Trần Đoàn: Dịch bệnh không phải là do số mệnh - Biết được điều này thì có thể tránh được

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Một ngày nọ, trong một Đạo quán ở núi Hoa Sơn, một Đạo sĩ đi đến phòng củi để mang củi về nhóm lửa. Ông nhặt một bó củi lên, lộ ra một vật gì đó to lớn, khác thường, giật mình nhìn kỹ lại, thì ra là một người đang nằm ngủ! Người này không ai khác chính là đạo sĩ “Lão tổ Trần Đoàn”.

Trần Đoàn là người rất lạ thường, ngoài tình yêu với giấc ngủ, ông còn đưa ra những lý do sâu xa dẫn đến bệnh dịch trong các tác phẩm của mình và truyền lại cho đời sau.

Cuộc đời và những khả năng của Lão tổ Trần Đoàn

Vào cuối thời nhà Đường, người Khiết Đan phát binh sang xâm lược, dân chúng chạy tránh hỗn loạn. Một hôm, một người phụ nữ chạy nạn đang cố hết sức gánh một chiếc giỏ tre đi trên đường, trong chiếc giỏ tre có hai cậu bé đang ngồi. Đúng lúc đó một Đạo sĩ lang thang đi qua nhìn thấy. Đạo sĩ khẽ giật mình, lẩm nhẩm nói: “Chớ nói hoàng đế nhỏ, hoàng đế gánh trên vai”.

Hai đứa trẻ đó quả không phải là những đứa trẻ bình thường. Đứa trẻ lớn sau này là Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, đứa trẻ nhỏ sau là Tống Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa. Còn người phụ nữ gánh giỏ tre sau này là Đỗ Thái hậu. Vị đạo sĩ này là cao nhân phương nào mà từ 25-26 năm trước khi nhà Tống thành lập, đã có thể nhìn ra chân mệnh thiên tử của triều Tống? Người này không ai khác chính là nhất đại tông sư của Đạo gia “Lão tổ Trần Đoàn” (871-989).

Ông Tiên ngủ

Lão tổ Trần Đoàn làm sao có được công phu lớn như như vậy? Trần Đoàn lên 4, 5 tuổi vẫn không biết nói, mọi người cho rằng cậu bị câm. Một ngày nọ, khi cậu đang chơi bên sông Oa, thì gặp một cô gái áo xanh, và cho Trần Đoàn bú, còn tặng cậu một bài thơ và một cuốn sách.

Trần Đoàn về nhà, buột miệng thốt lên bốn câu thơ: “Mầm thuốc chưa đầy sọt, lại lên đỉnh núi cao, chỉ đường quay trở về, quan tướng vào khói xanh”.

Bố mẹ cậu rất sửng sốt. Đứa con của họ thực sự có thể nói, nhưng lời đầu tiên không phải là gọi mẹ, mà là đọc một bài thơ! Chẳng lẽ cậu bé đã gặp Tiên nhân. Khi cha mẹ hỏi thì được biết, thực sự là cậu đã gặp được Tiên nhân, cuốn sách mà cô gái áo xanh đó đưa cho là cuốn “Kinh Dịch”.

Trần Đoàn chăm chỉ học Kinh Dịch, ngày càng thông minh. (Ảnh: MIền công cộng)

Kể từ đó, Trần Đoàn chăm chỉ học Kinh Dịch, ngày càng thông minh. Khi lớn lên, ông đọc các tác phẩm kinh điển, xem qua là nhớ. Đến năm ông 18 tuổi, cả cha mẹ đều qua đời, ông chia gia tài cho người thân xong rồi đi lên núi Võ Đang ẩn cư.

Trong những giấc mơ của mình, Trần Đoàn lại gặp cô gái áo xanh kia, cô dạy ông tu hành. Từ đó trở đi ông rất thích ngủ, còn giỏi thuật phục khí tịch cốc, có thể ngủ rất lâu không tỉnh. Sau này ông chuyển tới Vân Đài quán núi Hoa Sơn, rồi lại chuyển tới hang đá Thiếu Hoa Sơn.

