Cựu quan chức kêu gọi chính quyền ông Biden áp dụng chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cựu quan chức Mỹ đã kêu gọi chính quyền ông Biden cần áp dụng chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc để đẩy lùi mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia Mỹ, sau sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc tiến vào không phận Hoa Kỳ.

Ông Biden đã đề cập ngắn gọn đến Trung Quốc trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang kéo dài hơn một giờ vào hôm thứ Ba (7/2).

Ông bắt đầu bằng việc khẳng định rằng Hoa Kỳ đang "ở vị thế cạnh tranh tốt nhất với Trung Quốc cũng như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới trong nhiều thập kỷ”. Nguyên nhân là do Hoa Kỳ đã đầu tư vào các ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường liên minh, hợp tác với các đồng minh của mình và hiện đại hóa quân đội Mỹ, ông nói.

"Tôi cam kết hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà chúng tôi có thể gia tăng lợi ích của Mỹ đồng thời mang lại lợi ích cho toàn thế giới”, ông Biden bổ sung.

Khi đưa ra dẫn chứng về việc bảo vệ chủ quyền của Hoa Kỳ, ông đã trích dẫn mệnh lệnh hôm 4/2 về việc yêu cầu Lực lượng Không quân Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua không phận Hoa Kỳ trong nhiều ngày.

“Nhưng đừng nhầm lẫn. Như chúng tôi đã nói rõ vào tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước mình. Và chúng tôi đã làm được điều đó", ông Biden nói.

"Trung Quốc chỉ được nhắc đến từ 30 giây cho đến một phút trong toàn bộ bài phát biểu Thông điệp Liên bang kéo dài 1 giờ 20 phút. Điều này thật đáng kinh ngạc", ông Steve Yates, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết trong chương trình “China in Focus” (Trung Quốc tiêu điểm) của đài NTD.

"Ông ấy không trực tiếp đề cập đến [sự cố] khinh khí cầu mà chỉ ám chỉ điều đó khi nói rằng ‘nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Hoa Kỳ, tôi sẽ đáp trả và tôi đã làm như vậy’”, ông nói thêm.

Khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị phát hiện lần đầu tiên vào hôm 28/1, khi nó bay qua sân bay của Canada và lần thứ hai, nó bay qua nhiều căn cứ quân sự nhạy cảm của Mỹ trước khi bị máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ một tuần sau đó và rơi ở ngoài khơi bờ biển của tiểu bang Nam Carolina.

“Điều đó cho thấy một chút yếu kém trong việc bảo vệ chủ quyền của Mỹ, quê hương của chúng ta. Trên khinh khí cầu có gì, điều đó không quan trọng, tuy nhiên nếu nó đang do thám bằng hình ảnh, rõ ràng là thế, thì khả năng nó mang theo thứ gì đó như thế qua lãnh thổ Hoa Kỳ là hành vi khiêu khích trắng trợn”, ông Yates nói khi đề cập đến phản ứng của Hoa Kỳ trong sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Mỹ vẫn duy trì chính sách ‘mơ hồ’ với Trung Quốc

Ông Yates trích dẫn nhận xét của ông Biden rằng, Tổng thống Mỹ muốn cạnh tranh chứ không phải xung đột với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình “đã chứng minh bằng hành động rằng, Trung Quốc không né tránh xung đột”.

Ông Yates nói: “Ông Tập đã phái những chiến lang của mình [đến cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska vào tháng 3/2021] để chỉ trích gay gắt Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ; ông ấy đã nghiền nát Hong Kong mà không bị trừng phạt, và ông ấy đã phần nào đe dọa Đài Loan mà không bị Mỹ trừng phạt”.

"Tổng thống đã lên tiếng, nhưng những giải pháp của Mỹ vẫn còn rất mơ hồ để có thể giải quyết những vấn đề này", ông nói thêm.

“Vì vậy, tôi cho rằng, [việc Mỹ phát đi] quá nhiều tín hiệu lẫn lộn và những ưu tiên không rõ ràng sẽ mang lại lợi thế cho Bắc Kinh”, ông Yates nói.

The Epoch Times đã liên hệ với Nhà Trắng để yêu cầu bình luận.

Ông Yates: Mỹ nên tiếp cận với Trung Quốc theo cách 'có đi có lại'

Ông kêu gọi Hoa Kỳ nên sử dụng cách tiếp cận “có đi có lại” với Trung Quốc.

“Chúng ta cần điều chỉnh chính sách Mỹ - Trung sao cho phù hợp với những gì họ đang làm với chúng ta. Trung Quốc không cho phép Mỹ sở hữu đất nông nghiệp ở đất nước của họ, vì vậy họ cũng sẽ không được phép sở hữu đất nông nghiệp ở nước Mỹ. Họ kiểm soát quyền tiếp cận vào thị trường và các nền tảng của họ, và họ buộc [các công ty và nền tảng] phải chia sẻ thông tin. Cho nên, Hoa Kỳ cũng nên làm như vậy”, ông nói.

Ông Yates nói rằng các thống đốc tiểu bang và cơ quan lập pháp nên chủ động đẩy lùi các mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông đã lấy ví dụ về động thái của tiểu bang Nam Dakota.

Vào tháng 12/2022, Thống đốc tiểu bang Nam Dakota Kristi Noem đã đề xuất luật để hạn chế các chính phủ nước ngoài mua đất nông nghiệp của tiểu bang này, cụ thể là Trung Quốc.

“Với quy trình mới này, Mỹ có thể ngăn chặn các quốc gia thù ghét chúng ta - ví như Trung Quốc - mua đất nông nghiệp của tiểu bang chúng ta”, bà Noem nói trong một tuyên bố.

“Có nhiều tiểu bang đang thông qua luật cấm các hoạt động hoặc đầu tư cụ thể của ĐCSTQ. Và tôi cho rằng, khi các tiểu bang kết hợp những động thái đó với nhau, chính phủ liên bang, thông qua Quốc hội, cũng sẽ buộc phải điều chỉnh”, ông Yates nói.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu quan chức kêu gọi chính quyền ông Biden áp dụng chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc