Biểu ngữ nhạy cảm xuất hiện tại nơi ở cũ của ông Lý Khắc Cường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, một biểu ngữ nhạy cảm được treo bên ngoài nơi ở cũ của cố Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thành phố Hợp Phì tỉnh An Huy, với dòng chữ "Ai có thể làm thì hãy làm, ai có thể lên tiếng thì hãy lên tiếng", đang thu hút sự chú ý.

Trong 10 năm làm thủ tướng, quyền lực của ông Lý Khắc Cường đã bị ông Tập Cận Bình làm cho lu mờ và không ngừng xuất hiện tin đồn về "Tập - Lý bất hòa". Khi ông Lý Khắc Cường đột ngột qua đời trong thời gian “nghỉ ngơi ở Thượng Hải” vào năm ngoái, dư luận cho rằng việc này có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau cái chết của ông Lý Khắc Cường, đã xuất hiện những biển hoa viếng lớn do người dân mang tới tại ngôi nhà tổ của ông ở huyện Định Viễn, tỉnh An Huy; tại nơi ở cũ của ông ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy; và tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam - nơi ông Lý từng công tác.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) ngày 20/3 đưa tin, hồi đầu tháng 3 này, chỉ hơn 4 tháng sau cái chết của ông Lý Khắc Cường vào hôm 27/10/2023, các phóng viên của CNA đã đến gần nơi ở cũ của ông Lý ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Đây là nơi ông Lý sống khi còn là thiếu niên, đây cũng từng là khu nhà ở thuộc Viện nghiên cứu Văn Sử tỉnh An Huy.

Ngôi nhà ông Lý Khắc Cường từng ở là nhà một tầng nhưng từ lâu đã được cải tạo thành hai tòa nhà dân cư, trong đó có một tòa nhà 3 tầng màu trắng và một tòa nhà gạch đỏ 4 tầng. Lối đi phía bên trong hàng lan can từng được phủ đầy hoa vào cuối tháng 10 năm ngoái, nhiều người dân đã tập trung về quanh khu dân cư này để bày tỏ sự thương tiếc ông Lý. (Xem ảnh khu nhà tại đây)

Bài viết trên CNA đề cập rằng mọi thứ ở khu nhà này dường như đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, có một mảnh vải treo trên lan can có in câu nói của Lỗ Tấn, một nhà văn được Đảng Cộng sản Trung Quốc ca ngợi, đăng trên tạp chí Tân Thanh niên vào năm 1919: “Mong toàn thể thanh niên Trung Quốc thoát khỏi sự lạnh giá, chỉ tiến lên trên, không cần phải nghe lời nói của những người chỉ cam chịu không chịu cầu tiến. Ai có thể làm thì hãy làm, ai có thể lên tiếng thì hãy lên tiếng. …". (Xem ảnh mảnh vải tại đây)

Bài viết trên cho rằng, mảnh vải này có lẽ đã được treo lên sau khi làn sóng công chúng bày tỏ sự tiếc thương ông Lý Khắc Cường đã qua đi, nếu không nó có thể đã bị dọn đi giống như những bông hoa kia. Mảnh vài này khiến mọi người nhớ đến cuộc diễu hành trong dịp Halloween ở Thượng Hải vào cuối tháng 10 năm ngoái, khi đó những người trẻ ở Trung Quốc đã mặc nhiều trang phục khác nhau để bày tỏ sự chế giễu và bất bình với cách chính quyền xử lý dịch bệnh và với tình hình hiện tại.

Một giáo viên trung học phổ thông ở Thượng Hải nói với phóng viên CNA, có học sinh đã hỏi cô rằng cô có thực sự tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc không? Ngay lập tức có một em khác ngó nhìn xung quanh và hỏi: “Có camera giám sát không đấy?”.

Còn có một lần khác, một em học sinh hỏi cô: “Nên giữ cho [đầu óc] thanh tỉnh hay hồ đồ?”. Học sinh này còn nhắc đến tác phẩm của George Orwell (ông nổi danh với hai cuốn tiểu thuyết “1984” và “Trại súc vật”) cùng các tác giả khác.

Vị giáo viên này nói, việc các em học sinh có thể tư duy một cách độc lập như vậy giữa những tuyên truyền áp đảo ở Trung Quốc cho thấy, dù Đảng Cộng sản Trung Quốc có phong tỏa tin tức thế nào cũng không phong tỏa hết được.

