâu, mặc dù đã kiến nghị với Bắc Kinh vài lần.

Một báo cáo chi tiết đã được Jim Yardley viết trên tờ New York Times. Vùng đất này đã được canh tác từ thời đế quốc, nhưng được các quan chức thành phố quan tâm khi khí đốt tự nhiên, than và dầu được phát hiện ra ở đây. Nó được định rõ là một khu vực phát triển kinh tế.

Giang Trạch Dân đã đến thăm vào năm 2002 và kêu gọi phát triển nhanh hơn. Một khi các quan chức tham nhũng ở Ngọc Lâm nhận ra rằng đất đai có giá trị phát triển lớn, họ đã đề xuất một khoản bồi thường nhỏ trong khi cho các nhà triển khai thuê với giá gấp 50 lần số tiền họ trả cho nông dân và bỏ túi phần chênh lệch.

Khoảng 800 người biểu tình đã chặn việc xây dựng trên đất của họ, mặc dù đất đai chưa bao giờ thuộc sở hữu của họ theo luật. Sau đó, những người nông dân đã chiếm cơ quan ĐCSTQ ở địa phương trong năm tháng.

Cuối cùng, cảnh sát bán quân sự đến bằng xe tải và bắn hơi cay và đạn cao su, làm bị thương nhiều người và trấn áp cuộc biểu tình. Có tới 2.000 cảnh sát đã tham gia vào cuộc tấn công, theo thống kê của nông dân.[22]

Năm 2010, quận Huangpi ở Vũ Hán đã cử 2.000 nhân viên hành chính và cán bộ thực thi pháp luật đô thị đến làng Houhu để thực thi yêu cầu này.[23]

Trong trường hợp của Shanwei, tỉnh Quảng Đông, theo báo cáo của một chính quyền địa phương, tháng 12/2005, 2.000 cảnh sát vũ trang và cảnh sát chống bạo động đã xuất hiện tại làng Dongzhoukeng dẫn đến các cuộc đối đầu bạo lực do người dân phản đối việc xây dựng một nhà máy điện chạy bằng than. Có 3 thường dân đã thiệt mạng, nhưng các báo cáo quốc tế đưa ra số người thiệt mạng lên tới 20.

Cảnh sát bị cáo buộc đã bắn thường dân. Cuộc tranh cãi bùng lên bởi việc 40.000 cư dân ở làng Dongzhoukeng phải di dời, và bởi sự thiếu thiện ý của chính phủ đối với việc đền bù và có chính sách tái định cư thỏa đáng.[24]

Tháng 3/2005, tại quận Nam Hải của Phật Sơn, 4.000 nhân viên và 200 phương tiện, bao gồm cả xe cứu hỏa và xe cứu thương, đã được cử đến để giải quyết việc phá dỡ ở tám ngôi làng. Quy mô lớn và tần suất xung đột bạo lực cao không phải là điển hình hoặc bình thường đối với khu vực này. Chúng liên quan trực tiếp đến xu hướng bạo lực của chính quyền địa phương.[25]

Các cuộc phản đối bằng tự thiêu

Để phản đối việc cưỡng đoạt đất đai, một số người đã chọn một hình thức cực đoan: tự thiêu.

Vụ tự thiêu đầu tiên được biết đến để phản đối việc cưỡng chế phá dỡ là vào năm 2003. Wen Biao, một người đàn ông tàn tật, đã tự thiêu tại một tòa nhà văn phòng địa phương ở Nam Kinh vào ngày 22/8.[26].

Ba tuần sau, vào ngày 15/9/2003, Zhu Zhengliang, một nông dân, từ tỉnh An Huy, đã đốt lửa và tự thiêu tại Cầu Kim Thủy trước Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, phản đối việc cưỡng chế phá dỡ nhà của ông trong khi chính quyền đền bù thấp. Người nông dân 45 tuổi đã khiếu kiện sự việc của mình, nhưng không đạt kết quả gì. Cảnh sát Thiên An Môn dập lửa, Zhu được nhập viện với vết bỏng nhẹ ở lưng và cánh tay.

Trong một trường hợp khác ở Nam Kinh vào tháng 8/2003, một người đàn ông đã chết vì thử thách của mình. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, anh ấy đã về nhà trong giờ nghỉ trưa và thấy nhà của mình đã bị phá hủy. Để phản đối, anh ta tự thiêu tại văn phòng phá dỡ và trục xuất của thành phố.[27]

Theo báo cáo của HRW, vào tháng 9/2003, Wang Baoguang, cư dân Bắc Kinh, đã tự thiêu vì bị cưỡng chế đuổi ra khỏi nhà, ông Wang đã tử vong sau đó.

