Chuyên gia: Trung Quốc sắp bước vào kỷ nguyên thiếu tiền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Trung Quốc chấm dứt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19, các vấn đề kinh tế của nước này cũng gần như đồng loạt bùng nổ. Bất động sản liên tiếp đổ vỡ, khoản nợ cao của chính quyền trung ương và địa phương đã đẩy Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng nợ với quy mô chưa từng có.

Ông Củng Thắng Lợi (Gong Shengli), nhà nghiên cứu tại một tổ chức tư vấn về tài chính Trung Quốc, gần đây nói rằng: “Nói chung, lấy năm 2024 làm đường ranh giới, Trung Quốc có thể sắp phải đối mặt với một kỷ nguyên thiếu tiền”.

Bắt đầu từ cuối năm 2022, các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc thi nhau ập tới. Trong năm 2023 vừa qua, Trung Quốc đã trải qua các cuộc khủng hoảng nợ, bao gồm cả làn sóng vỡ nợ bất động sản và sự suy thoái của thị trường này.

Ông Củng Thắng Lợi chỉ ra: "Mọi người không dám chi tiêu vì trong túi không có tiền. Tại sao? Bởi vì dịch bệnh Covid-19 trong ba năm đó về cơ bản đã rút sạch tiền trong túi người dân, ai có một số tích góp thì cũng rút ra tiêu rồi".

Tại kỳ họp Lưỡng Hội được tổ chức vào đầu tháng 3 năm nay, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài trong nhiều năm liên tiếp bắt đầu từ năm 2024, và sẽ phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY) trong năm nay.

Lưỡng Hội là 2 cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội).

Ông Củng nói, nợ quốc gia kỳ hạn siêu dài - 50 năm mà Trung Quốc phát hành lần này tuy không phải quá nhiều, khoảng 30 tỷ CNY, nhưng điều này cũng rất đáng sợ. “Nói một cách đơn giản, chẳng hạn, nếu một người 30 tuổi hiện có khoản nợ quốc gia 50 năm thì đến 80 tuổi anh ta mới đến trả. Đây là khoản nợ quốc gia kỳ hạn siêu dài đầu tiên trên thế giới”.

Ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-Hsiang), Giáo sư tại Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, cho biết nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái trong tương lai, “chính sách [nợ quốc gia đặc biệt với kỳ hạn siêu dài] này chắc chắn sẽ là một chính sách để lại nợ cho con cháu”.

Ngoài việc phát hành nợ quốc gia, chính quyền Trung Quốc còn tạm dừng nhiều dự án lớn để tiết kiệm tiền. Vào cuối năm 2023, Văn phòng Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã ban hành văn bản yêu cầu rằng tới trước năm 2024, ngoại trừ các dự án cấp nước, cấp điện, sưởi ấm… nhằm đảm bảo sinh kế cơ bản cho người dân, chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ không được triển khai các dự án cơ sở hạ tầng mới có quy mô lớn. Yêu cầu trên đã làm nổi bật tình trạng thiếu tiền của chính quyền này.

Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư nổi tiếng, ước tính rằng các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tích lũy khoản nợ lên tới 94 nghìn tỷ CNY (khoảng 20 nghìn tỷ USD), bao gồm cả các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương.

Ông Củng nói: “Tôi nghĩ có thể ít nhất, ít nhất là, mỗi năm Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 1/3 số tiền [cần thiết], nhưng họ lại không dám phát hành tiền nữa, bởi vì hiện tại đã rất đáng sợ rồi, lượng tiền phát hành đã đạt tới mức đỉnh lịch sử”.

Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina ở Mỹ phân tích rằng, hệ thống độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc; e rằng các biện pháp giải cứu hiện tại mà chính quyền này đưa ra sẽ không ngăn được con “tê giác xám” đang lao về phía họ.

Khái niệm "tê giác xám" lần đầu tiên được học giả người Mỹ Michele Wucker đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Davos tổ chức hồi tháng 1/2013. Trong cuốn sách "Tê giác xám: Cách nhận biết và hành động trước những nguy cơ rõ ràng mà chúng ta bỏ qua", bà Wucker mô tả như sau: "Tê giác xám là cụm từ để chỉ một rủi ro có xác suất cực lớn và lực tác động cực lớn, nhưng lại bị bỏ qua, một rủi ro mà chúng ta nên nhận thức được, giống như một con tê giác nặng hai tấn đang hướng cặp sừng của nó vào chúng ta và tấn công với tốc độ tối đa".

Ông Tạ nói: “Về cơ bản, một nhóm người không hiểu về kinh tế và tài chính đang kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc. Họ coi toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc và tài chính của xã hội Trung Quốc cũng như của cải của toàn xã hội này là cái ví tiền của ĐCSTQ, muốn rút bao nhiêu thì rút. Họ chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của mình và kiểm soát người dân Trung Quốc. Trong tình huống này, nền kinh tế chắc chắn sẽ tiếp tục suy thoái, và cũng không thấy được bất kỳ hy vọng cải thiện nào".

Theo NTDThe Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc sắp bước vào kỷ nguyên thiếu tiền