Bí ẩn về thiện đàn giáng bút

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những nghi lễ dân gian, rất đặc biệt của người Việt xưa là Thiện đàn, tức nghi lễ cầu Thần, Phật, Tiên, Thánh giáng bút, ban cho bộ kinh, lời chỉ dẫn, tiên tri, hay các bài thơ văn.

Thánh giáng bút

Thiện đàn, giáng bút ở Việt Nam đã có từ hàng trăm năm lịch sử, nhưng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là phát triển mạnh mẽ nhất. Hiện nay, Viện Hán nôm vẫn đang lưu trữ 254 cuốn thơ văn giáng bút gồm hàng vạn bài thơ, văn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, danh sĩ Phạm Đình Hổ (1768 - 1839), trong “Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả” có thuật chuyện ông ngoại của mình như sau: “Cụ có thuật bói tiên, thường lấy cành đào làm thành hình mỏ hạc treo lên một cần trúc, lấy một cái sọt tre đựng đầy ắp cát sạch, đặt cần trúc bên cạnh rồi đốt bùa đọc phép, cái mỏ hạc tự nhiên chuyển động, vạch thành chữ trên cát”.

Hoạt động này có phải là truyền bá mê tín, hay tụ tập đông người mưu đồ xấu không? Thời Pháp thuộc, chính quyền bảo hộ có mối lo ngại như thế, nên cũng đã lệnh cho các quan chức địa phương theo dõi sát sao hoạt động của các thiện đàn. Học giả Đào Duy Anh cũng đã từng kể về chuyện này trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm” như sau:

Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh kể lại rằng trong thời gian giáng bút và ấn hành bản kinh này thì Lý trưởng và Phó lý xã Hạc Châu sợ liên luỵ nên đã báo cáo cho quan lại sở tạị. Chính quyền thực dân giao cho Bùi Bằng Đoàn bấy giờ làm Tri phủ Xuân Trường điều tra. Bùi Bằng Đoàn cho vợ có sai nha đi theo đến đàn để thử, viết một tờ sớ bỏ vào phong bì kín. Hàng ngày khách thập phương qua lại để lễ và xin kinh rất đông, nhiều người sang trọng, cho nên chẳng ai để ý đến đó là bà phủ Xuân Trường. Theo lệ thì người đến lễ đặt phong bì kín lên bàn thờ, Thánh phải giáng bút chỉ tên người ấy, có đúng thì người ta mới tin. Thánh bèn giáng bút cho ngay một câu thơ rằng:

Côn dược thiên trùng thương hải ngoại;
Bằng Đoàn vạn lý tử tiêu gian.

Thế là chỉ rõ tên Bùi Bằng Đoàn ra bằng một câu thơ, mà các nhà Nho học giỏi đều nhận là rất hay, bình thường khó có người tức tịch làm ra được, huống chi người cầm kê đây là người sức học cũng tầm thường.

Bùi Bằng Đoàn do đó tin là có tiên Thánh giáng bút thực, báo cáo lên tỉnh rằng đó là việc tôn giáo thực chứ không phải là hoạt động chính trị như hương lý báo. Sau đó án sát Nam Định là Mai Toàn Xuân cũng cho vợ đến lễ để đặt phong bì kín và thử như thế. Bùi Bằng Đoàn là người Nho học có tiếng cho nên được giáng bút một câu thơ chữ. Mai Toàn Xuân xuất thân là bồi Tây nên ít học, chỉ được giáng bút một câu thơ Nôm, nhưng cũng vạch rõ cả ba chữ họ tên như vẽ ra:

Đầu cành Mai mới điểm hoa;
Non sông bốn bể đâu mà chẳng Xuân?

Sau đó tỉnh báo cáo lên Thống sứ rằng đây chỉ là một hoạt động tôn giáo, không nên ngăn cấm.

Thiện đàn, tức nghi lễ cầu Thần, Phật, Tiên, Thánh giáng bút, ban cho bộ kinh, lời chỉ dẫn, tiên tri, hay các bài thơ văn.

