Đông Phương Sóc: Ẩn cư nơi thế tục, lánh thế giữa triều đình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lịch sử có một nhân vật truyền kỳ, một cuộc đời mang sắc màu Thần thoại. Ông không thuộc dòng dõi thiên tử, cũng không phải công tử vương tôn, nhưng “Sử Ký” lại có một liệt truyện viết về ông, “Hán Thư” cũng có một chương viết về ông. “Liệt Tiên Truyện” gọi ông là Thần Tiên, văn chương của ông được đưa vào “Hán Ngụy Lục Triều bách tam gia tập”. Ông cũng được hậu nhân tôn vinh là văn học gia, từ phú gia thời Tây Hán.

Ông chính là Đông Phương Sóc - vị học sĩ có tri thức uyên bác và có tài hùng biện sống vào thời Hán Vũ Đế. Ông khôi hài hóm hỉnh, ngôn từ biến hóa, nghĩa lý sâu sắc, văn chương rất có phong cách, nổi bật riêng một trường phái. Tư Mã Thiên ghi chép về ông trong “Hoạt Kê Liệt Truyện”, Ban Cố cũng gọi ông là “Hoạt Kê chi hùng” (người hùng hài hước).

Theo các ghi chép trong “Sử Ký” và “Hán Thư”, Đông Phương Sóc, tự Mạn Thiến, là người ở Yêm Thứ, vùng Bình Nguyên. Yêm Thứ chính là huyện Huệ Dân, thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ngày nay.

Nhắc đến xuất thân của Đông Phương Sóc có rất nhiều thuyết khác nhau. Theo “Động Minh Ký”, cha của Đông Phương Sóc tên là Trương Di, là một bậc kỳ nhân sống đến 200 tuổi, tóc đã bạc trắng mà khuôn mặt vẫn hồng hào trẻ thơ.

Còn trong thư tự tiến cử, ông lại giới thiệu: “Thần Đông Phương Sóc, thuở nhỏ từng mất cha mất mẹ, dựa vào anh trai và chị dâu nuôi dưỡng mới lớn lên thành người”.

Cũng có thuyết cho rằng, mẹ ông là Điền Thị mất sớm khi vừa mới hạ sinh Đông Phương Sóc được ba ngày. Một người hàng xóm (Lân Mẫu) đã nhận nuôi ông, bởi vì lúc ấy phương đông vừa hửng sáng, bà liền lấy chữ “Đông Phương” đặt làm họ. Khi lên ba tuổi, một lần Đông Phương Sóc đi lạc, mấy tháng sau mới trở về nhà liền bị mẹ đánh một trận. Sau đó ông lại lần nữa biến mất, mãi một năm sau mới trở về nhà. Lân Mẫu hỏi con đã đi đâu suốt một năm qua? Đông Phương Sóc nói: “Con đi biển Tử Nê, không may bị nước màu tím làm vấy bẩn quần áo, con liền đi Ngu Tuyền giặt áo. Con sáng đi trưa về, sao mẹ lại nói là con một năm mới về?”

Đông Phương Sóc (Phạm vi công cộng)

Dâng thư tự tiến cử, dùng tới 3000 thẻ tre

Vào những năm đầu khi vừa lên ngôi, Hán Vũ Đế ban chiếu chỉ chiêu mộ bậc anh hào trong thiên hạ. Nho sinh và nhân sĩ các nơi lần lượt dâng thư ứng tuyển. Đông Phương Sóc cũng đến Công Xa phủ dâng thư tự tiến cử. Thư tự tiến của ông rất dài, dùng tới ba ngàn thẻ tre mới viết hết. Công Xa phủ cũng cần tới hai người khiêng mới có thể nhấc lên được. Vì tiến thư quá dài, Hán Vũ Đế không thể đọc xong trong một sớm một chiều, mỗi lần tạm dừng lại, Hoàng đế lại dùng bút đánh dấu, cứ như thế suốt hai tháng mới đọc xong.

Vậy trong thư tự tiến cử, Đông Phương Sóc đã giới thiệu bản thân như thế nào?

