Vì sao nói: ‘Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa nói: “Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ”, là có ngụ ý sâu xa muốn truyền lại cho thế hệ sau. Vậy ngụ ý đó là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu để tiếp thu những điều tốt đẹp, tránh những điều không may.

Vì sao nói “Nghèo không sửa cửa”?

Cửa chính là phần không thể thiếu trong bất kỳ công trình kiến trúc nào. Đối với nhà ở thì đây lại là vấn đề được chủ nhà đặc biệt quan tâm, bởi cửa chính nằm ở mặt tiền của ngôi nhà, là bộ mặt của gia chủ. Không chỉ là nơi mọi người ra vào mà còn là con đường dẫn khí từ bên ngoài vào nhà, khí tốt hay xấu đều do cửa chính mang lại.

Giống như câu “nhà cao cửa rộng” đều có ý thể hiện sự giàu sang, phú quý của gia đình. Bởi một ngôi nhà cao to, sang trọng thì tất nhiên cái cửa cũng cần vững chắc để thể hiện sự hài hòa, sang trọng của ngôi nhà.

Khi nhấn mạnh về tầm quan trọng của cửa chính, có những gia đình chỉ sửa mỗi cái cửa to đẹp trong khi bố cục toàn cảnh của ngôi nhà lại không phù hợp, thực chất điều này sẽ làm trò cười cho thiên hạ, giống chuyện mẹ con dì ghẻ gọt chân để đi vừa giày của Lọ Lem, mong được làm hoàng hậu vậy.

Xét về phong thủy, nhiều người cho rằng nhà mình giàu/nghèo là vì vận khí không tốt, vì thế mới muốn thông qua việc sửa “mặt tiền” của ngôi nhà để đổi vận. Thực tế, may mắn, phúc lộc đến với con người từ nhiều yếu tố, chủ yếu từ chính bản thân mỗi người trong cách sống, hành xử của họ.

Một ngôi nhà đơn sơ, giản dị lại có cái cửa nổi bật, hoành tráng thì vừa không hợp thẩm mỹ, lại tốn tiền tăng thêm nặng gánh kinh phí cho gia đình. Vì vậy không nên chạy theo hình thức, chỉ có mẽ bề ngoài. Gia đình kinh tế chưa khá giả thì nên cố gắng làm ăn, góp nhặt để xây một cái nhà khang trang, làm cửa to đẹp thay vì sửa mỗi cái cửa để nhìn vào là gia đình có điều kiện.

Vì thế, thay vì sửa đổi cái vỏ bọc bên ngoài - sửa cửa cho đẹp, thì hãy học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, thay đổi bản thân để có thể thoát nghèo, sửa từ thực chất bên trong con người, trong gia đình mình. Đừng tô vẽ vẻ ngoài bóng nhoáng mà bên trong “không có gì”.

“Giàu không dời mộ”

Phần mộ của tổ tiên là nơi thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, là một trường tâm linh không nhìn thấy nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, vận mệnh của con cháu ở dương gian.

Một gia đình, dòng họ nào đó làm ăn phát đạt, giàu có, công danh hiển hách một phần do sự cố gắng tu dưỡng của bản thân, phần còn lại nhất định là họ được hưởng phúc đức do tổ tiên để lại, tích cóp cho con cháu. Điều đó chứng minh phong thủy, mộ phần của tổ tiên rất tốt, âm trạch vượng phát.

Tuy nhiên, khi gia đình làm ăn phát đạt, tài lộc nhiều, người ta sinh ra đắc ý, tự cho mình có bản sự, tài giỏi mà quên đi nguồn gốc ông bà tổ tiên, rồi cũng có người có tâm muốn báo đáp mà di dời mộ đến nơi được cho là tốt hơn để phù hộ cho họ giàu có hơn… Trừ tình huống “không đừng” được thì mới nên chuyển mộ.

Kỳ thực, con người ta đều có số mệnh, tốt xấu ra sao đều do việc mà hàng ngày bản thân làm, tâm thường xuyên nghĩ mà cải biến. Làm người biết khiêm tốn, kính trọng bề trên, “uống nước nhớ nguồn”, đến trang hoàng lại nơi mộ tổ, thắp nén nhang tỏ bày lòng thành kính là đủ rồi. Luôn nhớ gương, cách sống nhân nghĩa của tổ tiên và thực hành theo đó cũng là sự kính trọng, và sẽ được thừa hưởng phúc phần của người xưa để lại.

Khi xây nhà, dời mộ liên quan đến yếu tố tâm linh phong thủy, nhiều người nghĩ rằng tôi không tự ý làm mà mời thầy cúng, thầy phong thủy hẳn hoi. Tuy nhiên, hiện nay người ta hành nghề thương mại tâm linh, nên cũng khó nói trước được. Cách tốt nhất đó là sống tu dưỡng bản thân, làm việc tốt hành thiện tích đức.

Tố Như



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nói: ‘Nghèo không sửa cửa, giàu không dời mộ’?