Bình luận: Cử tri Đài Loan vừa 'hạ thấp giá trị' của ông Tập Cận Bình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết quả cuộc bầu cử ở Đài Loan đã ngã ngũ. Các cử tri Đài Loan đã đứng lên phản đối Trung Quốc và tất cả các cuộc thảo luận về chiến tranh của nước này trong những tuần gần đây.

Bài bình luận

Được xuất bản lần đầu bởi Viện Gatestone.

Hôm 13/1, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến đã đắc cử tổng thống trong cuộc tranh cử ba bên với 40,1% số phiếu bầu. Bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện mới đây của Đài Bắc tại Washington, được bầu làm phó tổng thống.

Thị trưởng thành phố Đài Bắc Hầu Hữu Nghi, thuộc phe đối lập Quốc Dân Đảng nhận được 33,5% tỷ lệ ủng hộ, và ông Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan đứng thứ ba với 26,5%.

Cuộc bầu cử này mang tính lịch sử. Lần đầu tiên kể từ khi hòn đảo này tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên vào năm 1996, một đảng đã giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ ba liên tiếp.

Trước đây, Đảng Dân Tiến, hay còn gọi là đảng cầm quyền, và Quốc Dân Đảng, đã luân phiên chiếc ghế tổng thống cứ 8 năm một lần.

Cách đây vài tuần, chiến dịch tranh cử của ông Lại Thanh Đức đã vấp phải khó khăn khi các cử tri bày tỏ sự bất mãn với cách quản trị của Đảng Dân Tiến về các vấn đề cơm áo gạo tiền. Sau đó, Bắc Kinh đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi gọi phó tổng thống Đài Loan là “kẻ ly khai” và “kẻ hủy diệt hòa bình”. Kết quả là, các cử tri gốc Đài Loan đã bắt đầu tập trung vào vấn đề sắc tộc và mối đe dọa từ Trung Quốc.

Đảng Dân Tiến đại diện cho những người tự coi mình là “người Đài Loan”. Luôn có hơn 60% trong số 23,5 triệu người dân trên hòn đảo tự nhận mình “Chỉ là người Đài Loan” - một số cuộc thăm dò ước tính trên 80% - trong khi nhìn chung chưa đến 5% nói rằng họ là “Chỉ là người Trung Quốc”.

Quốc Dân Đảng của ông Hầu Hữu Nghi đã chuyển đến Đài Loan vào năm 1949 sau khi thất bại trong cuộc Nội chiến Trung Quốc và đây được coi là đảng của người Hoa trên đảo. Nhiều người vẫn coi họ là những kẻ xâm lược, đặc biệt là sau “Khủng bố trắng” tàn bạo của Quốc Dân Đảng, một chiến dịch kéo dài bốn thập kỷ nhằm vào người dân Đài Loan bản địa.

Bắc Kinh tuyên bố rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hiện ủng hộ Quốc Dân Đảng, bởi vì trên thực tế, việc Trung Quốc sáp nhập hòn đảo này một cách hòa bình chỉ có thể thực hiện được khi người dân Đài Loan tin rằng họ có chung di sản với những người ở “đại lục”.

Cuộc đàm phán về chiến tranh của Bắc Kinh chỉ nhắc nhở cử tri rằng, bất chấp sự bất mãn của họ với Đảng Dân Tiến cầm quyền, đảng này vẫn là lựa chọn phù hợp nhất để duy trì nền độc lập của Đài Loan. Một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã tuyên bố trong tháng này rằng cuộc bầu cử ở Đài Loan đặt ra sự lựa chọn giữa “hòa bình và chiến tranh”.

Người dân Đài Loan không muốn nằm dưới sự cai trị của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là sau khi chứng kiến cách Bắc Kinh bóp nghẹt Hong Kong trong 4 năm qua.

