Truyền thông Trung Quốc tiết lộ 'cảnh sát Tân Cương tra tấn nghi phạm đến chết'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 14/1, tờ Caixin của Trung Quốc đã tung ra một bài viết bom tấn kể về vụ cảnh sát Tân Cương bức cung, tra tấn nghi phạm đến chết. Bài báo này đã nhanh chóng bị xóa, nhưng nội dung đã được truyền ra mạng xã hội ở nước ngoài và làm dấy lên sự phẫn nộ của cư dân mạng.

Caixin tiết lộ: Con trai của một sĩ quan cảnh sát lâu năm đã bị tra tấn đến chết

Vụ án trên, được nêu ra trong bài báo đặc biệt của tờ Caixin có nhan đề "Cái chết của nghi phạm Tôn Nhậm Trạch", đã xảy ra từ 5 năm trước.

Theo đó, bà Nhậm Đình Đình (Ren Tingting), hơn 50 tuổi, sống ở Tân Cương, có chồng làm cảnh sát lâu năm tại địa phương và đã qua đời khi thi hành công vụ. Con trai duy nhất của bà Nhậm tên là Tôn Nhậm Trạch (Sun Renze), đã bị bắt giữ hình sự vào ngày 27/3/2018 vì bị nghi cố tình gây sự và kích động rắc rối.

Trong khi anh Tôn Nhậm Trạch đang bị giam giữ tại Trại giam huyện Hoắc Thành thuộc châu tự trị Y Lê (Yili), anh này đã bị cảnh sát tra tấn bức cung, bao gồm: bị trói, bôi mù tạt, nhổ lông chân bằng băng keo, giật điện, treo vật nặng vào bộ phận sinh dục, làm ngạt thở bằng cách dùng khăn đắp lên mặt và giội nước nóng, v.v.

Vào sáng sớm ngày 27/9/2018, anh Tôn Nhậm Trạch đã rơi vào hôn mê sau khi bị nhiều cảnh sát tra tấn trong hơn 7 tiếng đồng hồ tại Trại giam huyện Hoắc Thành. Sau đó, anh này được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt ICU của nhiều bệnh viện và qua đời vào ngày 9/11 cùng năm. Khi ấy, anh Tôn còn chưa tròn 31 tuổi.

Trước khi có ‘bằng chứng thép’ để lật ngược vụ án, phía cảnh sát nói rằng trong khi bị thẩm vấn, anh Tôn Nhậm Trạch đã yêu cầu được uống nước và rồi bị nghẹn, dẫn đến hôn mê.

Bà Nhậm Đình Đình đã phải gánh chịu áp lực, chạy vạy khắp nơi để tìm ra sự thật về cái chết của con trai. Tính đến ngày 6/11/2023, tám sĩ quan cảnh sát bao gồm các ông Ngô Học Dân (Wu Xuemin), Lưu Hiến Vĩnh (Liu Xianyong)... đã bị Tòa án thành phố Khuê Đồn thuộc châu Y Lê buộc tội cố ý gây thương tích và bị tòa sơ thẩm kết án từ 3 đến 13 năm tù.

Tờ Caixin đã tiết lộ về "7 tiếng chí mạng” trên như sau: Khoảng 4h chiều ngày 26/9, do trước đó Tôn Nhậm Trạch đã bị tra tấn để bức cung nên hai chân không thể đi lại bình thường, cảnh sát Ngô Học Dân và những người khác đã mượn xe lăn và đẩy Tôn Nhậm Trạch vào trong phòng thẩm vấn. Trong hơn 7 tiếng đồng hồ này, cảnh sát lúc thì đồng thời, lúc lại dùng riêng các loại hình tra tấn như trói, đánh đập, treo lơ lửng, giội nước… đối với Tôn Nhậm Trạch. Vào lúc 0h37 sáng ngày 27/9, Tôn Nhậm Trạch đã bị hôn mê và được đưa ra khỏi phòng thẩm vấn, 43 ngày sau đó thì qua đời.

Phiên tòa xét xử cho thấy, Giám thị Trại tạm giam Tôn X Lượng (X là tên đệm bị giấu) đã ra lệnh cho Phó giám thị Sài X (X là tên thật bị giấu) tắt video giám sát, nhưng ông Sài đã bí mật mở camera giám sát gần cửa sổ phía sau để đề phòng rước họa vào thân. Chính video ghi lại quá trình thẩm vấn trong hơn 7 tiếng đồng hồ này của ông Sài đã trở thành bằng chứng then chốt lật ngược tình thế vụ án.

