Bình luận: Thất bại khi can thiệp vào bầu cử Đài Loan, Bắc Kinh sẽ đẩy ai ra làm dê thế tội?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 13/1, cuộc bầu cử ở Đài Loan đã kết thúc suôn sẻ và hiện trạng hai bờ eo biển Đài Loan sẽ được giữ nguyên, cả thế giới thở phào nhẹ nhõm. Chính quyền Trung Quốc đã thất bại trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan, e là nhất thời khó có thể chấp nhận kết quả này. Bắc Kinh đã vận sức ba bò chín trâu nhưng đều đổ sông đổ bể. Vậy ai phải chịu trách nhiệm, liệu nội bộ Trung Nam Hải có đẩy ai ra làm dê thế tội hay không? Có thể một cuộc hỗn loạn mới đang nhen nhóm trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bắc Kinh không bồi dưỡng được một ứng cử viên nào muốn đầu hàng

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan lần này vốn là cuộc chiến giữa “lam - lục”, tức giữa Quốc dân Đảng (KMT) và Đảng Dân Tiến (DPP), nhưng đã phát triển thành trận chiến giữa “lam - lục - trắng”. Màu trắng đại diện cho Đảng Dân chúng (TPP).

Cuối cùng, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến đã đắc cử với 40,05% số phiếu bầu. Ứng cử viên tổng thống của Quốc dân Đảng nhận được 33,49% số phiếu bầu, và ứng cử viên của Đảng Dân chúng nhận được 26,46%.

Ba đảng này cùng cạnh tranh, khó có bên nào có thể giành được hơn một nửa số phiếu. Tuy nhiên, Đảng Dân Tiến vẫn tiếp tục nắm quyền và tuyên bố rằng hiện trạng hai bên eo biển Đài Loan sẽ được giữ nguyên. Đây là sự lựa chọn của người dân Đài Loan, cũng là sự mong đợi của hầu hết người dân trên thế giới.

Song, kết quả này lại là tồi tệ nhất đối với chính quyền Trung Quốc, đồng nghĩa với việc mọi biện pháp mềm và cứng của chính quyền này đều không có tác dụng, Bắc Kinh lại một lần nữa thất bại khi can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan.

ĐCSTQ muốn gây nhiễu loạn và hạ bệ Đảng Dân Tiến. Vào giây phút cuối cùng trước cuộc bầu cử, cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (thuộc Quốc dân Đảng) tuyên bố rằng “phải tin tưởng ông Tập Cận Bình” và rằng ông Tập Cận Bình là “người có thể hợp tác cùng”. Bắc Kinh rất hy vọng thấy được ứng cử viên của một đảng nào đó có thể nói những lời tương tự và công khai đầu hàng ĐCSTQ, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) không hề khách khí mà nói rằng: “Nếu đi theo Đồng thuận năm 1992, Đài Loan sẽ giống như Hong Kong”. ("Đồng thuận 1992" là thỏa thuận ngầm đạt được vào năm 1992 giữa chính quyền Quốc dân Đảng ở Đài Loan và Bắc Kinh, theo đó hai bên eo biển Đài Loan thừa nhận chỉ có một nước Trung Quốc.)

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chúng Kha Văn Triết (Ko Wen-je) nói: “Đài Loan dân chủ, hai bờ hòa bình”, “Đừng tin vào ai, hãy tin chính mình”.

Ứng cử viên tổng thống của Quốc dân Đảng Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) bày tỏ rằng suy nghĩ của ông "hơi khác" với ông Mã Anh Cửu và ông chưa bao giờ ôm giữ những điều phi thực tế về ĐCSTQ. Tại buổi vận động tranh cử vào đêm trước ngày bầu cử, có nhiều nhân vật nặng ký của Quốc dân Đảng đã lên sân khấu để thể hiện sự ủng hộ nhưng ông Mã Anh Cửu không được mời tham dự. Giới quan sát cho rằng đây là hành động vạch rõ quan hệ với ông Mã.

Bắc Kinh đã dùng mọi thủ đoạn để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan, nhưng lại không bồi dưỡng được một ứng cử viên nào muốn đầu hàng, đây là một thất bại lớn.

