Đến tuổi trung niên, 3 loại lợi không thể chiếm, 3 loại phúc không thể tham

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con người đến tuổi trung niên, 3 loại lợi không thể chiếm, 3 loại phúc không thể tham, đó là những loại lợi gì, phúc gì?

Ba loại lợi không thể chiếm

Chiếm lợi của người quen

Giữa những người quen biết thì giúp đỡ là nghĩa tình, không giúp đỡ là bổn phận.

Cố gắng không lợi dụng người quen cho những việc mà bạn có thể tự mình giải quyết.

Thay vì tin tưởng một cách mê tín rằng nhờ người quen xử lý thì tốt hơn, thì tốt nhất bạn nên cố gắng tự lập.

Một mối quan hệ tốt là hai bên có qua có lại, như vậy mối quan hệ mới có thể kéo dài.

Tình cảm con người là thanh kiếm mở đường, nhưng cũng là chiếc kén trói buộc chính mình.

Lợi dụng người quen luôn phải khiến ta trả giá sau đó.

Trên đời không có yêu ghét vô cớ, cũng không có tự nhiên mà phải tận tâm.

Cho dù trước mặt bạn bè hay người thân, chúng ta phải duy trì sự giáo dục cơ bản nhất.

Đừng làm phiền người khác, và đừng lợi dụng người khác.

Chiếm lợi của người yếu thế

Quỷ Cốc Tử có câu nói: "Đừng tranh lợi với kẻ tiểu nhân".

Lợi ích của người yếu thế là lợi ích nhỏ nhặt, kiếm được vô cùng khó khăn, phải lăn lộn trong gió sương, bùn lầy mới kiếm được.

Chiếm lợi nhỏ của những người yếu thế, đối với bạn và tôi chỉ như là muối bỏ bể, nhưng đối với họ có thể là cơm ăn áo mặc, là nguồn sống cho cả gia đình.

Khi bạn đi chợ mua rau, không cần mặc cả với người bán hàng vài nghìn.

Khi bạn sẵn sàng mặc cả với người khác để có được một ít hành, gừng, tỏi, thì thời gian của bạn chỉ đáng giá chút hành, gừng, tỏi mà thôi.

Không chiếm lợi của người nghèo, kẻ yếu, điều này không chỉ tiết kiệm thời gian của hai bên, mà còn cải thiện nhân phẩm của chính mình.

Chiếm lợi không rõ ràng

Những gì là miễn phí thường là đắt nhất.

Người xưa nói, nếu bạn tham lam vì lợi ích nhỏ, bạn sẽ chịu tổn thất lớn.

Bởi vì bạn không bao giờ biết cái giá mà bạn sẽ phải trả cho nó.

Trong “Thái Căn Đàm” viết: “Chớ cầu phúc bất chính, chớ tham lợi bất nghĩa”.

Đừng hưởng phúc mà mình không xứng đáng, càng không nên suốt ngày mơ tưởng tới cái được mà không muốn lao động.

Không phải là thứ mà bạn xứng đáng có được, nếu bạn nhận nó, thì có thể là ông Trời đưa ra để khảo nghiệm bạn, hoặc là một cái bẫy do người khác giăng ra.

Bất kỳ thứ gì có được mà không phải trả giá, cuối cùng đều phải trả bằng một cái giá đắt hơn.

Miễn là bạn không tin vào chiếc bánh từ trên trời rơi xuống, bạn có thể tránh được hầu hết các cạm bẫy trên mặt đất.

Khi bạn đi chợ mua rau, không cần mặc cả với người bán hàng vài nghìn. (Ảnh pexels)

Ba loại phúc không thể tham

Tham ăn uống

Trong “Thiên kim yếu phương” có ghi: “Ăn no buổi tối, tổn thọ một ngày”.

Có nghĩa là mỗi lần bạn ăn một bữa no, bạn hầu như sẽ giảm một ngày tuổi thọ.

Đừng tham ăn no, tham ăn nhiều quá là tai họa.

Ăn mà không kiềm chế sẽ không tốt cho cơ thể của bạn.

Thèm ăn và thường xuyên ăn quá nhiều không chỉ làm tăng gánh nặng cho lá lách và dạ dày, mà thậm chí có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Cổ nhân có câu: Ăn no 7 phần, ngon miệng đến già.

Hầu hết những bệnh tật sinh ra ở tuổi già đều có căn nguyên là những căn bệnh do thiếu hiểu khi còn trẻ và sung sức.

Chỉ bằng cách không tham ăn uống, thì mới có thể đến tận tuổi già vẫn thấy ngon miệng.

Ham an nhàn

Trong "Thái Căn Đàm" có nói: "Nhân sinh thái nhàn, tắc biệt niệm thiết sinh”, câu này có nghĩa rằng: Nếu cuộc sống của bạn quá nhàn rỗi, bạn sẽ suy nghĩ lung tung.

Người Việt chúng ta hay nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Nếu hằng ngày bạn sống, mà để cho mình rảnh rỗi quá, không có việc gì để làm. Thì sự rảnh rỗi này có thể sẽ làm cho bạn có cơ hội phát sinh ra những việc làm, hành vi không tốt đẹp, thậm chí tội lỗi.

Nếu sự bận rộn khiến con người ta mệt mỏi, thì sự nhàn hạ lại khiến con người ta bất an.

Hầu hết những rắc rối trên thế giới là do suy nghĩ quá nhiều bởi vì không có gì để làm.

Có một câu thơ cổ: “Bất kiến nhàn nhân tinh lực trường. Đãn kiến lao nhân cân cốt thực”. Câu thơ ngụ ý rằng: Người nhàn tinh lực chẳng dài lâu, lao động gân cốt khỏe như trâu.

Con người không thể nhàn rỗi, nhàn rỗi sẽ suy nghĩ nhiều, cảm xúc sẽ tràn ra khi nhàn rỗi, cái gọi là tự phụ, trống rỗng, cô độc lạnh lùng đều là bởi vì lười biếng mà sa đọa.

Trốn ở nhà hưởng phúc, lâu ngày đầu óc trở nên u mê , cơ bắp trở nên lười biếng, những vấn đề sức khỏe từ đó mà dễ phát sinh.

Người ta thường nói rằng: Thân thể và linh hồn phải cùng trên một con đường.

Đừng tham an nhàn, hãy học cách tìm một công việc nào đó để làm, để tinh thần không trống rỗng và cơ thể không yếu đuối.

Ham phúc con cháu

Con cái hiếu thuận, cháu con quây quần, đó là phúc lớn nhất của bậc làm cha làm mẹ.

Nhưng giữa cha mẹ và con cái phải có một khoảng cách nhất định.

Đừng suốt ngày nghĩ: có phải con trai chăm sóc mình không chu đáo, hay là có phải con dâu chọc giận mình.

Càng không nên nghĩ rằng: Mình đã nuôi dạy con cháu khôn lớn, sau này con cháu phải trả ơn báo đáp mình.

Người xưa nói: Con cháu có phúc riêng, chớ làm trâu ngựa cho con cháu.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có số phận riêng trong cuộc đời và cha mẹ không cần phải ép buộc chúng.

Tự chăm sóc bản thân và nuôi dưỡng bản thân là một phần thêm phúc cho con cháu.

Ba loại lợi không chiếm, ba loại phúc không tham, như vậy một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ tự nhiên đến!

Theo Triệu Lệ - Aboluowang
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đến tuổi trung niên, 3 loại lợi không thể chiếm, 3 loại phúc không thể tham