Con mắt thứ 3 khai mở sẽ nhìn thấy gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông thường người ta cho rằng con mắt thứ ba của con người nằm ở vị trí giữa trán, cao hơn một chút so với hai lông mày. Ngày nay, chúng ta có thể thấy một số nhân vật có con mắt thứ ba trong các tác phẩm truyền hình, chẳng hạn như Doctor Strange (một nhân vật của tác phẩm cùng tên của điện ảnh Mỹ); Văn Trọng, Nhị Lang Thần của Phong Thần Diễn Nghĩa… Dường như những nhân vật này có mối quan hệ nào đó với các yếu tố tu luyện của phương Đông.

Nhận thức về con mắt thứ 3

Vì giới tu luyện có khái niệm rõ ràng về con mắt thứ ba, Phật gia gọi nó là Thiên mục, còn trong những ghi chép của điển tích Đạo giáo, con mắt thứ ba của con người còn được gọi là Thiên nhãn, Thiên tâm, Tổ khiếu hoặc là Huyền quan. Vị trí của nó chính là ở "nê hoàn cung", cũng chính là vị trí huyệt ấn đường giữa hai lông mày.

Đây cũng chính là vị trí của tuyến tùng mà các nhà khoa học ngày nay biết đến, tuyến tùng trong não, nằm dưới huyệt bách hội trong não người, giữa hai lông mày và sâu trong ấn đường. Vì vậy, tuyến tùng cũng được gọi là con mắt thứ ba của con người.

Khi nhắc tới thể tùng quả (tuyến tùng), không thể không nói tới phù hiệu được lưu truyền từ thời Ai Cập cổ đại cho tới ngày nay, nó được gọi là con mắt Thần Horus. Nhiều người nhận thấy rằng mắt Thần Horus vô cùng giống với cấu trúc của phần giữa não người.

Nhiều người nhận thấy rằng mắt thần Horus vô cùng giống với cấu trúc của phần giữa não người (Ảnh chụp màn hình)
Nhiều người nhận thấy rằng mắt thần Horus vô cùng giống với cấu trúc của phần giữa não người (Ảnh chụp màn hình)

Lẽ nào người cổ Ai Cập từ lâu đã biết ‘con mắt thông thái’ ẩn giấu trong đại não. Cái tên ‘mắt Thần Horus’ thực ra rất có ý nghĩa. Thần Horus là một trong những vị Thần trong Thần thoại Ai Cập, vị Thần này còn được gọi là Thần Ra. Trong Thần thoại Ai Cập, Thần Horus là một nhân vật anh hùng, đã từng đánh lui thế lực đen tối để bảo vệ trật tự và hiệu quả sản xuất, bảo đảm thời gian cố định cho nước thuỷ triều lên xuống của sông Nile, và nền văn minh Ai Cập mới đạt được sự hưng thịnh.

Cũng đạo lý đó, khi chúng ta dần dần thức tỉnh, thì chúng ta sẽ có khả năng chống lại các thế lực đen tối và sự hỗn loạn. Trong quá trình thức tỉnh, có thể nhận thức, hiểu rõ và nhìn thấu sự u ám của bóng tối, từ đó học cách dùng ánh sáng của thức tỉnh soi sáng u ám, xua tan bóng tối. Đây chính là ý nghĩa của con mắt thứ ba. Nói một cách đơn giản, con mắt này có thể nhìn thấy chân tướng.

Con mắt nhìn thấy chân tướng

Từ những năm 1960 nhân loại đã biết thể tùng quả là một cơ quan nội tiết sản xuất melatonin. Đồng hồ sinh học của con người được thiết lập bởi tuyến tùng. Khi con người dưới ánh nắng mặt trời, tuyến tùng tiết ra hormone hạnh phúc serotonin, tới buổi tối khi mặt trời tắt dần thì sẽ tiết ra melatonin giúp ngủ ngon. Đây là hiểu biết thông thường của con người về thể tùng quả. Tuy nhiên, những năm gần đây các nhà khoa học phát hiện ra rằng, đại não sẽ tự nhiên tiết ra chất thức thần DMT (dimethyltryptamine). Có cách nói rằng thông qua thiền, đại não sẽ tiết ra chất DMT, sau đó có thể mở ra con mắt thứ 3.

