Giải mã sự tẩy chay của Hong Kong và Trung Quốc với danh thủ Messi 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyện gì đã xảy ra với Messi tại Hong Kong? Và có thể nhìn nhận sự việc từ góc độ nào? Trước hết, chúng ta cùng điểm lại những diễn biến chính của vụ việc.

“Messi bị tẩy chay, không được phép quay lại Hồng Kông”, “Messi bị đề nghị không trở lại Hong Kong”, “Video Messi tránh bắt tay Trưởng Đặc khu Hồng Kông thu hút sự chú ý”, “Người hâm mộ Hong Kong giận dữ, đòi lại tiền vé khi Messi không ra sân”, “Vụ Messi không ra sân tại Hồng Kông: Ban tổ chức hoàn tiền vé, Trung Quốc phản ứng”, “Messi xin lỗi sau 'thảm họa' ở Hồng Kông (Trung Quốc), hứa sẽ tạ lỗi với fan” v.v. là các tiêu đề tràn ngập các trang báo thể thao trong và ngoài nước những ngày gần đây.

Messi và chuyến du đấu của Inter Miami đến Hong Kong

Hong Kong là một điểm đến trong chuyến du đấu Châu Á của câu lạc bộ bóng đá Mỹ là Inter Miami, để chuẩn bị cho mùa giải mới MLS năm 2024. Messi trước đó đã chơi hai trận ở Arab Saudi, nhưng không đá một phút nào tại Hong Kong, không tiếp xúc người hâm mộ và tránh bắt tay với trưởng đặc khu Hong Kong là Lý Gia Siêu. Trước đó, dù Messi đã bị dính chấn thương, nhưng huấn luyện viên của Inter Miami là Tata Martino hứa sẽ sử dụng anh và Luis Suarez “nhiều phút nhất có thể” nên có thể đã nuôi hy vọng cho người hâm mộ Hong Kong. Dù vậy, ba ngày sau đó, tức là ngày 7/2, anh chơi 30 phút cuối trong trận gặp Vissel Kobe tại Nhật Bản.

Sự việc trở nên ầm ĩ, những người hâm mộ Messi ở Hong Kong bất mãn, chính quyền Hong Kong bất mãn, nhà tổ chức giải đấu Tatler Asia đành tuyên bố rằng họ sẽ hoàn lại 50% tiền cho những người hâm mộ tham dự sự kiện, chấp nhận khoản lỗ 43 triệu đô la Hong Kong. Sự việc tiếp tục leo thang ở Trung Quốc khi các phương tiện truyền thông và người hâm mộ ở đây chỉ trích gay gắt, cáo buộc sự tham gia của thế lực thù địch đằng sau Messi nhằm xúc phạm chính quyền Hong Kong. Thậm chí, ngày 9/2, Cục Thể thao Hàng Châu thông báo, kế hoạch tổ chức trận giao hữu giữa đội tuyển Argentina và Nigeria tại địa phương này vào tháng 3 đã bị hủy bỏ…

Dường như có điều gì đó bất thường trong sự việc này. Ở đây có sự tham gia của các chủ thể chính: Messi và câu lạc bộ Inter Miami; người hâm mộ và chính quyền Hong Kong; dư luận và các cơ quan nhà nước ở Trung Quốc. Hãy bắt đầu với Messi và câu lạc bộ Inter Miami.

Messi không đá, cũng không bắt tay Trưởng Đặc khu Hồng Công. (Chụp video)

Messi và Inter Miami liệu có điều gì không phải?

Lionel Messi có bị chấn thương hay không? Sau trận đấu, vào ngày 6/2, Messi trần tình: “Kết quả chụp MRI không cho thấy chấn thương, nhưng tôi vẫn cảm thấy không ổn. Có nhiều khán giả Hong Kong cổ vũ, nhưng không may là tôi không thể thi đấu".

Messi đã xin lỗi: “Sự thật là rất xui xẻo khi tôi không thể thi đấu ở Hồng Kông. Sự khó chịu vẫn tiếp tục và tôi rất khó ra sân. Thật không may, trong bóng đá, mọi chuyện có thể xảy ra trong bất kỳ trận đấu nào, bất kỳ thời điểm nào vì những chấn thương. Thật xấu hổ vì tôi luôn muốn ra sân, muốn có mặt ở đó, và thậm chí còn hơn thế bởi chúng tôi đã phải di chuyển rất xa, và mọi người cũng rất hào hứng để xem chúng tôi”.

Giả sử Messi thật sự bị chấn thương như anh nói, thì việc anh không thể ra sân thi đấu nên được xem như một việc bình thường trong thể thao. Và lời xin lỗi nên được xem như một sự hối tiếc cho một cơ hội đã bị bỏ lỡ, chứ không phải để bù đắp cho một tội lỗi gì ghê gớm. Bởi vì ở đây không có tội lỗi nào cả. Kể cả việc Messi không tiếp xúc với người hâm mộ Hong Kong, hay thậm chí phớt lờ trưởng đặc khu Hong Kong, thì đó cũng là quyền tự do cá nhân của anh.

Còn nếu Messi không bị chấn thương, nhưng không ra sân để thi đấu, thì đó là việc nội bộ giữa anh và ban huấn luyện và cả câu lạc bộ Inter Miami. Trừ khi Inter Miami đã có sự thỏa thuận trên hợp đồng với Ban tổ chức Tatler Asia đó là trận đấu này nhất định phải có Lionel Messi thi đấu và anh phải có sự tiếp xúc với người hâm mộ. Nếu thực sự có một thỏa thuận như vậy, mà Messi không ra sân, thì Inter Miami sẽ có thể bị kiện, sẽ phải đền bù, nhất là khi Tatler Asia đã phải hoàn 50% tiền vé cho người hâm mộ Hong Kong, chịu lỗ tới 43 triệu đô la Hong Kong. Nhưng cho đến nay, thì chúng ta chưa thấy thông tin nào như thế cả.

Nếu Lionel Messi không nổi tiếng, chỉ là một cầu thủ bình thường, thì việc này hẳn là không xảy ra. Và nếu đây là một Hong Kong trước năm 1997, thì sự việc có trở nên ầm ĩ như vậy hay không?

Đã từng có một Hong Kong như thế

Một trí thức chuyên nghiên cứu về Trung Quốc đã viết trên BBC rằng, vào khoảng năm 2007 - 2009, vị này đã từng sống và làm việc ở Hong Kong và “nhìn chung người Hong Kong rất thân thiện và lịch sự. Đi đường nếu sơ ý va nhẹ vào một thanh niên Hong Kong, bạn sẽ không kịp có cơ hội xin lỗi vì họ ngay lập tức nói "sorry" hay lời xin lỗi với bạn.”

Nhà nghiên cứu viết tiếp:

“Người Hong Kong rất có ý thức tuân thủ pháp luật và giữ vệ sinh nơi công cộng.Tôi chưa bao giờ chứng kiến người Hong Kong vứt rác nơi công cộng. Năm 2008, khi tham dự Lễ tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6 tại công viên Victoria, tôi thật sự xúc động chứng kiến sau buổi lễ mọi người lặng lẽ ra về trong trật tự, cả công viên không một mảnh rác, thậm chí trước khi đứng lên, tất cả ngồi xuống cạo sạch lệ nến tan chảy trên nền bê tông.

Trước năm 1997, bạn khó có cơ hội mua hàng giả ở Hong Kong. Người Hong Kong tự hào về ‘ngôi nhà chung hiện đại duyên dáng’, tự hào về nền giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống pháp luật nghiêm minh không tham nhũng.

Hiểu được những đặc điểm trên sẽ giúp chúng ta lý giải vì sao người Hong Kong phản ứng cực đoan với người Trung Quốc Đại Lục, đặc biệt du khách du lịch từ Đại Lục sang với thói quen vứt rác khạc nhổ bừa bãi, nạn hàng giả tràn lan v.v.”

Hong Kong trước đây là một miền đất dung hòa giữa truyền thống Á Đông và tự do phương Tây. Ở một xứ sở tự do kiểu phương Tây, quan hệ với ai hay không quan hệ với ai, có thiện cảm với ai hay không có thiện cảm với ai… là quyền tự do cá nhân. Đó là những việc hoàn toàn bình thường, chẳng có gì đáng ồn ào. Còn như vi phạm luật pháp thì đã có luật pháp chế tài. Giả sử như khi ấy diễn ra sự việc của Messi, thì liệu anh có bị phản đối gay gắt như vậy hay không? Điều này hẳn sẽ khiến chúng ta suy nghĩ.

