10 sự cố gần đây khiến Bắc Kinh đau đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong hơn ba tuần qua, từ công trình ‘bã đậu phụ’ bị sập đến lũ lụt ở phía bắc, từ lĩnh vực bất động sản đến tài chính, từ trong nước cho đến nước ngoài, các rắc rối lũ lượt kéo đến khiến chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đau đầu.

Mái nhà thể chất ở Tề Tề Cáp Nhĩ bị sập, ít nhất 11 người tử vong

Ngày 23/7, mái nhà tập thể dục của trường trung học số 34 ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang đã bị sập trong khi các thành viên đội bóng chuyền nữ của trường đang tập luyện ở bên trong. Theo tin tức chính thức mới nhất, 11 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Nhà thể chất này được xây dựng vào năm 1997, tới nay mới sử dụng được hơn 20 năm.

Giới chức nói rằng, điều tra sơ bộ cho thấy, đơn vị xây dựng tòa nhà giảng dạy mới ở bên cạnh đã chất đống trái phép đá trân châu lên mái nhà thể chất này. Do có mưa, đá trân châu bị ngâm trong nước và tăng trọng lượng, nên đã làm sập mái. Người phụ trách đơn vị xây dựng khu liên hợp giảng dạy đã bị kiểm soát.

Sau vụ tai nạn, trên Weibo, WeChat và các nền tảng xã hội khác lan truyền khá nhiều video về việc cha mẹ của các học sinh gặp nạn đã bị các quan chức chính quyền, lực lượng cứu hộ và nhân viên y tế gây khó dễ, trấn áp để duy trì ổn định. Những điều mà các bậc phụ huynh này phải chịu đựng đã thu hút sự chú ý và đồng cảm của đông đảo cư dân mạng, nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước sự thờ ơ, quan liêu của chính quyền địa phương và bắt đầu thảo luận rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội. Từ ngày 29/8, tất cả các cuộc thảo luận và bài đăng liên quan đến trường trung học số 34 Tề Tề Cáp Nhĩ đều bị cấm.

Vào ngày 23/7/2023, mái nhà thể chất của trường trung học cơ sở số 34 ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang bị sập. Khi xảy ra tai nạn, các thành viên đội bóng chuyền nữ của trường đang tập luyện ở bên trong. (Ảnh chụp màn hình)

Lũ lụt ở Hoa Bắc và Đông Bắc

Bão Doksuri đổ bộ vào Phúc Kiến đã mang một lượng lớn hơi nước về phía bắc Trung Quốc (Hoa Bắc), nơi đây đã phải hứng chịu mưa lớn trong nhiều ngày. Lượng mưa trung bình ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm lên tới 111,7 mm, nhiều nơi xuất hiện lũ lụt, ngập úng, gây thiệt hại lớn về người và của, hơn 130.000 bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Hà Bắc, lũ lụt đã làm ảnh hưởng đến 2,22 triệu người ở 883 ngôi làng và thị trấn thuộc 98 quận, huyện. Các thành phố Lang Phường, Hành Thủy, Bảo Định ở Hà Bắc đã khởi động hệ thống phản ứng khẩn cấp cấp 1 để phòng chống bão lũ. Có 10 trên 93 hồ chứa lớn và vừa vượt mực nước giới hạn lũ, ngoài ra 67 trong số 83 hồ chứa nhỏ đã bị tràn.

7 khu vực chứa, trữ lũ ở Hà Bắc đã được đưa vào sử dụng. Người dân tố hành động xả lũ của chính quyền đã làm ngập một khu vực rộng lớn.Tuy nhiên, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc - CCTV, cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh, lại đưa tin rằng mưa lớn đã gây “tích nước” trong khu vực.

Lũ lụt đã gây ra đụng độ giữa cảnh sát và dân thường ở nhiều nơi. Ví dụ, người dân làng Tiền Tiến, quận Song Thành, thành phố Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang phát hiện rằng chính quyền định đóng cửa cống, họ lo sợ sẽ xảy ra lũ lụt nên đã phản kháng; người dân làng ở Trác Châu, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc phát hiện các quan chức bí mật đào bờ kè phía tây để xả lũ, hai bên đã xảy ra xung đột; dân làng ở thành phố Bá Châu, Bảo Định đã đến tòa nhà chính quyền để phản đối những tuyên bố sai về trận lũ.

Kể từ ngày 7/8, chương trình thời sự khung giờ vàng “Xinwen Lianbo” của CCTV đã liên tục đưa tin tuyên truyền nhằm làm lu mờ và giảm nhẹ tình hình lũ lụt nghiêm trọng ở phía bắc nước này, thậm chí trong bản tin còn sử dụng các phân cảnh cứu hộ giả ở nhiều nơi.

