Hành trình xá lợi xương ngón tay và răng Phật đến Trung Nguyên như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn và hỏa thiêu, người ta tìm được rất nhiều viên xá lợi óng ánh nhiều màu sắc. Người tộc Mạt La cảm nhận được Phật Pháp vô biên, đã xây dựng chùa Niết Bàn ở nơi hỏa thiêu Phật Thích Ca, cùng để thờ cúng xá lợi của Phật.

Lúc này, có 8 vị quốc vương đến khẩn cầu một phần xá lợi đem về thờ cúng. Những xá lợi này là di cốt chân thân của Phật Thích Ca, là những báu vật vô giá. Không chỉ các quốc vương trên trái đất muốn có, mà cả Long vương dưới biểu, và Thiên Thần cũng đều muốn có. Sau khi thương thảo, cuối cùng mọi người đồng ý chia xá lợi Đức Phật làm 3 phần lớn cho Thần tộc, Long tộc và Nhân tộc.

200 năm sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn, Vương triều Khổng Tước của Ấn Độ xuất hiện một nhân vật đội trời đạp đất ai ai cũng biết - A Dục Vương. Trong thời gian tại vị, A Dục Vương đã đông chinh tây thảo, xưng bá các nước Ấn Độ, trừ vùng Nam Ấn Độ ra, còn lại đều nằm dưới sự cai quản của ông. Trong 8 nước thờ cúng xá lợi Đức Phật, thì có 6 nước đã bị A Dục Vương chinh phục.

Vào năm tại vị thứ 8, A Dục Vương trở nên chán ghét chiến tranh, tự cảm thấy giết chóc tạo nghiệp nặng nề, nên ông đã thành tâm sám hối và quy y Phật môn. Sau đó A Dục Vương nảy sinh ý tưởng dốc sức hoằng dương Phật Pháp. Thế là ông lấy xá lợi trong Phật tháp của 6 nước, chia làm 8 vạn 4 nghìn phần, bỏ vào hộp báu, và sai các tăng đoàn đem tặng rất nhiều các quốc gia thời đó.

A Dục Vương
A Dục Vương. (Chụp video)

Hành trình xá lợi Phật đến Trung Nguyên

Sách “Lịch đại Tam bảo ký” có ghi chép, năm 246 TCN, tăng nhân Thích Lợi Phòng dẫn đầu tăng đoàn gồm 18 tăng nhân, phụng mệnh hộ tống xá lợi Phật lên đường đến Trung Thổ. Trải qua 3 năm đường dài vượt đèo lội suối, tăng đoàn đã đi qua 3 quốc gia, cuối cùng đến mảnh đất Trung Nguyên vào năm 243 TCN.

Hôm đó, do trời đã tối, tăng đoàn nghỉ ở trong rừng ở Mỹ Dương (Phù Phong), Thiểm Tây. Khi đó, trong đêm đen tối mịt, trên không trung bỗng nhiên nổi lên đám mây màu ngũ sắc. Thích Lợi Phòng đang ngủ, dường như bị một sức mạnh thần bí nào đó đánh thức dậy. Mở mắt, ông thấy trên không trung xuất hiện cảnh tượng kỳ diệu. Ông đang thầm vui mừng thì không biết từ đâu xuất hiện một cụ già toàn thân phát sáng, ông biết đây không phải người phàm.

Ông lão ra hiệu, Thích Lợi Phòng đi theo ông lão đến một dốc núi cao. Lúc này, ông lão nói: “Chuyến đi đến Trung Thổ này, chớ vội vàng dâng xá lợi, phải đợi đến khi mọi người đều tin Phật Pháp thì mới để linh cốt của Phật Đà hiển hiện trước thế nhân”.

Ông lão vừa dứt lời, Thích Lợi Phòng chưa kịp định thần lại thì ông lão đã hóa thành một luồng ánh sáng vàng kim, vụt một cái biến mất không còn tông ảnh nữa.

Lúc này, Thích Lợi Phòng mới kinh ngạc phát hiện ra nơi ông đang đứng không biết từ lúc nào đã đùn lên một cái gò đất lớn. Đã được Thần nhân chỉ dẫn, vậy hãy nghe theo sự an bài của Thần. Thế là ông vội vàng chạy trở lại, gọi tất cả các thành viên tăng đoàn dậy, và kể lại những gì ông vừa gặp.