Kênh truyền thông trực tuyến có tên “China Digital Times” chuyên ghi lại những thông tin bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, đã kết luận: “Messi vẫn là Messi, nhưng Hong Kong đã không còn là Hong Kong của quá khứ.”

Cảng Victoria, Hồng Công. (Epoch Times)

Hong Kong đã thay đổi như thế nào?

Sau năm 1997, Hong Kong trở về Trung Quốc, về danh nghĩa là dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Nhưng thực chất thì Trung Nam Hải luôn lo sợ cái gọi là “hai chế độ” sẽ bị đem ra so sánh với nhau, và người Trung Quốc Đại lục có thể đòi hỏi tự do mà Hong Kong đang có. Do vậy, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn muốn quản chế Hong Kong giống như ở Trung Quốc, từ việc áp đặt Luật an ninh quốc gia hà khắc, khống chế bầu cử, đưa người thân tín của ĐCSTQ làm lãnh đạo Hong Kong, khuyến khích người Trung Quốc Đại lục sang Hong Kong mua nhà khiến giá bất động sản ở đây tăng vọt v.v.

Nhiều cư dân gốc của Hong Kong không chấp nhận cuộc sống ngột ngạt này đã di cư, đồng thời cũng xuất hiện nhiều cư dân Hong Kong mới toanh từ Đại lục sang, trong đó có nhiều người thuộc phe “yêu nước”, nói chính xác hơn thì họ chính là cảm tình viên của ĐCSTQ.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc viết tiếp:

“Năm 2014, khi tôi có dịp trở lại thăm Hong Kong, tôi ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất mà tôi đã từng lưu giữ nhiều tình cảm tốt đẹp.

Ấn tượng sâu sắc nhất là khi tôi tham quan thư viện công cộng và thư viện của các trường đại học, đập vào mắt tôi là những mảng màu đỏ chói của những bộ Tuyển tập Mao Trạch Đông in bìa cứng màu đỏ chễm chệ trên các kệ sách. Những vị giáo sư tôi gặp đa phần từ Đại lục sang, khuôn viên trường đại học đi đâu cũng nghe thấy tiếng Phổ thông (Mandarin).

Cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong năm 2019 là giọt nước tràn ly. Sau hơn hai thập kỷ chuyển giao quyền lực, chất lượng cuộc sống đi xuống, môi trường ô nhiễm, giá nhà tăng chóng mặt, cơ hội việc làm và thu nhập đi xuống, vị thế trung tâm tài chính thương mại quốc tế dần mất đi… những yếu tố từng là niềm kiêu hãnh của người Hong Kong lần lượt vẫy tay đi vào quá khứ.

Tôi nghĩ rằng nếu những thành phần ưu tú của Hong Kong lựa chọn ra đi định cư nước ngoài, sau khi trải qua một tới hai thế hệ, Hong Kong sẽ bay màu trở thành phiên bản của Bắc Kinh hay Thượng Hải.”

Hong Kong ngày nay có phe “yêu nước” cực đoan và giọng điệu cáo buộc quen thuộc về những ‘thế lực thù địch’ giấu mặt, cũng có những chính trị gia “chuyện bé xé ra to” cho hợp gu Trung Nam Hải.

Chẳng hạn, bà Regina Ip - thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong - viết trên mạng xã hội X: "Đừng bao giờ cho Messi trở lại Hong Kong. Những lối gian dối và lừa đảo của Messi thật bẩn thỉu. Người Hong Kong ghét Messi, Inter Miami và cả bàn tay vô hình ở phía sau họ khiến họ cố tình bỏ qua Hong Kong".

Chính quyền Hong Kong cũng ra tuyên bố cho biết họ vô cùng thất vọng khi Messi không thể tham gia trận đấu, sau đó thúc giục nhà tổ chức Tatler Asia tích cực đáp ứng các yêu cầu từ mọi tầng lớp và tìm kiếm các giải pháp khả thi để giải quyết vụ việc.

Điều bất thường ở đây đó là, việc một cầu thủ ngoại quốc không ra sân thi đấu với đội nhà, có thể gây ồn ào dư luận đã đành, lại kinh động đến các chính trị gia và cả chính quyền địa phương. Thật không thể tưởng tượng nổi rằng Hong Kong sớm trở nên y hệt như Trung Quốc.