Trong đó viết: “Thần 13 tuổi bắt đầu đọc sách, qua 3 năm thì văn sử cũng đủ sử dụng. 15 tuổi học đánh kiếm. 16 tuổi học “Thi Kinh”, “Thượng Thư”, đã đọc làu 220.000 chữ. 19 tuổi bắt đầu học binh pháp Tôn Ngô (Tôn Tử và Ngô Tử), biết dụng binh bố trận và đánh chiêng trống làm hiệu lệnh. Thần có thể thuộc lòng 440.000 chữ. Đến nay thần đã 22 tuổi, thân cao chín thước ba tấc, mắt sáng như trân châu, răng đều và trắng trong như ngọc quý”. Và: “Dũng mãnh như Mạnh Bôn, nhanh nhẹn như Khánh Kỵ, liêm khiết như Bào Thúc, thủ tín như Vĩ Sanh. Do đó, thần có thể làm đại thần của thiên tử vậy”.

Ở đây, Mạnh Bôn là dũng sĩ có có sức mạnh vô song sống ở nước Vệ thời Chiến quốc, ông có thể “thủy hành bất tị giao long, lục hành bất tị hổ lang” (đi dưới nước không sợ giao long, đi trên cạn không sợ hổ sói). Công tử Khánh Kỵ là con trai của Ngô Vương Liêu, khi chạy thì nhanh như mãnh thú, khi đánh nhau thì vạn người không địch lại được. Bào Thúc chính là Bào Thúc Nha trong câu thành ngữ “Quản Bào chi giao” (mối giao hảo giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha), sự liêm khiết chính trực của ông được Quản Trọng đánh giá rất cao.

Còn nói về Vĩ Sanh, trong dân gian có câu thành ngữ: “Vĩ Sanh bão trụ”, lại có câu nói: “Tín như Vĩ Sanh”. Tương truyền, Vĩ Sanh là người nước Lỗ thời Xuân Thu, từng đến sống ở đất Lương. Vĩ Sanh yêu một cô gái, nhưng cha mẹ nàng chê chàng nghèo hèn nên không tác thành. Một lần, đôi bạn trẻ hẹn gặp nhau dưới cầu bên ngoài Hàn thành. Chàng trai đến chỗ hẹn đứng đợi, còn cô gái thì không đến được do bị cha mẹ quản thúc ở nhà. Chẳng ngờ mây đen kéo đến, cuồng phong nổi lên, sấm chớp đầy trời, chẳng mấy chốc mưa rơi như trút. Nhưng nước dâng lên mà Vĩ Sanh vẫn không chịu rời đi, cứ ôm chặt lấy cột trụ cầu đợi tiếp, cuối cùng bị ngập trong nước. Tương truyền cây cầu nơi Vĩ Sanh ôm cột trụ là Lam Kiều ở Thiểm Tây, người đời sau coi Vĩ Sanh là biểu tượng của chữ Tín và ái tình kiên trinh.

Hán Vũ Đế đọc xong tấu thư của Đông Phương Sóc liền tấm tắc khen ông là bậc kỳ tài. Từ đó, Đông Phương Sóc trở thành một cận thần của Hoàng đế, bắt đầu sự nghiệp “bác văn thiện biện” bên cạnh quân vương. Ông thường hầu hạ Vũ Đế, lần nào cùng ông đàm đạo Vũ Đế cũng rất vui vẻ. Vũ Đế thường ban cho ông dùng ngự tửu, lại ban cho thịt ngon mang về.

Một lần, Hán Vũ đế ban thịt cho các quan tùy tùng. Khi quan thượng ty vẫn chưa đến Đông Phương Sóc đã tự rút kiếm cắt thịt, rồi xách thịt nghênh ngang bỏ về. Hôm sau Đông Phương Sóc vào chầu, Hán Vũ đế hỏi: “Hôm qua trẫm ban thịt, sao khanh không chờ chiếu chỉ mà lại rút kiếm cắt thịt mang đi?”.

Đông Phương Sóc cởi mũ tạ tội rồi nói: “Đông Phương Sóc ơi là Đông Phương Sóc, ngươi nhận ơn không đợi chiếu chỉ, sao mà vô lễ thế! Bệ hạ đã ban cho quần thần, mà ngươi lại đích thân nghe được, không đợi gọi mới đến lĩnh, còn gì tín hơn! Không đợi người khác cắt hộ mà tự mình tuốt kiếm ra cắt, còn gì dũng hơn! Cắt cũng không nhiều, còn gì liêm hơn! Về đưa cho vợ, còn gì nhân hơn!”

