ĐCSTQ đe dọa Úc vì ủng hộ Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra lời đe dọa trực tiếp nhất đối với Úc, cảnh báo về những hậu quả nếu Úc ủng hộ tổng thống mới đắc cử của Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) và Đảng Dân Tiến của ông.

Trong thông điệp gửi tới Canberra, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Tiêu Thiên nói: “Nếu Úc bị trói vào cỗ xe của lực lượng ly khai Đài Loan, người dân Úc sẽ bị đẩy xuống vực thẳm”.

Trước cuộc bầu cử ngày 13/1, Bắc Kinh đã mô tả cựu phó tổng thống Đài Loan là một "kẻ ly khai nguy hiểm". Vào ngày trưng cầu dân ý, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hứa sẽ "đập tan" mọi nỗ lực giành độc lập cho hòn đảo này.

ĐCSTQ thậm chí còn đi xa hơn khi cảnh báo cử tri rằng ông Lại Thanh Đức sẽ mang đến “chiến tranh và suy tàn”, đồng thời khuyến cáo cử tri không nên bỏ phiếu cho người sẽ đe dọa hòa bình bằng cách đi theo “con đường xấu xa” giành độc lập của Đài Loan.

Tân Tổng thống Đài Loan: ‘Hãy trân trọng dân chủ’

Ông Lại đã không làm gì để xoa dịu những lo ngại đó mà tự thể hiện mình trong chiến dịch tranh cử với tư cách là người bảo vệ lối sống dân chủ của Đài Loan.

“Hãy ra ngoài và bỏ phiếu để chứng minh sức sống của nền dân chủ Đài Loan”, ông nói với giới truyền thông trước cuộc bỏ phiếu. “Đây là nền dân chủ của Đài Loan [mà] khó khăn lắm mới giành được. Tất cả chúng ta nên trân trọng nền dân chủ của mình và bỏ phiếu một cách nhiệt tình”.

Và sau đó ông Lại dễ dàng giành chiến thắng khi nhận được hơn 40% trong tổng số 14 triệu phiếu bầu.

Căng thẳng trong khu vực vẫn thường xuyên xảy ra, với việc ĐCSTQ tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm giữ hòn đảo này vào một ngày nào đó.

Đài Loan ngăn cách với đại lục bởi một eo biển dài 180 km (110 dặm).

Đại sứ Tiêu Thiên cho biết thêm trong tuyên bố của mình rằng đảng của ông Lại đang âm mưu hợp tác với “các thế lực bên ngoài để liên tiếp có các hành động khiêu khích” nhằm “thay đổi hiện trạng trên khắp eo biển”.

Ông Tập: sự thống nhất là điều không thể tránh khỏi

Trong bài phát biểu đầu năm mới 2024, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng “sự thống nhất” giữa Đài Loan và Trung Quốc là điều “không thể tránh khỏi”.

Thông điệp chúc mừng ông Lại Thanh Đức từ Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhận được phản ứng tương tự từ Bắc Kinh, trong đó ĐCSTQ tuyên bố rằng Washington đã "phát đi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới lực lượng ly khai đòi 'Đài Loan độc lập'".

Một phát ngôn viên của ĐCSTQ tuyên bố: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối điều này, đồng thời [chúng tôi cũng] đã đưa ra tuyên bố nghiêm túc với phía Mỹ”.

Bắc Kinh nói thêm rằng tuyên bố của Washington “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc” cũng như cam kết của Mỹ trong việc duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan.

Chuyến thăm của phái đoàn Mỹ vào ngày 15/1 dự kiến sẽ khiến Bắc Kinh tức giận hơn nữa, vì gợi nhớ đến chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào năm 2022. Sự kiện này đã kích động Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay vây quanh Đài Loan, với sự tham gia của tàu chiến, tên lửa và máy bay chiến đấu.

Hai cựu quan chức cấp cao Mỹ chuẩn bị gặp “các nhân vật chính trị cấp cao của Đài Loan” để chuyển lời chúc mừng của Hoa Kỳ.

