Họa Bì (P1): Tiên nga từ đâu tới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Họa Bì” là truyện ngắn nổi tiếng trong bộ sách “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh. Tác phẩm truyền tải các đạo lý nhân sinh sâu sắc, nhưng dưới nhãn quan của người hiện đại, lại bị lầm tưởng là câu chuyện tình lãng mạn giữa người và yêu quái. Vậy ý nghĩa đích thực đằng sau đó là gì?

Ở phía bắc Trung Quốc có một thành thị phồn hoa náo nhiệt từng được mệnh danh là “cửu triều cổ đô”, đó chính là Thái Nguyên. Xưa kia, ở nơi đây có một người học trò trẻ tuổi tên là Vương Sinh. Vương Sinh mặt mũi khôi ngô, dáng người cao ráo, là một nam sinh nho nhã anh tuấn. Nhà họ Vương rất giàu có, sở hữu hai tòa dinh cơ bề thế: một bên là chỗ ở của cả gia đình, còn một bên là thư phòng dành cho Vương Sinh chuyên tâm đèn sách.

Từ khi còn nhỏ Vương Sinh đã không phải đến trường, cha mẹ anh mời về một lão tiên sinh rất có tiếng trong vùng làm thầy giáo dạy anh học trong ngôi nhà ấy. Sau này lớn lên, Vương Sinh vẫn tiếp tục nghiệp bút nghiên, thuộc nằm lòng không ít thi thư, cũng đọc qua biết bao nhiêu kinh điển và các sách Thánh hiền. Cả nhà họ Vương đặt hy vọng vào anh, mong rằng một ngày không xa anh sẽ tham gia khoa cử, có tiền đồ rộng mở, quang minh.

Một buổi sáng mùa xuân, Vương Sinh dậy sớm, thấy bầu trời trong xanh nắng ấm, khí hậu ôn hòa, anh vô cùng cao hứng liền ra ngoài đi dạo. Gần nhà có một con sông nhỏ, dòng nước trong xanh, từng đàn cá tung tăng bơi qua bơi lại. Bên bờ tây có một ngọn đồi, trên đồi trồng rất nhiều cây và hoa. Cây tươi xanh, hoa rực rỡ, có màu đỏ, màu vàng, màu tím, các loại hoa đua nhau khoe sắc. Mỗi khi gió nhẹ thổi, cây và hoa lại phất phơ đung đưa giống như đang nhảy múa.

Vương Sinh thấy cảnh xuân tươi đẹp thì lòng cũng lâng lâng, khẽ cất lên tiếng hát.

Đột nhiên, anh phát hiện trên mặt đất có một chiếc túi. Chiếc túi này của ai? Vì sao ban nãy không thấy? Anh bèn nhặt chiếc túi lên, thấy bên trong có một bức tranh, trong tranh vẽ một người thiếu nữ quay mặt đi. Tuy không nhìn rõ, nhưng có thể đoán ra đó là một khuôn mặt vô cùng xinh đẹp. Hơn nữa, hình ảnh trên bức tranh vô cùng sống động, cảm tưởng như chỉ cần gọi một tiếng là thiếu nữ sẽ quay lại và bước ra khỏi trang giấy.

Nhìn trước ngó sau không thấy ai, trời vẫn còn sớm, vậy ai đã làm rơi chiếc túi này ở đây? Vương Sinh vô cùng yêu thích bức họa, cứ ngắm đi ngắm lại mà không biết chán, trong lòng tự hỏi: Nếu thiếu nữ quay mặt lại thì sẽ trông thế nào? Anh thầm nghĩ: Bức tranh đẹp thế này, người làm rơi chiếc túi hẳn sẽ tiếc lắm đây. Ta cứ ngồi đây đợi, xem xem có ai đến tìm đồ thất lạc hay không.

Một lát sau, từ phía xa có người bước đến, dáng vẻ trông rất vội vàng, vừa đi vừa nhìn đông ngó tây, dường như đang tìm kiếm thứ gì đó. Vương Sinh nhận ra đó là một cô gái trẻ, có lẽ chỉ mới khoảng 15, 16 tuổi. Cô nương ấy mảnh mai yêu kiều, dáng người thon thả, trên thân khoác áo vàng điểm xanh, mặc một chiếc váy trắng, trên đầu cài một bông hoa đỏ, mỗi bước đi đều duyên dáng, phong tư thoát tục khiến lòng người ngất ngây.

