Bình luận: Ông Tập Cận Bình liệu có thể hóa giải đại họa vong thân từ dự ngôn cổ xưa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nỗi bất an của ông Tập Cận Bình và chính quyền ĐCSTQ

Nếu hỏi rằng đảng phái chính trị nào đang lo sợ nhất hiện nay? Câu trả lời đa phần sẽ là: Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trăm năm tồn tại, tội ác ngập đầu, nợ nghiệp chồng chất, đương nhiên chỉ có thể thêm thù bớt bạn. Ngay ở thời kỳ dồi dào tài lực, tổ chức này cũng không ngừng lải nhải điệp khúc tuyên truyền về các “thế lực thù địch”. Vậy thì dĩ nhiên hiện thời, khi thế và lực của nó đang suy tàn, lại tứ bề thọ địch, ĐCSTQ càng lo sợ bị mất quyền lực và phải trả giá. Là người đứng đầu tổ chức này, chủ tịch Tập Cận Bình hẳn là người bất an nhất, đặc biệt là khi có dấu hiệu cho thấy ông bị chính các ‘đồng chí’ của mình quy trách nhiệm cho những quyết sách sai lầm trong những năm gần đây. Lịch sử minh chứng rằng, đấu tranh trong nội bộ đảng còn ghê gớm khốc liệt hơn với thế giới bên ngoài.

Ngoại giới vì thế xôn xao trước những biến động hiện tại trong giới quan trường của hồng triều. Một loạt các quan chức cấp cao mất tích bí ẩn. Thậm chí ngay cả chủ tịch Tập Cận Bình cũng thoắt ẩn thoắt hiện. Ông đã bất ngờ biến mất khỏi những sự kiện quốc tế quan trọng như hội nghị thượng đỉnh G20, từ chối phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, vắng mặt trước công chúng quốc nội trong những sự kiện quan trọng, với những lịch trình công du thay đổi liên tục. Giới quan sát cho rằng những biểu hiện này cho thấy Tập Cận Bình đang lo ngại chính biến, nên ưu tiên xử lý thù trong hơn giặc ngoài.

Dư luận còn lan truyền về nỗi lo sợ của họ Tập đối với những dự ngôn cổ xưa.

Con chim lông trắng và tay cung thủ phản loạn

Cuốn sách “Thiết Bản Đồ” - sách tiên tri không rõ từ thời nào của Trung Quốc, trang cuối có một bức tranh miêu tả rằng: Ở giữa hai đỉnh núi, có bốn con chim đen lần lượt bay qua, chỉ có con chim trắng bay sau cùng đụng vách đá rơi xuống chết ở lưng chừng núi bên phải, máu bắn tung tóe trên vách đá.

Nhà bình luận thời sự quốc tế Đường Hạo (Tang Hao) nói với Đài truyền hình NTD rằng: "Con chim có lông vũ, ‘bạch vũ điểu’ (con chim lông trắng) tức là ‘bạch vũ’ (白羽), hai chữ này ghép lại không phải là chữ ‘Tập’ ( - họ của ông Tập Cận Bình trong kiểu chữ tiếng Trung phồn thể) hay sao? Như chúng ta đã biết, ông Tập Cận Bình được mệnh danh là lãnh đạo thế hệ thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước đó có các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Bốn con chim đen trong ‘Thiết Bản Đồ’ có phải đang đối ứng với bốn lãnh đạo Đảng đầu tiên không? Vậy con chim thứ năm, con chim lông trắng rơi chết trên núi, có phải đang ám chỉ ông Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo thứ 5 của Đảng?”.

Đồng thời, Quẻ tượng thứ 46 trong một cuốn sách tiên tri khác là “Thôi Bối Đồ” cũng nhắc tới người lính đeo cung và binh biến cung đình. Nó được tạm dịch rằng:

Có một quân nhân thân đeo cung
Chỉ nói ta là ông đầu trắng
Bên trong cửa Đông kiếm vàng phục
Dũng sĩ cửa sau vào cung vua

dự ngôn của thôi bối đồ
Hiện nay giới nghiên cứu đều lấy bản Thôi Bối Đồ do Kim Thánh Thán đời Thanh Sơ phê chú làm tiêu chuẩn. (Ảnh qua lihkg.com)

Những dự ngôn này thì có liên quan gì đến những vấn đề thời sự nóng bỏng trên chính trường Trung Quốc?

Chẳng hạn như việc một loạt các quan chức cao cấp của Bộ quốc phòng hoạn lộ bất tường. Các tướng lĩnh đứng đầu lực lượng tên lửa bị thay thế, bắt giữ, hay chết một cách mờ ám. Có tin Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc là Lý Thượng Phúc - người đã mất tích mấy tuần nay, hiện đã bị bắt giữ để thẩm vấn. Lý do của những việc này có phải là vì chống tham nhũng hay không? Hay đây là cuộc truy bắt phản tặc trong quân đội?