Lợi thế của ông Lại Thanh Đức vào hôm 13/1 lớn hơn so với lợi thế trong các cuộc thăm dò được công bố ngay trước khi thời gian tạm dừng bỏ phiếu 10 ngày có hiệu lực. Ông Lại nên cảm ơn cựu lãnh đạo Quốc Dân Đảng Mã Anh Cửu vì đã giúp ông xây dựng vị thế dẫn đầu mong manh vào những ngày trước cuộc bầu cử.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Deutsche Welle của Đức vào ngày 10/1, ông Mã Anh Cửu về cơ bản đã ủng hộ việc Đài Bắc đầu hàng Bắc Kinh và nói với người dân Đài Loan rằng họ có thể tin tưởng ông Tập Cận Bình.

Ông Ma Chun-wei của Đại học Đạm Giang ở thành phố Tân Bắc nói với tờ Straits Times của Singapore: “Rất không may cho chiến dịch tranh cử của ông Hầu Hữu Nghi vào thời điểm này. Nếu ông Mã Anh Cửu đưa ra những tuyên bố trên vào hai tháng trước, thì bây giờ cử tri có thể đã bỏ qua. Nhưng việc ông Mã lại đưa ra phát ngôn đó chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử có thể khiến đảng này phải trả giá [khi vuột mất lá phiếu của] các cử tri trung lưu then chốt”.

Ông Mã Anh Cửu, từng lãnh đạo Đài Loan từ năm 2008 tới 2016, chắc chắn đã ghi điểm với 1,6% cử tri muốn thống nhất ngay lập tức với Trung Quốc, chứ không phải là những cử tri của đảng khác.

Ông Mã, người từng vận động tranh cử cho ông Hầu Hữu Nghi, không được mời tham dự sự kiện vận động tranh cử quan trọng nhất của Quốc Dân Đảng, một cuộc mít tinh được tổ chức một ngày trước cuộc bầu cử ở Thành phố Tân Đài Bắc.

Quyết định của ông Hầu khi không mời ông Mã tới sự kiện vận động tranh cử trên là một nỗ lực trấn an cử tri rằng ông sẽ không bán đứng Đài Loan cho Trung Quốc. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Hầu Hữu Nghi nhấn mạnh rằng ông là ứng cử viên sáng giá nhất trong việc đối phó với Trung Quốc trong khi duy trì nền dân chủ của hòn đảo.

Thật không may cho Quốc Dân Đảng, họ phải thu hút cả người Hoa ở Đài Loan (khu vực bầu cử cốt lõi của đảng này) lẫn người Đài Loan bản địa, những người đang bắt đầu thống trị chính trị và có những khát vọng khác so với người Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình lúc này hẳn đang rất tức giận. Trong thông điệp năm mới 2024, ông đã tái khẳng định ý định chiếm Đài Loan.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ được thống nhất, và tất cả người Trung Quốc ở cả hai bờ eo biển Đài Loan phải bị ràng buộc bởi ý thức chung về mục đích và chia sẻ vinh quang trong công cuộc trẻ hóa đất nước Trung Quốc”, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố trong một đoạn văn có vẻ như liệt kê những sự kiện sẽ xảy ra trong năm nay.

Trung Quốc đã tự tin quá mức. Ông Bob Yang, giáo sư đã nghỉ hưu và cựu chủ tịch Hiệp hội Công vụ Formosan thân Đài Loan, nói với Viện Gatestone: “Tôi nghĩ người dân Đài Loan đã quen với những mối đe dọa vô tận đến từ Trung Quốc. Có vẻ như họ đang tiến bộ rất nhanh”.

Theo ông Yang, người hiện đang ở Đài Loan sau khi vận động tranh cử cho các ứng cử viên Đảng Dân Tiến, các mối đe dọa từ Trung Quốc đang giảm dần. Một dân tộc tự do, sống chỉ cách đất nước Trung Hoa đáng sợ hơn một trăm dặm một chút, sẽ không bị hăm dọa.

Sau khi nghe được những lời đe dọa của ông Tập Cận Bình, người Đài Loan thậm chí còn trở nên thách thức hơn và hiện đã hạ thấp giá trị của ông Tập.

Người dân của hòn đảo nhỏ bé Đài Loan không sợ hãi trước một Trung Quốc rộng lớn. Họ là nguồn cảm hứng trong công cuộc giải phóng dân tộc ở khắp mọi nơi.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Cử tri Đài Loan vừa 'hạ thấp giá trị' của ông Tập Cận Bình