Giáng bút ở các tôn giáo tín ngưỡng khác

Cùng thời điểm các thiện đàn phát triển mạnh ở miền Bắc thì tại miền Nam, Đạo Cao Đài xuất hiện trên cơ sở giáng bút, được gọi là cơ bút, gồm:

  • Cơ Bút Phổ Độ: Cơ Bút này Thượng đế dùng để thu nhận môn đệ trực tiếp khi chúng sanh tham gia hầu đàn.
  • Cơ Bút Phong Thánh: Cơ Bút này, trong hai đồng tử thì phải có tối thiểu là một đồng tử thuộc chi Pháp hay chi Đạo.
  • Cơ Bút Dạy Đạo: Cơ Bút này để cho chúng sanh được tiếp xúc cùng các Đấng vô hình mà học hỏi nên không cấm. Nhưng thường phải là các chức sắc từ phẩm Giáo Hữu trở lên mới nên cầu cơ. Cơ Bút này không cấm, nhưng tất cả những đàn cơ tại tư gia, cá nhân, hội nhóm này đều phải được giữ kín, cấm không được truyền bá ra ngoài (vì có khả năng làm loạn nhân sanh và nếu như những đàn cơ này bị tà quái dẫn dắt)


Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài. (Phạm vi công cộng)

Có thể thấy, giáng bút ở các thiện đàn khá giống với Cơ Bút Dạy Đạo của Đạo Cao Đài. Tuy nhiên, như lưu ý trong Đạo Cao Đài, nếu không có bậc cao Đạo chủ trì, thì những đàn cơ (thiện đàn) dễ bị tà quái dẫn dắt, rất nguy hiểm cho bản thân và nguy hại cho người khác cũng như xã hội.

Thực ra đây là một phương pháp chiêm bói của tiểu Đạo, gọi là phù cơ, phù kê, giáng bút, cầu Tiên… nó có nguồn gốc từ thời cổ đại Trung Quốc, là sự pha trộn của Đạo giáo và Vu thuật.

Danh thần triều Thanh Tăng Quốc Phiên và Phù kê

Đầu năm Hàm Phong thứ 8 (năm 1857), Tăng Quốc Phiên về nhà chịu tang cha, thấy người em trai thứ 9 là Tăng Quốc Toàn mời người làm nghi lễ chiêm bói Phù kê, bèn đến xem.

Phù kê: Tiên tri thảm bại sau đại thắng Cửu Giang

Lúc này, Tăng Quốc Phiên vừa có chiến thắng Cửu Giang, tiến quân đang rất thuận lợi, ông dự tính sẽ tiếp tục tiến về phía đông, quét sạch quân Thái Bình Thiên Quốc. Thế là ông thử xem bói Phù kê xem kết quả thế nào.

Kết quả giáng bút cho một chữ “Bại”. Mọi người đều cảm thấy việc tiến quân sẽ vô cùng bất lợi. Tăng Quốc Phiên xem kết quả cũng rất kinh ngạc, ông nghĩ, vừa có đại thắng Cửu Giang, khí thế quân sĩ đang dâng cao, sao có thể có tiên trị thất bại được?

Phù kê nói: “Chữ Bại này có liên quan đến chiến thắng Cửu Giang”.

Tăng Quốc Phiên lại hỏi: “Cửu Giang mới đại thắng, vận khí đang tốt, vậy chữ Bại này chỉ điều gì?”

Phù kê nói: “Chữ Bại này không những liên quan đến cục diện thiên hạ, đồng thời còn có liên quan mật thiết đến vận mệnh nhà họ Tăng”

Tăng Quốc Phiên nghe những câu trả lời này bèn hỏi: “Thần Thánh giáng xuống cho lời tiên này là Thần Thánh phương nào?”

Phù kê trả lời: “Tiên tự xưng danh là người họ bành, người Cố Thủy, Hà Nam, khi sống làm quan Đô tư, chết ở nạn Cố Thủy, Hà Nam. Hiện là Thần Thành hoàng của Đại Lý phủ, Vân Nam”.

Tăng Quốc Phiên nghe Phù kê trả lời, tuy cảm thấy tôn kính vị Thần linh này, nhưng trong tâm không khỏi cảm thấy bối rối khó hiểu, trong tâm luôn day dứt về lời tiên tri này.

