Cội nguồn nhạc vũ (P-7): Vu phong hưng thịnh - Thần tích mất dần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhạc làm cho người ta hạnh phúc. Nhưng người quân tử đạt được hạnh phúc vì dùng nhạc để đồng hóa với Đại Đạo, kẻ tiểu nhân thấy sung sướng vì dùng nhạc để thỏa mãn dục vọng.

Xem lại: Nguồn gốc nhạc vũ (P-6): Diễn tấu du dương - Cảm động Thần linh

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến âm nhạc và vũ điệu trong thời kỳ đầu có năng lượng rất lớn, có thể kết nối Thần linh, là do ở thời điểm đó, nhân loại có tư tưởng thuần tịnh, tâm thành ý thiện, hoàn toàn không có dục vọng và chấp trước, đơn thuần mà giản dị, vậy nên họ có thể phát huy tối đa năng lượng của âm nhạc.

Dần dà, cùng với sự phát triển của nền văn minh vật chất của nhân loại, những ham muốn của con người ngày một lớn hơn, tâm linh không còn đơn thuần, trong sáng nữa, nhân tâm cũng trở nên phức tạp và dơ bẩn. Vì vậy con người bắt đầu truy cầu nhục dục hưởng lạc, theo đuổi lợi ích vật chất, năng lượng tinh thần ngày càng yếu dần, họ ngày càng xa Thần, quay lưng với tự nhiên và Đại Đạo, Thần cũng dần biến mất.

Trong "Thượng thư - Y huấn" có ghi lại: “Y Doãn dạy dỗ Thái Giáp, nói rằng tiên vương Thương Thang từng nhắc nhở các quan viên: "Những kẻ dám khiêu vũ cả ngày trong cung điện, mặc sức hát ca, gọi là Vu phong... Quốc vương bị nhiễm Vu phong, quốc gia tất vong".

"Những kẻ dám khiêu vũ cả ngày trong cung điện, mặc sức hát ca, gọi là Vu phong... Quốc vương bị nhiễm Vu phong, quốc gia tất vong". (Ảnh: pinterest.com)

Ghi chép này cho thấy rằng trong những ngày đầu, Nhạc đã dần dần diễn biến từ chức năng giáo hóa, kết nối Thần linh, thành chức năng cho người ta giải trí và hưởng thụ. Khi đã trở thành công cụ để phóng túng mua vui, thì hình thành nên một phong khí tà dâm, nó được gọi là “Vu phong”, nó làm bại hoại phong khí quốc gia, làm suy đồi đạo đức xã hội.

Trong "Quản Tử - Khinh trọng giáp" ghi: "Từ trước thời Hạ Kiệt, trong cung nuôi 3 vạn nữ nhạc công, mỗi sáng đều hát vang ở cổng chính, trên đường có thể nghe thấy tiếng ca múa nhạc, họ đều ăn mặc xa hoa".

Có thể thấy rằng vào cuối thời nhà Hạ đã hưng khởi "Vu phong". Khi nhạc vũ rơi rớt biến thành công cụ để người ta phóng túng hưởng lạc, thì năng lực kết nối Thần linh cũng dần biến mất, năng lượng của Thần sau nó cũng yếu dần.

“Nhạc ký” là bộ luận về âm nhạc sớm nhất, và có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc, được đưa vào “Lễ ký” và trở thành một tác phẩm kinh điển của Nho giáo. Nó cũng được ghi trong "Sử ký" của Tư Mã Thiên, nhưng có khác biệt nhỏ, được gọi là "Nhạc thư".

Trong “Nhạc ký” viết: "Nhạc có tác dụng quy chính nhân tâm, nhạc dù long trọng đến đâu cũng không phải để người ta tận hưởng, lễ tế có thịnh soạn đến đâu, cũng không phải để người ăn sướng miệng. Ví dụ, đàn sắt được sử dụng diễn tấu "Thanh miếu" có dây màu hồng ở phía trên và các lỗ thưa ở phía dưới. Nó được hát bởi một người và ba người cùng hòa âm. Mục đích không phải để truy cầu những âm thanh hoa mỹ, mà mang ý nghĩa sâu xa. Một ví dụ khác là lễ tế, dùng nước thay cho rượu, thịt và cá sống được bày trên đĩa, nước thịt cũng không nêm gia vị. Mục đích không phải truy cầu ngon miệng, mà có ý nghĩa lớn lao khác. Do vậy, cổ Thánh tiên vương chế tác ra Lễ, Nhạc không phải để thỏa mãn sự hưởng thụ nơi miệng, dạ dày, tai, mắt của người ta, mà là để giáo hóa nhân dân thanh tâm quả dục, quay về trong tự nhiên Đại Đạo”.