Bằng cách giải nghĩa những dự ngôn theo chiết tự, “ông đầu trắng” nguyên văn chữ Hán là “Bạch đầu ông” thì chữ Bạch (白) và chữ Ông (翁)ghép thành chữ Tập Công (習翁), nghĩa là Ông Tập. Người ta thấy hiện lên một cuộc mai phục của người lính đeo cung nhằm vào “Tập công” – được cho rằng chính là ông Tập Cận Bình. Một đằng là con chim lông trắng mất mạng, một đằng là tay cung thủ phản loạn nơi triều chính, hình như đều nhắm vào ông Tập.

Tờ báo The Epoch Times thu thập được thông tin từ những nguồn đáng tin cậy cho biết: “Ông Tập Cận Bình thực sự tin vào lời tiên tri và rất sợ chết. Trong những lời tiên tri có hình ảnh người lính bắn cung tên. Ông ấy cho rằng cung tên tương ứng với tên lửa nên đã thanh trừng toàn bộ chỉ huy cao nhất của Lực lượng tên lửa. Đây là lý do chính của những sự vụ mất tích bí ẩn trong quân đội gần đây”.

Dường như ông Tập đang cố gắng hóa giải tai họa có trong dự ngôn. Song nếu đã là số Trời thì liệu sức người có chống được không?

Chu Tuyên Vương hóa giải đồng dao bất thành

Thời Chu Tuyên Vương cách đây khoảng 28 thế kỷ xuất hiện một dự ngôn. Dự ngôn này chính tai Chu Tuyên Vương nghe được từ lời hát đồng dao, hát rằng:

“Thỏ mọc thì ác phải tà
Yểm hồ cơ bặc, ấy là mất Chu…”

Chu Tuyên Vương mang lời ấy về hỏi triều thần, luận giải của họ đều làm nhà vua rất lo lắng. Có người luận rằng yểm hồ là cây cung gỗ dâu, cơ bặc là túi đựng tên bằng cỏ cơ, vì vậy trong nước sẽ có việc cung tên giặc giã. Lại có người khác luận rằng, có lẽ sẽ xảy ra việc chinh chiến với người Khương Nhung dẫn đến mất nước. Một người khác cho rằng điềm gở ấy xuất phát từ cung vua, “Thỏ mọc ác tà” liên quan đến mặt trời, mặt trăng; mặt trời ứng với vua, mặt trăng ứng với đàn bà, là âm thịnh dương suy, ắt hẳn trong cung có việc đàn bà can thiệp chính sự.

Đúng lúc ấy, trong hậu cung cũng báo sự lạ. Chuyện là một cung nhân già mang thai lạ từ dãi rồng đã hơn 40 năm trời, bỗng sinh ra một đứa con gái. Vì cho là điềm không lành nên hoàng hậu đã sai người bó chiếu quẳng đứa bé xuống sông Thanh Thủy. Ngày hôm sau, ngoài chợ có đôi vợ chồng vì không biết Chu Tuyên Vương đã ban lệnh cấm lưu hành cung gỗ dâu và túi tên cỏ cơ, nên đã mang chúng ra chợ bán. Người đàn bà bị bắt, người đàn ông vứt bỏ cung tên, chạy thoát đến sông Thanh Thủy, lại nhặt được đứa bé trôi sông hôm trước, đem về nuôi. Đứa nhỏ này được đặt tên là Bao Tự, khi lớn lên vô cùng xinh đẹp, được tiến dẫn vào cung cho vị vua kế nhiệm là Chu U Vương. Bao Tự cậy được sủng ái làm rối loạn triều chính, mất lòng chư hầu, tạo cơ hội cho người Khương Nhung đánh vào kinh đô nhà Chu. Chu U Vương vì sủng ái mỹ nhân Bao Tự nên mất nước và mất mạng, đây đã trở thành một điển tích lịch sử nổi tiếng. Quân chủ kế nhiệm là Chu Bình Vương phải dời đô từ Kiểu Kinh phía Tây về Lạc Ấp ở phía Đông, nên gọi là Đông Chu. Nhà Chu từ đó ngày càng suy bại.

Cung gỗ dâu, túi đựng tên bằng cỏ cơ, mất nước vì chiến tranh với người Khương Nhung, hậu cung có kẻ nữ nhi làm loạn v.v. hết thảy điều ấy đều đã được dự báo trước mà không thể thay đổi được.