(Từ trái sang) Ông Lại Thanh Đức, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền; ông Hầu Hữu Nghị, ứng cử viên tổng thống của phe đối lập chính Quốc Dân Đảng (KMT); và ông Kha Văn Triết, ứng cử viên tổng thống của đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), chụp ảnh trong một sự kiện tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 30/12/2023. (Ảnh: Pei Chen/Pool/AFP/Getty Images)
(Từ trái sang) Ông Lại Thanh Đức, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến (DPP); ông Hầu Hữu Nghi, ứng cử viên tổng thống của Quốc dân Đảng (KMT); và ông Kha Văn Triết, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chúng Đài Loan (TPP), chụp ảnh trong một sự kiện tại Đài Bắc, Đài Loan vào ngày 30/12/2023. (Ảnh: Pei Chen/Pool/AFP/Getty Images)

Cả 3 ứng cử viên tổng thống đều không tỏ ra yếu thế trước ĐCSTQ

Quan điểm chính trị của 3 ứng cử viên này về quan hệ giữa hai bờ eo biển luôn là tiêu điểm chính.

Ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến đề xuất “4 trụ cột”:

  • Một là nâng cao năng lực răn đe, tập trung vào việc tăng ngân sách quốc phòng và cải cách hệ thống quân dịch, dự bị, v.v. Mục đích là làm tăng chi phí sử dụng vũ lực của Bắc Kinh, từ đó làm giảm nguy cơ xung đột quân sự.
  • Hai là chủ trương đặt an ninh kinh tế ngang hàng với an ninh quốc gia, và đối mặt với những thách thức do sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc mang lại.
  • Ba là thiết lập quan hệ ngoại giao ổn định hơn với nhiều nước để Đài Loan không bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.
  • Bốn là duy trì hiện trạng trên eo biển Đài Loan và bày tỏ sẵn sàng tham gia đối thoại, nhưng không theo khuôn khổ Đồng thuận năm 1992 và nguyên tắc Một Trung Quốc.

Đảng Dân Tiến vẫn duy trì các chính sách xuyên eo biển trước đây, vì vậy Bắc Kinh mới làm mọi cách có thể để ngăn cản Đảng Dân Tiến tiếp tục nắm quyền.

Ông Hầu Hữu Nghi của Quốc dân Đảng đề xuất "chiến lược 3D", bao gồm răn đe, đối thoại, giảm thiểu rủi ro và xung đột. Ông Hầu cũng đề xuất hai bên eo biển Đài Loan không nên công nhận chủ quyền của nhau hoặc phủ nhận hiện thực chính trị của nhau. Ông này còn đề xuất phương án tăng lương cho lính tình nguyện ở các đơn vị chiến đấu để tăng cường sức mạnh quốc phòng.

Thái độ của ứng cử viên Quốc dân Đảng Hầu Hữu Nghi khá khác so với người cùng đảng là cựu Tổng thống Mã Anh Cửu. Ông Hầu không hề tỏ ra yếu thế trước Bắc Kinh.

Còn ông Kha Văn Triết của Đảng Dân chúng đề xuất "5 tương hỗ", bao gồm: nhận biết lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác với nhau và thông cảm cho nhau. Ông Kha nhấn mạnh rằng phải từng bước tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP, tăng cường tự động hóa vũ khí và chủ trương đa dạng các kênh mua vũ khí, phát triển các doanh nghiệp sản xuất quân sự trong nước và các kế hoạch tự chủ quốc phòng, v.v.

Thái độ của Đảng Dân chúng đối với quan hệ xuyên eo biển lại không rõ ràng như hai đảng còn lại, nhưng đảng này cũng chủ trương tăng cường quốc phòng. Cuối cùng ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chúng đã nhận được ít hơn 30% số phiếu bầu, điều này có thể phản ánh rằng hầu hết cử tri ở Đài Loan không sẵn lòng chấp nhận một chính sách hai bờ khá là mơ hồ như vậy.

Các ứng cử viên tổng thống của ba đảng đều không muốn thể hiện sự yếu kém trước ĐCSTQ, điều này cho thấy họ đều hiểu rõ ý nguyện của người dân Đài Loan.