Khi cô gái đến gần, anh nhận ra nàng là một tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần, đôi mắt đen nũng nịu, làn da trắng nõn nà, hai má phơn phớt hồng, đôi môi đỏ thắm trông thật là khả ái.

(Hình minh họa: Ảnh chụp màn hình video)

Cô nương ấy đã đi qua rồi mà Vương Sinh vẫn còn ngây dại nhìn theo, ánh mắt anh mải ngắm nhìn nàng đến mức cảnh vật xung quanh đều nhòa đi, trong mắt anh chỉ còn lại hình bóng một nàng thiếu nữ. Bất giác chiếc túi trong tay rơi bộp xuống đất, lúc này Vương Sinh mới định thần sực nhớ ra điều gì đó. Anh vội chạy theo cô gái: “Tiểu thư xin hãy gượm đã, xin hỏi có phải nàng đang tìm thứ này không? Đó có phải của nàng không?”

Cô gái ấy dừng lại, vừa nhìn thấy bức tranh liền mừng rỡ: “Đúng rồi, đúng là của tiểu nữ, cảm ơn huynh”.

Vị cô nương giọng thỏ thẻ oanh vàng, miệng cười chúm chím, nụ cười như hút hồn người đối diện. Vương Sinh như ngây như dại: Trên đời lại có một thiếu nữ xinh đẹp vậy sao?

Vương Sinh cảm thấy cô gái này rất giống với nhân vật trong tranh, định hỏi lại thì nàng đã xua tay: “Xin lỗi huynh, tiểu nữ phải đi gấp, không tiện nấn ná tại đây”.

Vương Sinh có phần hụt hẫng, anh tự hỏi: Cô nương xinh đẹp ấy từ đâu tới? Nàng sẽ đi về đâu? Vì sao lại vội vội vàng vàng đến thế? Trong lòng anh có biết bao thắc mắc muốn biết tất cả về nàng. Anh cũng rất muốn được cùng nàng trò chuyện, nhưng lại sợ nếu để nàng đi mất thì sẽ không còn cơ hội nào nữa. Anh vội hỏi: “Tiểu thư, xin hỏi nàng muốn đi đâu? Vì sao lại chỉ đi một mình thế này?”

Cô gái nhìn anh không đáp, ánh mắt ấy khiến anh như muốn bỏ mặc cả thế gian chỉ để theo nàng.

Vương Sinh thầm nghĩ: Nàng không biết ta là người thế nào nên mới e dè như vậy. Anh bèn nói: “Giới thiệu với tiểu thư, tôi họ Vương, sống trong nội thành. Nàng đi có một mình mà vội vàng thế, có thể cho tiểu sinh biết nàng định đi đâu không? Có lẽ tiểu sinh giúp được nàng chăng”.

Cô gái đáp: “Chuyện của tiểu nữ rất buồn, chẳng có gì vui vẻ cả. Thôi huynh đừng hỏi nữa, cảm ơn huynh”.

Vương Sinh hỏi: “Tiểu thư có chuyện gì không vui, xin cứ việc nói ra, tôi nhất định sẽ giúp nàng”.

Cô gái dừng chân lại nhìn Vương Sinh rồi nói: “Nhà tôi rất nghèo, nhưng bố mẹ tôi lại rất tham tiền, họ coi trọng đồng tiền hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Vì tiền mà cha mẹ đã gả bán tôi cho một phú ông, họ nói: Vị phú ông này rất giàu có, dinh cơ nguy nga lộng lẫy, của ăn của để nhiều vô số, mâm vàng đĩa bạc, hải vị sơn hào thực là không thiếu thứ gì. Con được gả về nhà đó là may mắn nhất đời rồi, còn đắn đo gì nữa”.

Vương Sinh vội hỏi: “Vậy sau đó thì sao?”