Theo lời khai của các bị cáo trước tòa, trong quá trình thẩm vấn, họ đã yêu cầu Tôn Nhậm Trạch ngồi xuôi hoặc ngồi ngược trên một chiếc ghế thẩm vấn bằng sắt (thường được gọi là "Ghế cọp"), mỗi lần ngồi 40 phút; hoặc là chỉ cho Tôn Nhậm Trạch mặc quần đùi và trói tứ chi của anh này vào 4 đầu giường, để thân thể nằm trên 3 thanh sắt, đồng thời đặt cục tạ lên vùng bụng; hoặc treo Tôn Nhậm Trạch lơ lửng trên không, đắp khăn lên mặt và xối nước.

Ảnh minh họa Ghế cọp. (Minghui.org)
Ảnh minh họa các hình thức tra tấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Trong đó 2 hình thức ở trên, bên phải đã được áp dụng cho nghi phạm Tôn Nhậm Trạch. (Minghui.org)

Video giám sát cho thấy, từ 4h chiều đến 11h30 phút đêm, trong hơn 7 tiếng đồng hồ, anh Tôn Nhậm Trạch đã bị đắp khăn lên mặt và giội nước hoặc bị đổ nước trực tiếp lên mặt hơn 10 lần, trong đó có 2 lần kéo dài 16 phút và 15 phút (cách tra tấn này khiến cho nạn nhân không có oxy để thở và gây cảm giác giống như chết đuối). Mỗi lần bị treo lơ lửng kéo dài hơn 20 phút.

Anh Tôn Nhậm Trạch cũng bị đánh vào bắp chân và gót chân bằng ống nhựa PVC màu trắng, và bị sốc điện. Để tránh để lại vết thương rõ ràng ngoài da, những người thẩm vấn đã quấn khăn bông và thắt lưng quân đội vào cổ tay và mắt cá chân của Tôn Nhậm Trạch. Anh Tôn Nhậm Trạch từng hét lớn và cầu xin tha mạng.

Cảnh sát Lưu Hiến Vĩnh, người lần đầu tiên gia nhập đội điều tra tội phạm, đã dùng những thủ đoạn "biến thái" nhất để bức cung, bao gồm: dùng băng dính nhổ lông chân của Tôn Nhậm Trạch, treo chai Coca chứa đầy nước lên bộ phận sinh dục của Tôn Nhậm Trạch, hoặc đeo găng tay cao su để véo bộ phận sinh dục của Tôn Nhậm Trạch. Việc nhổ lông chân, tra tấn bằng nước (đắp khăn lên mặt và đổ nước lên khăn, hoặc đổ nước trực tiếp vào miệng và mũi) hầu hết đều do Lưu Hiến Vĩnh thực hiện.

Tại phiên tòa, Lưu Hiến Vĩnh đã thừa nhận hành vi trên: “Tôi muốn xúc phạm nhân cách của Tôn Nhậm Trạch và phá hủy phòng tuyến tâm lý của anh ta”.

Bị cáo Cận Bác Văn (Jin Bowen) nhớ lại những giây phút cuối cùng của Tôn Nhậm Trạch như sau: “... trói Tôn Nhậm Trạch vào giường, sau đó bắt đầu giội nước, còn bôi mù tạt lên mắt và mũi của Tôn Nhậm Trạch để khiến anh ta khó chịu, đổ nước vào mũi Tôn Nhậm Trạch và có người khác lấy khăn đắp lên miệng và mũi của Tôn Nhậm Trạch, rồi lại tiếp tục đổ nước, đổ như vậy 3 - 4 lần, trong quá trình đó Tôn Nhậm Trạch đã bị hôn mê".

Theo hồ sơ nhập viện tại Bệnh viện huyện Hoắc Thành: bệnh nhân được đưa vào lúc 1h30 sáng ngày 27/9 trong tình trạng ngừng thở, không có mạch, đồng tử giãn. Không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Bài viết đã bị xóa, làm dấy lên sự phẫn nộ

Bài viết đặc biệt của Caixin đã nhanh chóng bị xóa. Nhưng trên một số nền tảng khác vẫn còn ảnh chụp màn hình bài báo “Cái chết của nghi phạm Tôn Nhậm Trạch”.

Có cư dân mạng Trung Quốc bình luận: “[Bài báo] không còn nữa rồi. Có một số người không thể chịu nổi khi sự thật bị tiết lộ. Xin gửi sự tôn kính tới phóng viên”.

