Huyền Trang thỉnh kinh (5): Công thành thân thoái, kết thúc nhân duyên trở về Trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong "Đại Đường cố Tam tạng Huyền phần pháp sư hành trạng" có chép, sau khi ngài qua đời 60 ngày, sắc mặt vẫn như còn sống, còn tỏa ra mùi thơm, thậm chí tóc còn mọc dài ra.

Ngài an nhiên rời khỏi thế gian. Vẻ mặt thanh thản như đang chìm vào giấc ngủ, da dẻ hồng hào, rạng rỡ hơn cả lúc bình thường. Bảy ngày sau khi khâm liệm, dung nhan của pháp sư Huyền Trang vẫn không hề thay đổi, cơ thể ngài cũng không có mùi hôi.

Biết trước lúc viên tịch

Khi phiên dịch kinh Đại Bát Nhã, ngài Huyền Trang đã nói với các đệ tử rằng: “Cơ thể con người chỉ là hư ảo, không thể lâu dài. Ta nay đã 65 tuổi, nhất định sẽ qua đời ở chùa Ngọc Hoa này.... Số lượng kinh Phật rất lớn, ta thường lo lắng rằng sẽ dịch không xong. Mọi người phải cố gắng hơn, đừng sợ vất vả mệt nhọc".

Năm năm sau, sáu trăm cuốn kinh Đại Bát Nhã cuối cùng cũng được dịch xong. Ngài tự cảm thấy rằng sức lực đã suy kiệt, liền dặn dò chuyện hậu sự cho các đệ tử: "Ta đến chùa Ngọc Hoa, chính là để dịch kinh Đại Bát Nhã. Đến nay kinh đã dịch xong, sinh mệnh của ta cũng sẽ sớm kết thúc".

"Sau khi ta chết, tổ chức tang lễ phải tiết kiệm, chỉ cần bọc ta trong một tấm chiếu manh, chôn ở nơi sông núi hoang vắng là được rồi. Không nên ở gần chốn cung điện chùa chiền, thân thể của ta không tịnh, phải ở xa một chút".

Các đệ tử nghẹn ngào rơi lệ nói rằng: "Khí lực của thầy vẫn tốt, dung mạo vẫn như trước đây, sao đột nhiên thầy lại nói như vậy?"

Ngài Huyền Trang trả lời rằng: "Ta tự biết được, các con không cần an ủi ta".

Khi ấy có học trò phải đi ra ngoài, ngài Huyền Trang bèn nói rằng: "Con đi đi, bây giờ ta và con từ biệt nhau. Con cũng không cần đến gặp ta, dù có đến cũng không thể gặp được nữa".

Biết rằng thời khắc vô thường đã đến, thời gian còn lại không nhiều, ngài Huyền trang muốn chuyên tâm tu hành, gác lại bút mực, không tham gia phiên dịch nữa.

Đệ tử mơ thấy bảo tháp bỗng nhiên sụp đổ

Vào ngày 8 tháng 1 năm 664, có một đệ tử mơ thấy một tòa bảo tháp cao lớn trang nghiêm đột nhiên sụp đổ. Sau khi tỉnh lại, vị đệ tử này không biết điềm lành hay điềm dữ, liền đến hỏi ngài Huyền Trang. Ngài trả lời rằng: "Đây là điềm báo ta sẽ qua đời, không liên quan đến con".

Chiều tối ngày hôm sau, khi bước qua ngưỡng cửa sau nhà, ngài Huyền Trang không may trượt chân ngã. Chân chỉ bị trầy xước một chút, nhưng ngài lại bệnh nặng, hôn mê bất tỉnh.

Đến 10 ngày sau, ngài tỉnh lại, thì thào rằng: "Trước mặt ta là một đóa sen trắng, giống như một chiếc mâm lớn, tươi mới và đẹp đẽ".

Hoa sen trắng (Epoch Times)

Ngày hôm sau, ngài Huyền Trang lại mơ thấy: hàng trăm hàng nghìn người, mặc những bộ quần áo bằng gấm vóc, tay cầm hoa tươi và châu báu, đi qua đi lại trong thiền phòng. Những người này có thân hình cao hơn, dung mạo trang nghiêm. Giữa những ngọn núi sau sân, bỗng chốc xuất hiện đầy rẫy những lá cờ vàng rực rỡ, trong rừng vang lên tiếng nhạc trời, bên ngoài cửa có vô số xe báu, trên xe chở đầy những món ăn kỳ lạ, dùng để cúng dường cho mình, đều không phải là thức ăn của con người.

Ngài Huyền Trang từ chối và nói: "Loại thức ăn ngon này chỉ có những người đắc Đạo mới có tư cách dùng, tôi còn chưa đạt đến cảnh giới ấy, làm sao dám nhận?"

Mặc dù đã từ chối, nhưng ngài Huyền Trang vẫn ăn không ngừng. Sau đó, tiếng ho của người hầu đánh thức ngài dậy, ngài kể lại cảnh trong mơ cho vị trụ trì Huệ Đức bên cạnh nghe và nói: "Như vậy xem ra, công đức mà tôi tu luyện cả đời là có thật, lời Phật dạy về nhân quả không hề sai chút nào".

