Huyền Trang thỉnh kinh (2): Những thần tích trên đường thỉnh kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên hành trình đi về phía tây, ngài Huyền Trang đã trải qua trăm ngàn nguy hiểm mà người thường không thể chịu được. Vậy ngài đã làm thế nào để hóa nguy thành an?

Lệnh truy bắt gửi đến Qua Châu

Ngài Huyền Trang đến Lương Châu, do không có giấy thông hành, ngài bị cấm đi qua. Khi Đô đốc Lương Châu truy hỏi, ngài trả lời rằng: "Tôi đến từ Trường An, muốn đến tây phương đề tìm cầu Phật Pháp". Thế nhưng do đã có lệnh phải canh giữ biên giới cẩn mật, quan đô đốc buộc ngài trở về thành Trường An.

Ở vùng này có Pháp sư Tuệ Uy rất kính trọng ngài Huyền Trang, nên đã bí mật cho hai tiểu tăng đi theo ngài. Ban ngày ẩn nấp, ban đêm gấp rút lên đường, hộ tống ngài Huyền Trang đến Qua Châu.

Không ngờ rằng, lệnh truy bắt của Lương Châu đã gửi đến đây: "Một tăng nhân có pháp danh là Huyền Trang, muốn đi Tây Vực, các châu huyện hãy nghiêm cẩn truy bắt".

Quan viên ở Qua Châu là Lý Xương rất tin vào Phật giáo, nhưng có chút nghi ngờ ngài Huyền Trang nên đã đưa lệnh truy bắt cho ngài xem. Ngài Huyền Trang đành nói rõ sự tình. Lý Xương cảm thấy vô cùng kính phục nên đã làm trái lệnh, xé lệnh truy bắt. Lý Xương còn khuyên ngài mau chóng đi về phía tây.

File:Yumenguan.jpg
Trên đường đi về phía tây, ngài Huyền Trang nhất định phải đi qua Ngọc Môn Quan. Bức ảnh di chỉ Ngọc Môn Quan (Wikipedia/张骐/SA-3.0)

Trên hành trình về phía tây nhất định phải đi qua Ngọc Môn Qua - cửa ngõ quan trọng ở biên giới phía tây của Đại Đường, sau đó còn phải đi qua năm tòa phong hỏa đài do quân đội canh giữ. Sau đó tiếp tục đi về phía tây, xuyên qua sa mạc tám trăm dặm, mới đến được nước Y Ngô (Cáp Mật thuộc Tân Cương, Trung Quốc)

Thế nhưng, lúc này, ngựa của ngài Huyền Trang đã chết. Hai tiểu tăng đi theo ngài, một người đi đến Đôn Hoàng, người còn lại cũng không chịu nổi sự vất vả đường dài, nên ngài cho phép tiểu tăng này trở về.

Ngài Huyền Trang mua một con ngựa khác, thế nhưng vẫn lo lắng rằng không có người dẫn đường. Vì vậy, ngài đã cầu khấn trước tượng Phật Di Lặc trong ngôi chùa đang ở lại, xin tìm được một người dẫn đường, dẫn ngài đi qua Ngọc Môn Quan.

Thạch Bàn Đà đưa ngài đến Ngọc Môn Quan

Sự thành tâm của ngài Huyền Trang đã khởi tác dụng. Rất nhanh sau đó, trong chính ngôi chùa này, ngài gặp được một người Hồ tên là Thạch Bàn Đà. Khi Thạch Bàn Đà xin ngài Huyền Trang thọ giới cho mình, ngài đã đồng ý thọ năm giới. Sau đó, Thạch Bàn Đà tự nguyện dẫn đường cho ngài, hứa sẽ đưa ngài đi qua năm tòa phong hỏa đài.

Đến buổi hoàng hôn ngày hôm sau, khi đang nấp trong bụi cỏ, ngài Huyền Trang nhìn thấy Thạch Bàn Đà và một ông lão người Hồ đi đến. Ông lão người Hồ cưỡi trên một con ngựa già màu đỏ.

Ông lão người Hồ nói rằng đường đi về hướng tây xa xôi nguy hiểm, cách trở sông núi, còn dễ gặp phải quỷ quái, gió nóng, rất dễ lạc đường. Ông lão khuyên ngài Huyền Trang cân nhắc cẩn thận, chớ để rơi vào chỗ nguy hiểm.

Ngài Huyền Trang đáp rằng bản thân đã phát nguyện đi về hướng tây, dù chết trên đường đi cũng tuyệt đối không hối hận.