Một hôm, có vị tiều phu lên núi lấy củi, thấy ở thung lũng núi có một ‘thi hài’ phủ đầy bụi bên trên. Tiều phu cảm thấy vô cùng thương cảm, nghĩ muốn mang thi thể đi chôn. Nhưng khi nhấc lên, mới nhận ra đó là Trần Đoàn, tiều phu thở dài nói: “Ôi Trần Đoàn, không biết sao lại chết ở nơi này”.

Bỗng nhiên thấy Trần Đoàn duỗi lưng, mở hai mắt ra, nhẹ nhàng nói: “Đang ngủ ngon, ai đến đánh thức ta vậy”.

Người tiều phu thích thú cười lớn tiếng.

Thời gian trôi qua, người dân địa phương đều dần biết rằng trong vùng có một vị kỳ nhân. Những người cầu Đạo gần xa ngưỡng mộ tìm tới không ngớt, nhưng Trần Đoàn vẫn thường ngủ say không tỉnh. Một khi ngủ, 100 ngày sau ông vẫn chưa dậy, vẫn còn xem là ít, vì vậy rất ít người gặp được ông. Mặc dù ông ngủ rất nhiều, nhưng một khi tỉnh dậy thì ông toàn tâm học “Kinh Dịch”.

Hiện tại giới sử học thường cho rằng trước thời nhà Tống, về mô tả đối với Thái Cực và Hà Độ, Lạc Thư chỉ có văn tự, không có hình vẽ, hoặc hình vẽ đã thất truyền, đến tận khi có Trần Đoàn thì ông mới vẽ ra hình Hà Đồ, Lạc Thư. Ngoài ra, trong “Tống Sử” ghi chép rằng, “Thái Cực Đồ” âm dương mà mọi người biết hiện nay cũng xuất phát từ Trần Đoàn, ban đầu gọi là “Vô Cực Đồ”.

Trần Đoàn còn có thể biết người khác nghĩ gì. Ông có một quả bầu lớn treo trên tường trai phòng. Đạo sĩ Giả Hưu Phục trong tâm muốn có được quả bầu. Trần Đoàn lập tức biết ngay, nói: “Ông tới chỗ ta không có việc gì khác, chỉ muốn quả bầu này của ta”.

Vì thế Trần Đoàn mang quả bầu ra tặng cho đạo sĩ. Giả Hưu Phục rất kinh ngạc, cho rằng Trần Đoàn là vị Thần Tiên.
Còn có một người tên là Quách Hàng thường tá túc tại Vân Đài quán, nửa đêm Trần Đoàn bảo anh ta mau quay về nhà. Quách Hàng do dự chưa đi, một lúc sau Trần Đoàn nói: “Anh có thể không cần quay về nữa”.

Ngày hôm sau, Quách Hàng về đến nhà, phát hiện đêm hôm trước mẹ anh bị bệnh tim, suýt nữa không qua khỏi, nhưng sau khoảng thời gian một bữa ăn thì lại khoẻ trở lại.

Vào cung vua liền ngủ

Danh tiếng Thần Tiên của Trần Đoàn truyền tới Hoàng đế Đường Minh Tông nhà Hậu Đường. Hoàng đế hết lần này đến lần khác phái quan viên mang thư tín do đích thân Hoàng đế viết đi thúc giục Trần Đoàn sớm ngày gặp mặt. Lúc đầu Trần Đoàn không động tĩnh gì. Nhưng ông thấy hết lần này tới lần khác làm trái Thánh chỉ cũng không thích đáng. Cuối cùng ông đã cùng sứ giả tới kinh đô Lạc Dương bấy giờ. Trần Đoàn gặp Minh Tông, chỉ chắp tay thi lễ, không quỳ lạy. Văn võ khắp triều kinh hãi cho rằng Trần Đoàn thật to gan. Đột nhiên Trần Đoàn duỗi người ra và ngủ luôn trước sự chăm chú của mọi người trong triều đình.