Có người nói: “Chúng ta là sứ thần của Vương triều Khổng Tước, không quản vạn dặm xa xôi đến Trung Thổ, hiện nay sứ mệnh sắp hoàn thành, có thể trở về bẩm báo rồi, sao có thể dễ dàng bị một ông già ngăn cản nhỉ?”

Cũng có người nói: “Ông lão có lẽ 8 phần là ma đạo huyễn hóa ra để lừa chúng ta chăng? Mục đích là để bao nhiêu công lao của chúng ta đổ xuống sông xuống biển hết!”

Mỗi người một ý, cuối cùng Thích Lợi Phòng quyết định, trước tiên đem xá lợi Phật chôn xuống gò đất đó, sau đó đợi đến khi gặp được hoàng đế Trung Thổ xem thế nào rồi mới quyết định.

Trung Nguyên khi đó là vào triều Tần, Doanh Chính mới đăng cơ, mới chỉ 16 tuổi, đại quyền trong triều đều nằm trong tay của Tướng quốc Lã Bất Vi. Khi đoàn tăng nhân của Thích Lợi Phòng nói rõ mục đích chuyến đi của họ, chưa kịp đợi Doanh Chính mở miệng thì Lã Bất Vi đã quát mắng các tăng nhân một trận, nói họ là các tăng nhân nói lời yêu mị mê hoặc người, và ra lệnh bắt nhốt cả tăng đoàn vào trong ngục.

Không ngờ được việc Lã Bất Vi làm như thế này, các tăng nhân đột nhiên nghĩ đến việc ông già thần bí trước đó đã cảnh tỉnh, bất giác ai nấy đều thầm vui mừng cảm thấy may mắn: “May mà không đem dâng xá lợi, nếu không thì chưa biết chừng những người này đem xá lợi quý báu quẳng đi rồi”.

Đúng lúc các tăng nhân dùng tiếng quê nhà thì thầm trao đổi với nhau thì bỗng một vị kim cang xuất hiện mở cửa tù, đưa họ ra khỏi nhà ngục. Tuy đoàn người Thích Lợi Phòng đã chạy thoát khỏi Hàm Dương, nhưng sau đó họ lại lo lắng: “Chúng ta sẽ về Ấn Độ báo cáo hay là ở lại Trung Nguyên?”

Cuối cùng, mọi người thống nhất, tất cả đều ở lại, nhưng phải chia nhau ra, mỗi người lựa chọn một địa phương để hoằng Pháp, đợi đến ngày Đức Phật đản sinh sang năm, mọi người lại trở về gặp nhau ở Mỹ Dương.

Thế nhưng thế sự khó lường, trong thời Chiến quốc loạn thế, lần ly biệt này trở thành lần vĩnh biệt của mọi người. Các tăng nhân và xá lợi Phật mà họ đem đến cũng từ đó trở thành một truyền thuyết thần bí.

Xá lợi xuất hiện

Thời gian trôi như bay, thời điểm Thích Lợi Phòng đến Trung Nguyên chớp mắt đã 300 năm trôi qua. Lúc này, hoàng đế Trung Nguyên là Hán Minh Đế của nhà Hán. Một ngày, Hán Minh Đế mộng thấy một người vàng kim cao lớn, trên đầu phát ra ánh sáng.

Thấy người vàng kim từ trên trời giáng xuống hoàng cung Đại Hán, Hán Minh Đế vội vàng chỉnh đốn trang phục cung kính ra nghênh đón Thánh nhân. Nhưng chỉ nháy mắt, Thánh nhân hóa thành một luồng ánh sáng vàng kim biến mất.

Thánh nhân đến vô ảnh đi vô tông, cũng không để lại lời nào. Hán Minh Đế chợt tỉnh dậy: “Ôi, thì ra là giấc mơ. Nhưng Thánh nhân trong giấc mơ này có ý nghĩa là gì nhỉ?”