Thảm bại đúng như tiên tri

Không lâu sau, Tăng Quốc Phiên lại xuất quân. Quân đội của Tăng Quốc Phiên bị thảm bại trong chiến dịch Tam Hà. Thất bại này không chỉ khiến triều đình nhà Thanh mất một danh tướng: Lý Tục Tân tử trận, mà em trai của Tăng Quốc Phiên là Tăng Quốc Hoa cũng bị mất tích trong đám loạn quân. Sau này, Tăng Quốc Phiên dốc hết sức tìm kiếm, nhưng cuối cùng cũng chỉ tìm thấy thi thể em trai bị mất đầu.

Sau thảm bại này, Tăng Quốc Phiên mới thể nghiệm được chữ “Bại” khi bói Phù kê là chỉ thất bại Tam Hà: “Hôm nay quan sát, thất bại Tam Hà, em trai tử trận, phải chăng đều là số mệnh tiền định?”

Thuật xem tướng của Tăng Quốc Phiên
Chân dung Tăng Quốc Phiên. (Ảnh: phạm vi công cộng)

Lý giải Phù kê giáng bút

Học giả Việt Nam đầu tiên quan tâm đến giáng bút có lẽ là Lê Quý Đôn. Khi đi sứ nhà Thanh năm 1959, ông đã sưu tầm được sách “Âm chất văn chú”, một kinh điển của Đạo giáo có được nhờ giáng bút.

Năm 1825, tại đền Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, Hà Nội đã tổ chức khắc in bộ sách “Quan Phu tử kinh huấn hợp khắc” chép lời giáng bút của Quan Thánh đế quân, tức Quan Công.

Theo các tài liệu lưu trữ thì Phù kê giáng bút hình thành từ thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc (tức thế kỷ thư 5, 6). Đến các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thì Phù kê càng thịnh hành.

Thời Đông Tấn, ba người Dương Hi, Hứa Mật, Hứa Tường lập Kê đàn, thỉnh Thần Tiên giáng xuống, giáng bút nhiều kinh điển Đạo giáo, trong đó bộ “Thái Thanh động Chân kinh” là bộ kinh chủ yếu. Ba người lập kê đàn, sau này in tổng cộng 127 bộ kinh sách, có được đều qua nghi thức Phù kê giáng bút.

Đến thời Tùy Đường, kinh sách giáng bút Đạo giáo đã rất phát triển, và ảnh hưởng sang cả Phật giáo, cũng xuất hiện kinh giáng bút Phật giáo.

Từ thời Tống trở đi, Phù kê giáng bút không còn trong tôn giáo nữa, mà đã lan ra dân gian. Người ta dùng Phù kê giáng bút để bói toán, thậm chí giải trí.

Phù kê giáng bút là Thần Thánh hay ma quỷ?

Thứ nhất, các bậc giác ngộ như Phật Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử chưa bao giờ giáng nhập vào thân thể người phàm, các Ngài chỉ dùng chính bản thân mình làm mẫu, dạy con người con đường thoát khổ, vượt qua luân hồi: Tu Phật, tu Đạo. Các giác giả độ nhân, đều phải tự mình giáng sinh cõi phàm, dùng thân phàm đi theo con đường tu luyện, khai ngộ, nhớ lại Pháp của mình, rồi giảng ra để giúp những ai có duyên đắc Pháp, tu luyện viên mãn, theo con đường mà bậc Giác giả đó đã đích thân khai sáng.

Thứ hai, nhục thân người phàm trần rất dơ bẩn, ngay cả những Đạo sĩ, hòa thượng còn đang tu luyện, chưa vượt qua Tam giới, siêu vượt luân hồi, thì thân xác cũng còn rất dơ bẩn, các bậc Giác giả không giáng nhập, vậy ai có thể giáng nhập. Chỉ có thể là những Thần Tiên, Thiên nhân, Thần ở tầng thấp trong Tam giới giáng nhập, thậm chí những linh thể thấp như âm hồn, ma quỷ, động vật phụ thể.