Bài viết trên Caixin đã bị xóa. (Ảnh chụp màn hình)

Thông tin này cũng được lan truyền trên nền tảng X ở nước ngoài (trước đây là Twitter) và làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi về chính quyền Trung Quốc.

zuoshoumoji: "Tôi lạnh sống lưng sau khi đọc bài viết ‘Cái chết của nghi phạm Tôn Nhậm Trạch’ trên Caixin. Tin tức về xã hội lẽ ra phải được đăng như thế này. Đáng buồn thay, mới đăng không lâu đã bị chặn trên toàn mạng Internet [ở Trung Quốc]. Đúng là vô pháp vô thiên!".

Pipiru zai meiguo: “Phó giám thị trại tạm giam đã tính trước, mọi người trong bộ máy quan chức [Trung Quốc] đều phải tự bảo vệ mình, giống như Vương Lập Quân lưu giữ bằng chứng về Bạc Hy Lai. Ai cũng phải giữ bằng chứng để phòng trường hợp gió ngược chiều còn giữ lấy thân”.

ziyousuiwo: "Người Trung Quốc ở Trung Quốc có thể mất mạng bất cứ lúc nào, theo nhiều cách khác nhau, đó là một hệ thống chuyên chế. Nếu bạn tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết cục của bạn sẽ giống như những nạn nhân của phong tỏa Thượng Hải, lũ lụt Trác Châu, lũ lụt Trịnh Châu, động đất Tứ Xuyên, hoặc vô số nạn nhân thời Covid-19. Nếu bạn tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, thần chết đang vẫy tay chào bạn”.

jindoe168: "Thật đáng sợ. Họ thường xuyên làm như vậy nhưng lần này mới bị bắt. Ở nước Mỹ là lãnh án tử hình rồi".

Miegong xiaonengshou: "Cơ quan An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc giống như Gestapo của Đức Quốc xã, có cùng suy nghĩ và hành vi, là một tổ chức tội phạm chống lại xã hội và chống lại nhân loại!".

Xi Sheng Xuan Shi Tan: “Không có nền tư pháp độc lập, không ai được an toàn”.

Molihua: "Bây giờ không thể tìm thấy bài viết này trên toàn bộ Internet, cũng không gửi được ảnh chụp màn hình về Tôn Nhậm Trạch trong nhóm WeChat".

Milou: “Tội cố tình gây sự và kích động rắc rối [ở Trung Quốc] tức là không đưa ra được tội danh cụ thể nào, vậy mà bị đánh chết, dù sao thì vẫn là con của cảnh sát mà, có vẻ như họ không nể nang ai".

Bình luận: Các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc còn bị tra tấn tàn bạo hơn

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times rằng, việc Caixin đăng tin tức này cho thấy đây là động thái của một người có lương tâm trong hệ thống, nhưng việc xóa bài lại cho thấy đây là nội dung nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc phải dập tắt tin tức để đảm bảo an ninh chính trị.

Ông Lý còn chỉ ra rằng, “Mặt khác, bài báo này một lần nữa đã chứng minh rằng thực sự có tồn tại hàng trăm hình thức tra tấn khủng khiếp mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công. Những gì được tiết lộ chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, sự tra tấn đối với các học viên Pháp Luân Công thậm chí còn tàn bạo hơn”.

Trong các cơ sở giam giữ, Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng hàng trăm phương pháp tra tấn để tra tấn các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh minh họa từ Minghui.org)

Pháp Luân Công là gì?

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cổ xưa của Trung Quốc, bao gồm các bài tập khí công và tĩnh tọa. Các học viên tập trung vào việc nâng cao tâm tính bằng cách áp dụng nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày.

Kể từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, môn tu luyện này đã lan rộng khắp Trung Quốc với khoảng 70 - 100 triệu người tu luyện vào cuối thập kỷ 90, theo ước tính của chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó. Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cấm người dân thực hành theo pháp môn này từ ngày 20/7/1999, đồng thời phát động một chiến dịch đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công.

Từ đó đến nay, rất nhiều học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã bị bắt giữ hoặc bị giam cầm do đức tin của họ. Theo ước tính của Trung Tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, có hàng triệu học viên đã bị bắt giữ và hàng trăm ngàn người đã bị tra tấn dã man. Không chỉ ở Trung Quốc, cuộc bức hại còn được mở rộng ra nước ngoài.

Ngoài ra, theo các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm của Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) có trụ sở tại Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thu hoạch một lượng lớn nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công và tạo nên một ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng khổng lồ cũng như thiết lập một kho tạng có mạng lưới trên toàn Trung Quốc.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Trung Quốc tiết lộ 'cảnh sát Tân Cương tra tấn nghi phạm đến chết'