Đất nước Trung Quốc và ĐCSTQ có phải là một?

Trên thế giới này chưa có một đảng phái chính trị nào tự đồng nhất mình với đất nước đã sinh ra nó. Chẳng hạn, người ta không nói: “Không có Đảng Cộng Hòa thì không có Mỹ quốc”, “Không có Công đảng thì không có Anh quốc”, “Không có Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức thì không có nước Đức”, hoặc là “Không có Đảng hành động nhân dân thì không có Singapore”, Không có Đảng dân chủ tự do thì không có nước Nhật” v.v. Chỉ riêng ĐCSTQ là trường hợp độc nhất vô nhị tuyên bố rằng: “Không có ĐCSTQ thì không có nước Trung Quốc mới”.

Đó rõ ràng là một điều vô lý, bởi vì Trung Quốc đã có gần 5000 năm lịch sử trước khi ĐCSTQ ra đời. Bao nhiêu triều đại đã đến rồi đi, cũng không có triều đại nào dám phát biểu như ĐCSTQ cả. Tuy nhiên, ĐCSTQ làm vậy là có thâm ý, bởi vì bước thứ nhất là phải cột vận mệnh quốc gia vào với nó, tiến lui, sống chết cùng với nó.

Bước thứ hai cần làm, đó là tuyên truyền về lòng yêu nước, mà yêu nước chính là yêu ĐCSTQ. Ở đây, lòng yêu nước vốn là tình cảm chính đáng, đã bị ĐCSTQ lợi dụng.

Bước thứ ba, là tuyên truyền về “hận”, về nỗi nhục trước phương Tây thậm chí từ cả trăm năm trước, và yêu nước chính là phải hận: hận Mỹ quốc, hận Nhật Bản, hận Tây phương, nói chung là hận ngoại quốc, rồi tiếp đến hận Đài Loan, hận người Tây Tạng, hận người thiểu số Tân Cương, hận người phản đối, hận giáo hội độc lập, hận Pháp Luân Công v.v. tóm lại những cá nhân, tổ chức, quốc gia nào không đồng tình với ĐCSTQ thì được xếp chung vào “thế lực thù địch”, cần phải hận. Yêu nước chính là phải theo ĐCSTQ mà hận, nhờ đó ĐCSTQ có được tính chính danh vì nó thể hiện như là tổ chức đoàn kết các lực lượng giữ gìn thể diện cho Trung Quốc. “Trung Quốc mới” này, chính là được ĐCSTQ kiến lập nên từ hận.

Có vậy mới giải thích được các phong trào bài ngoại mà ĐCSTQ giật dây. Năm 1999 phản Mỹ, năm 2005 phản Nhật, năm 2008 phản Pháp, năm 2012 phản Nhật, năm 2017 phản Hàn. Nhiều ô tô Nhật, Hàn, siêu thị Pháp, cửa hàng KFC Mỹ đã bị đập phá, cướp bóc.

Các nhà ngoại giao "chiến lang" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Epoch Times tổng hợp)
Các nhà ngoại giao “chiến lang” của chế độ Bắc Kinh. (Ảnh: Tổng hợp)

Và cũng giải thích được chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ, về sự kiện 15 phút Dương Khiết Trì mắng như tát nước vào mặt ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp song phương Mỹ - Trung tại Alaska năm 2021.

Cũng lý giải được vì sao nhóm người Trung Quốc sửng cồ với nghệ sĩ piano Brendan Kavanagh tại nhà ga King’s Cross St. Pancras ở London hôm 19/1 vừa rồi. Hay là cáo buộc của bà Regina Ip - thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong - về thế lực chính trị tưởng tượng đằng sau danh thủ Lionel Messi “khiến họ cố tình bỏ qua Hong Kong”.

Hay là chỉ trích của phe “yêu nước” cực đoan trong cộng đồng người hâm mộ ở Hong Kong đối với Messi, nhất là sau đó 3 ngày anh lại thi đấu tới 30 phút ở Nhật Bản - kẻ thù mà ĐCSTQ ra rả nhắc tới; Hoặc sự hủy bỏ cuộc đấu giao hữu giữa đội tuyển Argentina và Nigeria vào tháng 3 của Cục Thể thao Hàng Châu; Hay mới nhất là sự cắt bỏ các cảnh quay có Messi của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) trong chương trình “Total Soccer” (Bóng đá thế giới) hôm 12/2 vừa rồi.