Thấy chí hướng kiên định của ngài, ông lão người Hồ đề nghị ngài Huyền Trang hãy cưỡi con ngựa của mình: "Con ngựa này của tôi đã hơn 15 lần đến nước Y Ngô, có đôi chân rất khỏe, hơn nữa còn biết đường đi".

Đột nhiên ngài Huyền Trang nhớ lại, trước đó ngài từng nhờ thầy bói xem một quẻ cho hành trình đi về phương tây của mình. Ngài nhớ rằng thầy bói đã nói: "Có thể đi được. Khi đi, hình như ngài sẽ cưỡi một con người gầy màu đỏ, phía trước yên ngựa đã sơn có miếng sắt".

Con ngựa của ông lão người Hồ đúng là vừa có màu đỏ, vừa gầy, yên ngựa đã được sơn, phía trước còn có miếng sắt, rất giống với những điều vị thầy bói kia từng nói. Ngài Huyền Trang nghĩ rằng đây nhất định là ý Trời, liền đồng ý đổi ngựa với ông lão, rồi chào từ biệt.

Ngài Huyền Trang và Thạch Bàn Đà xuất phát vào ban đêm. Đến canh ba thì đến được bờ sông và nhìn thấy được Ngọc Môn Quan. Thạch Bàn Đà chặt cây làm cầu, lót cỏ chèn cát, sau đó cùng cưỡi ngựa qua sông.

Sau khi qua sông, ngài Huyền Trang và Thạch Bàn Đà trải đệm ra nằm nghỉ. Hai người nằm cách nhau khoảng 15 bước. Nằm xuống không lâu, ngài Huyền Trang đột nhiên phát hiện Thạch Bàn Đà rút dao ra, từ từ đi về phía mình. Đến cách ngài khoảng 10 bước, Thạch Bàn Đà xoay người, đi ngược trở lại. Ngài Huyền Trang không biết ý định của Thạch Bàn Đà, lo lắng rằng người này có tâm địa khác, liền lập tức ngồi dậy, ngồi ngay ngắn để tụng kinh.

Thấy ngài Huyền Trang ngồi dậy, Thạch Bàn Đà lập tức nằm xuống. Đến lúc trời sắp sáng, ngài Huyền Trang đánh thức Thạch Bàn Đà dậy. Sau khi rửa mặt ăn cơm xong, chuẩn bị lên đường, Thạch Bàn Đà nói rằng: "Đệ tử nghĩ rằng phía trước đường xá nguy hiểm, không có nguồn nước. Chỉ có dưới năm tòa phong hỏa đài mới có nước, mà muốn lấy trộm nước cũng phải đợi đến ban đêm. Nếu lính canh phát hiện, chắc chắn chúng ta sẽ chết, có lẽ vẫn nên trở về an toàn".

Ngài Huyền Trang kiên quyết không trở về. Thạch Bàn Đà rút đao giương cung, bắt ngài Huyền Trang đi phía trước. Sau khi đi thêm mấy dặm đường, Thạch Bàn Đà đột nhiên dừng lại, nói rằng: "Đệ tử không dám đi tiếp nữa. trong nhà vẫn còn người già trẻ con, sẽ liên lụy đến rất nhiều người, tội vượt biên rất nặng. Đệ tử không dám phạm pháp!".

Ngài Huyền Trang hiểu được nỗi khổ của Thạch Bàn Đà, nên đồng ý cho anh ta trở về. Thạch Bàn Đà nói: "Ngài chắc chắn sẽ không đến nơi được. Nếu ngài bị bắt sẽ liên lụy đến con thì phải làm sao?"

Ngài Huyền Trang thề rằng: "Cho dù thân thể của ta có tan thành cát bụi, cũng sẽ tuyệt đối không liên lụy đến con".

Khi đó Thạch Bàn Đà mới yên tâm.

Sau đó, ngài Huyền Trang cảm ơn và từ biệt Thạch Bàn Đà, một mình đi về phía phong hỏa đài.

Yêu ma quỷ quái trên sa mạc

Quay đầu nhìn lại là sa mạc mênh mông không thấy điểm cuối. Dưới chân, những đống phân ngựa và xương trắng là dấu vết để ngài Huyền Trang nhận biết đường đi.

Đột nhiên, ngài nhìn thấy một đội quân gần một trăm người đi ngang qua sa mạc. Nhóm người này cưỡi lạc đà và ngựa, trên người mặc áo lông vải thô, giương cờ, cầm mâu và giáo, lúc đi lúc dừng, nhìn ở xa rất rõ nhưng lại gần thì lại biến mất.

