Động đất mạnh ở Trung Quốc gợi nhớ năm 1976 khi Mao Trạch Đông chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rạng sáng ngày 6/8, một trận động đất đã xảy ra tại huyện Bình Nguyên, thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Trận động đất này xuất hiện tại đới động đất Hoa Bắc, lần gần đây nhất khi đới địa chấn này hoạt động, Trung Quốc đã xảy ra các sự kiện động đất lớn trong lịch sử, bao gồm trận động đất Hình Đài năm 1966 và trận động đất Đường Sơn năm 1976. Đây cũng là thập kỷ náo nhiệt nhất trong nền chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 1976, nhiều lãnh đạo của chế độ này, trong đó có cả ông Mao Trạch Đông, đã lần lượt qua đời.

Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đã trải qua một loạt biến cố vào năm 1976, trong đó có việc Mao Trạch Đông qua đời sau trận động đất Đường Sơn. Ngày nay, tình hình ở Trung Quốc cũng giống như khi đó – đủ loại thiên tai nhân họa liên tục xuất hiện, nền kinh tế cũng đang đối mặt với suy thoái nghiêm trọng và lòng dân đang sôi sục đến cực điểm. Người Trung Quốc tin rằng Thiên - nhân hợp nhất, Thiên - nhân cảm ứng, tức là khi trời đất có những biến đổi, toàn bộ hình thế xã hội sẽ thay đổi theo.

Vào lúc 2h33 ngày 6/8/2023, một trận động đất mạnh 5,5 độ Richter xảy ra tại huyện Bình Nguyên, thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, với độ sâu tiêu cự 10 km. Tâm chấn nằm gần làng Vương Đả Quái thuộc thị trấn Vương Đả Quái, huyện Bình Nguyên. Nhiều nơi ở tỉnh Hà Nam và Hà Bắc đều cảm nhận được rõ ràng trận động đất. Tính đến 8h ngày 6/8, đã ghi nhận được 59 dư chấn. Vì trận động đất này, hàng chục chuyến tàu đường sắt ở Trung Quốc đã tạm ngừng hoạt động.

Trả lời tờ Yicai (Đệ nhất Tài chính Kinh tế) của Trung Quốc, nhiều cư dân cho biết ở Tế Nam - thủ phủ tỉnh Sơn Đông, và các tỉnh, thành khác như Bắc Kinh, Giang Tô, An Huy cũng cảm nhận được trận động đất.

Một chủ tiệm thịt nướng ở Đức Châu, Sơn Đông, nói với truyền thông Trung Quốc rằng khi trận động đất xảy ra, mặt đất rung chuyển và trên bầu trời lóe lên hai luồng ánh sáng trắng.

Trận động đất ở Sơn Đông đang được quan tâm rộng rãi. Các chủ đề liên quan như "Sơn Đông địa chấn", "Tại sao ở xa vậy cũng cảm nhận được trận động đất ở Sơn Đông" nhanh chóng xuất hiện trong danh sách tìm kiếm nóng của Weibo. Một cư dân mạng Trung Quốc cho biết trên Weibo: "Ông tôi nói sống ở Sơn Đông 9-10 năm nay rồi nhưng chưa từng gặp động đất!”.

(Video được trích từ camera trong nhà, quay cảnh động đất hôm 6/8/2023 ở Sơn Đông)

Ông Thạch Sơn (Shi Shan) là một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và xuất thân là một kỹ sư thăm dò địa chất. Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 7/8, ông nói rằng từ quan điểm địa chất học, động đất là do hoạt động đứt gãy gây ra. Ông cho biết, khi mỗi một mảng kiến ​​tạo bắt đầu di chuyển, áp lực ở giữa đường đứt gãy sẽ ngày càng tăng. Áp lực này thường không được giải phóng trong một lần mà là nhiều lần. Sau khi quá trình giải phóng hoàn tất, hoạt động địa chấn sẽ giảm dần trong một khoảng thời gian, sau đó lại dần tích lũy và bắt đầu giải phóng trở lại.