Cô gái đáp: “Tôi không muốn đi, nhưng còn cách nào chứ? Tôi biết cha mẹ rất cơ cực, để kiếm được đồng tiền thật chẳng dễ dàng gì”.

Cô gái nhận thấy Vương Sinh vẫn đang lắng nghe chăm chú, liền tiếp tục kể: “Phú ông kia mua tôi về, nói là cho tôi làm tiểu thiếp nhưng thực tế lại bắt tôi làm rất nhiều việc nặng nhọc. Từ cơm nước, giặt giũ, lau dọn, đến bưng bê, bốc vác… ngày nào tôi cũng phải làm, cả khi mưa gió tuyết rơi cũng không được nghỉ. Mỗi ngày tôi đều phải dậy sớm quần quật làm việc cho đến tận đêm khuya mới được ngủ. Ấy vậy mà vợ cả của ông ta vẫn không hài lòng, ngày nào cũng kiếm cớ gây rắc rối, có lúc còn đánh tôi thậm tệ. Đến bữa thì sợ tôi ăn nhiều, giờ làm thì sợ tôi làm vẫn còn ít quá, lúc ngủ thì sợ tôi ngủ sớm, đến khi dậy lại sợ tôi dậy muộn. Tôi thường xuyên phải chịu đói chịu mệt, ngay cả lúc ốm nặng cũng không được nghỉ ngơi, nói chi đến chuyện mời thầy thuốc? Nếu còn ở lại nhà ông ta thì tôi sẽ chết mất, vì thế nhân lúc ông ta không chú ý tôi liền trốn ra ngoài”.

Vương Sinh thật không ngờ vị cô nương xinh đẹp như thế lại chịu biết bao ủy khuất, anh cảm thấy rất xót xa và tự nhủ: Nhất định ta phải giúp nàng.

Anh hỏi: “Giờ thì nàng định đi đâu? Sau này sẽ làm gì?”.

Cô gái đáp: “Tôi cũng không biết, người đi trốn thì làm sao có nơi mà định trước được? Tôi chỉ muốn rời khỏi gia đình ấy, đến một nơi càng xa càng tốt, để họ vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy tôi”.

Anh nói: “Ngay cả đi đâu nàng cũng không biết, sao có thể thế được! Hay là thế này đi, nhà tôi cách đây không xa, vậy trước tiên cứ đến nhà tôi, nàng thấy thế nào?”

Cô gái mừng rỡ gật đầu đồng ý. Có được một cô nương xinh đẹp như vậy đi theo mình, Vương Sinh vô cùng cao hứng, liền dẫn cô gái về thư phòng.

Cô gái bước vào thư phòng, thấy giữa phòng kê một chiếc bàn, trên bàn đặt vài cuốn sách, một xấp giấy và cây bút lông, trên tường treo vài bức họa và thư pháp. Rồi nàng nhìn xung quanh, thấy trong phòng không có ai thì bèn hỏi: “Mọi người trong nhà huynh đi đâu cả rồi?”

Vương Sinh đáp: “Người nhà tôi không ở đây, họ sống ở tòa nhà phía bên kia, còn tòa bên này chỉ dành cho tôi học mà thôi”.

“Nhà huynh còn những ai nữa?”

“Cha, mẹ, một người em trai và vợ tôi”

“Ồ, huynh đã có vợ rồi sao?” - cô gái tròn mắt nhìn anh.

“Đúng vậy, là cô dâu bé từ khi chúng tôi còn rất nhỏ. Nhưng mà không xinh đẹp lộng lẫy như nàng, so với nàng thì còn kém xa. Cô ấy không đọc sách, không giỏi đàm luận thi thư, chỉ biết làm chút việc nhà và chăm sóc cha mẹ già mà thôi”.

“Cô ấy đối với chàng thế nào?”

“Đối với tôi rất chu đáo ân cần, mỗi khi thấy tôi về cô ấy thường hay hỏi những câu như: ‘Hôm nay lang quân thế nào, ăn uống có ngon miệng không, chàng nhớ chú ý giữ gìn sức khỏe…’ Những câu như thế tôi nghe đến mức nhàm tai rồi”.