Minh Tông thấy vậy cho rằng đây thật là kỳ nhân, chỉ có thể dùng lễ tiết khách quý để đối đãi, nên đưa ông tới nơi nghỉ chuyên dùng để tiếp đãi các bậc Thánh hiền. Vua còn cho chọn lựa ra ba mỹ nữ tuyệt sắc, đưa tới chỗ Trần Đoàn để phục vụ, hy vọng có thể giữ ông lại làm quan. Ai biết Trần Đoàn thấy mỹ nữ mà như không thấy, một mình cứ thế ngủ tới sáng. Sáng sớm, Trần Đoàn bảo ba mỹ nữ mang phong thư chuyển tới Hoàng đế, trong đó viết:

Thân thể tuyết băng má ngọc ngà
Cảm tạ vua đem đến cho ta
Tu sĩ đâu hứng Vu Hiệp mộng
Mất công Thần nữ xuống dương đài

Sau đó ông không từ biệt, nhẹ nhàng tiêu diêu tự tại rời đi.

Sau đó ông không từ biệt, nhẹ nhàng tiêu diêu tự tại rời đi. (Ảnh: Miền công cộng)

Khúc gỗ tốt

Vào thời Hậu Chu, Chu Thế Tông cũng sớm biết Trần Đoàn là bậc cao nhân, muốn tìm cách triệu kiến ông. Năm 956, Chu Thế Tông cuối cùng đã đạt được mong ước, và đã được gặp Trần Đoàn. Chu Thế Tông hỏi ông về thuật luyện đan, biến đá thành vàng. Trần Đoàn không khách khí đáp: “Bệ hạ thân là chủ bốn bể, cần lấy quốc gia an định, sức khỏe của bách tính làm nỗi lo, sao lại hứng thú với luyện kim thuật?”

Chu Thế Tông còn nhờ Trần Đoàn giúp dự đoán vận mệnh quốc gia. Trần Đoàn trả lời:
Hảo khối mộc đầu (好塊木头)
Mậu thịnh vô tái (茂盛無賽)
Nhược yếu trường cửu (若要長久)
Thiêm trùng bảo cái (添重寶蓋)

Tạm dịch:

Một khúc gỗ tốt
Tươi tốt nào bằng
Nếu muốn trường cửu
Thêm tầng lọng che

Thế Tông liền nghĩ, họ của ông là Sài (柴 - củi), tên là Vinh (榮 - tươi tốt); “Một khúc gỗ tốt
Tươi tốt nào bằng” vừa khớp với tên họ của mình. Trong bài thơ còn có hai chữ ‘trường cửu’, là chỉ giang sơn của ông có thể phồn vinh thịnh vượng vạn vạn năm. Trong lòng ông vô cùng vui mừng, rất cảm kích với Trần Đoàn, lập tức ban chức Gián nghị đại phu cho ông. Trần Đoàn khéo léo từ chối. Hoàng đế rất cảm động trước sự siêu phàm thoát tục của Trần Đoàn, ban cho ông hiệu ‘Bạch Vân tiên sinh’. Từ đó danh tiếng ‘Bạch Vân tiên sinh’ nổi danh khắp thiên hạ.

Sau này Triệu Khuông Dận phát động binh biến, lập nên đại Tống. Bí ẩn của bốn câu thơ đó đã hé lộ. Chữ mộc (木 - khúc gỗ) thêm lọng che (bộ miên ), chẳng phải chính là chữ Tống (宋) đó sao. Đó là nhà Tống trường cửu, không phải nhà Chu.