Vậy nên, các tăng nhân, Đạo sĩ, người tu luyện theo tiểu Đạo, tiểu Pháp, họ có thể áp dụng Phù kê giáng bút này, và được những vị Thần, Thánh, Tiên ở trong Tam giới giáng nhập giảng kinh sách, cho lời tiên tri… Tuy nhiên, những người tu Đạo, tu Phật, và những người tu luyện theo Đại Đạo, Đại Pháp thì nhất định không được dùng phương pháp này, vì như vậy phạm vào đại cấm kỵ trong tu luyện là “bất nhị Pháp môn”, tu theo tiểu Pháp, tiểu Đạo.

Các Giác giả hạ thế độ nhân, đều phải chuyển sinh trong thân phàm như người thường, truyền Đạo giảng Pháp, dạy con người tu luyện thoát khỏi luân hồi. (Tranh: Locminhduong)

Ngày nay là thời loạn thế mạt Pháp, con người cũng không còn tâm pháp ước thúc bản thân nữa, đến các nơi thờ tự, đền chùa miếu mạo thường cũng là cầu tiêu tai giải hạn phát tài, thăng quan tiến chức, cầu sinh con, tình duyên… Điều này hoàn toàn ngược với tất cả các Pháp môn tu luyện, yêu cầu tu tâm, đoạn dục, trừ bỏ chấp trước, chịu khổ tiêu nghiệp, dần dần đạt đến vô vi, không còn chấp trước, đạt đến giải thoát, vượt ra ngoài Tam giới, vượt luân hồi, đắc Đạo, viên mãn. Thế nên, khi cái tâm cầu danh lợi tình thế gian, khi trong tâm còn đầy thất tình lục dục, mà dùng phương pháp Phù kê giáng bút, hay thiện đàn, cầu cơ, thì ắt sẽ chiêu mời những linh thể tầng thấp như ma quỷ, tà linh, linh thể ở các không gian khác. Dù nó có thể tạm thời cho người cầu xin được khỏi bệnh, phát tài, nhưng nó lại lấy đi tinh hoa của người cầu, hoặc người nhà.

Hiện nay chúng ta thấy, có khá nhiều người hầu đồng, nói rằng Thần, Thánh nhập, nhưng với tình trạng đạo đức nhân loại suy thoái, mạt thế mạt Pháp như hiện nay, thì phần nhiều không còn Thánh Thần quản nữa, mà là các linh thể, tà linh, phụ thể. Rất dễ thấy là, nếu không làm lễ cho “Thánh” thì sẽ bị “trừng phạt”, bị đau đầu, bệnh nặng thêm… Và cứ làm lễ thì lại “khỏe mạnh”.

Một người vốn là bà đồng khá có danh tiếng ở miền Bắc có kể lại:

Trước đây, tôi phụng sự cửa Điện tại gia và có rất nhiều con nhang đệ tử. Họ cùng tôi phụng sự Phật, Thánh theo cái lối người ta gọi là căn quả. Hai mươi năm thờ Điện tôi luôn có hiện tâm trạng bất thường, cứ mơ mơ màng màng, lúc quên lúc nhớ, lúc là mình, lúc lại chẳng biết mình là ai. Khi xem bói, cúng lễ, gọi hồn đều làm trong trạng thái mơ màng không chủ động được bản thân mình. Cúng lễ, kêu cầu, vàng mã tiến dâng không biết là bao nhiêu, khó mà tính cho được. Công việc như vậy kéo dài suốt 20 năm – 20 năm ấy cứ sống trong tất bật, mơ màng, lúc nào cũng lo cúng lễ khắp nơi, lúc gần lúc xa, lúc lên rừng, lúc xuống biển, vất vả đến khôn cùng, nếu ngơi tay không làm tôi sẽ bị ốm.

Thế nên, các nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo, hay các môn tu luyện, cần chú ý, nếu có cầu xin, dâng lễ cầu… thì cần hết sức cẩn thận, dễ bị các thứ tà, linh thể, âm hồn phụ thể. Khi đó, rất khó đuổi nó đi được, bởi vì: “Mời ‘thần’ đến thì dễ, mời ‘thần’ đi thì khó”.

Trung Hòa

Tài liệu tham khảo:

"Thương giống nòi thần tiên giáng bút" - Nguyễn Xuân Diện; Visiontimes; tansinh; wikipedia; baike.baidu



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn về thiện đàn giáng bút