Phân tích: Đài Loan đối mặt với mối đe dọa lớn về an ninh mạng trước thềm bầu cử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử ở Đài Loan, mối lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử này đã trở nên rõ rệt hơn.

Vào cuối tháng 11/2023, lãnh đạo thứ 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người đứng đầu phụ trách các vấn đề Đài Loan, Vương Hỗ Ninh, đã triệu tập một cuộc họp giữa nhiều ban ngành để thảo luận về các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Đài Loan. Theo đài CNN, một quan chức an ninh cấp cao của Đài Loan đã chia sẻ tin tức về cuộc gặp với một nhóm phương tiện truyền thông được lựa chọn vào đầu tháng này.

Một học giả từ Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Quốc gia Đài Loan đã nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng âm mưu thao túng cuộc bầu cử tháng 1 của ĐCSTQ đã biến Đài Loan thành “nơi nguy hiểm nhất trên không gian mạng”.

Ông Ngô Tông Hàn (Wu Tsunghan), trợ lý nghiên cứu của tổ chức này, cho biết: “Với sự phát triển nhanh chóng của các công cụ AI, các loại phần mềm độc hại mới, [và] chuỗi tội phạm Ransomware dưới dạng một Dịch vụ [RaaS], Đài Loan đang phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công mạng đa dạng hơn”.

Ông Ngô đã chia sẻ quan điểm của mình trong một hội nghị do Đại học Jawaharlal Nehru của New Delhi và phái đoàn Đài Loan phối hợp tổ chức vào ngày 9/12/2023. Ông nhắc nhở những người tham dự hội nghị rằng các doanh nghiệp Đài Loan đã bị tấn công trung bình 3.245 lần mỗi tuần trong nửa đầu năm 2023.

Theo Fortinet, một công ty an ninh mạng của Hoa Kỳ, nhìn chung, mỗi giây có 15.000 mối đe dọa mạng được phát hiện, khiến Đài Loan trở thành địa điểm bị tấn công nhiều nhất trong không gian mạng châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, một chuyên gia an ninh Đài Loan nói với các phóng viên rằng ông Vương Hỗ Ninh, người đảm nhiệm vị trí phụ trách các vấn đề của Đài Loan hồi đầu năm 2023, đã chỉ đạo các quan chức “tăng cường hiệu quả” trong việc tác động đến dư luận Đài Loan trước thềm bầu cử ngày 13/1.

Ông Vương Hỗ Ninh là cố vấn lâu năm cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, người đích thân làm Chủ tịch Nhóm lãnh đạo trung ương về các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc. Ông cũng giữ chức vụ phó chủ tịch của nhóm này. Theo các nguồn tin, ông Vương đã đã chỉ đạo nhân viên của mình giảm thiểu mọi khả năng bên bên ngoài phát hiện ra bằng chứng về sự can thiệp của ĐCSTQ vào Đài Loan.

Đại diện các tổ chức dân sự Đài Loan kêu gọi tất cả các ứng cử viên cho cuộc bầu cử “9 trong 1” vào tháng 11/2022 ký cam kết "Bảo vệ Đài Loan và không bao giờ đầu hàng", trong cuộc họp báo chung ở Đài Bắc, ngày 5/9/2022. (Ảnh: Shih-chieh Lin/The Epoch Times)

Chiến dịch thông tin sai lệch

Ông Ngô Tông Hàn cho rằng việc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan chủ yếu liên quan đến việc “gây hoang mang” bằng cách khuấy động xã hội. Ông lấy ví dụ về một sự cố mạng, trong đó một bài đăng trên mạng xã hội ngày 6/12/2023 đã cáo buộc chính phủ Đài Loan giám sát công chúng Đài Loan.

"Điều này có đúng hay không? Làm thế nào để xác minh điều đó? Ai có thể xác minh? Việc xác minh có đáng tin cậy hay không?”, ông Ngô nói trong hội nghị.

Ông nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng sử dụng thông tin để tác động đến tâm trí và hành vi của người dân.

“Nếu đúng, nó đề cập đến một vụ rò rỉ dữ liệu [từ] các cơ quan chính phủ. Nếu sai thì tại sao sự việc lại xảy ra vào thời điểm này? Ai đang điều khiển?”, ông nói và nói thêm rằng mục đích của sự cố này có thể là làm suy yếu niềm tin của công chúng vào chính phủ.

Ông cũng nêu ra ví dụ về một chiến dịch thông tin sai lệch khác cáo buộc chính phủ Đài Loan muốn nhập khẩu chất thải hạt nhân của Nhật Bản vào Đài Loan.

Theo một báo cáo của Trung tâm kiểm chứng thông tin Đài Loan (Taiwan FactCheck Center, gọi tắt là TFC), thông tin sai lệch được lan truyền khắp thế giới nói tiếng Trung Quốc bởi các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến ở Đài Loan như Facebook, vốn chia sẻ hình ảnh và thông tin sai lệch từ các nền tảng Trung Quốc như Weibo hoặc Douyin.

