Sau khi xưởng in bị đập phá, phóng viên của The Epoch Times Hong Kong lại bị theo dõi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phóng viên Lương Trân (Liang Zhen) của tờ The Epoch Times Hong Kong đã bị một người đàn ông lạ mặt theo dõi vào chiều ngày 26/4. Khi cô Lương hỏi ông ta có phải là phóng viên của Ta Kung Pao (Đại Công Báo) không, ông ta nhanh chóng bỏ chạy. Vào ngày 24/4, một người đàn ông khả nghi khác đã đến quấy rối bên ngoài nhà của cô Lương. Trước đó vào sáng sớm ngày 12/4, xưởng in của The Epoch Times ở Hong Kong đã bị 4 tên côn đồ cưỡng chế đột nhập và tiến hành phá huỷ. Ai là kẻ đứng sau các hành vi quấy rỗi và phá hoại này, và tại sao?

Bị theo dõi trên đường

Chiều ngày 26/4, phóng viên Lương Trân của The Epoch Times Hong Kong đến một cửa hàng ủng hộ phong trào dân chủ để phỏng vấn. Từ trạm tàu điện ngầm Prince Edward, có một người đàn ông trung niên đội mũ và đeo tai nghe đã theo cô suốt quãng đường. Vì cảm thấy ông ta có hành động đáng ngờ nên cô đã đi vòng quanh khu phố vài lần. Cô Lương nói: "Ông ta dường như biết tôi sẽ đến cửa hàng này. Tôi đã đi xung quanh vài vòng và khi ông ta không thấy tôi, ông ta đã đi đến cửa hàng đó".

Khi cô Lương dùng điện thoại di động để quay video và đi theo để hỏi người kia: “Tại sao ông lại theo dõi tôi?”, người đàn ông vẫn bước đi và phủ nhận: “Tôi không quen cô”. Cô Lương hỏi lại: “Ông không biết tôi, sao lại theo tôi từ trạm Prince Edward tới đây?; “Ông là phóng viên của Ta Kung Pao phải không?”. Lúc này người đàn ông đột nhiên bỏ chạy, cô Lương cũng đuổi theo ông ta và hét lên: “Ông có phải là phóng viên của Ta Kung Pao không?”. Người đàn ông bỏ chạy nhanh hơn.

Cô Lương cho rằng người đàn ông đó rõ ràng là có tật giật mình, "Nếu tôi thật sự đổ oan cho ông ta, ông ta có thể thanh minh, tại sao ông ta lại bỏ chạy?".

Ta Kung Pao là một kênh truyền thông trực thuộc Văn phòng Liên lạc của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hong Kong. Gần đây, tờ báo này đã đăng một bài báo công kích The Epoch Times và môn tu luyện Pháp Luân Công. Cô Lương nói: "Ta Kung Pao là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ". Cô ấy cũng đề cập rằng, Ta Kung Pao chỉ là một thực thể cùng ngành truyền thông, vậy mà họ lại dám yêu cầu cấm tờ Apple Daily, “Hoàn toàn có thể nhìn ra nó (Ta Kung Pao) là tổ chức gián điệp của ĐCSTQ, tất cả phóng viên của tờ báo đó đều là đặc vụ của ĐCSTQ".

Người lạ mặt tìm đến nhà

Ngoài ra, ba ngày trước, vào ngày 24/4, có một người đàn ông khả nghi khác đã đến nhà của cô Lương và nói với bảo vệ tòa nhà là “đến giao hàng". Nhân viên bảo vệ thấy ông ta có hành động khả nghi nên yêu cầu ghi lại danh tính. Tên ghi trong sổ đăng ký của người đó là "Liêu X Lương" (tên đệm đã được giấu).

Người đàn ông lên lầu gõ cửa và nói với phóng viên Lương Trân rằng, một người bạn nước ngoài họ Trình nhờ ông ta chuyển hàng, và nói rằng thứ này rất lớn nên đang đặt nó ở tầng dưới. Lương Trân nói rằng cô không biết bất kỳ người bạn nước ngoài nào có họ Trình. Người đàn ông hỏi: “Cô không phải là Lương Trân sao?”. Cô Lương hỏi ông ta là ai, số điện thoại của người bạn họ Trình là số nào, muốn gửi đồ gì? Người đàn ông trả lời ậm ờ và trước sau bất nhất. Cô Lương lại hỏi: “Ông có phải là gián điệp của ĐCSTQ không?”. Người đàn ông nói, ông ta đã để lại danh tính ở chỗ bảo vệ. Khi người đàn ông đó rời đi, cô Lương đi ra ngoài chụp ảnh ông ta, nhưng không thấy ông ta mang theo thứ đồ gì lớn.

