Vaccine COVID bản cập nhật không có tác dụng tăng cường miễn dịch cho người đã tiêm chủng và từng nhiễm bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu mới, các loại vaccine COVID-19 cập nhật không mang lại thêm bất kỳ sự bảo vệ nào cho những người đã tiêm chủng và từng nhiễm bệnh trước đó.

Các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản phát hiện rằng những người đã tiêm thêm một trong các loại vaccine mới này thậm chí còn có tỷ lệ nhiễm bệnh nhẹ cao hơn so với nhóm chỉ tiêm các loại vaccine cũ.

Nghiên cứu so sánh hai nhóm: một nhóm tiêm ít nhất 2 mũi vaccine Pfizer hoặc Moderna ban đầu, một nhóm tiêm thêm 1 mũi vaccine cập nhật sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cũ.

Nhóm nghiên cứu, thuộc Viện Quản lý và Điều hành Chăm sóc Sức khỏe thuộc Đại học Kyushu cùng các tổ chức khác, cho biết: "Chúng tôi không tìm thấy đủ bằng chứng về hiệu quả của vaccine cập nhật trên những người lớn tuổi đã từng nhiễm bệnh trước đó".

Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí BMC Infectious Diseases sau khi được đánh giá ngang hàng.

Tác giả chính của nghiên cứu không phản hồi yêu cầu bình luận.

Tiến sĩ Jeffrey Klausner, Giáo sư lâm sàng về Y học, Dân số và Khoa học Sức khỏe Cộng đồng tại Trường Y Keck thuộc Đại học Nam California, chia sẻ qua email với The Epoch Times rằng, "nghiên cứu này cho thấy việc tiêm vaccine tăng cường ở những người chưa từng nhiễm bệnh trước đó đóng vai trò quan trọng và có giá trị hơn [so với] những người đã từng nhiễm bệnh, vốn có tác động nhỏ hơn hoặc không có".

Ở những người đã tiêm chủng nhưng chưa từng nhiễm bệnh, nghiên cứu ước tính vaccine tăng cường lưỡng trị (bivalent) giúp cải thiện 18,6% khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng.

Khi phân tầng theo thời gian, các nhà nghiên cứu ước tính mũi vaccine tăng cường lưỡng trị ban đầu tăng thêm 0,6% khả năng bảo vệ. Khả năng bảo vệ bổ sung này đạt đỉnh ở mức 26,5% và giảm xuống 21,7% sau 34 ngày.

Nghiên cứu không đánh giá về khả năng bảo vệ lâu dài của vaccine lưỡng trị.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y tế Nhật Bản và Hiệp hội Khuyến khích Khoa học Nhật Bản. Các tác giả tuyên bố không có xung đột lợi ích.

Vaccine lưỡng trị (bivalent) cũng được sử dụng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia khác từ mùa thu năm 2022 đến mùa thu năm 2023.

Chúng được đưa vào sử dụng mà không có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vì các loại vaccine ban đầu đã không còn hiệu quả đối với các biến thể mới của virus gây ra COVID-19. Loại vaccine này cũng từng được khuyến nghị rộng rãi tại Hoa Kỳ.

Kể từ đó, vaccine lưỡng trị đã được thay thế bằng vaccine đơn trị nhắm vào biến thể phụ XBB.1.5, mặc dù chủng mới đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Tại Nhật Bản, vaccine mới có sẵn cho người dân, nhưng chính quyền chỉ khuyến nghị cho người già và người có bệnh nền.

Tại Hoa Kỳ, các quan chức khuyến nghị gần như tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên tiêm vaccine mới, bất kể họ đã từng nhiễm bệnh trước đó hay chưa. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chỉ có 22% người lớn và 11% trẻ em đã tiêm một trong những loại vaccine mới này.

Tiến sĩ Klausner, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta cần phân loại trong khuyến cáo tiêm chủng - việc tiêm chủng ít hiệu quả ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh nói chung và những người đã khỏi bệnh. Nỗ lực tiêm chủng nên hướng đến những người có nguy cơ cao gặp biến chứng và bệnh nặng như người già, người có bệnh mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch hoặc những người thuộc một trong hai nhóm này chưa từng nhiễm bệnh trước đó".

Nhật Bản sử dụng hai phiên bản của vaccine lưỡng trị, một nhắm vào biến thể phụ BA.1 và một dựa trên các dòng phụ BA.4 / BA.5. Hoa Kỳ chỉ sử dụng phiên bản nhắm vào dòng phụ sau.

Nghiên cứu khác

Một số nghiên cứu khác cũng tập trung vào vaccine lưỡng trị, bao gồm một nghiên cứu từ Hàn Quốc.

Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho biết những người tiêm vaccine lưỡng trị BA.1 đã từng nhiễm bệnh trước đó có kết quả bảo vệ giảm sút nghiêm trọng, với hiệu quả thực tế là âm 77%.

Đối với những người đã tiêm chủng, từng nhiễm bệnh và tiêm loại vaccine lưỡng trị khác, khả năng bảo vệ giảm khoảng 59%.

Trong khi đó, đối với những người đã tiêm chủng nhưng chưa từng nhiễm bệnh, khả năng bảo vệ của cả hai phiên bản vaccine lưỡng trị đều giảm khoảng 35%.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Vaccine lưỡng trị dựa trên BA.1 chỉ có hiệu quả ở những người chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 trước đó".

Hạn chế của nghiên cứu: Không phân tầng theo nhà sản xuất vaccine, được tài trợ bởi Trường Cao đẳng Y khoa Đại học Hàn Quốc và không có tuyên bố về xung đột lợi ích của các tác giả.

Các nhà nghiên cứu Châu Âu ước tính vaccine lưỡng trị cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng ban đầu, nhưng khả năng bảo vệ này giảm xuống gần bằng 0 theo thời gian.

Nghiên cứu kiểm tra hồ sơ của người lớn tuổi từ 60 trở lên bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2023.

Hiệu quả của vaccine bắt đầu ở mức 80% chống lại nhiễm trùng nhưng giảm xuống 0% sau 269 ngày.

Các nhà nghiên cứu không điều chỉnh cho tình trạng nhiễm trùng trước đó (một trong những hạn chế của nghiên cứu).

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu.

Tác giả nghiên cứu có xung đột lợi ích: một tác giả nhận tài trợ từ Pfizer, một tác giả khác nhận thanh toán từ Pfizer.

Theo Zachary Stieber - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Zachary Stieber là phóng viên cấp cao của The Epoch Times có trụ sở tại Maryland. Anh phụ trách đưa tin về nước Mỹ và thế giới.



BÀI CHỌN LỌC

Vaccine COVID bản cập nhật không có tác dụng tăng cường miễn dịch cho người đã tiêm chủng và từng nhiễm bệnh