Vương Sinh đưa vị cô nương đi tham quan một lượt. Tòa nhà này ngoài thư phòng thì còn có phòng ngủ, bên ngoài còn có một phòng bếp nên sinh hoạt rất thuận tiện. Vương Sinh những lúc học hành bận rộn thì không trở về với gia đình mà nghỉ lại ở đây, thi thoảng vợ anh vẫn đến đây giúp anh dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc trong phòng.

Vương Sinh nói: “Nàng hãy coi như nhà mình, cứ yên tâm ở lại đây chớ có khách khí. Nếu nàng cần thứ gì, hoặc có yêu cầu gì thì đừng ngại nói với tôi”

Cô gái đáp: “Cảm ơn huynh cho tôi ở lại đây. Có điều, xin chàng chớ tiết lộ cho bất cứ ai biết, ngộ nhỡ gã nhà giàu đó biết được thì tôi sẽ gặp rắc rối mất!”

Vương Sinh vội nói: “Nàng cứ yên tâm, chuyện này tôi nhất định sẽ giữ kín, nửa lời cũng không hé răng”.

Từ đó về sau, cô gái ở cùng với Vương Sinh. Anh rất đắc ý, liền treo bức tranh thiếu nữ lên bức tường trong thư phòng, hàng ngày mỗi khi bước vào phòng anh đều ngắm bức tranh này trước tiên.

Vương Sinh có người đẹp ở bên, ngày ngày đều cùng nàng chung vui hưởng lạc đến thâu đêm, cuộc sống thật không còn gì thú bằng. Vương Sinh ngất ngây hạnh phúc, say trong biển tình, tới mức quên hết cả bút nghiên, quên hết cả Nho gia quy củ, quên hết cả luân thường đạo lý, quên hết các đạo lý Thánh hiền, thậm chí quên luôn cả cha mẹ và thê tử ở nhà…

Từ ngày về ở trong thư phòng của Vương Sinh, cô gái không bao giờ ra khỏi cửa, Vương Sinh cũng không kể chuyện này cho bất cứ ai. Có lần về nhà thăm cha mẹ và vợ, anh chỉ nói với người nhà rằng mình đang nỗ lực học tập, ngày ngày đều rất bận rộn.

Cha mẹ thấy anh vẫn khỏe mạnh thì yên tâm cho rằng anh đã trưởng thành, ngày nào cũng chăm chỉ đèn sách chuẩn bị cho kỳ thi Hương sắp tới. Thế nhưng, thê tử của anh là Trần Thị lại bồn chồn trong dạ chẳng yên. Nàng nghĩ: Chồng ta không có người chăm sóc, không có ai giúp chàng nấu cơm, dọn dẹp, sao nói là vẫn ổn cho được? Càng nghĩ Trần Thị càng không yên lòng, liền đích thân đến thư phòng, muốn biết chồng tự chăm lo một mình ra sao.

Thiếu nữ xinh đẹp nghe xong, đỏ bừng mặt xấu hổ, cúi đầu một lúc lâu mới chậm rãi nói: "Xin quân tử chờ lát, tôi đi giải quyết chút việc, quay lại sẽ nói" (Tranh vẽ: Vision Times)
(Hình minh họa: Vision Times)

Thấy vợ đến bất ngờ, Vương Sinh không cách nào giấu được nữa, đành phải thú nhận tất cả. Trần Thị nghe nói chồng giấu tiểu thiếp trong nhà thì bàng hoàng choáng váng, bưng mặt khóc nức nở. Trần Thị dù không muốn, nhưng ý chàng đã quyết, nàng cũng chẳng còn cách nào.

Trần Thị nghĩ: Cô gái ấy vốn là tiểu thiếp nhà phú hộ, nếu phú ông kia biết được vợ mình ẩn náu ở đây, nhất định sẽ làm to chuyện. Nghĩ vậy, nàng bèn có lời với chồng. Nhưng dù nàng có khuyên nhủ thế nào Vương Sinh vẫn không nghe, cứ nhất quyết giữ cô ấy lại. Trong lòng anh giờ chỉ có hình bóng tiên nga, lưu luyến dáng hình yểu điệu, nào có nghe lời vợ nữa đâu?