Đơn giản thôi, đó là càng thể hiện nỗi hận gay gắt đối với ngoại giới, thì càng giữ thể diện quốc gia, càng tỏ ra yêu nước, tức là yêu ĐCSTQ… thì càng ghi điểm với ĐCSTQ vậy.

Chẳng trách Trung Nam Hải đã giãy lên như đỉa phải vôi, khi cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu vạch trần gian mưu của ĐCSTQ rằng: "ĐCSTQ không đại diện cho nhân dân Trung Quốc".

Nhưng Trung Quốc nay cũng không còn như Trung Hoa xưa.

Một Trung Hoa xưa của truyền thống bao dung “hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”.

Xuyên suốt từ thời cổ đại đến trước khi ĐCSTQ nắm quyền năm 1949, Trung Hoa được coi là “lễ nghi chi bang - quốc gia nghi lễ”. Nền văn hóa 5000 năm này được hình thành bởi sự tiếp thu, dung hợp những tinh hoa văn hóa của các dân tộc ở Trung Nguyên và cả ngoại tộc.

2500 năm trước, đức Khổng Tử dạy học trò rằng nếu người ở xa không phục thì “sửa văn đức để người ta đến với mình, họ đến với mình rồi thì làm sao cho họ được yên ổn.”

Khổng Tử dạy học trò rằng nếu người ở xa không phục thì “sửa văn đức để người ta đến với mình". (Miền công cộng)

Còn Tề Hoàn Công, một trong ngũ bá thời Xuân Thu sẵn sàng tha chết cho Quản Trọng, đón ông này từ nước Lỗ về làm tướng quốc, dù trước đó Quản Trọng từng bắn tên để hại chết ông.

Đường Thái Tông võ công vô địch, nhưng lại dùng văn trị, lễ độ để đối đãi tử tế với các ngoại tộc ở biên cương đã từng quấy rối Đại Đường, nhờ đó mà thu phục được họ, do đó mà được nhất trí vinh danh thành “Thiên Khả Hãn” bởi các tộc thiểu số.

Lâm Tắc Từ danh thần - lương tướng nhà Thanh có câu: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì nó không cự tuyệt bất luận một hòn đá nhỏ nào.

Cổ ngữ Trung Hoa có câu: “Cái trán của tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói là một người có tấm lòng quảng đại, rộng lớn bao nhiêu thì sự nghiệp sẽ to lớn bấy nhiêu.

Đâu có gì giống với cái hận ngày nay mà ĐCSTQ gieo rắc và đầu độc con dân Hoa Hạ.

Người hận thì hại mệnh, nước hận thì hại dân

Một cá nhân nếu ôm giữ cái hận, không chịu bỏ qua cho người, hễ thể diện không được vuốt ve liền thấy bực tức, tìm cách trả đũa, thì ít nhất sẽ bị người đời xa lánh vì khí độ hẹp hòi. Nuôi giữ cái hận trong mình thì chỉ tổn hại sức khỏe. Người xưa chẳng đã từng nói: “nộ thương can”, tức là giận hại gan là gì.

Một quốc gia kiến lập nên bởi hận, thì trong nước bất ổn, đấu đá liên miên, ngoại quốc cũng từ chối hợp tác. Bởi vậy, dùng cái hận để lấy chính danh và duy trì quyền lực, thì hỏi được bao lâu mà không sụp, không tan?

Ngày nay, các hãng xưởng nước ngoài đang lũ lượt rời bỏ Trung Quốc, Tây phương đang hình thành một liên minh để kiềm chế tham vọng hung hăng của Trung Quốc. Tình hình quốc nội lại càng rối ren. Đến một cầu thủ chơi một môn thể thao giải trí có chút phớt lờ Trung Quốc, chứ chẳng phải những tranh chấp về lợi ích quốc gia, mà Trung Quốc cũng không chịu bỏ qua. Sau này, ai còn dám đến Trung Quốc nữa? Hong Kong chẳng phải cũng sẽ đi theo vết xe đổ của Trung Quốc hay sao?

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Giải mã sự tẩy chay của Hong Kong và Trung Quốc với danh thủ Messi