Lợi dụng Phật môn: Hung thủ sát nhân trốn án trở thành ‘cao tăng’; 'Nữ trụ trì' đội tóc giả đi bar

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một ‘pháp sư nổi tiếng’, từng rao giảng ‘đạo lý’ tu hành cho hàng chục nghìn người nhưng thực chất lại là tên tội phạm giết người bị truy nã. Một ‘trụ trì’ của một ngôi chùa lớn, bề ngoài rất mộc mạc và tỏ vẻ phúc hậu nhưng đằng sau lại là một phụ nữ làng chơi, ngày tụng kinh, tối đội tóc giả đi bar.

Hung thủ giết người, 17 năm ẩn mình dưới vỏ bọc ‘cao tăng’

Nhân vật chính trong câu chuyện này tên là Từ Tâm Liên, chúng ta sẽ gọi anh ta là Liên. Liên sinh ra trong một gia đình đói nghèo thuộc thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây - Trung Quốc.

Năm 1994, tình hình kinh tế nói chung còn khá đói kém, Trung Quốc vừa mới thực hiện chế độ cải cách mở cửa, chọn Hải Nam là đặc khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Do vậy, người dân ở các tỉnh nội địa khác đều coi Hải Nam như một điểm đến lý tưởng để đổi đời. Liên cùng sáu người anh em kết nghĩa của mình cũng quyết định rời quê lên thành phố tìm kiếm cơ hội

Trước khi lên đường, Liên đã đề nghị ai còn ân oán gì ở quê thì giải quyết hết cho xong, tránh ảnh hưởng đến chí hướng làm giàu ở phương xa. Trong nhóm này, một người tên Vương Quân Dân nói muốn sát hại bạn học cũ tên là Từ Mẫn vì thù oán cá nhân. Sáu người anh em còn lại nhất loạt đồng ý không do dự. Sau khi đã bàn xong kịch bản, cả đám cùng nhau đi mua bảy con dao, đợi đến khi trời tối thì sẽ đột nhập vào nhà và ra tay. Sinh mạng của hai vợ chồng xấu số Từ Mẫn bị tước đoạt, còn đứa con nhỏ hai tuổi bị trọng thương.

Sự việc này nhanh chóng đã được phát hiện và trình báo lên cơ quan chức năng để điều tra. Vụ án đã gây rúng động cả thành phố Cửu Giang. Chẳng mấy chốc, sáu tên hung thủ lần lượt sa lưới, trong đó ba kẻ bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên hung thủ cuối cùng, cũng tức là kẻ chủ mưu, Từ Tâm Liên lại biến mất không dấu vết. Không ai biết được hắn đã đi đâu và làm gì, còn sống hay đã chết. Ngay cả người nhà cũng không liên lạc được với hắn. Vậy thực tế hắn đã bốc hơi bằng cách nào?

Sau khi biết mình bị truy nã và những người anh em khác đều đã bị sa lưới, hắn hốt hoảng chạy trốn trong đêm. Nhưng đâu mới là chỗ trú an toàn nhất đây? Hắn nghĩ tới nơi mà thật xa xôi, vắng vẻ mà lại có ít thị phi. Nếu vậy thì chỉ có những ngôi chùa không tiếng tăm ở vùng núi.

Thế là hắn lần mò đến một ngôi chùa hẻo lánh ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc, xin được quy y cửa phật. Thế nhưng phương trượng đã nhận thấy tinh thần của hắn không ổn định, thấp thỏm không yên, ông biết người này chưa dứt trần duyên nên từ chối.

Không từ bỏ ý định của mình, lần này, hắn lại trốn đến huyện Tiềm Sơn, tỉnh An Huy, tìm gặp phương trượng chùa Tam Tổ. Rút kinh nghiệm lần trước, Liên không những thay tên đổi họ mà còn đóng vai người tứ cố vô thân, nhìn thấu hồng trần, một lòng hướng Phật. Cứ vậy mà hắn thuận lợi được thu nhận, nửa năm sau chính thức làm lễ cạo tóc xuất gia, và lấy pháp hiệu là Duy Địch. Như vậy, với hung thủ Liên, việc bước đầu tìm chỗ trú ẩn đã thành công.

Với tư chất thông minh và nhạy bén của mình, chỉ trong một thời gian ngắn hắn đã học thuộc hết các giáo lý và nghi thức cơ bản, tụng niệm kinh trôi chảy nên rất được lòng phương trượng. Không đến một năm, hắn đã có một chức vụ nhất định tại chùa.

