‘Ánh sáng trong đời tôi’ - Cô gái 17 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối kết hôn với người bạn thân nhất của mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một học sinh trung học 17 tuổi ở Nevada bị ung thư não giai đoạn cuối đã kết hôn với người bạn thân nhất của mình. Được sự ủng hộ của gia đình hai bên, cô đã thẳng thắn chia sẻ hành trình chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư của mình với lượng người xem ngày càng tăng trên mạng xã hội.

Xuất thân từ Vernal, Utah, cô Samantha Clark hiện đang sống ở Elko, Nevada, cùng với chồng là anh Brayden Gottfried 18 tuổi.

Cô Clark được chẩn đoán mắc u màng não thất, một dạng ung thư não, khi mới 2 tuổi. Sau khi điều trị, bệnh tình của cô thuyên giảm, nhưng căn bệnh ung thư lại tái phát. Hiện nay, cô Clark bị u màng não thất giai đoạn cuối đã di căn đến hàm, cổ, nách và đầu gối, khiến cô phải ngồi xe lăn.

Cô Samantha Clark và chồng Brayden Gottfried. (Ảnh: Samantha Clark)
Cô Samantha Clark và chồng Brayden Gottfried. (Ảnh: Samantha Clark)

‘Ánh sáng trong đời tôi’

Vào ngày 6/8/2022, cô Clark kết hôn với người bạn thân nhất của mình là anh Gottfried. Lễ cưới tổ chức tại một trang trại với sự tham dự của 500 bạn bè và gia đình.

Cô Clark nói với The Epoch Times: “Anh Brayden luôn là ánh sáng chói lọi trong cuộc đời tôi. Trước khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò, tôi đã kể cho anh ấy mọi điều tôi đã trải qua và rằng luôn có khả năng bệnh sẽ tái phát. Hai tháng sau mối quan hệ của chúng tôi, cũng là lúc bệnh tình tái phát”.

Lễ cưới của cô Samantha và anh Brayden. (Ảnh: Samantha Clark)
Lễ cưới của cô Samantha và anh Brayden. (Ảnh: Samantha Clark)

Tuy nhiên, mặc cho hoàn cảnh, anh Gottfried vẫn kiên trì.

Cô Clark nói: “Chúng tôi thậm chí còn chưa nói 'Anh yêu em' hay hôn nhau vì khi đó, căn bệnh ung thư của tôi đã quay trở lại.”

“Tôi sẽ không đổ lỗi cho anh ấy nếu anh ấy rời đi hoặc anh ấy không cảm thấy thoải mái, chỉ muốn làm bạn và không tiếp tục mối quan hệ của chúng tôi nữa. Nhưng anh ấy nói: 'Không, anh sẽ ở bên cạnh em, anh muốn điều đó.'”

Anh Gottfried nói: "Tôi cố gắng chỉ tập trung vào những điều tích cực, bởi vì có quá nhiều điều tiêu cực trong cuộc sống của cô ấy."

Trong thời gian xảy ra đại dịch, trong khi cô Clark ở cùng mẹ - người chăm sóc cô - ở Thành phố Salt Lake và thường xuyên đi xạ trị, phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác, thì anh Gottfried trò chuyện video với cô hàng đêm.

Cặp đôi đã thảo luận về hôn nhân ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ của họ. Khi cô Clark nhận được chẩn đoán cuối cùng, họ đã hẹn hò được 2 năm.

Cô Clark nói: “Không ai trong chúng tôi có thể chịu đựng được ý nghĩ: không thể làm những gì chúng tôi luôn muốn làm. Chúng tôi muốn kết hôn với nhau, và chúng tôi muốn trải nghiệm cảm giác sống với nhau, mặc dù chúng tôi có thể không ở bên nhau đến lúc già đi.”

Cặp đôi muốn nhận được sự chúc phúc của gia đình, anh Gottfried cầu hôn và cuối cùng họ đã kết hôn.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Anh Brayden cầu hôn cô Samantha. (Ảnh: Samantha Clark)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Ảnh: Samantha Clark)

Anh Gottfried giải thích: “Hôn nhân là tìm hiểu tính cách của nhau nhiều hơn, những điều khác nhau của chúng tôi. Có nghĩa là chúng tôi dành nhiều thời gian nhất có thể cho nhau. Tôi có thể giúp cô ấy và gia đình cô ấy mỗi khi ra ngoài; tôi đang học cách chăm sóc cô ấy, tôi đang học cách trở thành một người hữu ích cho cô ấy và giúp đỡ cô ấy theo nhiều cách nhất có thể.”

Cặp đôi đã trải qua tuần trăng mật ở Maui, một trong những địa điểm yêu thích của cô Clark. Đồng thời mẹ cô cũng ở khách sạn gần đó để giúp chăm sóc cô.

Làm cho mọi khoảnh khắc đều có giá trị

Khi còn nhỏ, Clark đã dành nhiều năm ra vào bệnh viện để hóa trị, hơn 200 đợt xạ trị, phẫu thuật xâm lấn và các chương trình điều trị khác. Trải qua tất cả, cô ấy đã nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện từ mẹ và ông bà, nhưng thật không may, cha cô ấy “rất bạo hành về mặt tinh thần và thể chất”. Trong thời gian này, anh Gottfried trở thành chỗ dựa cho cả cô và gia đình cô.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
“Chúng tôi muốn kết hôn với nhau, và chúng tôi muốn trải nghiệm cảm giác sống với nhau, mặc dù chúng tôi có thể không ở bên nhau đến lúc già đi.” (Ảnh: Samantha Clark)

Cô Clark cho biết: “Tôi đã trải qua 8 năm vật lý trị liệu chuyên sâu. Tôi đã nghỉ học rất nhiều. Tôi rất nhớ về thời thơ ấu của mình… khoảng thời gian ‘nghỉ ngơi’ nhiều nhất mà tôi có được trong suốt quá trình điều trị là ba năm rưỡi.”