Người đàn ông khả nghi đã gõ cửa nhà phóng viên Lương Trân vào ngày 24/4. (Liang Zhen / The Epoch Times)
Người đàn ông khả nghi đã gõ cửa nhà phóng viên Lương Trân vào ngày 24/4. (Liang Zhen / The Epoch Times)

Cô Lương cho rằng mục đích của người này là muốn xác minh cô sống ở đây. "Vì vậy, tôi cảm thấy rằng ĐCSTQ đang đe dọa tôi. Tôi đang nằm trong tầm ngắm của họ. Họ biết địa chỉ của tôi. Đây là cách làm rất tà ác". Cô Lương nói: "Chúng tôi không làm chuyện xấu. Chúng tôi chỉ kiên trì báo cáo sự thật. Tại sao [họ] phải tốn nhiều sức lực như vậy để theo dõi chúng tôi?".

Cô Lương cũng đề cập đến việc gần đây điểm trưng bày các tài liệu giải thích sự thật về Pháp Luân Công và xưởng in của The Epoch Times ở Hong Kong đã bị tấn công, cô hy vọng rằng ngoại giới sẽ quan tâm hơn đến sự an toàn của các học viên Pháp Luân Công. Cô cũng hy vọng sẽ không còn có người tiếp tay làm việc xấu cho ĐCSTQ nữa. Gần đây, 8 người tấn công điểm trưng bày sự thật của các học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong đã bị cảnh sát bắt giữ. “Mọi người đều thấy rằng tiếp tay cho ĐCSTQ sẽ không có kết cục tốt đẹp”.

Tại sao bị theo dõi và phá hoại?

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện khí công theo trường phái Phật gia, được biết đến với 5 bài tập nhẹ nhàng giúp đả thông kinh mạch và các bài giảng đạo đức xoay quanh ba nguyên tắc: Chân - Thiện - Nhẫn.

Khác với những môn phái tu luyện khác, Pháp Luân Công thực hành trong xã hội, người tu tập vẫn kết hôn, sinh con và theo đuổi sự nghiệp. Pháp Luân Công thúc đẩy sự chuyển biến về nội tâm người tu tập, và điều này sẽ có tác động tích cực tới thế giới bên ngoài, bởi người tu tập sẽ trở nên bao dung trong gia đình, có trách nhiệm nơi công sở và năng nổ đóng góp cho xã hội.

Theo ước tính của chính quyền Trung Quốc, tính đến năm 1999, chỉ riêng ở Trung Quốc đã có 70 đến 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công. Sự phổ biến ngày càng rộng rãi của môn tu luyện ôn hòa này đã bị chính quyền Trung Quốc coi là một mối đe dọa. Do đó, vào tháng 7/1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với nhóm người vô tội này. Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị tống vào các nhà tù, trại lao động, bệnh viện tâm thần và các cơ sở khác. Theo ước tính của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng trăm nghìn người đã bị tra tấn trong quá trình giam giữ phi pháp và thậm chí bị mổ sống cướp nội tạng để phục vụ cho ngành công nghiệp ghép tạng của nước này.

Tính đến nay, Pháp Luân Công được đón chào trên hơn 100 quốc gia và nhận được lời khen ngợi của báo giới cũng như giới tri thức và chính phủ các nước.

Kể từ khi bị đàn áp, số lượng người theo tập tại Trung Quốc sụt giảm đáng kể và Pháp Luân Công trở thành một cái tên nhạy cảm ít người Trung Quốc dám nhắc đến. Tuy nhiên tại Hong Kong, nơi dân chủ còn sót lại trên mảnh đất đại lục này, các học viên Pháp Luân Công vẫn được tự do tu luyện. Họ hằng ngày đều có các tình nguyện viên túc trực tại các điểm chân tướng để giải thích sự thật về Pháp Luân Công, về sự tà ác của ĐCSTQ cho người dân Hong Kong, cho du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, và đặc biệt là cho người dân Trung Quốc đại lục có cơ hội đến đây. The Epoch Times Hong Kong cũng là một tờ báo do các học viên điều hành với tôn chỉ đưa tin trung thực và khách quan. Vì vậy mà họ luôn là mục tiêu phá hoại của ĐCSTQ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Sau khi xưởng in bị đập phá, phóng viên của The Epoch Times Hong Kong lại bị theo dõi