Kỹ sư địa chất này nói: “Tất nhiên, chúng ta không thể nói rằng nó hiện đang hoạt động trở lại, bởi vì kể từ khoảng năm 2020 đới đứt gãy Hoa Bắc đã trải qua ba trận động đất khoảng 5 độ Richter, do đó mọi người lo lắng rằng liệu điều này có đồng nghĩa với sự bắt đầu của một loạt trận động đất khác hay không. Từ khi xảy ra trận động đất Hình Đài, trận động đất Hải Thành (ở tỉnh Liêu Ninh), cho tới trận động đất Đường Sơn là mất khoảng 10 năm. Trận lần này có lẽ tính từ năm 2020 đến nay, chúng đều xảy ra ở khu vực Hoa Bắc, quanh vành đai Bột Hải”.

Ông Thạch Sơn nói rằng, "Vành đai địa chấn Bột Hải là một thuật ngữ chung, chủ yếu bao gồm ba đới địa chấn: một là từ Liêu Ninh qua Biển Bột Hải, kéo dài đến Sơn Đông và Nam Kinh ở Giang Tô; hai là từ Đường Sơn ở Hà Bắc đến Hình Đài; ba là từ Bắc Kinh đến Trương Gia Khẩu. Đây là một số đới địa chấn hoạt động khá mạnh”.

"Đới địa chấn chính là đới đứt gãy. Khi các mảng kiến ​​tạo ép sát vào nhau, vùng bị ngăn ở giữa gọi là đới đứt gãy. Đới đứt gãy hoạt động tương đối mạnh, mấy chục năm qua nó khá yên ắng, hiện mọi người đang lo lắng rằng chu kỳ hoạt động tích cực của nó đang quay trở lại. Đây có thể là vấn đề đang được các nhà địa chất quan tâm".

Về việc cư dân mạng Trung Quốc nói rằng trước đây Sơn Đông chưa từng bị động đất, ông Thạch Sơn cho hay nơi nào nằm trong đới đứt gãy thì nơi đó đều có thể xảy ra động đất. "Trong đới đứt gãy luôn có những nơi mỏng manh nhất, đó là nơi dễ xảy ra động đất nhất. Giống như một cái chai chứa đầy nước, khi cái chai chịu áp lực rất lớn thì phần yếu nhất của nó sẽ dễ bị vỡ. Khi các đới địa chấn giải phóng áp lực, tâm chấn thường không nằm ở một vị trí mà nằm đều trên một đới địa chấn".

Một năm đầy tai ương của Trung Quốc – giống năm 1976

Nhà văn kiêm nhà hoạt động dân chủ người Hoa ở Mỹ – ông Xa Hoằng Niên (Che Hongnian) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 6/8 rằng, năm nay là một năm đầy tai ương ở Trung Quốc. Ông nói rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã để cho COVID-19 lây lan từ Trung Quốc ra toàn thế giới, từ đó gây ra thảm họa lớn cho cả Trung Quốc và toàn cầu. Năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn thúc đẩy mạnh mẽ cái gọi là chiến dịch “đưa lúa nước lên núi”, dẫn đến việc chặt cây rừng trên quy mô lớn để trồng cây lương thực. Hiện nay, lũ lụt và động đất lũ lượt kéo đến, đây chính là báo ứng.

Ông Xa nói: "Năm nay là một năm đầy tai ương, [ĐCSTQ] đã gây ra sự bất bình lớn trong công chúng. ĐCSTQ thực sự không được lòng dân, ngay cả ông Trời cũng đang trừng phạt nó".

Ông Quý Đạt (Ji Da), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cũng nói với phóng viên The Epoch Times hôm 6/8 rằng, trận động đất Sơn Đông vừa qua xảy ra trong đới động đất Hoa Bắc, lần trước khi nó hoạt động mạnh đã gây ra trận động đất Đường Sơn vào ngày 28/7/1976.

Ông Quý Đạt chỉ ra, trước và sau trận động đất ở Đường Sơn, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ là Chu Ân Lai, Chu Đức và Mao Trạch Đông đã lần lượt qua đời. Ngoài ra, vào tháng 3/1976 còn xảy ra sự kiện thiên thạch rơi xuống Cát Lâm, năm đó là một năm chấn động đối với ĐCSTQ. Vào tháng 3 năm nay, ở Bắc Kinh cũng xuất hiện một “hỏa lưu tinh” (quả cầu lửa) và lóe sáng hai lần trên bầu trời. Ông nói: "Tình hình hồi đó rất giống bây giờ".