Ngày 2/8/2023, cảnh lũ lụt ở Trác Châu, Hà Bắc, Trung Quốc. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

Bất động sản Evergrande thừa nhận vỡ nợ

Tập đoàn bất động sản Evergrande, một công ty con của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande Group, đã đưa ra nhiều thông báo vào buổi tối ngày 10/8 và cho biết, khoản lỗ ròng năm 2022 là 52,72 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,24 tỷ USD); tính đến cuối năm ngoái, khoản nợ ngắn hạn là khoảng 1,68 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 230 tỷ USD); nhưng tổng quỹ tiền tệ của công ty (bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt và quỹ hạn chế) chỉ còn 9,173 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,26 tỷ USD). Tập đoàn bất động sản Evergrande có tổng nợ phải trả là 1,83 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 251 tỷ USD) và tổng tài sản là 1,47 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 202 tỷ USD), tức là mất khả năng thanh toán.

Đến đầu ngày 11/8, mạng Internet nội địa Trung Quốc bắt đầu đoán xem công ty bất động sản tiếp theo sẽ phá sản là công ty nào. Vào thời điểm đó, hơn 100 triệu người đã nhấp đọc các bình luận dưới tiêu đề "Evergrande vỡ nợ". Evergrande đã bắt đầu vi phạm nghĩa vụ trả nợ từ hai năm trước, sau đó dẫn đến làn sóng vỡ nợ trong ngành.

Nợ chính phủ của Trung Quốc tồi tệ, nhưng còn nợ trong khu vực thị trường thì sao?
Khu dân cư Royal Peak của Tập đoàn bất động sản Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 29/07/2022. (Ảnh: Bloomberg/Getty Images)

Xếp hạng cổ phiếu của Country Garden dưới cả ‘cổ phiếu rác’

Country Garden cũng từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Vào ngày 11/8, cổ phiếu của công ty này giảm mạnh tới 14,4% và chạm mức thấp mới là 0,89 đô-la Hong Kong.

Nguyên nhân là do một tài liệu được Country Garden phát hành trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong vào ngày 10/8 nói rằng, dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay công ty sẽ lỗ tới 7,6 tỷ USD. Đây là một sự tương phản rất lớn so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, cùng với việc bỏ lỡ đợt thanh toán đối với hai khoản nợ đến hạn trong tuần này, Moody's đã hạ mức xếp hạng cổ phiếu của Country Garden xuống mức thấp hơn cả cổ phiếu rác.

Hai khoản nợ bùng nổ bỏ lỡ thanh toán và giá cổ phiếu lao dốc của Country Garden khiến Internet Trung Quốc sôi sục. "Đối với các vấn đề mang tính hệ thống, người phải trả giá là dân thường", một cư dân mạng kết luận.

Country Garden đứng trước nguy cơ vỡ nợ, nữ tỷ phú giám đốc mất tới 84% tài sản
Logo của nhà phát triển Trung Quốc Country Garden Holdings ở Trấn Giang, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 31/10/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Tập đoàn đầu tư Zhongzhi ‘ngàn cân treo sợi tóc’

Công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Zhongzhi, được cho là đang trong tình trạng khó khăn vì vỡ nợ hơn 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 27,45 tỷ USD). Đầu tháng 8, một số kênh truyền thông đưa tin rằng, một lá thư xin lỗi có chữ ký của ông Lương Cự Lượng (Liang Juliang), cố vấn tài sản tại một công ty con của Tập đoàn Zhongzhi, đã được lan truyền rộng rãi trên Internet.

Theo bức thư, sau 3 năm xảy ra dịch bệnh, Zhongzhi không chịu được áp lực suy thoái kinh tế và lần đầu tiên xảy ra tình trạng chậm thanh toán cho các sản phẩm tài chính vào tháng Sáu năm nay; vụ việc này liên quan đến 150.000 nhà đầu tư có giá trị ròng cao, 5.000 khách hàng doanh nghiệp và 13.000 nhà hoạch định tài chính chuyên nghiệp.

Trước đây, Zhongzhi chủ yếu đầu tư vào bất động sản và thị trường chứng khoán.

Tờ Caixin có trụ sở tại Bắc Kinh nói rằng, bốn công ty quản lý tài sản (bao gồm Hengtian, Xinhu, Datang và Gaosheng) thuộc Tập đoàn Zhongzhi đã chậm trễ nghiêm trọng trong việc thanh toán sản phẩm tài chính, thực chất là vi phạm hợp đồng, cuộc khủng hoảng thanh khoản của Tập đoàn Zhongzhi đã ở thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Công ty ủy thác Zhongrong Trust hoãn thanh toán sản phẩm tài chính đến hạn

Bị ảnh hưởng bởi Tập đoàn Zhongzhi, một số sản phẩm góp vốn (capital pool) của Zhongrong Trust đã bị trì hoãn thanh toán. Hôm 11/8, hai công ty Trung Quốc là KBC Corp và Nacity Property Service chính thức thông báo rằng các sản phẩm của Zhongrong Trust đã quá hạn.

