Được cả thế giới tín nhiệm: Người Thụy Sỹ xây dựng chữ “Tín” như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thụy Sỹ, có lẽ hiện lên trong tâm tưởng nhiều người không chỉ là tên một quốc gia, mà còn là biểu tượng của chữ Tín, với những chiếc đồng hồ tốt và đắt đỏ nhất thế giới, với tàu hỏa có tỷ lệ đúng giờ 92% (thuộc top đầu châu Âu), là “két sắt” mà cả thế giới tin tưởng gửi tiền, là địa điểm tổ chức của những lễ ký kết hiệp định hòa bình, là nơi mà các bên chọn để đặt nền móng cho niềm tin. Tại sao Thụy Sỹ lại có được vinh diệu này?

Thế nhưng không phải tự nhiên mà người Thụy Sỹ được thế giới tín nhiệm, đó là cả quá trình được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu, qua hàng trăm năm lịch sử.

Thời xưa, Thụy Sỹ là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Vùng đất mà ngày nay là Thụy Sỹ bị kìm kẹp bởi các quốc gia hùng mạnh xung quanh. Tài nguyên thiên nhiên không có gì ngoài núi đá. Chăn nuôi hay trồng trọt đều không phải là phương kế làm giàu khả thi. Vậy là, nam giới Thụy Sỹ đành chọn con đường làm lính đánh thuê. Vào cuối thời Trung Cổ cho đến thời Phục hưng, đặc biệt nhờ Chiến tranh trăm năm (1337–1453), lính Thụy Sỹ đã trở thành những người thiện chiến bậc nhất Châu Âu. Họ đã trui rèn đức tính gan góc, lì lợm, kỷ luật, và trên hết là uy tín “thà chết chứ không từ bỏ trách nhiệm với khách hàng”.

Tranh minh họa lính đánh thuê Thụy Sỹ đang vượt núi Alps. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Hai sự kiện nổi bật khẳng định thương hiệu lính đánh thuê Thụy Sĩ có lẽ là: bảo vệ Giáo hoàng năm 1527 và bảo vệ vua Louis XVI năm 1792.

Bảo vệ Giáo hoàng trong vụ thành Rome bị cướp phá năm 1527

Quyền lực ngày càng tăng của Hoàng đế Đế quốc La Mã thần thánh Charles V đã khiến Giáo hoàng Clement VII lo lắng, ông cho rằng Charles đang cố gắng thống trị Nhà thờ Công giáo và nước Ý. Clement VII đã thành lập một liên minh với kẻ thù không đội trời chung của Charles V là Vua Francis I của Pháp - được biết đến với cái tên Liên minh Cognac - để chống lại triều đại Habsburg ở Ý.

Quân đội của Đế quốc La Mã thần thánh đã đánh bại quân đội Pháp ở Ý, nhưng không có tiền để trả lương cho binh lính. Quân lính Đế quốc La Mã đã nổi loạn và buộc chỉ huy của họ, Công tước Charles III của Bourbon, dẫn họ đến Rome, một mục tiêu dễ dàng để cướp bóc.

Quân đội Đế quốc có 14.000 lính Đức, 6.000 lính Tây Ban Nha và một số bộ binh Ý. Lực lượng bảo vệ thành Rome không nhiều, chỉ gồm 5.000 dân quân và 189 Vệ binh Thụy Sĩ của Giáo hoàng.

Ngày 6 tháng 5 năm 1527, quân đội Đế quốc tấn công tường thành ở Gianicolo và Đồi Vatican. Công tước Charles mặc áo choàng trắng để phân biệt với quân sỹ, nhưng đồng thời điều này biến ông thành mục tiêu dễ dàng của đối phương. Kết quả ông bị trúng tên tử thương. Cái chết của vị chỉ huy được kính trọng cuối cùng trong quân đội Đế quốc đã khiến mọi sự kiềm chế trong binh lính biến mất, và họ dễ dàng chiếm được các bức tường thành Rome trong cùng ngày. 5000 dân quân tan rã nhanh chóng và dẫn đến sự kiện tử thủ của vệ binh Thụy Sỹ.

