Thời trẻ Chu Nguyên Chương viết một chữ Nhất, thầy toán mệnh bảo ông trốn đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương từ ăn xin đến làm hoàng đế, nên bản thân ông đã có rất nhiều truyền kỳ, những câu chuyện về ông nhiều không đếm xuể. Câu chuyện ông xem toán mệnh trước trận chiến đánh bại cường địch Trần Hữu Lượng chính là một trong số đó.

Trước trận quyết chiến với Trần Hữu Lượng, Chu Nguyên Chương dẫn đại quân từ Hòa Châu vượt sông hành quân theo đường Thái Bình, sau đó tạm thời đóng quân. Chu Nguyên Chương là người không chịu nổi nhàn rỗi, do thân thế khổ cực bi thương, nên ông luôn thích đi khắp nơi xem xét tình hình cuộc sống của người dân. Hôm đó, Chu Nguyên Chương mặc bộ y phục vải thô rách rưới, cũng không đem theo thị vệ, một mình đi ra ngoài.

Chu Nguyên Chương là người không chịu nổi nhàn rỗi, do thân thế khổ cực bi thương, nên ông luôn thích đi khắp nơi xem xét tình hình cuộc sống của người dân. (Ảnh: epochtime)

Do chiến tranh loạn lạc liên miên, đại đa số người dân đều ăn chưa đủ no, nên trên phố rất đìu hiu. Chu Nguyên Chương vừa đi vừa than thở. Lúc này đột nhiên bên tai ông vọng đến tiếng gọi: “Vị đại huynh này tướng mạo phi phàm, nhìn là biết người đại phú đại quý. Này… đừng đi nhé, tôi vốn là thầy toán mệnh, không đúng không lấy tiền”.

Chu Nguyên Chương thuận thế bước đến, buộc miệng hỏi: “Tiên sinh đoán tiền đồ cho tôi nhé”.

Thầy toán mệnh quan sát Chu Nguyên Chương một lát, sau đó bảo ông hãy viết một chữ. Thế là Chu Nguyên Chương viết lên mặt đất chữ Nhất (一) rồi nói: “Là chữ Nhất này, mời tiên sinh đoán đi”.

Thầy toán mệnh kinh nhạc nhìn một lát rồi ngẩng đầu nhìn Chu Nguyên Chương, rồi đột nhiên cuống quýt xóa chữ đi, sau đó kéo Chu Nguyên Chương lại và ghé tai nói nhỏ: “Anh mau trốn đi, không được nói bất cứ điều gì. Chạy thoát mạng là quan trọng nhất”.

Chu Nguyên Chương lắc đầu, cứ nhất quyết hỏi cho rõ ràng. Thầy toán mệnh nói khẽ: “Chữ Nhất (一) này, viết ở trên mặt đất, tức Thổ (土) thì chính là chữ Vương (王). Sau này anh nhất định sẽ làm hoàng thượng. Hiện nay Chu Trọng Bát (tên gốc của Chu Nguyên Chương) đã đem quân đến rồi, sẽ quyết chiến với Trần Hữu Lượng. Nếu việc này mà để Chu Trọng Bát biết được thì cái mạng của anh khó mà giữ được. Nghe nói ông ấy rất tin vào những việc như toán mệnh, đoán chữ như thế này. Anh còn nói nhiều lời gì nữa, mau trốn đi”.

Chu Nguyên Chương vừa kinh ngạc vừa vui mừng, thầm nghĩ: “Theo như những lời này của thầy toán mệnh, vậy trận quyết chiến với kẻ địch mạnh Trần Hữu Lượng lần này, mình sẽ khắc chế được và chiến thắng chăng?”.

Thế là Chu Nguyên Chương lại hỏi: “Vậy ngài xem, Chu Trọng Bát và Trần Hữu Lượng, ai sẽ chiến thắng?”

Thầy toán mệnh vừa đẩy Chu Nguyên Chương đi vừa nói: “Phùng hung chi xứ bất thị hung, chỉ nhân Trọng Bát hựu phùng xuân (Gặp nơi hung hiểm lại không hung hiểm, Trọng Bát lại gặp mùa xuân). Trọng Bát ắt sẽ thắng. Chớ nói nhiều nữa, mau chạy đi”.

Chu Nguyên Chương vốn muốn đưa tiền cho thầy toán mệnh, nhưng lại phát hiện ra không mang theo một xu nào, thế là Chu Nguyên Chương ôm quyền nói: “Xin thụ giáo, sau này nếu phát đạt, tại hạ nhất định sẽ đến cảm tạ”.

Nhiều ngày sau, trong trận chiến hồ Bà Dương, Chu Nguyên Chương quả nhiên nhất cử tiêu diệt Trần Hữu Lượng. Thế là Chu Nguyên Chương đích thân đến tìm thầy toán mệnh này, nhưng tìm khắp mà không thấy.

Câu chuyện truyền kỳ này cũng được ghi chép trong sử sách “Minh triều tiểu sử” rằng: “Thái tổ từ Hòa Châu vượt sông đi đường Thái Bình, gặp một thuật sĩ, hỏi rằng: Thiên hạ loạn lạc, sẽ thuộc về ai? Thuật sĩ trả lời rằng: Xin viết một chữ để xem bói. Thái tổ lập tức rút dao vẽ một chữ Nhất trên mặt đất. Thuật sĩ cúi xuống xe rồi bái lễ nói rằng: Một chữ Nhất trên mặt đất tức trên chữ Thổ, thần biết ngài là Vương”.

Tường Hòa
Theo Apollo

 



BÀI CHỌN LỌC

Thời trẻ Chu Nguyên Chương viết một chữ Nhất, thầy toán mệnh bảo ông trốn đi