Ngày 13/1/2024, một nhân viên phụ trách ở Đài Bắc đang kiểm phiếu và xác minh phiếu bầu cử tổng thống Đài Loan. (Annabelle Chih/Getty Images)

Nền dân chủ của Đài Loan vẫn là ‘tâm bệnh’ lớn nhất của ĐCSTQ

Bắc Kinh không thể chấp nhận được việc bất kỳ đảng nào lên nắm quyền ở Đài Loan mà tiếp tục duy trì hiện trạng hai bờ. Điều mà chính quyền Trung Quốc mong muốn là một tổng thống Đài Loan hoặc ứng cử viên tổng thống có thể nghe lệnh từ Bắc Kinh, cuối cùng đi ngược lại dư luận chính thống ở Đài Loan và đầu hàng ĐCSTQ.

ĐCSTQ chưa bao giờ quan tâm đến nguyện vọng của người dân, kể cả ở Trung Quốc hay Đài Loan, chính quyền này chỉ muốn biến Đài Loan thành một Hong Kong thứ hai. Tuy nhiên, cơ chế dân chủ của Đài Loan đang được hoàn thiện, điều này có thể được phản ánh qua tâm nguyện của người dân Đài Loan. Chỉ cần nền dân chủ của Đài Loan hoạt động bình thường thì những nỗ lực của Trung Nam Hải sẽ thất bại, đây luôn là ‘tâm bệnh’ lớn nhất của ĐCSTQ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Bảy (ngày 13/1) đã đưa ra một tuyên bố bằng văn bản để chúc mừng ông Lại và người dân Đài Loan: "Hoa Kỳ chúc mừng Tiến sĩ Lại Thanh Đức về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan. Chúng tôi cũng chúc mừng người dân Đài Loan vì đã một lần nữa chứng minh sức mạnh của một hệ thống dân chủ và quy trình bầu cử lành mạnh".

Tuyên bố trên còn cho biết: “Hoa Kỳ sẽ dốc sức để duy trì hòa bình và ổn định xuyên eo biển, giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, không chịu sự ép buộc và áp lực nào. Mối quan hệ đối tác giữa người dân Hoa Kỳ và người dân Đài Loan có nguồn gốc từ các giá trị dân chủ, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các trao đổi về mọi mặt bao gồm kinh tế, văn hóa…”.

Ông Lại Thanh Đức đã lựa chọn cựu Đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) làm đối tác ứng cử viên phó tổng thống của mình. Điều này cho thấy rõ một tín hiệu mạnh mẽ rằng Đài Loan sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ ‘chuẩn đồng minh’ với Hoa Kỳ. Việc ông Lại Thanh Đức đắc cử cũng là minh chứng cho tâm nguyện dân chủ của người dân Đài Loan và là kết quả được Mỹ mong đợi nhất. Trong lời chúc mừng ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ đã nói rõ rằng sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Đối với ĐCSTQ, điều này giống như bị mắc xương cá ở cổ họng.

Ứng cử viên của Quốc dân Đảng Hầu Hữu Nghi cũng đã gửi thông điệp duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Đài Loan không thể một mình chiến đấu với Trung Quốc nên việc dựa vào Mỹ là lựa chọn duy nhất.

Chiến tranh Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn, tình hình hỗn loạn ở Trung Đông vẫn chưa được giải quyết, thế giới sẽ không thể chịu nổi nếu eo biển Đài Loan có biến số. Kết quả bầu cử Đài Loan đã khiến Hoa Kỳ và toàn thế giới yên tâm. Các nước dân chủ trên thế giới sẽ tiếp tục ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan và duy trì hiện trạng ở hai bờ, đây là một tin xấu đối với Trung Quốc.

Vào ngày 13/1/2024, một thông báo về phản đối tả khuynh của Ủy ban Bầu cử Trung ương được dán bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở thành phố Tân Bắc, Đài Loan. (Sam Yeh/AFP via Getty Images)

Mối lo lắng lớn nhất của ĐCSTQ

Ngoài sự kém cỏi và tình báo giả trong nội bộ, một nguyên nhân quan trọng khác khiến ĐCSTQ thất bại chính là không chịu hiểu lòng dân mà chỉ muốn áp đặt.

