Ngôi sao điện ảnh Richard Gere: Chính sách Tây Tạng của ĐCSTQ là ‘tàn ác’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ ba (28/3), ngôi sao điện ảnh Hollywood Richard Gere đã tham dự hội nghị của Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc và lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ của ông trước 'sự tàn ác' trong các chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng.

Hãng tin AFP đưa tin, trong khi Hạ viện Hoa Kỳ đang xem xét các biện pháp để gây áp lực với các vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc bị cáo buộc đã thực hiện ở khu vực Himalaya, nam diễn viên Hollywood Richard Gere đã bày tỏ lo ngại về "sự tàn ác" trong các chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng.

Ngôi sao điện ảnh Hollywood Richard Gere năm nay 73 tuổi là một người ủng hộ kỳ cựu của Tây Tạng và nhiều lần làm chứng trước Quốc hội Mỹ.

Phát biểu trước hội nghị của Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc hôm 28/3, ông lập luận rằng: “Như chúng ta đã biết, trong nhiều thập kỷ, chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phần lớn dựa trên việc ngăn chặn, phủ nhận, hủy diệt và đồng hóa".

Nam diễn viên đã cáo buộc chính sách Tây Tạng của ĐCSTQ là "tàn ác, bạo lực tập thể và đàn áp". Ông cho hay, người dân Tây Tạng đã bị đàn áp bởi một "hệ thống giám sát toàn diện".

Tây Tạng đã trải qua nhiều thế kỷ xen kẽ giữa độc lập và nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Bắc Kinh lập luận rằng họ đã "giải phóng hòa bình" cho cao nguyên này vào năm 1951 và mang đến cơ sở hạ tầng cũng như nền giáo dục tiên tiến đến Tây Tạng - khu vực trước đây từng được coi là nơi kém phát triển.

Nhưng nhiều người Tây Tạng lưu vong đã cáo buộc ĐCSTQ đã đàn áp, tra tấn và làm xói mòn nền văn hóa của họ.

Khoảng một triệu trẻ em Tây Tạng đã bị tách khỏi gia đình và bị "đồng hóa cưỡng bức" tại các trường học ở Trung Quốc, ba chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết hồi tháng Hai.

“Các cơ chế như giam giữ tùy tiện, chuyển giao cưỡng bức, hãm hiếp, tra tấn, mất tích là tất cả các công cụ đã được ghi chép đầy đủ trong suốt quá trình Trung Quốc tiến hành hoạt động đồng hóa [ở Tây Tạng]", ông Gere nói.

Ông kêu gọi Hoa Kỳ và các đồng minh cần có "một tiếng nói thống nhất" về việc Bắc Kinh phải nối lại các cuộc đàm phán dẫn đến "quyền tự trị" cho người dân Tây Tạng.

Ông Gere lập luận rằng, Quốc hội Mỹ nên thông qua luật nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với người dân Tây Tạng, đồng thời thúc giục Washington gây sức ép với Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc để ngăn chặn việc trục xuất những người chăn nuôi du mục khỏi vùng đất tổ tiên của họ.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nhà lập pháp công bố một báo cáo về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tác động đến nhận thức về Tây Tạng và nhà lãnh đạo tinh thần Đức Đạt Lai Lạt Ma ở nước ngoài, đồng thời hạn chế sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với việc thu thập DNA và các dữ liệu y tế khác của người dân Tây Tạng.

Những lần nam diễn viên Richard Gere hứng trọn cơn thịnh nộ của ĐCSTQ

Năm 1993, nam diễn viên Richard Gere, khi đó là một trong những ngôi sao sáng giá nhất ở Hollywood, đã xuất hiện trên khắp thế giới - đặc biệt là ở Trung Quốc.

Tại lễ trao giải Oscar, ông Gere đã lên sân khấu để trao giải cho đạo diễn nghệ thuật xuất sắc nhất. Tuy nhiên, trước khi công bố người chiến thắng, ông Gere, một Phật tử tu hành và là người bạn lâu năm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, lúc đó hoàn toàn không có sẵn kịch bản trong tay, đã thẳng thắn chỉ trích việc ĐCSTQ chiếm đóng Tây Tạng cũng như “tình hình nhân quyền tồi tệ” ở nơi đây. Vì dám lên tiếng nói ra sự thật, ông Gere đã hứng chịu cơn thịnh nộ của ĐCSTQ. Một kết cục tất yếu là ông đã bị cấm tham gia các lần trao giải Oscar trong tương lai, và lệnh cấm này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Rõ ràng là ông Gere đã phải trả giá đắt cho sự chính trực của mình. Vào năm 2017, nam diễn viên nói với tờ The Hollywood Reporter rằng, "đã từng có (và vẫn còn) những bộ phim mà tôi không thể tham gia vì người Trung Quốc sẽ nói rằng 'không phải là ông ấy"'. Ông nói thêm,“ Gần đây tôi có tham gia một tập phim, và có người nói rằng họ không thể tài trợ cho bộ phim có sự tham gia của tôi vì nó sẽ khiến người Trung Quốc khó chịu”.

Chưa dừng lại ở đó, ĐCSTQ cũng ra sức kiểm duyệt những bộ phim mà họ “không vừa ý", trong đó phải kể đến Red Corner.

Bộ Phim Red Corner (1997) của Hollywood kể về một thương nhân người Mỹ (do diễn viên Richard Gere thủ vai). Ông tới Trung Quốc để mua bán vệ tinh, nhưng không may bị vướng vào một vụ án mưu sát, và ông Gere đã trở thành hung thủ. Bộ phim bóc trần góc tối trong ngành tư pháp cũng như hiện trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.

Bộ phim công chiếu lần đầu tại Mỹ đúng vào thời điểm cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân tới thăm Mỹ. Cuối cùng, diễn viên Gere bị liệt vào danh sách đen của ĐCSTQ và không thể tiến vào thị trường nước này.

Ngày 26/5/2019, tạp chí The Hill của Mỹ có đăng một đoạn bình luận nổi tiếng: “Các ngôi sao Hollywood hiếm khi dám đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm của ĐCSTQ, tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, trong đó có người bạn của Đức Đạt Lai Lạt Ma - nam diễn viên nổi tiếng Richard Gere”.

Ông Gere từng có lần chia sẻ với đài VOA Chinese rằng: “Hollywood hiện tại đang gia tăng quyền lực chuyên chế, các xưởng chế tác đều phải rất thận trọng, chỉ sợ đắc tội với chính phủ của thị trường phòng vé lớn thứ hai thế giới”.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ngôi sao điện ảnh Richard Gere: Chính sách Tây Tạng của ĐCSTQ là ‘tàn ác’