Chu Thế Tông Sài Vinh phá giải dự ngôn, lại làm cho dự ngôn ứng nghiệm

Có 4 lần Pháp nạn Phật giáo của Trung Hoa thời cổ, gọi là “Tam Vũ nhất Tông”, trong đó “Tông” là chỉ Chu Thế Tông Sài Vinh của nhà Hậu Chu. Sài Vinh diệt Phật trên toàn quốc bằng cách hủy chùa, nấu chảy tượng Phật để đúc tiền, bức bách gần trăm vạn tăng ni hoàn tục. Một lần trên đường hồi kinh, Sài Vinh tình cờ bắt được một khúc gỗ dài 3 thước, trên đó có viết rằng “Điểm kiểm làm thiên tử”. Vậy là vừa về đến Biện Kinh, ông ta tức tốc giải trừ chức vị Điện tiền đô Điểm kiểm của Trương Vĩnh Đức, vì cho rằng nhân vật đang lãnh chức Điểm kiểm này ứng vào lời sấm, có khả năng sẽ soán vị mình. Sau đó, ông thăng cho viên đại tướng được tin cậy nhất là Triệu Khuông Dận thành Điện tiền đô Điểm kiểm. Sài Vinh cho rằng mình làm vậy là phá được dự ngôn “Điểm kiểm làm thiên tử”, không ngờ rằng vừa khớp lại rơi vào lưới Trời của dự ngôn. Sau khi Sài Vinh chết, Triệu Khuông Dận thực hiện cuộc binh biến Trần Kiều, phế bỏ nhà Hậu Chu, lên ngôi và lập nên triều Tống.

undefined
Chu Thế Tông Sài Vinh. (Miền công cộng)

Dự ngôn xem ra khó cưỡng, nhất là trong hoàn cảnh Tập Cận Bình đang lâm vào, giống đến kỳ lạ với hoàn cảnh của một quân vương mất nước nổi tiếng trong lịch sử.

Sự tương tự giữa hoàn cảnh của Tập Cận Bình và Sùng Trinh đế

Trong lịch sử, Minh Tư Tông hay Sùng Trinh đế là ông vua cuối cùng của triều đại nhà Minh, những ngày cuối của Sùng Trinh đế và Minh triều có những điểm tương đồng kỳ lạ với Tập Cận Bình và ĐCSTQ. Có thể điểm qua như sau:

Sùng Trinh kế thừa cơ nghiệp đã sa sút kể từ thời ông nội mình là Minh Thần Tông. Vấn đề nội chính nhức nhối nhất tồn tại từ trước đó là phe đảng hoạn quan Ngụy Trung Hiền làm loạn triều chính, gây ra vô số án oan.

Lúc đó, tham nhũng tràn lan, tài chính suy kiệt, loạn quân nổi lên như ong, ngoại địch Hậu Kim nhòm ngó, thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, đói khát liên miên không dứt.

Trong hiện tại, ông Tập Cận Bình kế thừa di sản chính trị của những lãnh đạo cao cấp nhất là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Theo thông tin bị rò rỉ, ông Tập đã chỉ trích 3 người tiền nhiệm của mình là Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Ông được cho là đã nói rằng: “Tất cả những vấn đề mà 3 nhà lãnh đạo tiền nhiệm để lại đều đè lên vai tôi. Tôi đã dành cả 10 năm qua để giải quyết chúng, nhưng chúng vẫn chưa được giải quyết. Vậy tôi có phải là người đáng trách không?”

Những vấn đề mà 3 nhà lãnh đạo tiền nhiệm để lại là gì? Chắc chắn là tham nhũng, bè phái, hủ bại… càng diệt càng dai; Ô nhiễm môi trường vắt kiệt tài nguyên. Còn gì nữa? Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân; bức hại Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân và phe cánh, còn nghiêm trọng hơn cả “Tam Vũ nhất Tông” thời cổ.

Trung Quốc ngày nay hết tiền, thiếu người, đạo đức hủ bại, xã hội hỗn loạn, thiên tai dịch bệnh nhiều không tả xiết. Trên thượng tầng, bè phái đấu đá một mất một còn; Trong nhân dân, lòng người oán hận, tuyệt vọng đã phát tiết thành hành động phản kháng.

Trong lịch sử, Sùng Trinh đế có chí hướng cải cách, bắt đầu bằng xây dựng đội ngũ nhân sự mới. Nhưng rốt cuộc những quan chức được bổ nhiệm lại có quan hệ sâu với phe cánh Ngụy Trung Hiền vốn đã bị Sùng Trinh tiêu diệt. Những người này không có cùng chí hướng với Sùng Trinh. Cho thấy, Sùng Trinh không có tài nhìn người.

Đã thế, Sùng Trinh lại có tính vô cùng đa nghi. Trong suốt 17 năm chấp chính, ông thường xuyên thay đổi nội các, thay thế đến hơn 50 nội các đại thần. Ông cũng thường đảo ngược các quyết định sau khi ban hành chúng.