Mọi người biết rằng dimethyltryptamine là một loại chất gây ảo giác. Nếu uống dimethyltryptamine thực sự sẽ gây ra ảo giác nghiêm trọng, giống như ăn phải nấm ảo giác. Tuy nhiên, dimethyltryptamine mà đại não tự nhiên tiết ra lại không giống thế. Chủ nhiệm phòng khám thể tùng quả tâm linh, Viện Y học, thuộc Đại học St. Paul của Mỹ - ông Segio Felipe de Oliveira, cho rằng dimethyltryptamine mà não tiết ra có thể phát huy tiềm năng, tiếp nhận thông tin vũ trụ và truyền đi thông tin, vì vậy dimethyltryptamine cũng được gọi là phân tử tinh thần.

Thực ra, những tuyên bố này lại trùng hợp với điều được nói trong rất nhiều tôn giáo các nơi trên thế giới, và trong các kinh điển cổ đại. Như Thánh kinh Upanishad của Ấn Độ đã chỉ ra rằng, con người giống như một thành phố có 10 cổng. Chín cổng bao gồm mắt, mũi, tai, miệng, niệu đạo và hậu môn, đó là những cửa ngõ thông với thế giới cảm quan bên ngoài; còn cổng thứ 10 chính là con mắt thứ ba của con người. Con mắt này thông với ý thức nội tại vô hạn. Điều này có ý nghĩa gì?

Chúng ta đều biết rằng trên các hình tượng của những vị Thần của Ấn Độ và phương Đông, hay các bậc đã khai ngộ, thường có vẽ con mắt thứ ba, như Thần Shiva, Phật Đà, hay là các nhà yoga, Thánh giả, Bồ Tát…

Chúng ta đều biết rằng trên các hình tượng của những vị Thần của Ấn Độ và Đông Á hay các bậc đã khai ngộ, thường có vẽ con mắt thứ ba, như Thần Shiva, Phật Đà, hay là các nhà yoga, Thánh giả, Bồ Tát… (Ảnh chụp màn hình)
Chúng ta đều biết rằng trên các hình tượng của những vị Thần của Ấn Độ và Đông Á hay các bậc đã khai ngộ, thường có vẽ con mắt thứ ba, như Thần Shiva, Phật Đà, hay là các nhà yoga, Thánh giả, Bồ Tát… (Ảnh chụp màn hình)

Trong sách cổ Ấn Độ có nói tới ‘con mắt trí huệ’, là nơi ẩn chứa người thầy bên trong. Ngày nay rất nhiều tín đồ Ấn Độ giáo tô điểm Tilaka ở giữa lông mày, tượng trưng cho con mắt thứ ba. Kỳ thực, con mắt trí huệ mà trong sách cổ của Ấn Độ nói tới, và con mắt thứ ba mà Phật gia và Đạo gia nói tới, là tượng trưng của bậc khai ngộ là có cùng ý nghĩa. Sau khi con mắt này được mở ra liền có thể mở ra kênh giao tiếp với vũ trụ. Con mắt này có thể nhìn thấy rất nhiều thứ mà con mắt thịt bình thường không thấy được.

Hơn nữa, gần đây, các nhà khoa học đã có hiểu biết thêm về thể tùng quả trong não người.

Con mắt thứ ba bị teo đi

Ngày 7/10/2019, tạp chí khoa học Nature đăng một báo cáo nghiên cứu về phát hiện tế bào cảm quang trên thể tùng quả của con người, và tế bào cảm quang này rất giống với tế bào cảm quang trong võng mạc người. Chúng đều có các phân đoạn bên ngoài được phân lớp có thể bắt được các photon một cách hiệu quả. Những điểm tương đồng nổi bật cũng được tìm thấy trong các bộ phận của thành phần phân tử truyền ánh sáng, ví dụ như opsin (sinh vật học), G protein, transducin, giống như hình thái protein liên kết với thụ thể flavonol.