Hán Vũ Đế vui vẻ phá lên cười: “Bảo khanh tự phê bình, hóa ra lại để khanh tự tâng bốc! Được rồi, hôm qua khanh lấy ít thịt, vậy trẫm lại thưởng cho khanh một chút nữa”.

Sau đó, Vũ Đế lại ban cho Đông Phương Sóc một một trăm cân thịt để mang về cho vợ.

Giỏi chiêm bốc

“Hán Thư” ghi chép rằng, một ngày Vũ Đế yêu cầu các thuật sĩ giỏi chiêm bốc thử đoán Xạ phúc. Xạ phúc là trò chơi đoán vật trong dân gian, người ra đề thường giấu một vật dưới bình hoặc dưới chậu để người chơi phải đoán.

Vũ Đế cho đặt con thạch sùng dưới chậu nhưng không ai đoán trúng. Đông Phương Sóc liền nói: “Thần từng học Dịch, xin bệ hạ cho phép thần thử đoán xem đó là gì”.

Sau đó, Đông Phương Sóc xếp cỏ thi thành các loại quẻ tượng khác nhau rồi đoán: “Nói nó là rồng nhưng nó không có sừng, nói nó là rắn nhưng nó lại có chân, tứ chi bò thong thả, hai mắt nhìn chằm chằm, lại rất giỏi trèo tường. Thứ này nếu không phải thạch sùng thì cũng là con thằn lằn”.

Vũ Đế nói: “Rất chính xác!” và ban lụa cho Đông Phương Sóc. Sau đó, Vũ Đế lại thử tài thêm nhiều lần nữa, lần nào ông cũng đoán chính xác và lại được ban lụa.

Đương thời có một viên nhạc quan tên là Quách Xá Nhân thường theo hầu Vũ Đế. Quách Xá Nhân nói: “Đông Phương Sóc thật là ngông cuồng, chẳng qua chỉ là may mắn đoán trúng được mà thôi, chứ hoàn toàn không có tài năng thuật số gì. Bệ hạ hãy để Đông Phương Sóc đoán thêm lần nữa, nếu hắn đoán trúng thì cứ đánh thần một trăm roi, còn đoán sai thì hãy tặng lụa cho thần”.

Quách Xá Nhân liền đem một vật ký sinh mọc trên cây giấu dưới chậu, để Đông Phương Sóc đoán là thứ gì. Đông Phương Sóc nói: “Là cũ tẩu”.

Quách Xá Nhân cười: “Ta biết là Đông Phương Sóc sẽ đoán sai mà”.

Đông Phương Sóc nói: “Thịt sống thì gọi là khoái (膾), thịt sấy khô thì gọi là phủ (脯); thứ bám trên cậy gọi là ký sinh (寄生), giấu dưới chậu thì gọi là cũ tẩu (寠藪)”.

Hán Vũ Đế liền lệnh cho quan Xương giám đánh Quách Xá Nhân một trăm roi, còn Đông Phương Sóc thì được thăng lên làm Thường thị lang.

Trực ngôn can gián

“Hán Thư” ghi chép rằng, vào năm Kiến Nguyên thứ ba khi Hán Vũ Đế mới 18 tuổi, Hoàng đế thường mặc thường phục cùng thị vệ ra ngoài săn bắn, không ít lần vó ngựa của nhà vua từng giẫm đạp lên cây trồng của nông dân.

Về sau, Thọ Vương lại kiến nghị xây dựng Thượng lâm uyển chuyên dành cho các chuyến đi săn. Đông Phương Sóc liền thưa: “Năm xưa Linh Vương vì dựng đài Chương Hoa mà dân Sở phân tán, Tần Vương vì dựng điện A Phòng mà thiên hạ đại loạn”.

Hán Vũ Đế không nghe lời can gián của ông và vẫn quyết định xây dựng Thượng lâm uyển. Nhưng vì trước đó Đông Phương Sóc đã tấu trần dùng “Thái giai lục phù” để quan sát sự biến hóa của Thiên tượng, nên Vũ Đế vẫn phong cho ông làm Thái trung Đại phu Cấp sự trung, và ban thưởng trăm cân hoàng kim.