Pháp sư Huệ Đức đã ghi chép lại những điều này một cách vô cùng cung kính.

Tiếp đó, ngài Huyền Trang yêu cầu mọi người đọc tên các kinh Phật mà ngài đã dịch, thống kê tổng cộng có 74 bộ, 1335 quyển. Ngài cảm thấy vô cùng an ủi.

Ngày 22, ngài Huyền Trang kiểm tra tất cả y phục và đồ dùng rồi đem ra bố thí, đồng thời cho người tạc tượng Phật và mời chư tăng tổ chức pháp sự.

Ngày 24, ngài Huyền Trang cho dựng lên một bức tượng Phật trong điện Gia Thọ của chùa Ngọc Hoa, đã dựng xong được phần khung. Sau đó ngài gọi tất cả đệ tử dịch kinh đến, vui vẻ chào từ biệt mọi người rằng: "Thân của ta không tịnh, ta đã chán ghét thân này. Trên thế gian này, những việc ta cần làm đều đã làm xong, không cần tiếp tục ở lại đây nữa. Ta xin nguyện rằng tương lai khi Phật Di Lặc đến thế gian, ta sẽ theo Ngài hạ thế, làm các việc Phật môn, chứng đắc được quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác".

Đêm đó, pháp sư Tuệ Đức mơ thấy: hàng ngàn tượng Phật bằng vàng từ phương Đông bay vào chùa Ngọc Hoa, hương thơm ngát khắp phòng.

Ngài Huyền Trang nói: "Ta xin nguyện rằng tương lai khi Phật Di Lặc đến thế gian, ta sẽ theo Ngài hạ thế, làm các việc Phật môn, chứng đắc được quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác". Tượng Phật Di Lặc bằng đồng dát vàng thời Bắc Ngụy, năm Thái Hòa thứ 10 (Ảnh thuộc miền công cộng)

Trong những ngày sau đó, ngài Huyền Trang không nói chuyện, chỉ không ngừng tụng đọc kinh Phật.

Vào đêm ngày 4 tháng 2, thiền sư đồng thời là thầy thuốc Minh Tạng tận mắt nhìn thấy: Có hai người cao hơn một trượng, cùng nâng một tòa sen trắng, đi thẳng đến trước giường của ngài Huyền Trang. Tòa sen trắng có ba tầng hoa, trong sáng tinh khiết, to bằng một bánh xe nhỏ, lá dài hơn một thước. Hai người kính cẩn nói với pháp sư Huyền Trang rằng: "Tất cả những phiền não và các loại ác nghiệp của pháp sư từ vô thủy kiếp đến nay đều nhờ căn bệnh nhỏ này mà đã tiêu trừ hết, pháp sư nên vui mừng!"

Ngài Huyền Trang chăm chú nhìn xung quanh, chắp tay một hồi lâu, sau đó chống tay phải lên đầu, nghiêng người nằm nghiêng, tay trái đặt trên đùi trái, không nói năng, không ăn uống, cũng không cử động.

Rạng sáng ngày mùng năm, các đệ tử đau lòng hỏi rằng: "Thầy nhất định sẽ được sinh lên cõi Trời Di Lặc chứ ạ?"

Ngài Huyền Trang đáp: "Nhất định sẽ được".

Nói rồi, hơi thở của ngài yếu dần, không lâu sau ngài an nhiên rời khỏi thế gian. Vẻ mặt thanh thản như đang chìm vào giấc ngủ, da dẻ hồng hào, rạng rỡ hơn cả lúc bình thường. Bảy ngày sau khi khâm liệm, dung nhan của pháp sư Huyền Trang vẫn không hề thay đổi, cơ thể ngài cũng không có mùi hôi.

Sau khi tin dữ truyền đến, Đường Cao Tông bãi triều ba ngày, than rằng: "Trẫm đã mất đi một quốc bảo!".

Các quan văn võ trong triều cũng đều đau buồn, lộ vẻ bi thương.

Hai tháng sau khi viên tịch, di thể của ngài vẫn nguyên vẹn

Trước và sau khi ngài Huyền Trang viên tịch, có nhiều điềm lành xuất hiện.

Pháp sư Minh Huệ của chùa Từ Ân hàng đêm đều tụng kinh niệm Phật. Một đêm nọ, khi đang tụng kinh, pháp sư Minh Huệ bỗng nhìn thấy bốn cầu vồng trắng bắc ngang bầu trời từ nam sang bắc, sáng tỏ và rõ ràng, nên rất kinh ngạc. Ông nhớ lại rằng khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni viên tịch, có mười hai cầu vồng trắng xuyên thẳng qua chòm sao Thái Vi. Bây giờ xuất hiện cảnh tượng như thế này, lẽ nào pháp sư Huyền Trang của chùa Ngọc Hoa đã viên tịch rồi?