Cuộc cướp phá thành Rome. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Lính Thụy Sỹ tổ chức phòng tuyến tử thủ cuối cùng tại Nghĩa trang Teutonic, trong Vatican. Đội trưởng của họ, Kaspar Röist, bị thương và sau đó tìm nơi ẩn náu trong nhà, nơi ông bị binh lính Tây Ban Nha phát hiện ra và giết chết ngay trước mặt vợ mình. Người Thụy Sĩ đã chiến đấu quyết liệt, nhưng bị áp đảo một cách vô vọng và gần như bị tiêu diệt. Một số người sống sót, cùng với một nhóm người tị nạn, đã quay trở lại các bậc thang của Vương cung Thánh đường. Những người rút về phía Vương cung Thánh đường cũng bị tàn sát và chỉ có 42 người sống sót. Nhóm 42 người này, dưới sự chỉ huy của Hercules Goldli, đã ngăn chặn được quân Habsburg đang truy đuổi đoàn tùy tùng của Giáo hoàng khi họ băng qua Passetto di Borgo - một lối thoát hiểm trên cao nối Vatican với Castel Sant'Angelo, nhờ vậy Giáo hoàng và đoàn tùy tùng đã thoát chết.

Ghi nhớ sự dũng cảm vô song của người Thụy Sỹ, bắt đầu từ thời Giáo hoàng Paul III đã tái lập Đội cận vệ Thụy Sỹ cho Giáo hoàng (Pontificia Cohors Helvetica), và truyền thống này vẫn được tiếp tục đến tận ngày nay. Đội cận vệ này chỉ tuyển nam giới Thụy Sỹ, đang độc thân, có hạnh kiểm tốt. Lễ kết nạp được tổ chức vào ngày 6/5 hàng năm. Đồng phục của Đội vệ binh Thụy Sỹ cũng mang đậm sắc thái của Thời kỳ Phục hưng lịch sử.

Một vệ binh Thụy Sỹ của Giáo hoàng. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Bảo vệ vua Louis XVI trong Cách mạng Pháp

Từ đầu thế kỷ 17, một trung đoàn Vệ binh Thụy Sĩ đã phục vụ như một phần của Hoàng gia Pháp. Vào ngày 6 tháng 10 năm 1789, dưới sức ép Cách mạng Pháp, Vua Louis XVI buộc phải cùng gia đình chuyển từ Cung điện Versailles đến Cung điện Tuileries ở Paris. Vào tháng 6 năm 1791, ông cố gắng chạy trốn đến Montmédy gần biên giới, nơi tập trung quân đội dưới sự chỉ huy của các sĩ quan bảo hoàng. Trong cuộc khởi nghĩa ngày 10 tháng 8 năm 1792, quân khởi nghĩa đã tấn công vào cung. Giao tranh nổ ra sau khi Hoàng gia được hộ tống từ Tuileries đến trú ẩn tại Hội đồng Lập pháp. Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ cạn kiệt đạn dược và bị áp đảo bởi quân số vượt trội. Nhà vua viết một ghi chú nửa giờ sau khi giao tranh nổ ra, lệnh cho người Thụy Sĩ rút lui và trở về doanh trại của họ. Nhưng khi những vệ binh Thụy Sĩ tuân lệnh, họ vẫn chịu kết cục bi thảm.

Giao tranh bên trong Cung điện Tuileries. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Khoảng 760 Vệ binh Thụy Sĩ bảo vệ Tuileries đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh hoặc bị tàn sát sau khi đầu hàng. Ước tính có khoảng 200 người khác chết trong tù vì vết thương hoặc bị giết trong Cuộc thảm sát tháng 9 sau đó. Ngoài khoảng một trăm người Thụy Sĩ trốn thoát khỏi Tuileries, những người sống sót duy nhất của trung đoàn là một biệt đội gồm 300 người đã được cử đến Normandy (theo lệnh của nhà vua) để hộ tống các đoàn xe chở ngũ cốc vài ngày trước ngày 10 tháng 8. Các sĩ quan Thụy Sĩ hầu hết nằm trong số những người bị thảm sát. Thiếu tá Karl Josef von Bachmann - chỉ huy tại Tuileries - bị xét xử và bị chém đầu vào tháng 9, vẫn mặc nguyên bộ đồng phục màu đỏ của đội vệ binh. Có hai sĩ quan Thụy Sĩ sống sót về sau đã đạt được cấp bậc cao dưới thời Napoléon.

Tuy lính Thụy Sỹ đã không thể bảo vệ được thân chủ của mình là vua Louis XIV, nhưng một lần nữa, họ cũng đã làm tròn trách nhiệm của mình với khách hàng cho đến giọt máu cuối cùng.