Tự cổ Hoa Sơn không nộp thuế

Tây Nhạc Hoa sơn là một trong năm đỉnh núi hùng vĩ, tráng lệ. Vào các triều các đời đều có rất nhiều Đạo sĩ ẩn cư tại Hoa sơn, trong đó nổi tiếng nhất là Trần Đoàn. Cống hiến của ông đối với Đạo sĩ Hoa sơn rất to lớn, ông ẩn cư tại Hoa sơn trong thời gian rất lâu. Khi vẫn là tướng thuộc hạ của Chu Sài Vinh, một lần Triệu Khuông Dận đi qua Hoa Sơn, khi đó trong tâm Trần Đoàn liền có cảm ứng, biết rằng Thiên tử tương lai sẽ đi qua đây, và muốn nhờ một việc. Trần Đoàn bèn hoá trang thành một ông lão bán đào, mang giỏ đào ra ngã tư. Triệu Khuông Dận vừa đói vừa khát, thấy đào tươi, ăn uống ngấu nghiến, nhưng ăn no xong mới phát hiện không đem theo tiền để trả người bán, thì xấu hổ đỏ mặt.

Trần Đoàn nói: “Không có tiền, đừng lo, anh chơi cờ với tôi, nếu anh thắng không cần trả tiền; nếu thua hãy cho tôi Hoa Sơn”.

Triệu Khuông Dận nghe vậy thầm nghĩ ông lão thật buồn cười, Hoa Sơn cũng không phải của ta, cho cũng như không, như thế thì ai cho chẳng được, vậy là đã đồng ý. Kết quả là, mặc dù Triệu Khuông Dận vốn chơi cờ rất giỏi, nhưng không qua được ông lão, đã thua ván cờ và phải viết giấy cam kết bán Hoa Sơn cho ông lão.
Còn có một lần, tại Trường An, Trần Đoàn gặp 3 người, là 2 anh em Triệu Khuông Dận và Triệu Phổ đang uống rượu. Trần Đoàn đẩy Triệu Phổ ra khỏi bàn rượu và nói: “Ngươi chỉ là ngôi sao nhỏ trên sao tử vi, lại dám ngồi vị trí trên”.

Triệu Khuông Dận muốn hỏi rõ tại sao Trần Đoàn lại nói vậy. Trần Đoàn không thể tiết lộ mà chỉ nói: “Ngôi sao của hai anh em ngài to lớn hơn của anh ta rất nhiều”.

Trong tâm Triệu Khuông Dận chợt kinh ngạc, từ đó càng ẩn giấu tài năng, chờ thời cơ thích hợp. Sau này Triệu Khuông Dận phát động binh biến Trần Kiều. Khi ông khoác áo bào vàng, lên ngôi vua, đúng lúc Trần Đoàn cưỡi lừa qua huyện Hoa Âm, nghe tin xong, ở trên lưng lừa, ông vỗ tay cười lớn, không để ý bị ngã khỏi lưng lừa. Mọi người thấy vậy hỏi ông sao mà cao hứng thế. Trần Đoàn nói: “Từ nay trở đi thiên hạ thái bình rồi. Triệu Khuông Dận xưng đế, nghĩ tới việc ông đã hứa ban Hoa Sơn cho Trần Đoàn, không thể nợ và cũng không muốn nợ, đã hạ chỉ rồi, Đạo sĩ Hoa Sơn sẽ không bao giờ phải nộp thuế”.

Sự việc này mặc dù không được chính sử ghi chép lại, nhưng các quan văn, tiến sĩ, và quan triều đình chính thống sau thời nhà Minh đều viết bài để mô tả về câu chuyện này. Ngày nay ở Hoa Sơn vẫn còn có chòi dừng chân đánh cờ.

15 năm sau Tống Thái Tổ qua đời, Tống Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa kế ngôi, ông vô cùng kính trọng Trần Đoàn, đặc cách cho Trần Đoàn vào triều không phải bái lạy. Vì vậy Trần Đoàn vào triều, Thái Tông thỉnh giáo ông kế sách tế thế an dân. Trần Đoàn đưa ra 4 chữ: xa, gần, nhẹ, nặng. Xa: là muốn Thái Tông triệu mời hiền sĩ phương xa; gần: là loại bỏ những nịnh thần ở bên; nhẹ: là giảm bớt thuế cho dân; trọng: là trọng thưởng quân đội.

