Trung Quốc diệt chủng Tây Tạng như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Ông Tập Cận Bình tin rằng cách tốt nhất để Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng là giết chết linh hồn Tây Tạng trong những đứa trẻ”.

Nhà lãnh đạo lưu vong của Tây Tạng, ông Penpa Tsering, nói trong phiên điều trần ngày 28/03 [trước một ủy ban về Trung Quốc thuộc Quốc hội Mỹ] rằng người dân của ông đang “chết dần chết mòn”.

Cái chết tập thể này là hậu quả của “đồng hóa văn hóa” - những hoạt động được [Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)] thực hiện bằng tra tấn và giết chóc. Những gì ĐCSTQ làm không chỉ là giết người hay là tội ác chống lại nhân loại.

Đó là hành vi diệt chủng. Dân biểu Christopher H. Smith (Cộng hòa - New Jersey), đồng chủ tịch của ủy ban, đã nói như vậy trong phiên điều trần.

Từ năm 2016, chính quyền Trung Quốc đã trở nên ‘điên cuồng’ hơn trong việc tách trẻ em Tây Tạng ra khỏi cha mẹ chúng, buộc chúng phải vào trường nội trú. Ở đó, ĐCSTQ bắt những đứa trẻ phải học tiếng Quan Thoại, phải xét nghiệm ADN và chịu tẩy não - một hoạt động diễn ra từ năm 1991.

Xem thêm: 800.000 học sinh Tây Tạng bị buộc tẩy não trong các trường nội trú, bao gồm cả trẻ em 4 tuổi

ĐCSTQ cũng cấm trẻ em học tiếng Tây Tạng hay thực hành Phật giáo Tây Tạng. Các em phải đến trường nội trú từ khi lên 4 tuổi. Giám đốc Viện Hành động vì Tây Tạng, bà Lhadon Tethong, nói với ủy ban rằng những đứa trẻ dần trở nên xa lánh cha mẹ và ông bà của chúng, ngay cả khi chúng về thăm nhà.

Bà nói: “Ông Tập Cận Bình hiện tin rằng cách tốt nhất để Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng là giết chết linh hồn Tây Tạng trong những đứa trẻ”.

Một số phụ nữ Tây Tạng bị hãm hiếp, cưỡng bức phá thai và triệt sản.

Dân biểu Zach Nunn (Cộng hòa - Iowa) nhấn mạnh vấn đề rằng người dân Tây Tạng đang bị nhắm mục tiêu dựa trên ADN của họ.

Từ năm 2016 đến năm 2022, ĐCSTQ đã thu thập ADN của 1,2 triệu người Tây Tạng, bao gồm cả trẻ em mà không có sự đồng ý của cha mẹ chúng.

Lịch sử Tây Tạng

Nam tài tử Richard Gere lần đầu tiên gặp những người tị nạn Tây Tạng vào năm 1978. Ông là thành viên của Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng và đã cho biết vài thông tin ngắn gọn về lịch sử của Tây Tạng.

Con người đã sinh sống ở Tây Tạng trong ít nhất 4.000 năm. Thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, Tây Tạng nổi lên như một vương quốc hùng mạnh. Tây Tạng hoàn toàn độc lập dưới thời nhà Minh từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Những năm 1960, người Tây Tạng xây dựng Cung điện Potala, và Lhasa trở thành thủ phủ tinh thần và chính trị của một quốc gia độc lập.

Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Anh đã cố gắng kéo Tây Tạng ra khỏi [tầm ảnh hưởng của] Nga, đôi khi bằng vũ lực và bằng một hiệp ước bất hợp pháp với Trung Quốc. Trung Quốc xâm lược Tây Tạng vào năm 1910 nhưng bị đánh bại trong vòng 2 năm.