Trong đoàn vệ binh có sĩ quan Karl Pfyffer von Altishofen, người tình cờ được nghỉ phép ở Lucerne vào ngày thảm kịch xảy ra. Đau lòng trước mất mát bi thảm của những người đồng đội, Karl Pfyffer von Altishofen đã dành nhiều năm suy ngẫm về sự hy sinh của họ và quyết định khởi xướng việc tạo dựng một đài tưởng niệm để vinh danh những người đã ngã xuống.

Đài tưởng niệm được thiết kế bởi nghệ sĩ Đan Mạch nổi tiếng Bertel Thorvaldsen với hình thức một con sư tử khổng lồ đang hấp hối được chạm khắc vào đá. Tượng đài được hoàn thành chỉ trong hơn một năm và được khánh thành vào năm 1821 tại Luzern, Thụy Sỹ.

Đài tưởng niệm ghi tên 26 sỹ quan Thụy Sỹ hi sinh năm 1792, cũng như ghi nhận sự anh dũng hi sinh của 760 binh lính. Trên cùng của nó có ghi dòng chữ “Helvetiorum Fidei ac Virtuti” (Tưởng nhớ sự trung thành và dũng cảm của người Thụy Sỹ). Con sư tử được khắc họa đang hấp hối do bị một mũi giáo đâm vào, vẫn dùng chút sức lực cuối cùng để ôm lấy tấm phù điêu fleur-de-lis (biểu tượng của Hoàng gia Pháp), bên cạnh là tấm khiên của lính Thụy Sỹ.

Đài tưởng niệm Sư tử hấp hối. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Ngày nay, Đài tưởng niệm Sư tử hấp hối thu hút hơn 1,4 triệu khách du lịch hàng năm. Tác động sâu sắc của nó đối với du khách được minh chứng bởi nhà văn Mark Twain, người đã từng mô tả nó là "tác phẩm bằng đá gây thương tiếc và xúc động nhất trên thế giới."

Uy tín không thể tự nhiên mà có, mà phải trải qua thử thách và thời gian

Thương hiệu và sự giàu có của người Thụy Sĩ không phải tự nhiên mà có. Có thể nói uy tín trước khách hàng của những người Thụy Sỹ đang làm việc trong ngành dịch vụ, thương mại, tài chính… ngày nay đã được đặt định với nền móng bằng máu của những thế hệ cha ông nghèo khổ xa xưa. Những người vệ binh Thụy Sỹ, dù mang tiếng “đánh thuê”, nhưng qua hành động họ thể hiện thì hoàn toàn không phải chỉ là phường bất chấp bán mạng vì tiền đơn thuần, mà thể hiện đầy đủ Tín - Nghĩa của những đấng bậc anh hùng, khiến người khác phải cảm động và khâm phục.

Chúng ta cũng có một ví dụ khá tương tự và nổi bật khác, đó là cộng đồng di cư Đông Á đã thành lập nên những khu phố Tàu, khu phố Nhật, khu phố Hàn… được chính quyền sở tại coi trọng và ưu ái. Đó là bởi những thế hệ đầu tiên của họ khi đặt chân lên vùng đất mới, đã không nề hà làm những công việc khổ nhọc nhất, với thái độ chăm chỉ và có trách nhiệm tối đa. Quá trình gây dựng niềm tin, chiến thắng nghịch cảnh, vượt qua kỳ thị là một bản trường ca không thể viết chỉ trong ngày một ngày hai.

Công nhân Trung Quốc làm việc dưới tuyết để hoàn thành tuyến đường sắt xuyên lục địa đầu tiên của Bắc Mỹ, thế kỷ 19. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.
Khu phố Tàu khang trang ở New York ngày nay. Nguồn: Pixabay.

Có thể nói, bài học muôn thuở được rút ra chính là: Muốn đạt được sự giàu có và danh tiếng bền vững, ắt phải trải qua chịu đựng gian khổ để gầy dựng uy tín, phải có trách nhiệm, đạo nghĩa, thủy chung. Thành công lâu dài sẽ không bao giờ đến, và số phận sẽ không bao giờ mỉm cười với phương cách ăn xổi ở thì, chộp giật, bất tín bất nghĩa.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Được cả thế giới tín nhiệm: Người Thụy Sỹ xây dựng chữ “Tín” như thế nào?