Cô giáo này còn chỉ ra, ở Trung Quốc, ngay cả những người “thức tỉnh” cũng chưa chắc có thể đứng lên khi những người xung quanh họ phải chịu bất công. "Đối với hầu hết mọi người, không có mối quan hệ nguyên nhân - kết quả nào giữa thức tỉnh và hành động. Không phải ai cũng dũng cảm như Bành Lập Phát". Nhưng cô cho rằng, việc không bị tẩy não hoàn toàn có nghĩa là những thế hệ trẻ này vẫn còn có hy vọng.

Vào ngày 13/10/2022, trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công dân Trung Quốc Bành Lập Phát (Peng Lifa) đã treo hai biểu ngữ lớn với chữ đỏ nền trắng trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh. Nội dung như sau: "Không muốn xét nghiệm axit nucleic, muốn có cơm ăn; Không muốn phong tỏa, muốn tự do; Không muốn lời dối trá, muốn sự tôn nghiêm; Không muốn Văn cách (Cách mạng Văn hóa), muốn cải cách; Không muốn có lãnh tụ, muốn bầu cử; Không muốn làm nô lệ, muốn làm công dân”;“Bãi khóa, bãi công, bãi miễn kẻ độc tài, quốc tặc Tập Cận Bình”.

Người giăng biểu ngữ phản đối ông Tập được đề cử giải Nobel Hòa bình
Vào ngày 13/10/2022, nhà bất đồng chính kiến Bành Lập Phát đã giăng biểu ngữ và đốt lốp xe trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh để phản đối chính sách Zero Covid hà khắc và kêu gọi chấm dứt chính quyền chuyên chế. (Ảnh chụp màn hình video)

Sự kiện này khi ấy đã gây tiếng vang và chấn động ở cả trong và ngoài Trung Quốc, và được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông lớn của quốc tế. Khẩu hiệu của ông Bành Lập Phát đã trở thành điềm báo trước về “Phong trào Giấy trắng" lan rộng khắp nhiều thành phố ở Trung Quốc vào cuối tháng 11 cùng năm.

Vào tối ngày 24/11/2022 đã xảy ra một đám cháy ở thành phố Urumqi - thủ phủ của Tân Cương và khiến ít nhất 10 người tử vong. Sự kiện này đã châm ngòi cho “Phong trào Giấy trắng” bùng phát tại nhiều nơi ở Trung Quốc nhằm phản đối các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 cực đoan của Trung Nam Hải. Trong các cuộc biểu tình ở Thượng Hải, người dân đã hô vang khẩu hiệu "Đảng Cộng sản [Trung Quốc] hạ đài" "Tập Cận Bình hạ đài" (nghĩa đen của từ “hạ đài” là bước xuống sân khấu, ở đây hiểu là bước xuống vũ đài chính trị; nghĩa bóng là giao lại chính quyền cho dân).

Người dân Trung Quốc tìm mọi cách chạy khỏi đất nước
Vào ngày 27/11/2022, người biểu tình ở Bắc Kinh giơ cao các tờ giấy trắng để phản đối các biện pháp chống Covid-19 hà khắc và các biện pháp kiểm duyệt thông tin vô lý của chính quyền Trung Quốc. (Kevin Frayer/Getty Images)

Sau đó, chính sách Zero Covid hà khắc kéo dài trong 3 năm cũng được xóa bỏ và Trung Quốc mở cửa trở lại.

Sau khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba, ông này đã rơi vào một cuộc khủng hoảng cầm quyền. Nền kinh tế Trung Quốc đang hỗn loạn; các doanh nghiệp khổng lồ trong ngành bất động sản, nợ chính quyền địa phương, các ngân hàng nông thôn, v.v. đang lần lượt vỡ trận; tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Các quan chức cấp cao trong đảng, quân đội và chính phủ do ông Tập tự tay thăng chức đang lần lượt ngã ngựa. Giờ đây, mọi tầng lớp xã hội đều đang theo dõi và chờ đợi kết cục của ông Tập.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Biểu ngữ nhạy cảm xuất hiện tại nơi ở cũ của ông Lý Khắc Cường