Theo Tianyancha - một nền tảng truy vấn thông tin doanh nghiệp ở Trung Quốc, có bốn cổ đông chính đằng sau Zhongrong Trust là Công ty Cổ phần Máy dệt Jingwei (Jingwei Textile Machinery Co., Ltd.), Công ty Cổ phần Tập đoàn Doanh nghiệp Zhongzhi (Zhongzhi Enterprise Group Co., Ltd.), Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Cáp Nhĩ Tân (Harbin Investment Group Co., Ltd.) và Công ty TNHH Thương mại An Thái Đạt Thẩm Dương (Shenyang Antaida Trading Co., Ltd.). Trong đó, hai cổ đông hàng đầu nắm giữ tỷ lệ cổ phần lần lượt là 37,47% và 32,99%.

Hai công ty ủy thác khác là MinMetals Trust và Everbright Trust cũng đã khẩn trương bác bỏ tin đồn ngừng thanh toán sản phẩm tài chính.

Mỹ hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực của Trung Quốc

Hôm 9/8, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một sắc lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào một số công ty Trung Quốc từ năm 2024, các công ty này chủ yếu thuộc lĩnh vực phát triển chất bán dẫn và vi điện tử tiên tiến, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Lệnh hành pháp cũng cấm công dân Hoa Kỳ và thường trú nhân tham gia vào các giao dịch bị cấm. Đồng thời, đối với một số khoản đầu tư vào Trung Quốc, các công ty phải thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ.

Tờ Wall Street Journal cho rằng chính quyền ông Biden đang gửi một tín hiệu rõ ràng tới các công ty Mỹ để hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu trong lễ ký kết “Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022” trên Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng ở Washington, DC ngày 9/8/2022. (Chip Somodevilla/Getty Images)

Lượng khách nước ngoài tới Trung Quốc du lịch giảm mạnh 98,6%

Dữ liệu do chính quyền công bố ngày 6/8 cho hay, trong quý I/2023, lượng khách du lịch nước ngoài mà các hãng lữ hành Trung Quốc tiếp nhận chỉ là 52.000 lượt, giảm mạnh 98,6% (3,7 triệu lượt) so với cùng kỳ năm 2019. Hơn nữa, gần một nửa số du khách này lại đến từ Đài Loan, Hong Kong và Ma Cao chứ không phải Mỹ hay châu Âu. Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào khách du lịch nước ngoài.

Sự vắng bóng của du khách nước ngoài đặc biệt rõ rệt ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi lượng du khách nước ngoài trong nửa đầu năm nay chưa bằng 1/4 so với con số cùng kỳ năm 2019 - trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Xuất nhập khẩu tháng 7 giảm mạnh

Theo dữ liệu do Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8, cả nhập khẩu và xuất khẩu trong tháng 7 đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái với tốc độ nhanh hơn dự báo.

Nhập khẩu trong tháng 7 đã giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí nhập khẩu từ Nga cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên số liệu này bị giảm kể từ tháng 2/2021. Mức giảm này cũng mạnh hơn nhiều so với dự báo 5% trong cuộc thăm dò của Reuters với 28 nhà kinh tế hàng đầu hay so với mức giảm 6,8% của tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 7 phản ánh sức tiêu thụ nội địa yếu kém vẫn chưa thuyên giảm sau dịch bệnh. Xuất khẩu tiếp tục giảm cho thấy chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) tiếp tục bị thu hẹp.

Kinh tế Trung Quốc chính thức rơi vào giảm phát trong tháng 7

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 9/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là lần giảm đầu tiên trong hơn hai năm qua. Trong khi đó, giá xuất xưởng của các nhà sản xuất đã giảm trong 10 tháng liên tiếp. Giá bất động sản cũng giảm mạnh. Nền kinh tế Trung Quốc chính thức giảm phát.

Lần tăng trưởng CPI âm gần đây nhất ở Trung Quốc là vào tháng 2/2021.

Trái ngược với mức tiêu dùng tăng vọt ở hầu hết các nước phát triển sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, nhu cầu tiêu dùng bị kìm hãm ở Trung Quốc đã không phục hồi bền vững như mong đợi mà lại suy yếu sau một đợt phục hồi ngắn hạn. Người dân không sẵn sàng tiêu tiền, các công ty cũng không sẵn lòng tái đầu tư.

Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu là ba động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục yếu kém sẽ làm suy yếu thêm sức mạnh phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

10 sự cố gần đây khiến Bắc Kinh đau đầu