Lẽ nào đó là những binh lính đang lùng bắt ngài? Hay là bọn giặc cướp?

Khi ngài đang nghi ngờ, trong không trung bỗng truyền đến tiếng nói: "Đừng sợ! Đừng sợ!".

Lúc này ngài Huyền Trang mới ổn định tinh thần lại, sau đó ngài mới biết, đó chính là ảo ảnh của yêu ma trên sa mạc.

Đi qua phong hỏa đài

Đi được hơn 80 dặm, ngài Huyền Trang nhìn thấy tòa phong hỏa đài thứ nhất. Do lo sợ bị lính canh phát hiện, ngài ẩn nấp vào ban ngày, đến đêm mới dám đi đường.

Trong đêm, ngài đến con suối ở sườn phía tây của phong hỏa đài. Sau khi uống xong rồi chuẩn bị dùng túi da để đựng nước, đột nhiên một mũi tên bay vèo đến, suýt chút nữa đã bắn trúng đầu gối của ngài. Tiếp theo một mũi tên khác bay đến. Ngài Huyền Trang hô lớn: "Tôi là tăng nhân từ kinh thành đến, xin đừng bắn tôi".

Sau đó ngài lập tức dẫn ngựa đi đến phong hỏa đài.

Trên đường đi về phía tây, ngài Huyền Trang phải đi qua năm tòa phong hỏa đài được quân đội canh giữ. Hình ảnh toàn phong hỏa đài trên tường thành đã bị hư hại. (fotolia)

Thế nhưng điều may mắn chính là, vị quan canh giữ phong hỏa đài là Vương Tường đã biết đến danh tiếng của ngài Huyền Trang. Vương Tường rất cảm động trước quyết tâm tìm cầu Phật Pháp của ngài Huyền Trang, thế nên rất quan tâm đến ngài. Vương Tường không chỉ tặng thêm nước, lương khô, còn chỉ cho ngài một con đường có thể đi thẳng đến tòa phong hỏa đài thứ tư. Vị quan canh giữ ở tòa phong hỏa đài này là một người trong dòng họ của Vương Tưởng, cũng là người tâm hướng thiện.

Dưới sự hướng dẫn của Vương Tường, đêm hôm đó ngài Huyền Trang đã đến được phong hỏa đài thứ tư, do sợ rằng sẽ bị làm khó dễ nên ngài muốn lặng lẽ lấy nước rồi đi qua. Đến chỗ mép nước, còn chưa kịp xuống ngựa đã có một mũi tên bay vèo đến. Ngài Huyền Trang lại phải một lần nữa hô lớn thân phận của mình, rồi đi đến phong hỏa đài, nói rõ rằng là Vương Tường đã chỉ đường cho ngài đi đến đây.

Vị quan canh giữ tòa phong hỏa đài này nghe thấy thì vô cùng vui mừng, giữ ngài Huyền Trang ở lại, còn tặng cho ngài một túi da lớn đựng nước và cỏ cho ngựa. Vị quan nói với ngài Huyền Trang rằng, không nên đi đến tòa phong hỏa đài thứ năm: "Người ở đó thô lỗ tùy tiện, sợ rằng sẽ có ý xấu".

Sau đó vị quan này chỉ phương hướng cho ngài: "Từ đây đi về phía tây một trăm dặm, có dòng suối Dã Mã, đến đó có thể lấy được nước".

Ngựa tự chạy, đưa ngài đến suối Dã Mã

Đi về phía trước, ngài Huyền Trang chỉ có ngựa và chiếc bóng của mình đồng hành. Xung quanh mênh mông, không có chút dấu hiệu nào của sự sống. “Sa hà” (Dòng sông cát - sa mạc) Mạc Hạ Duyên Tích dài hơn 800 dặm, ở trên không có chim bay, phía dưới không có thú chạy, thậm chí còn không có một cọng cỏ.

Mỗi khi có những hình ảnh quỷ dị vây quanh, ngài Huyền Trang đều thầm niệm danh hiệu "Quan Thế Âm Bồ Tát". Nếu không thể xua đuổi chúng, ngài sẽ niệm "Bát Nhã Tâm Kinh". Chỉ cần vừa phát ra tiếng, những con quỷ kia lập tức biến mất không còn dấu vết. Đây chính pháp bảo giúp ngài Huyền Trang thoát khỏi hiểm nguy.

Thế nhưng sau khi đi hơn 100 dặm, ngài Huyền Trang đã lạc đường, suối Dã Mã rốt cuộc nằm tại đâu?

Ngài mở túi da uống nước, thế nhưng không cẩn thận, lỡ tay làm rơi túi nước. Nhìn thấy toàn bộ lượng nước dự trữ cho chặng đường nghìn dặm bôn ba đã chảy mất, phải làm thế nào đây?

Không có nước, cả người và ngựa sẽ đồ mồ hôi, mất nước mà chết. Trong lúc tuyệt vọng, ngài Huyền Trang định quay về phía đông theo con đường cũ, trở lại tòa phong hỏa đài thứ tư đế lấy nước.

Nhưng đi ngược lại hơn 10 dặm đường, ngài chợt tỉnh ngộ: "Ta từng phát lời thề rằng, thà đi về phía tây mà chết, chớ không quay lại hướng đông để sống. Bây giờ có thể quay lại sao?".

Thế là ngài liền lập tức quay đầu ngựa, chuyển hướng, miệng tiếp tục niệm danh hiệu Quan Âm, thúc ngựa đi về phía tây bắc.

Ban ngày cát bay như mưa, buổi tối, trên mặt đất lặp lòe những ánh lửa ma trơi, vắng vẻ giống như vùng đất chết. Trên bầu trời đầy sao, ngài Huyền Trang vừa đi về phía trước, vừa mặc niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm.

“Sa hà” (Dòng sông cát - sa mạc) Mạc Hạ Duyên Tích dài hơn 800 dặm, ở trên không có chim bay, phía dưới không có thú chạy, thậm chí còn không có một cọng cỏ. Hình ảnh sa mạc (pixabay)

Ngài Huyền trang đi bốn ngày bốn đêm liên tục, không có lấy một giọt nước. Miệng lưỡi ngày khô khan, cuối cùng thể lực dần dần kiệt quệ, ngài ngã xuống cát, con ngựa cũng không thể đứng lên nổi.

Trong khi đang thoi thóp, ngài Huyền Trang vẫn không ngừng niệm, ngài xin Bồ Tát Quan Âm gia trì: “Chuyến đi ngày của Huyền Trang, không phải vì cầu tiền tài danh vọng, chỉ mong tìm cầu được Chính Pháp! Nguyện Bồ Tát từ bi, cứu khổ cứu nạn....”

Đến nửa đêm ngày thứ năm, chợt có một cơn gió lạnh thổi đến, giống như tắm trong nước mát, ánh mắt ngài Huyền Trang sáng ngời. Con ngựa của ngài đứng dậy. Thể lực của ngài hồi phụ được một ít, ngài Huyền Trang liền ngủ một giấc. Trong mơ, có một vì Thần nhân mặc áo giáp cao mấy trước đứng trước mặt ngài, quát lớn rằng: "Vì sao không mau lên đường? Còn nằm ngủ ở đây!".

Ngài Huyền Trang bừng tỉnh, lập tức lên ngựa đi tiếp.

Đi được khoảng 10 dặm, đột nhiên ngựa tự đi vào một lối rẽ, thúc thế nào cũng không chịu quay lại, con ngựa không thể khống chế được, bắt đầu chạy nước đại.

Đi thêm vài dặm, ngựa mới tự mình dừng lại, ngài Huyền Trang phát hiện rằng mình được đưa đến một bãi cỏ xanh tươi, cách đó không xa còn có một hồ nước! Hồ nước trong vắt như gương. Quả thật là Bồ Tát từ bi, ở nơi không thể có nước, vẫn có thể có nước và cỏ xanh. Nhờ vậy ngài Huyền Trang và con ngựa nhờ vậy mà có thể sống được.

(Còn tiếp)

Tần Thuận Thiên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo:

  1. Cựu Đường thư - Liệt truyện thứ 141
  2. "Truyện Tam Tạng Pháp Sư Chùa Đại Từ Ân Đời Đường" - Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lạ
  3. "Tục cao tăng truyện", "Đại chính tạng" - Đạo Tuyên
  4. "Đại Đường cố Tam tạng Huyền phần pháp sư hành trang", “Đại chính tạng” - Minh Tường
  5. Tân An thị chí (cuốn thứ 7) - Nhân vật chí



BÀI CHỌN LỌC

Huyền Trang thỉnh kinh (2): Những thần tích trên đường thỉnh kinh