“Thiên tính người ta là yên tĩnh và ôn hòa, hậu thiên bị ngoại vật cám dỗ mà náo động bất an, đó là do thiên tính bị cám dỗ mà sinh ra dục vọng. Trong quá trình nhận thức ngoại vật, sẽ sinh ra hai cảm xúc yêu hoặc ghét. Nếu yêu ghét không được tiết chế từ nội tâm, mà bị ngoại vật không ngừng dẫn dụ, khi ấy nếu không phản tỉnh, thì thiên tính sẽ dần dần bị mất đi. Cám dỗ của ngoại vật là vô cùng vô tận, nếu nhân tâm không tiết chế, thì vật chất sẽ chinh phục nhân tâm, khi ấy thiên tính sẽ bị diệt tuyệt, dục vọng được buông thả, đến bước này thì sinh ra ngỗ nghịch nổi loạn, dối trá, đạo đức giả, cùng dâm loạn phóng đãng. Kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, kẻ khôn ngoan lừa người lương thiện, kẻ hung hãn làm khổ kẻ yếu hèn, ốm đau bệnh tật không người chăm sóc, trẻ mồ côi, góa bụa, già yếu không ai chăm lo, thật là đại loạn!”

“Nhạc làm cho người ta hạnh phúc. Nhưng người quân tử đạt được hạnh phúc vì dùng nhạc để đồng hóa với Đại Đạo, kẻ tiểu nhân thấy sung sướng vì dùng nhạc để thỏa mãn dục vọng. Dùng Thiên Đạo để kiềm chế dục vọng ích kỷ sẽ mang lại hạnh phúc thật sự mà không bị mê loạn; phóng túng tư dục mà xa rời Đại Đạo, thì sẽ bị mê loạn tâm trí mà không có được hạnh phúc thực sự”.

"Nghe âm thanh gian tà, khí tà loạn trên thân sẽ bị đánh thức, khi tà khí nhiều lên, dâm lạc sẽ trở thành trào lưu. Nghe thanh âm thuần chính, chính khí trên thân sẽ cảm ứng, khi chính khí nhiều lên, sự hài hòa sẽ thịnh hành…”

Nhạc làm cho người ta hạnh phúc. Nhưng người quân tử đạt được hạnh phúc vì dùng nhạc để đồng hóa với Đại Đạo, kẻ tiểu nhân thấy sung sướng vì dùng nhạc để thỏa mãn dục vọng. (Tranh ML)

Trên đây là luận thuật trong “Nhạc ký”, theo tiêu chuẩn này thì hầu hết các loại ca múa nhạc phổ biến hiện nay, về cơ bản đều thuộc phạm vi "dâm nhạc", làm băng hoại đạo đức xã hội, do đó không có Thần tích. Ngoài ra, "Nhạc thư" còn ghi lại một câu chuyện lịch sử:

Vào thời Xuân Thu, có lần Vệ Linh Công đến nước Tấn yết kiến Tấn Bình Công, buổi tối, họ nghỉ ở khách sạn bên sông Bộc. Nửa đêm, Vệ Linh Công bỗng nghe tiếng đàn cầm, liền hỏi người hầu có nghe thấy không, họ đều trả lời là không nghe thấy gì. Bèn gọi Sư Quyên tới nói: “Ta nghe thấy tiếng đàn, nhưng bọn họ lại không nghe được, xem ra đây là âm thanh của quỷ Thần, ta mang thanh âm đó thuật cho ông ghi lại.”

Thế là Vệ Linh Công thuật lại, Sư Quyên cầm đàn gảy theo, đến tận sáng mới ghi xong. Sau khi ghi lại, Sư Quyên luyện tập một ngày, luyện tập xong, họ tới bái kiến Tấn Bình Công.

Sau khi đến nước Tấn, Tấn Bình Công mở tiệc đón tiếp. Khi rượu tiệc đang nồng, Vệ Linh Công xin được tấu khúc nhạc mà ông nghe được trên đường cho Tấn Bình Công nghe, để thêm phần vui vẻ. Tấn Bình Công rất vui nên đã lệnh cho Sư Quyên ngồi bên Sư Khoáng chơi đàn. Sư Quyên là nhạc sư của Vệ Linh Công, Sư Khoáng là nhạc sư của Tấn Bình Công. Sư Quyên chưa dứt tiếng đàn, Sư Khoáng đã vội ngăn lại và nói: "Đây là âm thanh vong quốc, không nên đàn nữa!"

Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng tại sao lại nói vậy. Sư Khoáng nói: "Khúc này do Sư Diên khi xưa sáng tác cho Thương Trụ Vương, sau khi Vũ Vương phạt Trụ, Sư Diên tháo chạy về Đông, cuối cùng nhảy xuống sông Bộc, khúc này khẳng định là nghe được ở sông Bộc, ai nghe thấy khúc này đầu tiên, quốc gia sẽ suy bại.”

Thế nhưng Tấn Bình Công không nghe, đòi Sư Quyên đàn cho hết khúc.

Tấn Bình Công không nghe, đòi Sư Quyên đàn cho hết khúc. (Ảnh: Shutterstock)

Nghe xong vẫn chưa thỏa lòng nên Tấn Bình Công đã hỏi Sư Khoáng: “Thế gian chắc không có khúc nhạc nào bi thương hơn khúc này, đúng không?”

Sư Khoáng nói: “Vẫn còn”.

Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng liệu có thể tấu nghe chơi. Sư Khoáng nói: “Đức hạnh của ngài không đủ, không thể nghe khúc này.”

Tấn Bình Công khăng khăng yêu cầu Sư Khoáng tấu lên, Sư Khoáng đánh đàn tấu. Vừa chơi xong một đoạn, 16 Tiên hạc từ trên trời đáp xuống trước hiên nhà, khi chơi đến đoạn thứ hai, Tiên hạc vươn cổ hót líu lo, vỗ cánh bay múa theo tiếng đàn.

Tấn Bình Công vui mừng khôn xiết, đứng lên chúc rượu Sư Khoáng, rồi hỏi: "Chắc không có khúc nào bi thương hơn khúc vừa rồi, đúng không?”

Sư Khoáng nói: "Vẫn còn, khi xưa Hoàng Đế triệu tập quỷ Thần cho tấu khúc “Thanh Giác”, còn bi thương hơn khúc này, nhưng đức hạnh của ngài quá mỏng, không nên nghe khúc đó, nếu không có thể dẫn đến tai họa bại vong”.

Tấn Bình Công nói: “Ta tuổi đã cao rồi, còn để ý gì đến bại vong nữa đây? Ta rất yêu âm nhạc, những mong nghe được khúc này”.

Sư Khoáng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tấu lại. Tấu xong khúc đầu, những đám mây trắng từ bầu trời phía tây bắc đùn lên, khi đàn đoạn thứ hai, cuồng phong nổi lên thổi bay gạch ngói ở hiên nhà, khiến mọi người chạy tán loạn, Tấn Bình Công cũng sợ bò trên sàn trong phòng. Sau đó, nước Tấn bị hạn hán nghiêm trọng trong ba năm, cỏ cũng không mọc được.

Trong “Vương tử niên thập di ký” còn ghi lại câu chuyện của Sư Diên rằng:

Sư Diên là một nhạc sư vào thời nhà Thương, ông bí ẩn khôn lường, không ai hiểu nổi. Ông là một nhạc quan vào thời Hoàng đế, và cũng là một nhạc quan vào thời nhà Hạ, ông có thể dự đoán sự hưng suy tồn vong của một quốc gia từ tiếng nhạc. Vào cuối thời nhà Hạ, ông dự đoán rằng nhà Hạ sẽ diệt vong, nhà Thương sẽ hưng thịnh, vì vậy ông mang nhạc cụ chạy sang Thương Thang. Tuy nhiên, đến đời Trụ Vương, vì Trụ Vương hoang dâm thanh sắc, đã giam ông trong ngục tối, chuẩn bị dùng khốc hình. Sư Diên trong ngục tấu lên âm nhạc cao nhã, cai ngục bực mình nói: "Đây là những giai điệu cổ từ lâu lắm rồi, không phải thứ chúng tôi thích nghe."

Thế là Sư Diên lại chơi nhạc dâm mê, thể hiện những đêm dài hoan lạc, các lính canh bị kích động đến mức mất trí, Sư Diên đã nhân cơ hội để trốn thoát. Trên đường chạy trốn, Sư Diên nghe tin Chu Vũ Vương xuất binh phạt Trụ, thế là ông trẫm mình xuống dòng nước sông Bộc.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Chân Ngu - zhengjian



BÀI CHỌN LỌC

Cội nguồn nhạc vũ (P-7): Vu phong hưng thịnh - Thần tích mất dần