Dạy con không tham lợi là cho con một tương lai sáng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo dục trẻ nhỏ hay dạy dỗ con cái là một việc vô cùng quan trọng, là trách nhiệm lớn lao của người làm cha mẹ. Chỉ với một việc người lớn cho là chuyện nhỏ, không lưu tâm mà trẻ học và hình thành thói quen, tính cách xấu, nhận thức sai sau khi trưởng thành.

Ba bát mì trứng dạy trẻ không được tham lợi

Lần thứ nhất: Người muốn chiếm lợi thường không được phần hơn

Một buổi sáng nọ, người cha làm hai bát mì. Một bát có trứng ở trên và một bát không có trứng ở trên.

Người cha hỏi con trai ăn bát nào.

“Cái bát có trứng trong đó”, cậu con trai nói và chỉ vào cái bát.

Người cha nói: "Bát đó để cho cha nhé! Khổng Dung bảy tuổi có thể nhường lê! Con đã mười tuổi rồi!"

Người con nói: "Khổng Dung là Khổng Dung! Con là con! Không cho!"

Người cha ngập ngừng hỏi: “Con thực sự không cho?”

“Con thực sự không cho!” - Người con trai kiên quyết trả lời, vội vàng cắn nửa quả trứng, ý rằng đã đăng ký bát mì này.

"Con không hối hận sao?" - Người cha rất kinh ngạc trước hành động và tốc độ đáng kinh ngạc của con trai mình, nhưng ông không nhịn được hỏi lại lần cuối.

“Thật sự con không hối hận!” - Để thể hiện quyết tâm không thể lay chuyển của mình, người con trai đã ăn phần còn lại.

(Ảnh minh hoạ Pexels)

Người cha im lặng nhìn con ăn xong, cầm chiếc bát không trứng và bắt đầu ăn một cách lặng lẽ. Thì ra có hai quả trứng được giấu trong bát của người cha, người con có thể nhìn thấy rõ ràng.

Người cha chỉ vào hai quả trứng trong bát nhắc nhở con trai: "Nhớ kỹ, người muốn chiếm phần hơn, thường thường không chiếm được phần hơn". Con trai đứng nhìn bất lực.

Lần thứ hai: Kẻ muốn chiếm lợi có thể bị thiệt hại lớn

Vào một buổi sáng chủ nhật, cha lại làm hai bát mì trứng. Tình cảnh tương tự tái hiện, một bát có trứng nằm bên trên, một bát bên trên không trứng. Người cha làm như không có việc gì hỏi: "Con ăn bát nào?"

“Lần này con nhường cho cha bát có trứng!” - Cậu con trai nói, cầm lấy chiếc bát không có trứng. “Đừng hối hận nhé?” - người cha hỏi.

"Không hối hận!" - Người con trai kiên quyết trả lời. Con trai ăn rất nhanh, không thấy dưới đáy bát có quả trứng nào. Người cha bưng bát mì trứng, bắt đầu ăn. Người con trai nhìn thấy phía trên có một quả trứng, ngạc nhiên hơn phía dưới cũng có một quả trứng.

Người cha chỉ vào quả trứng nói: "Người muốn chiếm lợi, có thể phải chịu thiệt thòi lớn!"

Lần thứ ba: Cuộc sống của người không muốn chiếm lợi, sẽ không bao giờ phải chịu thiệt

Vài tháng sau, vẫn là tình huống ấy. Người cha hỏi: “Con ăn bát nào?”

"Khổng Dung nhường lê, con trai nhường mì. Cha là trưởng bối! Mời cha dùng trước!"

"Vậy cha không khách sáo" - Người cha quả thật không khách khí bưng bát mì có trứng lên ăn vui vẻ. Người con trai bình tĩnh bưng bát mì không trứng lên ăn, sau đó phát hiện có một quả trứng được giấu trong bát của mình.

Người cha đầy ẩn ý nói với con trai: "Người không muốn chiếm lợi, cuộc đời sẽ không bao giờ để con phải chịu thiệt thòi".

(Ảnh minh hoạ Pexels)

'Giáo dục' và 'tu dưỡng', cha mẹ nên làm gương

Người già thường nói "chịu thiệt là phúc", nhìn như "chịu thiệt", kỳ thực là thông điệp "giáo dục" và "tu dưỡng" gửi đến con cái. Cha mẹ làm gương tốt, chú trọng bồi dưỡng phẩm cách và tố chất của con cái, mới có thể giúp con cái ngày càng tiến xa hơn.

Một bà mẹ dẫn con trai đi mua trái cây, khi ra khỏi cửa hàng, bà thấy chiếc túi nhỏ của con trai phồng lên, bên trong chứa đầy chà là. Người mẹ ngạc nhiên nói: "Con à, chúng ta không mua cái này!” Con trai trả lời: “Bà nội nói, trẻ con lấy một chút ăn cũng được, bà nội cho con lấy ăn như thế”.

Người mẹ cảm thấy vấn đề rất nghiêm trọng, đứa trẻ như một tờ giấy trắng, phải cho nó biết đây là hành vi không được phép. Mẹ nói: “Con thích ăn, mẹ sẽ mua cho con, nhưng con cần trả lại cái này trước đã! Con không thể tùy ý lấy đi mà không trả tiền. Lấy đi tuỳ tiện như thế chính là kẻ trộm. Chúng ta đi giải thích rõ ràng với nhân viên thu ngân nhé”.

Cậu con trai bất đắc dĩ khóc, được mẹ đưa đến cửa hàng trái cây, chân thành xin lỗi và trả tiền cho phần quả con mình đã lấy. Đứa trẻ rất buồn và xấu hổ, nhưng từ nay nó đã học được rằng không nên lấy đồ mà không trả tiền!

Người mẹ trong câu chuyện trên đã hướng dẫn con mình hiểu rằng không nên tham lợi của người khác, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn non nớt của con. Hướng dẫn con cảm nhận được việc lấy đồ của người khác thật mệt mỏi biết bao. Vì vậy, khi đứa trẻ còn nhỏ và chưa hiểu biết, hoặc đó chỉ là chuyện nhỏ không đáng nhắc tới, hoặc người kia không để ý, hoặc không tìm được chủ nhân của đồ vật đó thì cũng không thể mặc kệ không hỏi. Điều này rất quan trọng đối với những bậc làm cha làm mẹ.

Theo Triệu Tử Hinh - Sound Of Hope
Nguyên Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Dạy con không tham lợi là cho con một tương lai sáng