Những điểm tương đồng về sinh lý và phân tử cho thấy, tuyến tùng và mắt của chúng ta rất có khả năng tương đồng, vì vậy y học ngày nay còn gọi thể tùng quả là con mắt thứ ba bị teo đi. Đối với cách nói này, Max Heindel - thành viên của Rosicrucianism, một tổ chức thần bí của Châu Âu, đề cập rằng, dù là tuyến yên hay tuyến tùng đều không teo đi, tới nay chúng chưa tiến hóa nhưng cũng chưa thoái hóa mà chỉ ở trạng thái tiềm ẩn. Heindel cho rằng, hai cơ quan này là con đường tiếp xúc với thế giới nội tại, chúng liên kết với dây thần kinh giao cảm, và tiếp cận thế giới nội tại bằng cách kết nối với hệ thống thần kinh trung ương.

Max Heindel - thành viên của Rosicrucianism, một tổ chức thần bí của Châu Âu, đề cập rằng, dù là tuyến yên hay tuyến tùng đều không teo đi, tới nay chúng chưa tiến hóa nhưng cũng chưa thoái hóa mà chỉ ở trạng thái tiềm ẩn (Ảnh chụp màn hình)
Max Heindel - thành viên của Rosicrucianism, một tổ chức thần bí của Châu Âu, đề cập rằng, dù là tuyến yên hay tuyến tùng đều không teo đi, tới nay chúng chưa tiến hóa nhưng cũng chưa thoái hóa mà chỉ ở trạng thái tiềm ẩn (Ảnh chụp màn hình)

Khi tuyến yên và tuyến tùng được kích hoạt, con người liền có thể cảm nhận được sự tồn tại của thế giới cao tầng.

Tiến sĩ Joe Dispenza chuyên nghiên cứu về mối liên hệ giữa đại não và tâm linh. Ông xem tuyến tùng như một loại máy thu, khi điều chỉnh tới tần số thần bí hoặc tâm linh, con người sẽ thể nghiệm được sự liên kết của vũ trụ. Ông cho rằng, khi hệ thống tiềm tại thể tùng quả khởi động, năng lượng sẽ từ thân thể di động lên trên hướng tới đại não. Lúc đó, bộ não đi vào cái được gọi là mô hình sóng não gamma, và họ có trải nghiệm cảm giác đầy đủ mà không cần các giác quan. Khi đó tất cả mọi việc xảy ra đều không phải là do con người tưởng tượng, mà chúng thực sự xảy ra. Và người này thực tế đã tiến nhập vào thế giới với duy độ hoàn toàn khác.

Nếu quả thực đúng như vậy, thì điều mà con mắt thứ ba nhìn thấy chính là không gian của duy độ khác nhau, nên con mắt thịt của chúng ta không thể nhìn chúng. Đương nhiên, một số người từ khi sinh ra đã có thể nhìn thấy những thứ mà mọi người thông thường không thấy. Còn có cách gọi nữa là con mắt âm dương.

Dĩ nhiên không phải nói là việc có con mắt âm dường đồng nghĩa với việc người đó giao tiếp với vũ trụ. Bởi vì vũ trụ quá to lớn, hơn nữa còn có các thế giới của các duy độ khác nhau. Tâm linh thấp cũng có duy độ của tâm linh thấp, tâm linh cao lại có duy độ của tâm linh cao; giống như điều trong kinh Phật mô tả. Thực ra con mắt này cũng phân chia tầng thứ cảnh giới.

Năm cảnh giới của con mắt thứ ba

Phật gia giảng ngũ nhãn lục thông. Ngũ nhãn là chỉ nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn. Nhục nhãn chính là mắt của người phàm. Phật giáo coi nhục nhãn chỉ nhìn được gần, không nhìn được xa; nhìn được phía trước, không nhìn được phía sau; nhìn được bên ngoài, không nhìn được bên trong; nhìn được ngày, không nhìn được đêm; nhìn được trên, không nhìn được dưới; quả thực có rất nhiều cản trở. Người có nhục nhãn mạnh có thể nhìn thấy ánh quang huy bên ngoài cơ thể người.