(Hỏa lưu tinh trên bầu trời khu vực Bắc Kinh, Hà Bắc, Nội Mông hôm 27/3/2023)

Năm 1976 dị tượng liên miên, 43 ngày sau sự kiện ‘Đường Sơn địa chấn' Mao qua đời

Năm 1976, bệnh tình của lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã rất nghiêm trọng. Sau trận động đất ở Đường Sơn, ông ta bỗng dưng gào khóc – đây là một việc hiếm thấy, và qua đời 43 ngày sau đó. Năm đó, ở Trung Quốc liên tục có những dị tượng, đối ứng với đó là cái chết của ba nhân vật lớn trong ĐCSTQ và cuộc đảo chính ở Trung Nam Hải.

Vào lúc 3 giờ 42 phút 53 giây ngày 28/7/1976, một cơn đại địa chấn mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Năng lượng nó giải phóng trong lớp vỏ trái đất cách mặt đất 16 km tương đương với 400 quả bom nguyên tử ở Hiroshima. Thành phố Đường Sơn với dân số một triệu người đã bị san bằng trong chốc lát.

Khi động đất xảy ra, bên trong Trung Nam Hải cũng đột nhiên rung chuyển, giường bệnh của Mao Trạch Đông lắc động không ngừng, nhân viên túc trực cũng ngay lập tức có các biện pháp để ngăn đồ đạc trong phòng rơi xuống trúng người. Vào khoảng 10h sáng ngày 28/7, nhân viên công tác đã báo cáo thảm họa động đất cho ông Mao Trạch Đông. Theo lời kể của ông Vương Tân Đức (Wang Xinde) – một thành viên trong đội y tế của ông Mao Trạch Đông, sau khi nghe thư ký báo cáo, Mao đã khóc, đây là lần đầu tiên ông thấy Mao gào khóc như vậy.

Ba ngày sau trận động đất, một báo cáo về trận động đất Đường Sơn đã được gửi đến đầu giường của ông Mao Trạch Đông. Khi ấy, bệnh tình của Mao ngày càng tệ, thậm chí khó có thể nói chuyện được, nhưng ông ta nhất quyết tự mình đọc hết báo cáo.

Vào ngày 18/8, "Thông báo về Cứu trợ động đất và thiên tai ở quận Phong Nam của Đường Sơn" là văn bản cuối cùng do Ủy ban Trung ương ĐCSTQ ban bố mà Mao Trạch Đông đã đọc trước khi chết.

Ngày 9/9, 43 ngày sau trận động đất Đường Sơn, Mao Trạch Đông qua đời.

Một bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy lãnh đạo Mao Trạch Đông (giữa) vào ngày 27/5/1976 tại Bắc Kinh, trong cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto. Đây là cuộc gặp cuối cùng của Mao với một nguyên thủ nước ngoài cho đến khi ông qua đời vào ngày 9/9/1976 ở tuổi 82. (/AFP via Getty Images)

Trước trận động đất Đường Sơn, Cát Lâm có mưa thiên thạch – Mao lo sợ

Trước trận động đất Đường Sơn, vào ngày 8/3/1976, một trận mưa thiên thạch hiếm gặp đã xảy ra ở vùng ngoại ô phía bắc thành phố Cát Lâm, Trung Quốc.

Khi đó, một thiên thạch nặng khoảng 4 tấn đã rơi xuống trái đất. Sau khi phần chính của thiên thạch đâm vào bầu khí quyển, nó nổ tung khi cách mặt đất khoảng 19 km, các mảnh vỡ lớn nhỏ rải rác rơi xuống và tạo thành mưa thiên thạch. Trong đó, 3 mảnh vỡ lớn nhất bay về phía trước tạo thành ba quả cầu lửa, chúng đột nhiên lóe sáng trên bầu trời thành phố Cát Lâm rồi nhanh chóng lao xuống đất, tạo ra một chiếc hố sâu 6,5 mét với đường kính 2,1 mét.