Sau khi ở chùa Tam Tổ được hơn một năm, Liên đột nhiên rời khỏi chùa, bắt đầu lấy danh nghĩa ‘pháp sư’ Duy Địch đi thăm thú chùa chiền khắp nơi…

Năm 2000, hắn đi tới Hàng Châu, đến ngôi chùa cổ Tịnh Từ có lịch sử ngàn năm, y bắt đầu làm việc tại đây và từng bước lên tới chức Giám viện của chùa Tịnh Từ và chùa Hương Tích. Cuộc sống xa hoa bắt đầu từ đây, kéo dài đến 11 năm.

Cũng trong thời gian này, danh tiếng ‘pháp sư’ Duy Địch ngày càng lan xa. Duy Địch không những ‘tu tập và rao giảng Phật pháp’, mà còn thi đỗ khoa công trình đại học Chiết Giang, nhận bằng Kỹ sư chính quy. Ngoài ra, hắn còn trở thành ‘nhà thư pháp nổi tiếng’, mỗi bức thư pháp do hắn viết có mức giá trung bình 50.000 tệ (165 triệu VND), bức đắt nhất được đấu giá lên đến 500 ngàn tệ (xấp xỉ 1,7 tỷ VND).

Nếu câu chuyện chỉ dừng đến đây, chắc hẳn có người sẽ cảm thấy bất bình lắm. Lẽ nào một kẻ sát nhân, lưu manh lại có thể trở thành pháp sư đi rao giảng về kinh kệ rồi sống xa hoa mà không bị nghiệp báo nào hay sao.

Tất nhiên, quy luật của vũ trụ là công bằng và ước chế hết thảy mọi sự mọi vật. Nhân quả báo ứng quyết không thể chừa một ai, chỉ có điều là báo ứng sớm hay muộn mà thôi.

Năm 2005, cảnh sát có một đợt kiểm tra giấy tờ tùy thân trên toàn quốc, kể cả hoà thượng lẫn ni cô. Chuyện đến nước này, Liên cần phải mau chóng làm được chứng minh thư mới. Thông qua mối quan hệ nhiều năm của mình, hắn đã tìm được một người nông dân có con trai bị mất tích đã lâu, do vậy, hắn đã đề nghị trả khoản tiền lớn để thay thế thân phận con trai ông.

Tuy nhiên, người tính không bằng Trời tính. Cứ tưởng mọi chuyện đã êm ru nhưng hắn đâu có ngờ những ngày bình yên xa hoa của hắn đang đếm ngược từng giờ...

‘pháp sư’ Duy Địch tỏ vẻ là người nho nhã thư sinh, thường xuyên làm việc thiện, tích cực tham gia hiến máu...(Ảnh chụp video)

Lại nói, sau khi làm giám viện chùa Tịnh Từ, đến lúc này tiền và quyền đều đã có nên hắn chẳng kiêng dè gì mà lộ bộ mặt thật. Bề ngoài, ‘pháp sư’ Duy Địch tỏ vẻ là người nho nhã thư sinh, thường xuyên làm việc thiện, tích cực tham gia hiến máu... Tuy nhiên không ai ngờ rằng, đời sống riêng tư của Liên lại cực kỳ xa hoa. Hắn đi xe sang, dùng điện thoại Vertu, ra vào các hội sở đắt tiền, ăn sơn hào hải vị, uống rượu hút hít thâu đêm. Hắn còn mở cả phòng tập gym và thường xuyên đánh đập các nhà sư khác trong chùa.

Năm 2011, một nhà sư thường xuyên bị Liên bạo hành đã quyết định đi báo cảnh sát. Khi nhìn thấy chứng minh thư của Liên, cảnh sát nhận thấy không phù hợp. Chứng minh thư là thật nhưng nhìn mặt của Liên không phù hợp với tuổi ghi trên đó. Vì vậy cảnh sát Hàng Châu đã liên hệ với cảnh sát Thiều Quan và phát hiện đây chính là tên tội phạm bị truy nã đã trốn thoát những năm trước.

Biết mọi chuyện đã bại lộ, Liên lẳng lặng ngồi chờ đến khi cảnh sát đến, tra tay vào còng mà không phản kháng.

Ngày 13/6/2012, Liên bị tuyên án tử hình, lúc này, giọt nước mắt sám hối trên toà của Liên đã quá muộn màng.

Nữ trụ trì ngày tụng kinh, tối đội tóc giả đi bar

Trong mắt chúng ta, những người đã trở thành tăng ni phải là những người có đạo đức cao thượng và lối sống thanh bần thoát tục. Tuy nhiên, người phụ nữ trong câu chuyện của chúng ta hôm nay lại xem tu hành là nghề kiếm tiền. Từ lúc vừa bước qua cổng ngôi chùa đã có một dã tâm cực kỳ lớn, đội lốt nữ tu để cầu danh phát tài.

