Chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển sang mô hình 'Phòng hờ vạn nhất': SAP

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo công ty phần mềm SAP tại Vương quốc Anh, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi mô hình hàng tồn kho, chuyển từ mô hình "Đúng lúc" (JIT) sang "Phòng hờ vạn nhất" (JIC) trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn và không chắc chắn.

Hầu hết mọi tổ chức ở Anh đều thừa nhận rằng, chuỗi cung ứng của mình cần được cải thiện, với hơn một nửa thừa nhận cần cải thiện đáng kể chuỗi cung ứng, theo như một thông cáo báo chí của công ty phần mềm SAP ngày 8/6 cho biết.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, 66% doanh nghiệp ở Vương quốc Anh đã gặp phải sự chậm trễ trong sản xuất và cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Trong khi 64% bị mất doanh thu, thì 58% bị mất khách hàng. Trong hoàn cảnh này, 84% doanh nghiệp hiện đang có kế hoạch chuyển từ mô hình "Đúng lúc" (JIT) sang "Phòng hờ vạn nhất" (JIC).

Theo mô hình "Đúng lúc", doanh nghiệp chỉ nhận hàng tồn kho khi cần cho sản xuất. Ngược lại, mô hình "Phòng hờ vạn nhất" trữ hàng tồn kho từ trước đó một thời gian dài.

Trong khi các mô hình "Đúng lúc" giảm thiểu lãng phí trong sản xuất nhiều nhất có thể, thì mục tiêu của "Phòng hờ vạn nhất" là đảm bảo ít xảy ra khả năng lượng hàng tồn kho bị thấp, để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào trong lịch trình sản xuất. Theo công ty SAP cho biết, gần một phần tư các doanh nghiệp đang cho rằng, các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ kéo dài đến hè 2023.

Giám đốc điều hành SAP Vương quốc Anh và Ireland là Michiel Verhoeven chia sẻ với Supply Chain Digital một cổng thông tin dành riêng cho ngành công nghiệp chuỗi cung ứng rằng trong nhiều thập kỷ qua, quản lý chuỗi cung ứng đã tập trung vào chi phí, ưu tiên giữ cho hàng tồn kho tinh gọn và quay vòng nhanh chóng. Điều này khác với "linh hoạt và có khả năng phục hồi nhanh", ông cho biết.

"Với sự chấm dứt của mô hình 'Đúng lúc', các doanh nghiệp phải bắt đầu đặt cùng kỳ vọng vào chuỗi cung ứng giống như kỳ vọng mà họ đặt ra cho hoạt động kinh doanh rộng lớn hơn, tự cấu trúc để trở thành mô hình 'Phòng hờ vạn nhất', để khi thảm họa xảy ra, họ có thể thích ứng được. Những ai không thực hiện thay đổi này sẽ phải trải qua 18 tháng rất khó khăn", ông Verhoeven nói.

Tại Mỹ, Nhà Trắng gần đây đã thông báo bổ nhiệm Tướng đã nghỉ hưu Stephen R. Lyons làm Đặc phái viên về Cảng và Chuỗi cung ứng mới cho Lực lượng Đặc nhiệm về Sự gián đoạn Chuỗi Cung ứng của Chính quyền Biden-Harris. Lực lượng đặc nhiệm được thành lập vào tháng 6 năm ngoái để giải quyết tình trạng mất cân bằng cung và cầu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Pete Buttigieg cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 27/5 của Bộ: "Các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn mong manh chừng nào đại dịch vẫn tiếp tục làm gián đoạn các cảng và nhà máy trên khắp thế giới, và còn rất nhiều việc để giảm chậm trễ và chi phí vận chuyển cho các gia đình Mỹ".

Theo Brandon Daniels giám đốc điều hành Exiger, công ty phát triển phần mềm phân tích và định hình lại chuỗi cung ứng — thì việc loại Nga khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu là một vấn đề phức tạp. Ông nói với tờ Guardian rằng, các hệ thống phân phối mô hình "Đúng lúc" có thể sắp chấm dứt.

Ông Daniels cho biết: "Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chúng ta là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia chúng ta". "Tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy có những thay đổi đáng kể đối với mô hình giao hàng 'Đúng lúc', dẫn đến việc quản lý kho hàng tốt hơn, và lượng hàng tồn kho dài hơi hơn, giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu nguyên vật liệu".

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển sang mô hình 'Phòng hờ vạn nhất': SAP