Khi cơn mưa thiên thạch rơi xuống, âm thanh chói tai vang xa hàng trăm dặm, tiếng ồn lớn và sóng xung kích làm vỡ cửa kính của nhiều tòa nhà dân cư, cảnh tượng hoành tráng và mạnh mẽ như một vụ nổ bom nguyên tử. Vào thời điểm đó, người ta đã thu thập được tổng cộng 138 mẫu vật thiên thạch với tổng trọng lượng là 2.770 kg.

Jilin Meteorite.jpg
Thiên thạch nặng 1.770 kg rơi ở Cát Lâm vào tháng 3/1976. (Francesc Fort/Wikimedia Commons/CC BY-SA 4.0)

Vào tháng 4/1976, Mao Trạch Đông yêu cầu nhân viên thân cận là bà Mạnh Cẩm Vân (Meng Jinyun) đọc tin tức cho ông nghe. Khi nghe tin thiên thạch từ trên trời rơi xuống Cát Lâm, Mao tự biết rằng thọ mệnh của mình sắp tận, ông đã suy nghĩ rất lâu. Mao nói với Mạnh Cẩm Vân rằng, trong lịch sử có nhiều nhân vật vĩ đại coi việc thiên thạch rơi xuống là điềm báo trước khi họ qua đời. Chiều hôm đó, Mao Trạch Đông đã hơn một lần đứng trước cửa sổ rất lâu và nhìn lên bầu trời đang dần buông hoàng hôn.

Theo cuốn sách "Bước vào những năm tháng cuối đời của Mao Trạch Đông" của tác giả Quách Kim Vinh (Guo Jinrong) – một thành viên của Hiệp hội Văn học Nghệ thuật Dân gian thuộc Liên đoàn Văn học Nghệ thuật Bắc Kinh, lúc đó trên mặt Mao lộ ra vẻ suy tư, bất an và kích động. Mao yêu cầu Mạnh Cẩm Vân mở rèm cửa, đây cũng là một yêu cầu rất hiếm. Ông ta đứng bên cửa sổ, nhìn lên bầu trời rất lâu, rất lâu, trong khi ánh tịch dương dần buông xuống.

Lúc đó Mạnh Cẩm Vân kể với Mao rằng, khi còn nhỏ được nghe mẹ kể về một tảng đá lớn đột nhiên rơi xuống rìa làng họ vào một đêm nọ và bà không tin điều đó. Mao nói: “Tôi tin, ở Trung Quốc có một học thuyết gọi là Thiên - nhân cảm ứng. Nó nói rằng khi nhân gian có những thay đổi lớn, đại tự nhiên sẽ thể hiện điều đó ra và dự báo cho con người, xảy ra điều tốt lành thì sẽ có điềm cát, xảy ra điều xấu thì sẽ có điềm hung".

Mao tiếp tục nói: "Trời lắc đất rung, thiên thạch rơi xuống tức là sẽ có người chết. Khi Gia Cát Lượng và Triệu Vân trong Tam Quốc Diễn Nghĩa chết, đều có thiên thạch rơi xuống và gãy cả cột cờ. Các nhân vật lớn và danh nhân, thực sự là khác với người thường". Mao nói những lời này với sự kích động hiếm có.

Ba người khổng lồ của ĐCSTQ lần lượt qua đời, Trung Nam Hải nổ ra chính biến

Người Trung Quốc xưa cho rằng, những thay đổi của thiên thể sẽ tương ứng với những thay đổi ở thế giới con người. Đạo gia thậm chí còn “Dạ quan Thiên tượng” (quan sát hiện tượng thiên văn vào ban đêm) để xem chuyện quốc gia đại sự cho nhà vua, ví như đoán vận mệnh thịnh suy của nước nhà, tiên tri về quyền lực, địa vị và số mạng của quân vương, v.v. Thiên tượng nghĩa là hiện tượng thiên văn, nó đại diện cho Thiên ý, tức là ý chí bất biến của vũ trụ. Hiện tượng thiên thạch rơi cũng là một Thiên tượng. Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, thiên thạch từ trên trời rơi xuống thường được coi là điềm báo của các sự kiện lớn, phần lớn đều là điềm gở.