Hán Minh Đế vội vàng truyền lệnh triệu tập quần thần giải mộng giấc mơ này. Vị đại thần có học vấn rộng nhất trong triều là Phó Nghị nói: “Phương Tây có một Thánh nhân đắc đạo gọi là Phật Đà. Giấc mộng này là có ý nói với bệ hạ hãy nghênh đón Phật Pháp từ Tây Vực về, thì có thể đảm bảo cho quốc vận Đại Hán hưng thịnh”.

Hán Minh Đế nghe vậy thì vui mừng lắm, vội vàng sai người đi Tây Vực tìm cầu Phật Pháp.

Năm Vĩnh Bình thứ 10 (năm 67), Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dùng ngựa trắng thồ kinh đến Trung Nguyên, được coi là năm Phật Pháp truyền vào Trung Nguyên.

Năm sau (năm 68), ngôi chùa Phật đầu tiên ở Trung Nguyên - chùa Bạch Mã đã hoàn thành xây dựng.

Như trên đã nói, xá lợi Phật vẫn còn chôn ở Mỹ Dương (Phù Phong), trong 300 năm không người hay biết. Những tăng nhân ban đầu đem xá lợi đến Trung Nguyên đều không còn tại thế, thế thì những xá lợi chôn dưới đất này đến khi nào mới xuất hiện?

Đến năm thứ 80 sau khi chùa Bạch Mã khánh thành, khi đó cao tăng nước An Tức là An Thế Cao đến Trung Nguyên. Đêm đó, An Thế Cao nghỉ ở trong một ngôi nhà tranh rách nát ở Mỹ Dương, bỗng thấy một luồng ánh sáng rực rỡ từ dưới đất bốc lên thẳng đến mây trời. Tiếp sau đó là một luồng ánh sáng đỏ chiếu thẳng lên trời. An Thế Cao ngay lập tức ý thức được rằng, nơi ánh sáng bốc lên đó không phải là bình thường. Ông vội vàng chạy đi xem xét. Dưới sự hướng dẫn của ánh sáng đó, cuối cùng ông cũng đã đào được xá lợi Phật chôn giấu 300 năm. Trong số 19 xá lợi được đào lên đó còn có xá lợi ngón tay Phật, và một viên gạch xanh chữ Phạn ghi chép toàn bộ sự kiện đó.

Lúc này Thiên tử Đại Hán là Hán Hoàn Đế Lưu Chí. Hán Hoàn Đế nghe tin xá lợi Phật quý báu đã xuất hiện ở Trung Nguyên, lập tức hạ chỉ xây dựng chùa và bảo tháp trên toàn quốc để thờ cúng xá lợi. Ngôi chùa do An Thế Cao thiết kế xây dựng dùng để thờ cúng xá lợi ngón tay Phật. Tương truyền, ngôi chùa này ban đầu tên là chùa A Dục Vương, đến năm Khai Hoàng thứ 3 thời Tùy Văn Đế (năm 583), thì đổi tên là Thành Bảo Đạo Trường.

Tại sao Thành Bảo Đạo Tràng cuối cùng lại đổi tên thành chùa Pháp Môn nổi tiếng mà mọi người đều biết đến? Việc này không thể không nhắc đến 2 cha con Lý Uyên và Lý Thế Dân.

Chùa Pháp Môn

Đường Thái Tông Lý Thế Dân chào đời ở huyện Vũ Công, Kỳ Châu, cách chùa Thành Bảo Đạo Trường 60 dặm. Khi đó Lý Uyên làm Thứ sử Kỳ Châu. Lý Uyên từ nhỏ đã sống trong chùa, cả đời lễ kính Thần Phật. Thời gian rảnh rỗi sau khi xử lý chính sự, Lý Uyên thường đến ngôi chùa thắp hương lễ Phật.

Lý Thế Dân từ nhỏ cơ thể yếu ớt nhiều bệnh, Lý Uyên bèn đến chùa thắp hương lễ bái, cầu cho con trai được bình an. Nhận được Phật ân, sau này bệnh của Lý Thế Dân khỏi hoàn toàn. Thế là Lý Uyên mời người chế tác một bức tượng Phật bằng đá và cung tiễn vào chùa để hoàn nguyện.