Phật gia giảng ngũ nhãn lục thông. Ngũ nhãn là chỉ nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn (Ảnh chụp màn hình)
Phật gia giảng ngũ nhãn lục thông. Ngũ nhãn là chỉ nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn (Ảnh chụp màn hình)

Thiên nhãn thì đều có thể nhìn được gần xa, trước sau, trong ngoài, ngày đêm, trên dưới, tất cả đều không có trở ngại. Mặc dù nó có thể nhìn thấy những thứ mà con người bình thường không thấy, nhưng những thứ nhìn thấy lại có thể là giả tướng, cũng có tính hạn chế. Thiên nhãn còn có thể nhìn vào trong, nhìn xuyên thấu, nhìn xa và nhìn vi quan.

Trung Quốc cổ đại có rất nhiều Thần y đều là người tu Đạo như Lý Thời Trân, Hoa Đà, Biển Thước… Trong các sách y cổ có ghi chép rằng, họ có thể nhìn thấy được lục phủ ngũ tạng của thân thể người và chỗ có bệnh. Còn có những Thần y cổ có thể vẽ kinh mạch rất chi tiết rõ ràng, thực ra là họ đều có khả năng nhìn xuyên thấu và nhìn vào bên trong.

Huệ nhãn lại có nhìn được tất cả những sự vật có thể thấy và không thể thấy, hữu hình và vô hình, còn có thể nhìn từ 4 diện 8 phương, nhiều các phương vị khác, nhìn là biết đó là gì, có hàm nghĩa gì, biết được sự việc xảy ra trước kia, còn có thể dự đoán trước được tương lai. Có thể nói, huệ nhãn không chỉ có thể nhìn thấy được tất cả những gì mà mắt thịt không thấy, hơn nữa có thể nhìn thấu giả tướng mà thiên nhãn không thể nhận ra.

Tầng thứ của Pháp nhãn còn cao hơn nữa, có thể nhìn thấy biến hoá nhân duyên của sự vật, mọi thứ diễn ra như thế nào, thay đổi ra sao, giải quyết thế nào, đều hiểu được sự tác động qua lại và chuyển hoá của các sự vật với nhau.

Cuối cùng là Phật nhãn, đều nhìn rõ tất cả vạn vật. Phật nhãn bao hàm tất cả tầng thứ bên dưới nó và có thể hiểu rõ toàn diện, có thể liên kết vũ trụ, cũng thuộc về duy độ khá cao. Đương nhiên muốn đạt tới bước này, trong Phật gia cho rằng người này cần phải thông qua tu luyện, sau đó đạt tới khai ngộ, giác ngộ mới được. Điều này rất khác với con mắt âm dương mà con người thường nói tới.

Trên mạng có khá nhiều nguồn thông tin dạy con người cách khởi động con mắt thứ ba. Có cách là thông qua thiền, có cách thông qua nghe âm nhạc, ngoài ra còn có rất nhiều các khóa học phải trả phí.

Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về thiền. Đây là chỉ về loại phương thức tu hành ngồi đả toạ, hay là thiền định. Nói cách khác, hiện nay người ta đã công nhận rộng rãi rằng đả toạ hoặc thiền có quan hệ với việc mở thiên nhãn.

Hiện nay người ta đã công nhận rộng rãi rằng đả toạ hoặc thiền có quan hệ với việc mở thiên nhãn (Ảnh chụp màn hình)
Hiện nay người ta đã công nhận rộng rãi rằng đả toạ hoặc thiền có quan hệ với việc mở thiên nhãn (Ảnh chụp màn hình)

Khởi động con mắt thứ ba

Một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature ngày 15/11/2007 cho biết, các nhà khoa học đã sử dụng các kỹ thuật chụp ảnh não khác nhau, để ghi lại các bản đồ não được tạo ra thông qua thiền định. Kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong quá trình đả toạ, thể tùng quả biểu hiện ra hiện tượng kích hoạt rõ ràng.