Từ năm 1949 đến 1950, theo gợi ý của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã xâm lược Tây Tạng, áp đặt một tôn giáo thay thế dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. ĐCSTQ xây dựng mạng lưới đường bộ và thông tin liên lạc của họ tại Tây Tạng. Bắc Kinh cũng đã vi phạm các hiệp định thương mại với Ấn Độ và Nepal để chuyển hướng thương mại của Tây Tạng vào Trung Quốc. Từ năm 1956, ĐCSTQ bắt đầu tháo dỡ các tu viện; điều này dẫn đến một cuộc nổi dậy ở Tây Tạng - Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ đã giúp sức cho cuộc nổi dậy này trong giai đoạn 1957-1969.

Trung Quốc diệt chủng Tây Tạng như thế nào?
Ông Richard Gere (giữa) - nam diễn viên người Mỹ, Chủ tịch của Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng - phát biểu về hoàn cảnh khó khăn của người Tây Tạng tại một cuộc họp báo lưỡng đảng, trên Đồi Capitol, Mỹ, ngày 28/03/2023. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh hủy diệt Tây Tạng

Chính phủ lưu vong của Tây Tạng ước tính rằng cho đến những năm 1970, 1,2 triệu người đã chết bởi chiến dịch đàn áp của Trung Quốc đối với những người Tây Tạng bất đồng chính kiến.

Ông Gere nói tại phiên điều trần rằng Bắc Kinh đã thực hiện “các hành động diệt chủng” đối với người Tây Tạng từ năm 1960, và hành vi này ngày càng trở nên gay gắt hơn sau cuộc nổi dậy của người Tây Tạng năm 2008. Hơn 2 triệu người du mục Tây Tạng bị cưỡng bức đưa vào “những ngôi làng xã hội chủ nghĩa kiểu mới” và chịu “các hình thức nô lệ thời hiện đại”.

Những công nghệ mới như xét nghiệm ADN mang đến cho ĐCSTQ nhiều quyền cưỡng chế hơn. Theo Dân biểu Nunn, công ty Thermo Fisher Scientific, có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ), đang cung cấp dịch vụ như vậy cho chính quyền Trung Quốc và do vậy “đồng lõa” với Bắc Kinh.

Dân biểu Smith thì nói rằng có một “núi bằng chứng” cho thấy Bắc Kinh thu hoạch ADN để phục vụ mục đích tìm ra người hiến tạng - vốn không tình nguyện - sao cho phù hợp với người nhận tạng.

“Khi bất kỳ quan chức ĐCSTQ nào mắc bệnh và cần một lá gan mới, một lá phổi mới, hoặc một quả tim, họ sẽ tìm đến ai?”, ông Smith đặt câu hỏi. “[Họ sẽ tìm đến] những người mà họ khinh thường nhất. Và, độ tuổi trung bình của những người bị sát hại để lấy nội tạng là 28 tuổi”.

Hiện nay, ĐCSTQ vẫn tiếp tục thực thi dự án đã kéo dài hàng thập kỷ của họ. Bắc Kinh đang phá hủy Tây Tạng bằng các tuyến đường sắt, các tuyến đường bộ, sân bay, con đập, tiền đồn quân sự, các dự án chuyển hướng dòng sông, và bằng “việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô lương tâm”, theo lời nhà lãnh đạo lưu vong Tsering. “Sự phát triển” này đe dọa toàn bộ châu Á.

Bảo vệ Tây Tạng và thế giới

Theo ông Gere, Hoa Kỳ cần hợp tác với các đồng minh châu Âu của họ để đưa ra “tiếng nói thống nhất chống lại sự áp bức của Trung Quốc”.

Các hoạt động tàn phá Tây Tạng chính là màn diễn tập cho tham vọng bá quyền của ĐCSTQ đối với phần còn lại của thế giới. Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh có nhiều điểm tương đồng đáng ngại với những gì Bắc Kinh đang làm ở Tây Tạng. Với các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng thương mại ở Hoa Kỳ và châu Âu, bao gồm các cảng và nền tảng thương mại điện tử, tất cả chúng ta đều có thể sẽ trở thành nạn nhân của cuộc diệt chủng của ĐCSTQ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc diệt chủng Tây Tạng như thế nào?