Vào thời điểm đó, các trường hợp của Wen và Zhu đã gây chấn động toàn quốc, nhưng không thể ngăn chặn được sự tuyệt vọng và bạo lực do việc chiếm đất quy mô lớn của ĐCSTQ. Ở Trung Quốc trong thế kỷ 21, tần suất các vụ nông dân tự thiêu để bày tỏ sự tuyệt vọng tột cùng đã vượt quá bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử của nước này.

Không sợ hãi, các quan chức chính phủ vẫn tiếp tục tịch thu đất đai, phá dỡ, trục xuất và trục lợi bất chính.

Ngày 13/11/2009, Tang Fuzhen, một cư dân của quận Jinniu, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã đứng trên mái nhà để chống lại việc phá hủy ngôi nhà của cô bởi lực lượng thực thi pháp luật có vũ trang của chính phủ. Sau nhiều lần van xin, cuối cùng cô ta đã đổ xăng lên người mình và thi thể bị đốt cháy. Tang, 47 tuổi, chết trong bệnh viện sau 16 ngày vì vết thương nặng.[28]

Một vụ việc khác vào tháng 9/2010 xảy ra chưa đầy một năm sau cái chết của Tang, tại Phúc Châu thuộc tỉnh Giang Tây, cô Zhong Ruqin, mẹ cô và chú của cô đã tự thiêu để cố ngăn chặn việc nhà của họ bị phá dỡ. Tuy nhiên, tiếng máy ủi vẫn tiếp tục gầm rú giữa tiếng hét lớn của các quan chức: “Nếu hôm nay các ông không cho chúng tôi phá nhà thì các ông không thể biết được ngày mai mình sẽ chết ra sao!”[29]

Theo nghiên cứu của một học giả, trong những năm 2010 và 2013, ít nhất 20 nông dân đã chết dưới những chiếc máy san phẳng nhà của họ, nhưng không thủ phạm nào bị điều tra trước pháp luật.[30]

Tiêu chuẩn bồi thường cho nông dân không có đất, không có gì đáng ngạc nhiên khi rất thấp.

Bồi thường ít ỏi

Luật hiện hành của Trung Quốc cho phép mức bồi thường từ 16 đến 30 lần giá trị thu được từ đất nông nghiệp. Ví dụ: nếu chúng ta giả định giá trị sản phẩm nông nghiệp là 1.000 nhân dân tệ (151,9 USD) cho mỗi mu đất (một mu tương đương với 7.180 feet vuông), thì mức bồi thường chỉ có thể lên tới 30.000 nhân dân tệ (4.557 USD) cho mỗi mu.

Theo thống kê, kể từ năm 1998, các loại bồi thường khác nhau cho nông dân đã tăng lên tới 12.164 nhân dân tệ (1.848 USD) cho mỗi mu, hoặc 0,25 USD cho mỗi foot vuông, ngoài khoản trợ cấp tái định cư 2.344 nhân dân tệ (356 USD) mỗi người.

Tiền đền bù đất điển hình cho một nông dân bằng khoảng một hoặc hai năm tổng thu nhập của một công chức bình thường ở Trung Quốc.

Trong một ước tính khác, các biện pháp bồi thường và thu xếp tái định cư ở tiêu chuẩn cao nhất chỉ là 18.000 nhân dân tệ (2.733 USD) cho mỗi người, chỉ bằng 1,5 lần thu nhập sau thuế của một cư dân đô thị mức trung bình vào năm 2012.

Trái ngược với khoản bồi thường ít ỏi cho nông dân hoặc cư dân, doanh thu thu được từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đô thị và công nghiệp đáng giá hơn rất nhiều. Do giá trị đất đai theo mục đích sử dụng là khác nhau, doanh thu từ việc phát triển đất đai có thể rất khác nhau.

Thu nhập từ đất sử dụng cho phát triển công nghiệp có thể có giá trị gấp hàng trăm lần so với sản xuất nông nghiệp; thu nhập từ việc sử dụng đất cho việc phát triển lĩnh vực thứ ba thậm chí có thể có giá trị gấp hàng nghìn lần.

Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc từng tiến hành điều tra 12 dự án công trọng điểm quốc gia, như Đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Chu Hải và Đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Phúc Châu. Chi phí đền bù và tái định cư thường chỉ chiếm 3 - 5% tổng vốn đầu tư, thấp nhất là 0,8% và cao nhất chỉ 12,2%.[31]

Ngay cả với tiêu chuẩn bồi thường và tái định cư thấp như vậy, nông dân Trung Quốc thường không thể nhận được đầy đủ số tiền, thường là do nhiều lớp quy định phức tạp của chính quyền hành chính các cấp khác nhau. Lý do chính dẫn đến số lượng lớn các đơn khiếu kiện ở Trung Quốc ngày nay là liên quan đến đất đai, thường là do chính quyền địa phương đã giữ lại, khấu trừ và sử dụng sai mục đích thu hồi đất và đền bù tái định cư.

Bình An - Bạch Liên biên dịch

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[17] Chang, Xiaohong. (2006, November 26) Jiangsu: Pros and Cons of “Farmers Centralized Residence". Caijing Magazine. http://misc.caijing.com.cn/chargeFullNews.jsp?id=110065136&time=2006-11-26&cl=106

[18] Zhang, Yulin. (2015, February) Great Clearances: The Chinese Version of Enclosure Movement, 1991 - 2013. China Agricultural University Journal of Social Sciences Edition, Volume 32, Issue 1. http://sociology.nju.edu.cn/uploads/soft/150305/3-150305144414.PDF

[19] China Business News (2016, February 16) Nationwide Land Sales Revenue Exceeds 27 Trillion Yuan in 17 Years, Use of Funds Rarely Transparent. http://www.chinanews.com/cj/2016/02-16/7758491.shtml

[20] Zhang, Yulin. (2015, February) Great Clearances: The Chinese Version of Enclosure Movement, 1991 - 2013. China Agricultural University Journal of Social Sciences Edition, Volume 32, Issue 1. http://sociology.nju.edu.cn/uploads/soft/150305/3-150305144414.PDF

[21] Pan, Philip P. (2004, August 7) Farmers’ Rising Anger Erupts in China Village. Washington Post http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/articles/A46778-2004Aug6.html?noredirect=on

[22] Yardley, Jim. (2004, December 8) Farmers Being Moved Aside by China’s Real Estate Boom. The New York Times. https://www.nytimes.com/2004/12/08/world/asia/farmers-being-moved-aside-by-chinas-real-estate-boom.html?ref=oembed

[23] Radio Free Asia. (2010, November 18) Forced Demolition with 1000 Men in Wuhan, Villager Drove Car and Injured Many. https://www.rfa.org/mandarin/yataibaodao/chai-11182010100810.html

[24] The Congressional-Executive Commission on China. (2006, July 1) Power Plant Construction Continues After Government Suppresses Villager Protests in Shanwei. https://www.cecc.gov/publications/commission-analysis/power-plant-construction-continues-after-government-suppresses

[25] Radio Free Asia. (2005, July 5) Disputes on Land Acquisition in Nanhai, Foshan City: Interview with Farmers’ Rights Protection Representatives. https://www.rfa.org/cantonese/news/china_land_dispute-20050705.html

[26] People’s Daily Online. (2003, September 3) The Tragedy under the Bulldozer, The Investigation of the Incident of the Self-immolation of the Relocated Household in Nanjing. http://www.people.com.cn/GB/shehui/1062/2070081.html

[27] Human Rights Watch. (2004, March) Demolished: Forced Evictions And The Tenants’ Rights Movement In China. https://www.hrw.org/sites/default/files/reports/china0304.pdf

[28] Dong, Fang. (2009, December 3) Sichuan Protests Violent Demolition, Self-immolation of an Ordinary Woman Triggered Public Anger. Voice of America, Chinese Channel. https://www.voachinese.com/a/self-immolation-20091203-78405827/1009283.html

[29] The Epoch Times. (2010, September 16) Self-immolation while Forced Demolition in Jiangxi demolished, Netizens: The Government Put the Blame on the Victim. http://www.epochtimes.com/gb/10/9/16/n3026872.htm

[30] Zhang, Yulin. (2015, February) Great Clearances: The Chinese Version of Enclosure Movement, 1991 - 2013. China Agricultural University Journal of Social Sciences Edition, Volume 32, Issue 1. http://sociology.nju.edu.cn/uploads/soft/150305/3-150305144414.PDF

[31] People’s Daily Online. (2006, February 27) Land Conflicts Becoming Factor of Instability, Land Acquisition Reform is the Key. http://finance.people.com.cn/GB/1037/4145124.html

Trung Quốc


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | III - 3: Giang Trạch Dân chiếm giữ, phá dỡ và thu hồi đất