Một thời gian sau, Vương Sinh ra ngoài có chút việc, khi đang đi trên đường thì bỗng một Đạo sĩ bước đến. Đạo sĩ nhìn chằm chằm Vương Sinh một hồi lâu, sau đó lắc đầu buột miệng: “Đáng thương thay!”.

Ông lại gần hỏi Vương Sinh: “Gần đây cậu có thấy gì lạ xảy ra không? Hoặc có làm điều gì khuất tất hay không?”

Vương Sinh đáp: “Đâu có, cuộc sống của tiểu sinh vẫn rất ổn mà”.

“Vậy cậu có làm chuyện gì đặc biệt khác trước hay không? Hoặc có qua lại với người lạ nào không?”

Vương Sinh nghĩ một lát rồi lắc đầu: “Không có”.

Đạo sĩ nói: “Người cậu đầy tà khí, khắp trong ngoài đều là tà khí, sao có thể nói là không? Cậu hãy nghĩ kỹ đi, trong những ngày qua cậu có thấy thứ gì đặc biệt không, có gặp ai lạ không? Hãy nghĩ kỹ xem, không thể xuề xòa coi nhẹ mọi việc như thế được!”

Vương Sinh vẫn không hiểu ý của Đạo sĩ, ông lại nói tiếp: “Ngay từ khi vừa nhìn thấy cậu, tôi đã phát hiện tà khí xâm nhập vào bên trong cơ thể cậu rồi. Chắc chắn cậu đã gặp yêu quái, nếu cứ tiếp tục thế này thì cậu cách cái chết không còn xa nữa đâu”.

Vương Sinh cảm thấy thật nực cười. Ta đây còn rất khỏe mạnh, cuộc sống lại rất tốt, mỗi ngày đều vui vẻ sung sướng, sao có thể xảy ra vấn đề gì được? Nào đâu có tà khí? Nào đâu có yêu quái chứ? Anh không tin lời Đạo sĩ, chỉ cho là Đạo sĩ nói xằng. “Ngài đừng đùa nữa, sao có thể như vậy được?”

Đạo sĩ chép miệng than rằng: “Mê muội thay, trên đời vẫn còn có kẻ sắp chết đến nơi mà chưa chịu tỉnh ngộ!”

Nói rồi, Đạo sĩ quay người đi về phía đông. Vương Sinh thấy câu nói lạ lùng thì máy động trong lòng: Ta thực là có vấn đề gì sao? Anh cứ đăm chiêu tự hỏi, cố mường tượng lại những việc đã qua rồi đột nhiên nghĩ đến vị cô nương mà anh đưa về hôm ấy. Liệu có phải điều Đạo sĩ nói là ám chỉ việc này? Nhưng nghĩ lại, cô nương ấy xinh đẹp dịu dàng, mong manh yếu ớt, sao có thể là yêu quái được? Nàng xinh như tiên nga, những tháng ngày sống với nàng luôn khiến anh ngây ngất, ngày nào cũng là ngày hạnh phúc nhất, vậy thì có gì là hiểm họa chứ? Hơn nữa nàng rất dịu dàng với anh, luôn chiều lòng anh, sao có thể là yêu quái cho được?

Vương Sinh càng nghĩ lại càng không tin lời Đạo sĩ. Anh tự nhủ: Giới Đạo sĩ toàn mượn cớ trừ tà để kiếm ăn, nói ra những thứ yêu tinh quỷ mị để dọa người! Ta chẳng cần phải để ý đến lời ông ta nói làm gì.

***

Vương Sinh đang sống những ngày bình yên hạnh phúc, cớ sao Đạo sĩ lại thấy trên người anh có tà khí? Liệu có thực anh đã gặp yêu quái như lời Đạo sĩ nói? Và vị cô nương xinh đẹp kia có liên quan đến chuyện này hay không? Câu trả lời sẽ được hé lộ trong phần 2 của loạt truyện “Họa Bì”: Biết người, biết mặt, chẳng biết lòng.

Minh Hạnh tổng hợp và biên tập

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Họa Bì (P1): Tiên nga từ đâu tới?