Năm Vũ Đức thứ nhất (năm 618), thành lập triều Đại Đường, Lý Uyên xưng đế. Tăng nhân trong ngôi chùa đó là Phổ Hiền dâng tấu lên Lý Uyên nói rằng, trải qua những năm cuối triều Tùy, binh hoang mã loạn, chùa chiền hoang phế, mong Hoàng gia tu sửa chùa chiền. Lý Uyên vui vẻ đồng ý, và đổi tên chùa là chùa Pháp Môn.

Năm Vũ Đức thứ 2 triều Đường (năm 619), Tần Vương Lý Thế Dân dẫn quân thảo phạt Tiết Cử phản loạn, đại chiến với quân địch ở Phù Phong. Tần Vương trú ở chùa Pháp Môn, vào điện lễ Phật. Sau đó không lâu, Tần Vương giành toàn thắng. Khi khao thưởng ba quân, Lý Uyên hạ chiếu phá lệ để Tần Vương cho phép 80 người được xuất gia ở chùa Pháp Môn.

Đến năm Trinh Quán thứ 5 (năm 631), Thứ sử Kỳ Châu Trương Đức Lượng dâng tấu xin Đường Thái Tông mở hòm báu vật ở chùa Pháp Môn để chiêm ngưỡng xá lợi chân thân của Phật Đà. Đường Thái Tông phê chuẩn.

Từ đó mở ra tiền lệ cho các hoàng đế các đời của triều Đường lễ bái xá lợi ngón tay Phật. Tức là bắt đầu từ năm Trinh Quán thứ 5, cứ cách 30 năm, triều đình nhà Đường sẽ mở hòm báu vật chùa Pháp Môn để tăng chúng và dân chúng chiêm ngưỡng xá lợi ngón tay Phật.

Xá lợi xương ngón tay Phật. (Ảnh Epoch Times)

Cảnh tượng chiêm ngưỡng xá lợi ngón tay Phật và những cảnh tượng kỳ lạ xuất hiện được ghi chép lại trong sách “Pháp uyển châu lâm”, trong đó có viết rằng:

Xá lợi đặt trên cao, các tăng nhân và dân chúng đến chiêm ngưỡng, mỗi người nhìn thấy cảnh tượng đều không giống nhau. Có người nhìn thấy xá lợi giống như bạch ngọc trong suốt phát ra ánh sáng chói lọi. Có người nhìn thấy toàn bộ xá lợi xương ngón tay Phật là màu xanh lục. Có người nhìn thấy hình tượng của Phật ở trên không trung. Có người nhìn thấy Bồ Tát có người nhìn thấy ánh sáng màu đỏ…

Cũng có người không nhìn thấy gì. Hỏi rõ nguyên do mới biết, người này cả đời làm rất nhiều việc thất đức. Thế là có người hảo tâm bảo người này sám hối trước Thần Phật, và hối lỗi bằng thâm thái thành kính nhất. Quả nhiên không lâu sau, người này nhìn thấy được cảnh tượng kỳ diệu thù thắng.

Để bảo vệ xá lợi xương ngón tay Phật, Đường Thái Tông hạ chiếu dùng gỗ vốn để xây dựng cung Vọng Vân chuyển đến xây dựng tháp của chùa Pháp Môn, và gia cố nền móng tháp. Do đó người đời sau nói rằng, nếu không có Đường Thái Tông tận tâm bảo vệ, thì có lẽ xá lợi xương ngón tay Phật đã sớm biến mất rồi.

Xá lợi xương ngón tay Phật từ Ấn Độ xa xôi vạn dặm đến khi được đưa đến chùa Pháp Môn, phải trải qua trên 300 năm, chứa đầy sắc thái truyền kỳ. Vậy hành trình xá lợi răng Phật Thích Ca đến Trung Nguyên có những câu chuyện truyền kỳ nào đằng sau?