Một lần, Đông Phương Sóc vì say rượu mà tiểu tiện trên đại điện, phạm vào tội bất kính nên bị giáng xuống làm thường dân. Sau này, nhân dịp chúc thọ Vũ Đế, ông lại nhờ cuộc đối thoại ‘âm dương chỉ ai’ mà được phục chức làm Trung lang, được ban thưởng một trăm súc lụa.

Gặp Sô Nha, tiên đoán Hung Nô quy hàng

“Sử Ký” ghi chép rằng, một ngày ở phía sau cung Kiến Chương xuất hiện một con vật kỳ lạ trông khá giống như hươu nai. Tin tức truyền đến, Vũ Đế liền đích thân đến xem. Vũ Đế hỏi các quần thần rằng đó là con vật gì, nhưng không ai trả lời được. Ông lại hạ chiếu cho vời Đông Phương Sóc đến.

Đông Phương Sóc thưa: “Xin hãy ban cho thần mỹ tửu và đồ ăn ngon, thần mới nói được”.

Vũ Đế đáp: “Được”.

Đông Phương Sóc lại nói: “Xin bệ hạ hãy ban cho thần mấy khoảnh ruộng công, ao cá và đầm lau sậy, thần mới nói được”.

Vũ Đế lại gật đầu: “Được”.

Sau đó Đông Phương Sóc bèn nói: “Loài vật này gọi là Sô Nha, răng nó trước sau giống nhau, kích thước bằng nhau, không có cái răng nào lớn cũng không có cái nào quá nhỏ, do đó gọi là Sô Nha. Sô Nha xuất hiện chính là điềm báo ở viễn phương sắp có kẻ đến quy hàng”.

Quả nhiên một năm sau, Hồn Da Vương dẫn mười vạn quân Hung Nô đến quy hàng nhà Hán. Đông Phương Sóc vì tiên đoán chính xác mà được Vũ Đế ban cho rất nhiều vàng bạc.

Văn thơ hoành dật

Đông Phương Sóc có tài hùng biện, văn chương hoành dật. “Hán Thư - Nghệ Văn Chí” ghi chép rằng, Đông Phương Sóc có tổng cộng 20 thiên tác phẩm nhưng đến nay chỉ còn lại ba thiên hoàn chỉnh là: “Thất gián”, “Đáp khách nan” và “Phi hữu tiên sinh luận”.

Trong “Phi hữu tiên sinh luận” có một điển cố nổi tiếng: “Đàm hà dung dị” (nói sao dễ vậy). Bốn chữ này nói lên cái khó của bề tôi khi đưa ra ý kiến, cũng như nỗi bi ai của bậc trung lương khi nói lời can gián.

Trong bài “Đáp khách nan”, ông cũng sáng tạo ra câu tục ngữ: “Thủy chí thanh tắc vô ngư, nhân chí sát tắc vô đồ” (Nước trong quá thì không có cá, người phân biệt rõ quá thì không có bạn cùng).

Vương An Thạch từng bình giá về Đông Phương Sóc qua bài thơ sau:

Tài đa bất khả số, xạ phúc diệc tuyệt luân.
Đàm từ tối khôi quái, phát khẩu như hữu thần…
Kim ngọc bổn quang oánh, nê sa khởi năng nhân.
Thời thời nhất ngộ chủ, kinh động Hán đình thần.

Tạm dịch:

Đa tài không kể hết
Xạ phúc lại tuyệt luân
Thơ từ khôi hài quá
Mở miệng như có thần...

Vàng ngọc sáng lấp lánh
Bùn cát vấy sao đây
Thời thời nhất ngộ chủ
Kinh động Hán triều thần.

Ẩn sĩ giữa triều đình

Đông Phương Sóc dùng tiền tài được ban thưởng để kết hôn với những thiếu nữ xinh đẹp trong thành Trường An, nhưng chỉ được một năm liền bỏ và lại lấy vợ khác. Bao nhiêu tiền của vua ban cho ông đều tiêu hết vào việc lấy vợ. Một số thị thần thấy vậy liền gọi ông là “cuồng nhân”.

Một ngày, có vị quan lang nói với ông: “Người ta đều cho rằng tiên sinh là cuồng nhân”.