ĐCSTQ luôn chống lại dân chủ, nên họ không thể hiểu được dân chủ cũng như cách thức hoạt động của dân chủ.

Truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối đưa tin về kết quả bầu cử ở Đài Loan và chỉ đưa ra tuyên bố từ Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện rằng “Đảng Dân Tiến không thể đại diện cho ý nguyện của phần lớn người dân trên đảo”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại không thể giải thích được, vậy ai có thể đại diện cho ý nguyện của phần lớn người dân Đài Loan.

Chính quyền Bắc Kinh thậm chí không thể giải thích tại sao Đài Loan có thể trực tiếp bầu cử tổng thống của mình, mà Hong Kong, Ma Cao, và Trung Quốc lại không thể?

ĐCSTQ luôn tuyên bố rằng nền dân chủ kiểu phương Tây không phù hợp với Trung Quốc, nhưng người dân ở bên kia eo biển Đài Loan lại đưa ra đáp án ngược lại. ĐCSTQ tuyên bố đại diện cho người dân Trung Quốc, nhưng các quan chức của chính quyền này biết rất rõ rằng nếu ở Trung Quốc thực hiện bầu cử dân chủ, lãnh đạo và quan chức các cấp rất có thể sẽ mất chức.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định lập trường phản đối "hai Trung Quốc" và "một Trung Quốc, một Đài Loan"; "sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế về nguyên tắc Một Trung Quốc và bố cục ổn định sẽ không thay đổi... tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc”.

Điều mà ĐCSTQ thực sự lo sợ là một khi cộng đồng quốc tế công nhận vị thế của Đài Loan, thì tuyên bố ‘ĐCSTQ đại diện cho Trung Quốc’ của Bắc Kinh sẽ bị lung lay nghiêm trọng.

Ai phải chịu trách nhiệm trong nội bộ ĐCSTQ?

Sau thất bại lần này, e rằng trong Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ có người gặp rắc rối. Văn phòng này có thể đã cung cấp thông tin sai lệch cho các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, nhưng ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), Chủ tịch Chính Hiệp Toàn quốc Trung Quốc (tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc), cũng khó có thể tránh được trách nhiệm. Ông Vương được cho là người đứng sau một loạt chiến thuật can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan, nhưng điều này cũng không thể miễn được trách nhiệm của “Trung ương Đảng”.

Trong năm 2023, Trung Nam Hải đã gặp hàng loạt thất bại ở cả đối nội và đối ngoại, quyền lực của người đứng đầu Đảng đang lâm nguy, gần đây ông này còn liên tục nhấn mạnh rằng toàn đảng phải duy trì quyền lực của “Trung ương Đảng”. Mới đầu năm 2024, Bắc Kinh đã chịu thất bại nặng nề trong vấn đề Đài Loan.

Sau thất bại này, nội bộ ĐCSTQ có thể sẽ lại dấy lên vấn đề sinh tử tồn vong. Sẽ rất khó để “Trung ương Đảng” có thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng, nếu không tìm được con dê thế tội thì chỉ có thể tự mình gánh chịu. Tuy nhiên, dù có đẩy ai ra làm dê thế tội thì cũng sẽ có người không phục, xử lý không khéo thì sẽ xảy ra tranh chấp nội bộ.

Có người trong hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc bày tỏ rằng, hy vọng Trung Quốc đại lục và Đài Loan có thể được thống nhất theo mô hình dân chủ của Đài Loan, trong tương lai đây có lẽ sẽ là tâm nguyện chung của cả người dân ở hai bờ. ĐCSTQ càng sụp đổ sớm, người dân được thực sự bày tỏ ý kiến của mình, thì sự thống nhất trong hòa bình giữa hai bờ eo biển càng sớm xảy ra!

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả Dương Uy (Yang Wei), không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Thất bại khi can thiệp vào bầu cử Đài Loan, Bắc Kinh sẽ đẩy ai ra làm dê thế tội?