Tuy nhiên, ngay cả khi cô ấy không điều trị, cứ 3 đến 6 tháng một lần, cô Clark phải chụp MRI, chụp PET, TPS và xét nghiệm máu để đảm bảo rằng ung thư sẽ không tái phát.

Mặc cho tất cả những điều đó, cô Clark vẫn cố gắng học cưỡi ngựa ở trường trung học, tham gia cuộc đua thùng, trở thành nữ hoàng cưỡi ngựa, chơi bóng mềm trong nhiều năm và đã tập thể dục dụng cụ, nhào lộn và cổ vũ.

Cô nói: “Bất cứ khi nào tôi có cơ hội được là một đứa trẻ và không phải lo lắng về căn bệnh ung thư, chúng tôi luôn tận dụng nó một cách tối đa và khiến mọi khoảnh khắc đều có giá trị.”

Tuy nhiên, bây giờ cô Clark không thể hoạt động tích cực như vậy nữa. Các triệu chứng hiện tại của cô bao gồm bệnh thần kinh ngoại biên, mệt mỏi, buồn nôn, sưng mặt và khó thở. Cô ấy chỉ còn một lá phổi hoạt động, ngủ khoảng 18 giờ mỗi ngày và dùng thuốc để giữ nước và giảm đau.

Ngoài ra, cô Clark cho biết cô cũng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ. Cô nói: “Đôi khi tôi thức dậy và không biết mình đang ở đâu, hoặc mẹ tôi hoặc anh Brayden sẽ nói với tôi điều gì đó, và vài phút sau tôi sẽ hỏi lại câu hỏi tương tự vì tôi đã quên mất. Đó là do các khối u gây áp lực lên não của tôi.”

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
“Bất cứ khi nào tôi không phải lo lắng về căn bệnh ung thư, chúng tôi luôn tận dụng nó một cách tối đa và khiến mọi khoảnh khắc đều có giá trị.” (Ảnh: Samantha Clark)

Một giọng nói và một tia sáng

Cô Clark luôn muốn tạo ra tác động đến thế giới dù là trực tiếp hay trên mạng xã hội.

Video đầu tiên của cô ấy lan truyền nhanh chóng là một đoạn phim “một ngày trong cuộc sống”, cho thấy những gì cô ấy phải trải qua hàng ngày.

Mọi người đều đặt câu hỏi, cô Clark nói, cho dù đó là về các triệu chứng, vết sẹo hay tiên lượng của cô ấy. Cô ấy đã trả lời những câu hỏi này bằng cách chia sẻ hành trình ung thư của mình trong các video.

Dù mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cô ấy vẫn thích nghĩ về danh sách việc cần làm của mình. Tháng 1 năm ngoái, sau khi biết mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, lần đầu tiên cô đi trượt tuyết cùng mẹ và các anh trai. Vào tháng 5/2022, gia đình cô và anh Gottfried đã du lịch đến Đảo Lớn của Hawaii.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Ảnh: Samantha Clark)

Cô Clark mơ ước được bắt một chiếc RV-nhà xe đến Oregon nhưng thực tế danh sách những việc cần làm của cô ấy “không thực sự hiệu quả nữa” vì sức khỏe của cô ấy đang giảm sút hàng ngày.

Cô ấy vẫn đang theo học tại trường trung học Spring Creek ở Elko, cô nói: "Nếu tôi vẫn còn sống, tôi sẽ tốt nghiệp cùng với những bạn còn lại trong lớp." Trong khi đó, anh Gottfried tốt nghiệp trường trung học Elko vào mùa xuân và dự định theo ngành sinh học tại trường đại học vào năm 2023. Anh ấy muốn theo ngành y.

‘Ý nghĩa của tình yêu đích thực’

Mặc dù cô Clark có nguồn gốc từ Utah, cô ấy đã sống ở Nevada từ năm lớp 7 và dự định sẽ ở lại đây.

Cô nói với The Epoch Times: “Nơi đây khiến tôi cảm thấy như nhà của mình. Có các y tá và bác sĩ đến khám bất cứ khi nào tôi cần… tất cả những gì mọi người có thể làm bây giờ là: đảm bảo rằng tôi ít đau nhất và cảm thấy thoải mái nhất có thể.”

Cô Clark cảm thấy may mắn khi có chồng bên cạnh cho đến giây phút cuối cùng. Cô nói: “Điều này thực sự cho tôi thấy ý nghĩa của tình yêu đích thực, và tình yêu mà một người có thể dành cho người khác nhiều như thế nào”.

Anh Gottfried nói: “Tôi cố gắng để cô ấy cảm nhận rằng chúng tôi đang ở bên nhau, rằng cô ấy có tôi yêu thương cô ấy, gia đình cô ấy yêu thương cô ấy, và cô ấy sẽ luôn có ai đó ở bên cạnh, bất kể thời gian hay ngày tháng”.

Sao Mai

Theo Louise Chambers - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Ánh sáng trong đời tôi’ - Cô gái 17 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối kết hôn với người bạn thân nhất của mình