“Tuy nhiên, trong khi các tin tức của Trung Quốc cố gắng nuôi dưỡng thái độ chống Nhật ngày càng tăng ở nước này, thì những tin tức của Đài Loan lại lợi dụng mối quan ngại bấy lâu nay của người dân hòn đảo về an toàn thực phẩm và chỉ trích chính phủ do Đảng Dân Tiến (DPP) lãnh đạo vì mềm mỏng với Nhật Bản”, theo một báo cáo do ông Lý Duy Bình (Wei-Ping Li) công bố vào ngày 18/9.

Một câu chuyện sai sự thật lan truyền ở Đài Loan liên quan đến ông Yasuhiro Sonoda, một chính trị gia Nhật Bản, người được cho là đã qua đời vì bệnh đa u tủy vào năm 2020 sau khi ông này uống nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

“Tin đồn này đã tồn tại trên các mạng xã hội như Weibo, Douyin, Facebook và LINE trong nhiều năm và gần đây trở nên thịnh hành trở lại. Phải đến tháng 9/2023, tờ Kyodo News mới liên lạc được với ông Sonoda và xác nhận ông vẫn còn sống”, báo cáo của TFC cho biết.

Điều tương tự đã xảy ra trong chuyến thăm của phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) tới Paraguay vào tháng 8/2023 để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Paraguay Santiago Peña Palacios.

Paraguay là một trong 12 quốc gia tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trong chuyến thăm Đài Loan vào tháng 7/2023, ông Peña cam kết với Tổng thống Thái Anh Văn rằng đất nước của ông sẽ “sát cánh với người dân Đài Loan” trong nhiệm kỳ 5 năm của ông.

Theo ông Ngô Tông Hàn, một tin giả bắt đầu lan truyền, tuyên bố rằng Đài Loan sẽ cung cấp kinh phí để xây dựng nhà ở miễn phí cho Paraguay.

“Đôi khi cung cấp tài chính cho các quốc gia khác… một số người có thể [tự hỏi tại sao] Đài Loan lại cung cấp tài chính cho các quốc gia khác trong khi chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức như giá nhà cao và [khi] mức lương không tốt”, ông nói và nói thêm rằng chút thông tin sai lệch này đã trực tiếp nhắm vào danh tiếng của chính phủ Đài Loan cũng như mối quan hệ của nước này với Paraguay.

Theo ông Ngô, những “chiến dịch thông tin sai lệch” như vậy sẽ tăng tốc trong những thời điểm “nhạy cảm”, như chuyến thăm của các nhà lãnh đạo hàng đầu Đài Loan tới Hoa Kỳ và ngược lại, cũng như trong các cuộc bầu cử quốc gia.

Ông nói: “Điều này thực sự phụ thuộc vào bối cảnh, mục đích và loại mục tiêu mà những kẻ tấn công muốn đạt được”.

Rất khó để tìm ra nguồn gốc của các chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch như thế này và vào thời điểm sự việc bị phanh phui, nó đã gây ảnh hưởng đến công chúng và gây nghi ngờ về hệ thống chính quyền dân chủ của Đài Loan.

Sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan cũng xuất hiện trong chuyến thăm của ông Tập tới San Francisco để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11/2023. Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên ngày 16/11 rằng ông đã thảo luận vấn đề này với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Tôi đã nói rõ: Tôi không mong đợi bất kỳ sự can thiệp nào cả. Và chúng tôi đã có cuộc thảo luận đó khi… ông ấy sắp rời đi”, ông Biden nói.

SSF và Căn cứ 311

Ông Wu cho biết, các hoạt động chiến tranh mạng của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan, hiện đang ở đỉnh cao, được quản lý bởi Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân (SSF) và Căn cứ 311, một tổ chức có trụ sở tại Phúc Kiến tập trung vào vấn đề Đài Loan.

Theo ông Ngô, Căn cứ 311 có công ty truyền thông riêng. Dành riêng cho việc thực hiện chiến lược “Tam chiến”: chiến tranh dư luận hay chiến tranh truyền thông, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Chiến lược này đã tạo ra một hệ sinh thái cung cấp tin giả cho truyền thông Đài Loan. Căn cứ 311 có ít nhất 6 trung đoàn giám sát ba loại hình tác chiến cũng như nhiều hình thức tuyên truyền.

Các hình thức tuyên truyền này về sau được Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Hoa Nghị Trung Quốc (CHBC) cung cấp. Nó cũng được Viện Đài Loan Toàn cầu xác định là mặt trận thương mại của Căn cứ 311.

Theo một báo cáo năm 2017 của tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, “Việc đưa tin về Đài Loan thường mang tính chất tiêu cực, thường nêu bật những tranh chấp chính trị và các vấn đề xã hội”.

Ông Ngô cho biết các hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan được bao trùm bởi “cách tiếp cận mạng”, một nỗ lực mà ông mô tả là một trong những phương tiện “xâm lược của PLA”.

Ông Ngô kết luận: “Chiến tranh nhận thức và thông tin sai lệch tích hợp các cuộc tấn công mạng, thông tin, tâm lý và kỹ thuật xã hội, đồng thời có thể hoạt động đồng bộ với các phương tiện vật lý khác nhằm tác động đến thái độ và hành vi của cá nhân hoặc nhóm mục tiêu để đạt được lợi thế”. Đây là mấu chốt trong các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc trước thềm bầu cử của Đài Loan.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Đài Loan đối mặt với mối đe dọa lớn về an ninh mạng trước thềm bầu cử