Thái Tông nhận thấy 4 chữ sách lược này thực sự chỉ đúng vấn đề, chính là diệu kế trị quốc, trong lòng rất vui, muốn phong Trần Đoàn làm Đế Sư. Trần Đoàn đã khéo léo từ chối. Tống Thái Tông đã ban tặng cho Trần Đoan hiệu ‘Hi Di tiên sinh’.

Trong “Đạo đức kinh” có nói: “Thị chi bất kiến, danh viết Di; Thính chi bất văn, danh viết Hi” (diễn nghĩa: Nhìn không thấy, gọi là Di. Nghe không thấy, gọi là Hi). Đối các việc thế tục, nghe mà không nghe thấy, nhìn mà không nhìn thấy, đó chẳng phải bậc cao nhân sao.

Sau này Tống Thái Tông từng rất do dự việc lập thái tử, ông biết Trần Đoàn tinh thông xem tướng, muốn hỏi ý Trần Đoàn. Trần Đoàn đáp rằng: “Một lần, thần đi qua Thọ Vương phủ, có hai người ngồi ở trước phủ, thần quan sát tướng mạo của họ, tương lai sẽ làm tới tể tướng. Thần được biết họ là người của Thọ Vương phủ”.

Tống Thái Tông nghe xong mừng rỡ, lập Thọ Vương làm Thái tử. Sau này Thọ Vương kế vị, chính là Tống Chân Tông.

Sau khi Trần Đoàn thành Tiên, Chân Tông từng tuần du tới Hoa Sơn, ca ngợi thần tích của Trần Đoàn.

Vì sao “Hồng Lạc Lâu” của Thôi Hạo có thể lưu truyền thiên cổ (Ảnh: NTDVN tổng hợp)
Sau khi Trần Đoàn thành Tiên, Chân Tông từng tuần du tới Hoa Sơn, ca ngợi thần tích của Trần Đoàn. (Ảnh minh họa: Miền công cộng)

Tướng do tâm sinh

Ngoài việc ngủ nhiều, Trần Đoàn còn viết không ít tác phẩm, như ‘Vô cực đồ”, “Tiên thiên đồ”, “Dị Long đồ”, còn có “Chỉ huyền thiên”, “Tam phong ngụ ngôn”, và cả hai tập “Cao Dương”, “Điếu Đàm”. Trong đó có quyển sách lưu truyền nổi tiếng là ‘Tâm tướng thiên”, lấy ý là ‘tướng do tâm sinh’. Người thông thường cho rằng, xem tướng là thuật dựa vào vẻ bên ngoài để đoán vận mệnh của một người, ví dụ như: đặc điểm nếp nhăn ở rãnh cười cong vào khoé miệng cho thấy người đó sẽ bị chết đói. Hứa Phụ từng xem tướng cho sủng thần của Hán Văn Đế là Đặng Thông, đã dựa vào đặc điểm đó mà phán đoán người này sẽ bị chết vì đói. Mặc dù Hán Văn Đế để Đặng Thông coi giữ tiền, rất giàu có. Nhưng sau khi Hán Cảnh Đế lên ngôi, vì Đặng Thông tham ô nên đã bị tịch thu gia sản và cuối cùng bị chết vì đói.

Nhưng trong “Tâm tướng thiên” của Trần Đoàn đã vượt qua tầng của kỹ thuật dùng tướng mạo để đoán vận mệnh, mà trực tiếp nói về việc làm thế nào đoán vận mệnh của một người dựa vào tâm tướng. Ví dụ, trong đó có một câu: “Ngạ tử khởi tại văn miêu, phao y tát phạn”. Ý nghĩa là người bị chết đói chẳng lẽ do tướng mặt có đặc điểm nếp nhăn rãnh cười hướng vào miệng sao? Không phải, mà là những người không biết tích phúc, lãng phí ngũ cốc.