Khả năng xảy ra xung đột ngẫu nhiên

Hiện đang có suy đoán về việc liệu Bắc Kinh có tăng cường gây hấn với Đài Loan hay không, nơi gần như ngày nào cũng có sự hiện diện của máy bay ném bom và tàu hải quân Trung Quốc bao quanh khu vực này.

Các chiến lược gia địa chính trị lo ngại về một cuộc xung đột ngẫu nhiên, đặc biệt sau khi Bắc Kinh cắt đứt liên lạc với chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn.

Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Úc thì Đài Loan cũng là đối tác thương mại hàng hóa song phương lớn thứ 7 của Úc trong năm 2021 và 2022, với giá trị thương mại lên tới 32,6 tỷ USD.

Đây cũng là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 5 của Úc trong năm 2021 và 2022, trị giá 23,1 tỷ USD (15,4 tỷ USD).

Thương mại dịch vụ song phương đạt tổng trị giá 811 triệu USD, trong đó Úc xuất khẩu 468 triệu USD sang Đài Loan và nhập khẩu 343 triệu USD dịch vụ.

Điều đó khiến Canberra rơi vào tình thế khó khăn. Trong khi chính quyền Biden đã chỉ ra rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp với Trung Quốc, thì Australia lại tỏ ra mơ hồ hơn về chủ đề này và tuyên bố rằng họ sẽ không suy đoán.

Có thể Nội các Úc chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

Trong khi Thủ tướng Anthony Albanese và Ngoại trưởng Penny Wong thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hiện trạng thì Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles lại tuyên bố trong một bài phát biểu tại Hàn Quốc vào cuối năm ngoái rằng Canberra không thể trở thành "người ngoài cuộc thụ động" trong vấn đề này.

Lập trường của Canberra có thể phải thay đổi

Tuy nhiên, một số nhà quan sát tin rằng - ngay cả dưới chính phủ ông Albanese ít hiếu chiến hơn - thì Úc sẽ không thể tiếp tục tránh né việc “chọn phe” trong vấn đề này, đặc biệt khi nước này là thành viên của AUKUS.

Họ thậm chí còn thúc giục chính phủ Úc bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương với quốc đảo này, đồng thời trì hoãn xung đột với Trung Quốc và “phát triển các kế hoạch dự phòng trước khả năng xảy ra một cuộc xâm lược đổ bộ toàn diện của quân đội Trung Quốc qua eo biển Đài Loan”.

Trong khi đó, chính phủ mới đắc cử của Đài Loan cũng không theo con đường xoa dịu, khi ngay lập tức ra tuyên bố hôm 14/1 kêu gọi Bắc Kinh công nhận kết quả bầu cử.

“Bộ Ngoại giao kêu gọi chính quyền Bắc Kinh tôn trọng kết quả bầu cử, đối mặt với thực tế và từ bỏ việc đàn áp Đài Loan để có những tương tác tích cực xuyên eo biển để trở lại đúng hướng”, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết.

Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn giữ vững lập trường. Mặc dù ông Lại Thanh Đức được ghi nhận là người không khẳng định nền độc lập của Đài Loan về mặt pháp lý, nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng điều quan trọng là phải làm rõ rằng cuộc bầu cử không ảnh hưởng đến vị thế của Đài Loan.

Ông Vương tuyên bố trong cuộc họp báo ở Cairo (Ai Cập): “Nếu bất cứ ai trên đảo Đài Loan nghĩ đến việc giành độc lập, họ sẽ… cố gắng chia rẽ Trung Quốc, và chắc chắn sẽ bị lịch sử cũng như luật pháp trừng phạt nghiêm khắc”.

Ông nói: “Đài Loan chưa bao giờ là một quốc gia. Trước đây và sau này cũng sẽ không như vậy”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ đe dọa Úc vì ủng hộ Đài Loan