Người phụ nữ đáng sợ này có tên là Sử Ái Quân. Ái Quân sinh năm 1967 tại tỉnh Cát Lâm - Trung Quốc. Từ nhỏ, cuộc sống của cô rất khó khăn nhưng cô lại có một gương mặt xinh xắn.

Sau đó vì gia đình đông con mà lại khó khăn về tài chính nên Ái Quân bị bố mẹ cho thôi học. Cô cảm thấy rất bất mãn và bằng mọi cách phải thoát khỏi cảnh nghèo túng này.

Năm 1993, cô chạy trốn khỏi làng quê sau khi đã để lại bức thư tay cho gia đình. Trong đầu Ái Quân lúc đó lóe lên một mục tiêu, đó là sẽ đi đến Hồng Kông và tạo dựng tên tuổi cho chính mình ở nơi này.

Nhưng đúng là cuộc sống không dễ dàng như cô ta nghĩ. Khi vừa đặt chân đến Hồng Kông, vì không được học hành đến nơi đến chốn, lại không có kỹ năng đặc biệt gì, vì vậy cô chỉ có thể làm một số công việc chân tay để sống qua ngày.

Không chấp nhận được thực tại này, cô ta bắt đầu sử dụng nhan sắc của mình để kiếm tiền. Khi đó cô vừa tròn 23 tuổi, nhan sắc đang ở thời đẹp nhất của con gái. Mục tiêu của cô là chọn đàn ông đã có gia đình. Vì thứ nhất, anh ta có đủ kinh tế để lo cho cuộc sống của cô. Thứ hai, đối với người kết hôn sớm và đang mệt mỏi với hôn nhân thì Ái Quân như một cơn mưa xuân vậy.

Trong thời gian này, cô đã gặp được một người tài xế đã có gia đình rất thích cô. Dưới sự cám dỗ và quyến rũ liên tục của Ái Quân, con cá thực sự đã sa lưới. Anh ta ly hôn với vợ để đến với Ái Quân.

Nhưng sau khi kết hôn cô ta lại bắt đầu chán nản khi thấy rằng chồng mình rất bất tài với thu nhập của tài xế xe tải hiện tại không thể cho cô ta một cuộc sống mà cô ta mong muốn.

Mãi đến 7 năm sau Ái Quân cuối cùng nhận được giấy phép cư trú tại Hồng Kông. Việc đầu tiên sau khi Ái Quân cầm giấy tờ chứng nhận trên tay chính là ly hôn với chồng, tiếp đó Ái Quân đã sẵn sàng cho một kế hoạch lớn.

Đầu tiên cô ta đổi một cái tên mới. Từ Sử Ái Quân chuyển thành Long Ân Di. Sau đó, cô ta thường xuyên tới lui chùa Bảo Liên ở gần nhà để làm quen. Cô thấy những người đến và đi trong chùa đều mang theo những chiếc túi lớn, vì vậy cô ta nghĩ rằng trở thành một nhà sư có thể kiếm được nhiều tiền.

Năm 1999, “kỹ năng diễn xuất” của cô ta thật sự khiến đại sư Chu Huệ – trụ trì chùa Bảo Liên cảm động. Vì vậy đại sư Chu Huệ đã thu nhận cô ta và ban cho cô ta một pháp danh Thích Trí Định.

Bằng nhiều chiêu trò thủ đoạn, dần dần Ái Quân lấy được lòng tin của sư trụ trì và được giao thêm nhiều việc quan trọng. Năm 2002, sư phụ Chu Huệ viên tịch, nghiễm nhiên Ái Quân đã trở thành trụ trì. Sau khi nắm hết quyền hành, Ái Quân lập tức thay đổi toàn bộ thành viên ban trị sự thành người thân cận của mình.

Ban ngày Ái Quân sống như một trụ trì, vào ban đêm cô ta bắt đầu trang điểm lòe loẹt, mặc quần lưới tất, đội tóc giả đi ba. (Ảnh chụp video)

Từ sau khi ngôi chùa này đổi trụ trì, một nơi vốn yên bình thực sự đã trở nên phức tạp và hết sức hỗn loạn. Ban ngày Ái Quân sống như một trụ trì, vào ban đêm cô ta bắt đầu trang điểm lòe loẹt, mặc quần lưới tất, đội tóc giả và sống trong một biệt thự riêng đã xây trước đó. Dựa vào quyền lực trong tay, cô ta liên tục biển thủ tiền nhang đèn của chúng sinh đến cúng dường. Có 10 phần thì 9 phần cô ta đã giữ lại cho mình.