Xá lợi răng Phật

Năm Nguyên Huy thứ 3 triều Lưu Tống thời Nam triều, Pháp Hiến Pháp sư đến nước Vu Điền (Tân Cương ngày nay) học Phật Pháp. Sau khi hiểu được ý nghĩa lớn của Phật Pháp, ông quay về Kiến Khang (Nam Kinh ngày nay). Trước khi khởi hành, một tăng nhân đã tặng ông một chiếc hộp tinh xảo, và nói bên trong có 2 xá lợi răng Phật, là báu vật vô giá, hy vọng ông đem về Trung Nguyên cúng dường, và khuyến khích ông dốc sức hoằng dương Phật Pháp.

Pháp sư Pháp Hiến đem xá lợi răng Phật về Trung Nguyên, thấy đây là báu vật hiếm có khó có được, e sợ sẽ gây ra tranh chấp không cần thiết, nên ông vẫn mãi không dám nói cho bất kỳ người nào biết.

Đến một ngày nọ tháng 6 năm Vĩnh Minh thứ 7 thời Tề Vũ Đế, con thứ của Tề Vũ Đế là Cánh Lăng Vương Tiêu Tử Lương mộng thấy mình đến Định Lâm bái kiến cao tăng Pháp Hiến. Trong mộng, Cánh Lăng Vương trông thấy Pháp sư Pháp Hiến nằm trên giường bệnh, bèn đến bên nói với Pháp sư rằng: “Sinh lão bệnh tử, 4 loại khổ này thì dẫu là người có 5 loại thần thông cũng không thoát được. Pháp sư à, ngoài y bát ra, ngài còn có một báu vật cất giữ, ngài có thể hiến làm công đức không?”

“Trong kho của bần tăng quả thực có báu vật vô giá. Hôm nay, bần tăng với lòng cung kính, đem báu vật này phó thác cho ngài, cảm phiền ngài tự đi lấy đi”.

Thế là Cánh Lăng Vương mở tủ của Pháp sư ra và bắt đầu tìm kiếm, lúc đó một chiếc hộp nhỏ lơ lửng ở không trung. Cánh Lăng Vương thấy thế thì vội vàng mở chiếc hộp, thấy trong hộp phát ra ánh sáng, và thấy thấp thoáng một tượng Phật trong vùng ánh sáng đó.

Mộng đến đây thì Cánh Lăng Vương tỉnh dậy. Dưới sự gợi mở của giấc mộng, Cánh Lăng Vương bán tín bán nghi sai người đến thăm Pháp sư Pháp Hiến và chuyển lời kể lại giấc mộng kỳ lạ của mình. Cuối cùng khẩn cầu Pháp sư hiến báu vật.

Do sự việc xảy ra bất ngờ, trước yêu cầu của Cánh Lăng Vương, Pháp sư Pháp Hiến không biết nguyên do, nhất thời không biết nói năng gì. Nhưng rất nhanh chóng sau đó, ông bừng tỉnh ngộ. Từ khi có được xá lợi răng Phật, ông vẫn luôn giữ kín mồm miệng, chưa từng nói với bất kỳ người nào một chút thông tin nào, thế mà ngày nay, Cánh Lăng Vương trong mộng được Thần Phật điểm hóa tìm đến ông, xem ra đã đến lúc để báu vật truyền thế - xá lợi răng Phật, được xuất hiện trước thế gian rồi.

Thế là Pháp sư đích thân đem xá lợi răng Phật đến phủ Cánh Lăng Vương tặng.

Ngày nay, xá lợi răng Phật này đang được thờ cúng trong tháp Xá Lợi của chùa Linh Quang ở núi Tây Sơn, Bắc Kinh. Còn một chiếc khác được cất giữ trong tháp gỗ ở huyện Ứng, Sơn Tây.

Những câu chuyện truyền kỳ về xá lợi Phật như trên, rốt cuộc là chứng cứ thể hiện Phật Pháp vô biên, hay là người đời cố tình tạo ra vẻ huyền bí?

Khoa học kiểm nghiệm xá lợi Phật

Các đệ tử Phật môn của huyện Ứng, Sơn Tây đã mời Tiến sĩ Cao Bân của chi nhánh Hồng Công thuộc Hiệp hội Đá quý Hoa Kỳ (AGS) tiến hành kiểm nghiệm. Khi đó, mọi người mới có cơ hội vén tấm màn huyền bí của xá lợi Phật.