Theo dân gian Trung Quốc, trăm năm mới có một trận mưa thiên thạch. Ba mảnh vỡ lớn rơi xuống khi đó được cho là tương ứng với dương thọ đã tận của ba nhân vật lớn. Năm 1976, khi trận mưa thiên thạch Cát Lâm xảy ra, ba người khổng lồ trong ĐCSTQ lần lượt qua đời: Phó chủ tịch đảng Chu Ân Lai qua đời ngày 8/1, Nguyên soái Chu Đức tạ thế ngày 6/7, lãnh đạo đảng Mao Trạch Đông ra đi vào ngày 9/9.

Cùng năm đó, một cuộc đảo chính đã diễn ra ở Trung Nam Hải. Vào ngày 6/10/1976, Hoa Quốc Phong (người kế vị cuối cùng được Mao chỉ định khi ông ta còn sống), Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm và những người khác, với sự hỗ trợ của Uông Đông Hưng – lãnh đạo Lực lượng Cảnh vệ Trung ương ĐCSTQ, đã bắt giữ “tứ nhân bang” gồm Giang Thanh (vợ Mao), Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và những người ủng hộ họ. Sau đó họ đã bị đưa ra xét xử. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của "Đại Cách mạng Văn hóa".

Nhà bình luận Quý Đạt nói rằng tình hình hiện nay ở Trung Quốc rất giống với năm 1976. Năm đó khi xảy ra trận động đất ở Đường Sơn, trong xã hội cũng lan truyền các loại tin đồn, nền kinh tế thì trên bờ vực sụp đổ, người dân sống trong cảnh nghèo đói, tiếng oán thán dậy đất. Tình hình hiện nay ở Trung Quốc cũng vậy.

Ông Quý Đạt nói: "Bây giờ nền kinh tế Trung Quốc cũng đang trên bờ vực sụp đổ, toàn bộ môi trường xã hội vô cùng tồi tệ. Năm nay Trung Quốc không chỉ có thiên thạch rơi xuống, mà còn có lũ lụt, và bây giờ là động đất. Người Trung Quốc thường nói, 'Thiên - nhân hợp nhất', trời đất sẽ biến đổi trước, sau đó nhân gian cũng sẽ trải qua những thay đổi to lớn”.

Kết luận

Văn hoá Á Đông coi trọng một thuyết gọi là “Thiên nhân cảm ứng”. Giải thích một cách đơn giản thì giữa trời đất và con người có sự tương thông với nhau. Trong lịch sử, không hiếm gặp những trường hợp thiên tai, dị tượng của tự nhiên dường như là báo trước đại hoạ ở nhân gian. Về mặt khoa học mà nói, các hiện tượng xảy ra trong không gian vũ trụ đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội con người. Quy luật vận động của vũ trụ và quy luật vận hành của xã hội loài người hẳn là có sự tương đồng vô cùng khó giải thích ra bằng câu chữ minh bạch.

Vào thời Tây Hán, Đổng Trọng Thư đã nói rõ rằng: "Thiên nhân hợp nhất". Hán Vũ Đế từng thỉnh giáo Đổng Trọng Thư, hỏi rằng: "Thiên mệnh là không thể vãn hồi sao?". Khi ấy Đổng Trọng Thư trả lời: "Quốc gia phát sinh chuyện xấu vi phạm Thiên đạo, Trời trước hết giáng xuống tai hoạ để khiển trách, khuyên bảo. Nếu như không biết tỉnh ngộ, thì lại bày ra một số chuyện quái dị để cảnh cáo. Vẫn không biết cải biến, sau đó tai hoạ mới ập đến".

Bởi vậy “Thiên nhân cảm ứng” không phải là câu nói suông, cũng không phải là lời dọa nạt. ĐCSTQ vốn tôn thờ thuyết vô Thần, sớm đã bỏ ngoài tai và cố tình không thừa nhận những cảnh báo ấy. Thế nhưng luật nhân quả không phải là do con người tự định đoạt mà được, “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, thiện ác đều có báo, đạo Trời chẳng thiên vị ai bao giờ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý - Viên Minh biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Động đất mạnh ở Trung Quốc gợi nhớ năm 1976 khi Mao Trạch Đông chết