Khi nào không có tiền tiêu sài trác táng, cô ta sẽ đưa người thân vào, giả làm ra bộ dạng đáng thương trước các phương tiện truyền thông để thu hút sự chú ý và kêu gọi gây quỹ “sửa chùa”!

Mọi việc sẽ không bị phát giác nếu cô ta không quen nữ diễn viên nổi tiếng Ông Tĩnh Tinh. Là tín đồ đạo Phật, nữ diễn viên thường xuyên đi chùa và quen biết nữ trụ trì. Gặp nữ minh tinh như Ông Tĩnh Tinh, Ái Quân đương nhiên không thể bỏ qua cơ hội “ôn nghèo kể khổ”. Ông Tĩnh Tinh nghe xong rất xúc động, đã xây dựng một trang web kêu gọi các tín đồ ủng hộ cho chùa Định Tuệ. Với sức ảnh hưởng của Ông Tĩnh Tinh, tiền công đức không ngừng đổ về chùa, Ông Tĩnh Tinh cũng trở thành ủy viên trị sự của chùa.

Thế nhưng, cái kim trong bọc cũng có ngày bị lòi ra. Tĩnh Tinh dần dần đã nhìn ra sơ hở trong những câu chuyện này.

Trong đoạn phỏng vấn cô cho biết: “Tôi rõ ràng đã quyên góp rất nhiều tiền nhưng mỗi lần gặp cô ta đều than vãn. Cô ta thực sự xem tôi là kẻ ngốc sao?”

Vì thế Ông Tĩnh Tinh thuê thám tử điều tra riêng, và cô không dám tin vào sự thật này.

Trái ngược hoàn toàn với vẻ tồi tàn của chùa, nữ trụ trì lại có cuộc sống hết sức xa hoa. Điện thoại, máy tính đều là bản cao cấp nhất. Hàng ngày cô ta không tụng kinh niệm Phật mà thường xuyên dẫn đồ đệ ra ngoài ăn uống, dạo phố. Trong thiền phòng thì có đủ loại váy áo, giày da, đồ lót giữ eo, mỹ phẩm và đồ trang sức xa xỉ…

Người ta còn tìm thấy những hình ảnh của Ái Quân bước ra từ một chiếc siêu xe với gương mặt trang điểm lòe loẹt và bộ tóc giả trên đầu, đang chuẩn bị bước vào quán bar lớn nhất nhì Hồng Kông. Thậm chí cô ta còn đáp ứng tất cả các nhu cầu của nam giới!

Khi điều tra sâu hơn, hàng loạt sự thật đã được hé mở. Hóa ra Ái Quân hiếm khi sống trong chùa, mỗi đêm sẽ có xe sang đưa cô ta về biệt thự. Ngoài việc tìm kiếm nhiều người đàn ông bên ngoài, cô ta vẫn còn một người chồng chính thức và hai nhà sư thường xuyên lui tới.

Khi nhìn thấy cảnh này, Tĩnh Tinh thực sự vô cùng kinh tởm trước người mà mình đã từng gọi là bạn. Bất kể nhìn ở góc độ nào thì hành vi này là không thể dung thứ. Cuối cùng Tĩnh Tinh đã giao bằng chứng cho cảnh sát, và dùng sức ảnh hưởng của pháp luật để tổ chức một cuộc họp báo công khai mọi sự thật về Ái Quân.

Hiện tượng giả tu hành để lừa tiền lừa tình khá phổ biến hiện nay, làm thế nào phân biệt được thật giả? Trước khi Đức Phật nhập niết bàn, Tôn giả A Nan hỏi: "Bạch Thế tôn, sau này chúng đệ tử sẽ lấy ai làm thầy?". Đức Phật nói: "Lấy giới luật làm thầy". Thế nên, những người tu Phật có phải chân tu hay không, thì hãy nhìn xem cách họ thực hiện giới luật là có thể biết. Người giả tu ắt sẽ vì danh, vì tiền, vì tình, nên sẽ tìm cách để nổi danh, thu tiền qua các hoạt động vỏ bọc như xây chùa, đúc tượng, làm pháp sự tiêu tai giải hạn, cúng vong... sau đó sẽ bước sang hưởng thụ như xe sang, điện thoại đời mới, và những chuyện mờ ám khác như hai vị 'sư' nói trên.

Đường Phong biên tập và tổng hợp.

Nguồn tư liệu tham khảo từ trang web Vạn điều hay.



BÀI CHỌN LỌC

Lợi dụng Phật môn: Hung thủ sát nhân trốn án trở thành ‘cao tăng’; 'Nữ trụ trì' đội tóc giả đi bar