Đông Phương Sóc nói: “Như Sóc đây chính là lánh thế giữa chốn triều đình. Vào thời cổ đại, người xưa chỉ trốn đời ở chốn thâm sơn, còn ta thì ẩn cư trong thế tục, lánh đời Kim Mã Môn”.

Kim Mã Môn là cánh cửa lớn ở Hoạn Giả thự, vì hai bên có con ngựa đồng nên mới gọi là “cửa Kim Mã”. Sau này, ba chữ "Kim Mã Môn" thường dùng để chỉ chốn quan trường.

Đông Phương Sóc thường ngồi trên chiếu uống rượu, say bò trên đất mà hát: “Lục trầm ư tục, tỵ thế Kim Mã Môn. Cung điện trung khả dĩ tỵ thế toàn thân, hà tất thâm sơn chi trung, hao lư chi hạ”.

Nghĩa là: Luân lạc cùng thế tục, lánh đời nơi cửa Kim Mã. Trong cung điện có thể trốn đời để giữ toàn thân, cần gì phải vào núi sâu, ở dưới lều cỏ!

Trong bài “Dữ hữu nhân thư”, ông cũng viết: “Bất khả sử trần võng danh cương câu toả, di nhiên trường tiếu, thoát khứ thập châu tam đảo”.

Nghĩa là: Chớ để cho lưới trần lợi danh trói buộc, ta hãy cứ sung sướng cười hoài, du chơi khắp thập châu tam đảo.

Đông Phương Sóc từng nói với bạn bè: “Người trong thiên hạ ai cũng không hiểu được ta, chỉ có Thái Vương Công là biết ta”.

Sau khi Đông Phương Sóc qua đời, Vũ Đế liền cho gọi Thái Vương Công và hỏi: “Khanh biết Đông Phương Sóc phải không?”.

Thái Vương Công đáp: “Thần không biết”.

Vũ Đế hỏi: “Vậy khanh biết điều gì?”

Thái Vương Công vốn là người tinh thông lịch pháp thiên văn, liền đáp: “Các vì tinh tú đều ở đó, chỉ có Mộc tinh biến mất 18 năm, nay lại xuất hiện lại”.

Vũ Đế không khỏi ngẩng lên trời thở dài: “Đông Phương Sóc ở bên cạnh trẫm đã 18 năm, vậy mà trẫm lại không biết ông ấy chính là Mộc tinh!”

Người xưa tin rằng Đông Phương Sóc vốn là Thái Bạch Kim Tinh. Thi tiên Lý Bạch cũng được người đời cho là Thái Bạch Kim Tinh bị đày xuống trần gian làm một vị Trích tiên. Trong bài “Ngọc hồ ngâm”, Lý Bạch viết về Đông Phương Sóc nhưng cũng là để tự sánh với mình: “Thế nhân bất thức Đông Phương Sóc, Đại ẩn Kim Môn thị trích tiên” (Người đời đâu biết Đông Phương Sóc, Đại ẩn Kim Môn, ấy Trích tiên).

Trong “Rong chơi cùng U Mộng cảnh” có lời bình giá về Đông Phương Sóc như sau:

“Đông Phương Sóc, tuy sống cận kề vua, nhưng bỡn cợt với lợi danh, không tranh chấp trên hoạn lộ, nên tránh được họa sát thân. Sống giữa đời mà tâm không đắm theo thế tục, xem trần gian là một cuộc chơi, đem tâm phượng hoàng sống giữa bầy gà thì có chuyện gì làm lụy được? Sống hồn nhiên tự tại, như cá vàng bơi trong bể nước, như chim én tía làm tổ dưới mái hiên, bởi vậy tuy ông nhập thế mà vẫn như là xuất thế (...)

Vạn pháp do tâm tạo. Tâm thanh tịnh, bình yên thì thế gian đâu không là nước Phật? Trong lòng đã có cảnh gò hang của tự nhiên thì chốn phố thị đâu chẳng là rừng núi? Đã mang tâm đùa bỡn với lợi danh thì dẫu có sống chốn cung đình như Đông Phương Sóc cũng có khác gì ẩn dật chốn rừng sâu?”

Theo Sở Nhược Vy - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Đông Phương Sóc: Ẩn cư nơi thế tục, lánh thế giữa triều đình