Thực ra rất nhiều người từ trải nghiệm bản thân cũng nhận ra rằng, khi đả toạ nhắm mắt, rất nhiều người có thể nhìn thấy một số thứ, vì vậy cho rằng đây là thiên nhãn đã mở ra. Qua việc đả tọa tu hành, có thể khiến bản thân đạt tới trạng thái nhất định. Có người có thể cảm nhận được sự di chuyển của năng lượng trong cơ thể, cảm thấy thân thể rất nóng, cảm giác có điện, tê… Một số người khi năng lượng đi qua ấn đường, đột nhiên cảm thấy có một luồng ánh sáng kích thích mắt, sau đó họ nhìn thấy ánh sáng, có người cảm thấy ánh sáng này rất chói mắt, kết quả ánh sáng này không chỉ không biến mất mà ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên không phai ai cũng đều đạt được trạng thái này.

Khi đả tọa, cơ bản cần đạt tới trạng thái thanh tịnh vô vi. Đây thực ra là một loại phương pháp tu hành, và tu hành cần coi trọng đạo đức. Nói cách khác, nếu không tu đức thì thiên nhãn cũng không thể mở ra được.

Chúng ta thường nói những trẻ nhỏ thường có thể nhìn thấy nhiều thứ mà người lớn không thấy. Giới tôn giáo đều cho rằng, đó là bởi vì bản tính của trẻ nhỏ đơn thuần, có thể trực tiếp giao tiếp với vũ trụ. Khi trẻ dần lớn lên, bản tính thuần chân sẽ ngày càng biến mất, giống như con người hiện đại sẽ trở nên rất tinh khôn lọc lõi sau một thời gian dài sống trong xã hội, do đó con mắt thứ ba cũng sẽ lại không nhìn thấy.

Giới tôn giáo cho rằng, bản tính của trẻ nhỏ đơn thuần, có thể trực tiếp giao tiếp với vũ trụ, nhìn thấy những điều người lớn không thấy (Ảnh: pexels)
Giới tôn giáo cho rằng, bản tính của trẻ nhỏ đơn thuần, có thể trực tiếp giao tiếp với vũ trụ, nhìn thấy những điều người lớn không thấy (Ảnh: pexels)

Nhưng điều này liệu có căn cứ khoa học không? Có thể có. Bởi vì giới y học đã phát hiện ra hiện tượng rằng, trong kết cấu tổ chức thể tùng quả có các hạt tinh thể như canxi magie photpho, được gọi là cát não. Khi trẻ mới sinh ra vốn không có cát não, nhưng sau 15 tuổi số lượng cát não bắt đầu tăng theo từng năm. Vậy có phải là bởi vì càng lớn tuổi, sẽ càng sinh ra loại cát não này khiến cho cái gọi là con mắt thứ ba không nhìn được? Vấn đề này cho tới nay vẫn chưa tìm được lời giải đáp, nhưng khoa học hiện đại thường bàn về bề nổi của một vấn đề hơn là bản chất hay nội hàm sâu xa hơn của nó, nên rất khó nhìn ra bản chất của sự vật.

Có cách nói rằng khi thanh tịnh, vô vi ngồi đả toạ thì năng lượng của đất trời mới có thể lưu thông không bị cản trở trong cơ thể. Bởi vì trời đất là vô vi, năng lượng của trời đất cũng là vô vi, nên chỉ chúng ta khi đạt tới trạng thái vô vi mới có thể kết nối với trời đất. Sau khi bạn hấp thụ năng lượng của trời và đất, thiên mục của bạn mới có thể được mở ra. Điều này giống như khái niệm Thiên - nhân hợp nhất. Nhưng chính ý tưởng cố gắng hấp thụ năng lượng của trời và đất cũng là hữu vi. Loại truy cầu này không nhất định mang tới hiệu quả tốt. Mọi thứ đều là không cầu mà tự đắc được, đây mới là đạo lý đích thực.

Theo EarthInn

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Con mắt thứ 3 khai mở sẽ nhìn thấy gì?