Xá lợi răng Phật. (Chụp video)

Bước kiểm định thứ nhất: Tiến sĩ Cao muốn kiểm tra có phải là vật giả tạo không, ông muốn xác định những viên tròn nhỏ và những vật bao quanh xá lợi răng Phật có phải là chất tổng hợp, hoặc có phải là dùng keo đính lên hay không?

Sau khi kiểm định bằng tia hồng ngoại và kính hiển vi điện tử, phát hiện ra những viên tròn và các vật chất xung quanh đều không có chất các-bon hữu cơ, cũng không có dấu vết dùng keo dán, do đó rất nhanh chóng loại trừ khả năng con người chế tạo.

Bước kiểm định thứ 2: Kiểm tra thành phần. Tiến sĩ Cao dùng thiết bị điện tử kiểm định được những viên xá lợi có nhiều nguyên tố hợp thành, trong đó các-bon chiếm 99,97%. Ngoài ra còn có các nguyên tố lưu huỳnh, kẽm, si-líc, stronti v.v.

Nguyên tố các-bon chiếm tỷ trọng lớn như thế này, dương như chỉ có kim cương là phù hợp. Việc này khiến Tiến sĩ Cao vô cùng ngạc nhiên. Chẳng lẽ xá lợi xương Phật chính là vật mà mọi người truyền tụng hàng nghìn năm nay là kim cương bất hoại?

Để giải đáp mối nghi hoặc trong lòng, Tiến sĩ Cao đã dùng 2 thiết bị là thiết bị đo dẫn nhiệt và thiết bị áp lực điện.

Dùng thiết bị đo dẫn nhiệt thường dùng để kiểm tra kim cương là thật hay là giả, còn thiết bị áp lực để đo độ cứng của xá lợi. Kết quả dưới áp lực 2000 tấn/inch vuông (tương đương gần 2200 kg/cm2), viên xá lợi vẫn hoàn toàn nguyên vẹn không bị tổn hại. Tiến sĩ Cao kinh ngạc há hốc miệng, không ngờ xá lợi Phật lại cứng rắn như kim cương thế này.

Thế là ông đoán định rằng, xá lợi Phật rắn như kim cương, liệu có phải là kim cương từ thiên thạch vũ trụ đến không?

Kim cương thiên thạch thường chỉ tồn tại trong thiên thạch, đặc điểm của nó là các phân tử các-bon hình khối lục giác đều, cứng rắn hơn kim cương thông thường mà chúng ta quen thuộc.

Để nghiệm chứng dự đoán trong lòng, Tiến sĩ Cao đã sử dụng máy đo nhiễu xạ tia X (XRD). Quả nhiên tinh thể của viên xá lợi hình khối lục giác đều. Kết quả này chứng minh, thành phần của viên xá lợi tuy giống như kim cương, nhưng nó không phải là đến từ trái đất mà chúng ta quen thuộc, mà là từ kim cương thiên thạch trong vũ trụ.

Kết quả kiểm nghiệm này khiến tất cả mọi người có mặt đều cảm thấy không thể nào tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, sau đó vẫn còn một màn càng khó tin hơn nữa.

Sau khi dùng kính hiển vi điện tử phong đại xá lợi Phật lên 1000 lần để quan sát, thấy viên xá lợi không chỉ phát ra ánh sáng, mà còn hiển hiện ra 5 hình tượng Phật ngồi, hình dáng rất rõ nét.

Dưới kính hiển vi, hiện lên 5 hình tượng Phật ngồi. (Chụp video)

Kết quả giám định này khiến Tiến sĩ Cao kêu lên ngạc nhiên: “Quá thần kỳ, không thể nào tưởng tượng nổi”.

Nhục thân của Phật Thích Ca Mâu Ni, làm thế nào có thể hỏa thiêu ra được vật chất đến từ không gia vũ trụ. Điều này khiến người ta suy nghĩ mãi mà vẫn không thể lý giải nổi. Có lẽ năng lượng của xá lợi hoàn toàn không phải đến từ không gian nhân loại chúng ta.

Wenshidaguanyuan
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hành trình xá lợi xương ngón tay và răng Phật đến Trung Nguyên như thế nào?