Còn có một hình vẽ chú thích: “Khúc ý chu toàn tri hữu hậu, nhâm tình kích bác tất hung vong”. Ý nghĩa là, nếu có thể làm tổn thương trái tim mình, thà để bản thân chịu thiệt, bị bắt nạt; quan tâm đến người khác, sau này chắc chắn sẽ có phúc báo. Còn nếu phóng túng cảm xúc, kích động giận dữ, khư khư cố chấp, nhất định sẽ chiêu mời tai họa, không có được cái kết tốt đẹp.

Xuyên suốt cuốn “Tâm tướng thiên”, liệt kê ra hàng hoạt các đặc điểm tính cách và tâm tính của con người, và chỉ ra số phận tương ứng, thông qua biểu hiện, chỉ thẳng ra thực chất vấn đề. Cuốn sách khiến người đọc phải suy nghĩ và có tác dụng cảnh tỉnh với con người.

Nhiều người rất thích thú với xem tướng, toán mệnh, muốn được biết vận mệnh của bản thân. Nhưng nếu thực sự biết vận mệnh bản thân ngang trái ra sao thì làm thế nào để thay đổi? Nó đã được tiết lộ trong bài viết của Trần Đoàn. Thực ra, nếu có thể thay đổi bản thân, nhất tâm hướng thiện, thông thường có thể gặp nguy hóa an, thay đổi vận mệnh.

Trong “Tâm tướng thiên” còn có một câu: “ôn vong bất do vận số, mạ địa chú thiên”, nghĩa là khi ôn dịch đến, người chết la liệt, không phải vì vận số không tốt, mà là do con người chửi rủa đất trời.

Trong văn hoá truyền thống Á Đông, Trời và Đất là do Thần Bàn Cổ mở ra - cũng là tên chung của các vị Thần. Khi con người phóng túng dục vọng, không coi trọng quy phạm đạo đức của Thần đối với con người, ngạo mạn, vứt bỏ tín ngưỡng đối với Thần, thậm chí có lúc còn muốn đấu với trời, đấu với đất.

Những điều không may liên tiếp kéo tới chính là trong cái vô tri và cuồng vọng này. Điều này chính là có liên quan tới tình hình dịch bệnh lây lan ngày nay.
Từ góc nhìn của lão tổ Trần Đoàn, liệu có thể bình an vượt qua đại dịch thực ra không liên quan tới vận số, mà chỉ liên quan tới thái độ của con người đối với trời đất Thần linh. Lời nói của vị Thần Tiên này cũng có đạo lý.

Tạ thế hoá Tiên

Năm Đoan Củng thứ nhất (988), Trần Đoàn đột nhiên nói với đệ tử Giả Đức Thăng rằng: “Ngươi có thể đục một thạch thất trong thung lũng, ta muốn an nghỉ”.
Một ngày mùa thu vào tháng 7, năm Đoan Củng thứ hai (989), thạch thất đã hoàn thành. Đích thân Trần Đoàn viết một tấu biểu, đại ý là: Thần sắp phải rời đi, khó gắn bó được với Thánh triều, sau đó vào ngày 22 tháng này sẽ biến hình tại thung lũng dưới đỉnh Liên Hoa.
Sau đó đúng như thời gian ông đã định, Trần Đoàn tạ thế lúc 118 tuổi. Tới ngày thứ 7 sau khi ông tạ thế, sắc mặt ông vẫn như còn sống, cơ thể ấm áp, toả ra mùi thơm. Các đệ tử đặt ông vào hộp đá, đặt trong thạch thất. Khi các đệ tử vừa rời đi, ​​tảng đá đột ngột tự đổ, tạo thành thế dốc đứng, có mây ngũ sắc bao quanh cửa hang, vài tháng cũng chưa tản đi. Để tưởng nhớ Trần Đoàn, hậu nhân đã đặt cho nơi này tên là hẻm núi Hi Di.

Minh An
Theo Wenshidaguanyuan



BÀI CHỌN LỌC

Trần Đoàn: Dịch bệnh không phải là do số mệnh - Biết được điều này thì có thể tránh được