9 dấu hiệu cảnh báo ung thư, phát hiện sớm cứu sống chính mình!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số liệu từ Hội nghị Ung thư Quốc tế về Phòng chống Ung thư năm 2022 cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam cao thứ 2 thế giới. Mỗi năm, nước ta ghi nhận 200.000 ca mắc mới, trong đó có 82.000 trường hợp tử vong.

Ung thư gan là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, tiếp theo là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.

Bệnh ung thư không đột ngột xuất hiện trong một ngày, mà thường trải qua 5-10 năm hoặc thậm chí lâu hơn, đây là khoảng thời gian từ lúc bệnh phát sinh đến khi được chẩn đoán. Trong quá trình này, cơ thể thường xuất hiện một số triệu chứng.

Nếu phát hiện sớm những dấu hiệu và được chẩn đoán, điều trị kịp thời, hiệu quả chữa khỏi ung thư sẽ được nâng cao đáng kể.

Vậy triệu chứng của một người có nguy cơ mắc ung thư thường sẽ như thế nào?

9 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh ung thư

1. Xuất hiện khối u hoặc sưng tấy trên cơ thể

Nếu phát hiện có khối u hoặc sưng tấy trên cơ thể, khi sờ vào thấy cứng, bề mặt sần sùi, ranh giới không rõ ràng, khó di chuyển và có xu hướng tăng kích thước liên tục, thì cần nghi ngờ khả năng liên quan đến ung thư.

2. Sụt cân nhanh chóng

Nếu không chủ động giảm cân nhưng cân nặng lại sụt nhanh trong thời gian ngắn, ví dụ như giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trong vài tháng, cần đặc biệt lưu ý đến khả năng ung thư.

3. Ho kéo dài

Ho thông thường thường chỉ kéo dài hai tuần là khỏi. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài liên tục, hơn một tháng mà không thấy triệu chứng thuyên giảm, cần nghi ngờ khả năng ung thư phổi.

4. Loét miệng hoặc đốm trắng trên lưỡi không lành sau khi điều trị lâu dài

Loét miệng hoặc mảng trắng trên lưỡi thông thường chỉ cần 1-2 tuần là có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn một tháng và đã áp dụng nhiều phương pháp điều trị mà vẫn không thuyên giảm, thì cần nghi ngờ khả năng ung thư.

5. Khó nuốt, đau họng

Khó nuốt không rõ nguyên nhân, kèm theo cảm giác tức ngực sau xương ức, rất có thể là do ung thư thực quản.

Nếu không có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp nhưng lại khàn giọng kéo dài, đau họng và khó nuốt, thì rất có thể đã mắc ung thư tuyến giáp hoặc ung thư thanh quản.

6. Rối loạn bài tiết

Nếu phát hiện thấy thay đổi về hình dạng phân, số lần và thói quen đại tiện, ví dụ như táo bón đột ngột kéo dài, tiêu chảy hoặc táo bón xen kẽ, hoặc phân đen, có máu trong phân, phân lỏng, cần lưu ý đến khả năng ung thư ruột.

7. Đau đầu ngày càng tăng

Hầu hết các cơn đau đầu thường giảm bớt vào ban đêm và không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu đau đầu cả ban đêm, kéo dài hơn 1 tháng, đột ngột tăng nặng kèm theo buồn nôn, nôn mửa, thì có thể đã mắc khối u não, cần hết sức lưu ý.

8. Sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân

Nếu bị sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, chủ yếu là sốt nhẹ, kèm theo mệt mỏi toàn thân, chán ăn, cần cảnh giác, rất có thể liên quan đến ung thư.

9. Chảy máu âm đạo bất thường

Nếu âm đạo ra máu bất thường, ví dụ như không phải trong kỳ kinh nguyệt hoặc người đã mãn kinh, thì có thể do ung thư cổ tử cung hoặc các bệnh tiền ung thư liên quan gây ra.

(*) Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể, nên đến bệnh viện để kiểm tra và lắng nghe lời khuyên của bác sĩ.

Theo Li Hua - Aboluowang
Nhật Duy



BÀI CHỌN LỌC

9 dấu hiệu cảnh báo ung thư, phát hiện sớm cứu sống chính mình!