Trong hiện tại, Tập Cận Bình cũng có hoài bão cải cách, muốn thực hiện “Trung Hoa mộng”. Sau khi nhậm chức từ năm 2012, ông cũng mạnh tay “đả hổ diệt ruồi”, nhưng thời đó Tập còn được sự ủng hộ của Diệp Tuyển Ninh - con trai của cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh. Diệp Tuyển Ninh nắm trong tay đội quân 3.000 đặc vụ ngầm, nằm trong hệ thống đảng, chính quyền, quân đội để thu thập tin tình báo. Tuy nhiên, sau khi Diệp Tuyển Ninh qua đời tháng năm 2016, thì đội quân này được cho là đã nằm dưới quyền kiểm soát của phe Giang Trạch Dân - Tăng Khánh Hồng. Thành thử ra, rất khó để Tập Cận Bình nhận ra ai bạn ai thù trong số những thuộc cấp của mình. Ngày hôm nay, khi tin vào lời tiên tri, Tập càng trở nên nghi ngờ những người xung quanh, thậm chí nghi ngờ cả những nhân vật thân tín mà ông từng nâng đỡ như Tần Cương, Lý Thượng Phúc, hay trong lực lượng tên lửa con cưng mà ông lập ra, và sắp tới biết đâu lại có cả bạn thân Vương Tiểu Hồng hay lão tướng Trương Hựu Hiệp. Trong tình hình này, quan chức quân đội nào cũng có khả năng là “quân nhân cung thủ” đang nhắm bắn vào “con chim lông trắng”.

Sùng Trinh đế lo sợ đến mức đêm không dám ngủ, ngồi chờ trời sáng, cuối cùng bị đội quân phản loạn của Lý Tự Thành dồn đuổi nên treo cổ trên Môi Sơn.

Còn Tập Cận Bình sẽ đi đâu về đâu trong tình hình này?

Lối thoát nào cho ông Tập Cận Bình?

Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo duy nhất của ĐCSTQ công khai bày tỏ niềm tin vào sự tồn tại của Thần Phật. WikiLeaks từng công bố một tài liệu mật tiết lộ rằng ông Tập Cận Bình tin vào khí công Phật gia và các lực lượng siêu nhiên.

Ngoài ra, truyền thông ĐCSTQ còn từng đưa tin, vào ngày 7/1/2014, ông Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị Công tác Chính trị và Pháp luật Trung ương rằng: “Đừng chỉ nhìn vào những việc làm đắc ý ngày hôm nay, cẩn thận sau này tội trạng quấn thân, đều sẽ ứng nghiệm. Đừng làm chuyện như thế. Trên đầu ba thước có Thần linh, nhất định phải có lòng kính sợ”.

Có thể thấy, ông Tập tin rằng có “Thần linh” và tin rằng thiện ác hữu báo.

Nhưng nếu đã tin thì tin cho trót, nếu đã hiểu phải hiểu đến nơi. Phải hiểu rằng số Trời không thể đối phó bằng sức người hay mưu người được, chẳng phải người xưa đã từng nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” là gì. Làm người lãnh đạo, trước tiên hãy quên mình đi mà lo nghĩ cho lợi ích của nhân dân, thì Trời mới tác thành, điềm dữ không ứng nghiệm, nguy hiểm rồi cũng qua. Lịch sử chẳng đã lưu giữ những bài học phản tỉnh kịp thời của các vua Trung Tông Thái Mậu và Vũ Đinh nhà Thương hay sao?

Hay như bình luận gia Đường Hạo đã nói: “Nếu ông Tập Cận Bình muốn đảo ngược tình thế khủng hoảng và khó khăn hiện nay, cũng như muốn tránh được vụ ám sát hoặc đảo chính đã được tiên đoán từ xưa, thì theo tôi, chỉ có một con đường duy nhất là thuận theo ý Trời và lòng dân mà giải thể Đảng Cộng sản [Trung Quốc], rồi khai sáng ra một Trung Quốc tự do và dân chủ. Có như vậy thì mới đắc nhân tâm, mới giành được sự công nhận và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

"Trên thực tế, quẻ tượng thứ 53 trong cuốn ‘Thôi Bối Đồ’ cũng nhắc nhở ông ấy rằng, hãy ‘Thuận Thiên hưu mệnh’, tức là thuận theo ý Trời mà chấm dứt vận mệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, như vậy ông ấy sẽ trở thành ‘Quan Trung Thiên tử’ (hoàng đế Trung Hoa), sau đó 'Thủ ác càn cương thiên hạ an’ (tay cầm cương cả một vùng trời, thiên hạ an yên thái bình)".

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Ông Tập Cận Bình liệu có thể hóa giải đại họa vong thân từ dự ngôn cổ xưa?