Đến ngày thứ 9, tin dữ truyền đến, quả nhiên thời điểm ngài Huyền Trang viên tịch chính là lúc pháp sư Minh Huệ nhìn thấy bốn cầu vồng trắng.

Một tháng sau khi Huyền Trang viên tịch, có người mang nhũ hương đàn hương đến, muốn bôi lên thi hài của ngài theo phong tục Ấn Độ. Tuy nhiên, lúc này quan tài đã đóng kín từ lâu, các đệ tử đều không đồng ý.

Người này liền nghiêm nghị nói: "Các vị đệ tử không nên thay ngài quyết định. Nếu ngài Huyền Trang không cho phép, xin ngài hãy dùng dấu hiệu bằng mùi để cho biết!".

Các đệ tử đành bất đắc dĩ phải mở quan tài. Sau khi mở ra, tất cả các đệ tử có mặt đều ngửi thấy một mùi hương thơm ngát như hoa sen. Vị khách kia cẩn thận mở từng lớp áo liệm, chỉ để lại lớp áo trong, phát hiện ra dung mạo của pháp sư Huyền Trang vẫn như khi còn sống, ngài đang an nhiên nằm đó. Mọi người đều không kìm được nước mắt. Sau khi vị khách bôi nhũ hương xong, sửa lại áo liệm và đậy nắp quan tài cho ngài Huyền Trang, người này đột nhiên biến mất không để dấu vết. Mọi người đều cho rằng người tặng nhũ hương chính là người Trời.

Tranh vẽ pháp sư Đường Tam Tạng Huyền Trang, được lưu giữ tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Ảnh thuộc miền công cộng)

Hai tháng sau khi ngài Huyền Trang Pháp sư viên tịch, vua Đường Cao Tông đã ra chiếu chỉ an táng linh cữu của ngài tại Bạch Lộc Nguyên, phía đông sông Sản, cho phép tăng ni làm cờ lộng để đưa tiễn. Ngày 14 tháng 4 năm 664, lễ tang được cử hành ở kinh đô Trường An.

Vào ngày đưa tang, những người trong vòng 500 dặm quanh thành Trường An đến đưa tang. Đoàn đưa tang xuất phát từ chùa Đại Từ Ân, đi qua những con đường chính của thành Trường An, tiến về Bạch Lộc Nguyên.

Trong đoàn đưa tang, lộng trắng, cờ trắng nhiều như mây, tiếng nhạc vang tận trời cao. Lễ tang được tổ chức vô cùng trang trọng với hơn 500 loại cờ phướn, lọng che. Những người bán lụa ở chợ phía đông dùng ba ngàn cuộn lụa, kết thành một chiếc chiếc lộng niết bàn, vô cùng trang nghiêm và tinh xảo. Tuy nhiên các đệ tử không dám làm trái với tâm nguyện của pháp sư Huyền Trang, chỉ đặt ba bộ áo cà sa và áo cà sa Ma Vân do Thái Tông cúng dường trên lọng niết bàn. Linh cửu của pháp sư Huyền Trang được đặt trên một chiếc xe trải chiếu tre đi ở phía sau, linh cửu được bọc trong một tấm chiếu thô.

Có đến hơn một triệu người đưa tang, từ hoàng gia cho đến dân chúng, từ những tăng ni trong Phật môn cho đến những người trong thế tục, không ai không đau lòng rơi lệ.

Đêm hôm ấy, có hơn 30000 người ngủ lại trong nghĩa địa, túc trực bên linh cửu của ngài. Sáng sớm ngày 15, khi hạ táng, tiếng khóc vang trời, bầu trời đổi sắc, chim muông kêu rên, cỏ cây úa tàn.

Trong "Đại Đường cố Tam tạng Huyền phần pháp sư hành trạng" có chép, sau khi ngài qua đời 60 ngày, sắc mặt vẫn như còn sống, còn tỏa ra mùi thơm, thậm chí tóc còn mọc dài ra.

Năm 669, Đường Cao Tông ra lệnh di dời phần mộ của ngài Huyền Trang đến Bắc Nguyên ở Phàn Châu, đồng thời cho xây dựng một tòa tháp. Khi đưa di thể của ngài Huyền Trang lên, phát hiện rằng sắc mặt của ngài vẫn như còn sống.

Năm 845, khi xảy ra pháp nạn Hội Xương, pháp nạn lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, nhiều chùa miếu bị đập bỏ, tăng ni bị bức ép phải hoàn tục, nhưng chùa Đại Từ Ân ở Trường Ân vẫn được ra lệnh giữ lại (Hết)

(Hết)

Tần Thuận Thiên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo:

1, Cựu Đường thư - Liệt truyện thứ 141

2, "Truyện Tam Tạng Pháp Sư Chùa Đại Từ n Đời Đường" - Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lạ

3, "Tục cao tăng truyện", "Đại chính tạng" - Đạo Tuyên

4, "Đại Đường cố Tam tạng Huyền phần pháp sư hành trang", “Đại chính tạng” - Minh Tường

5, Tân An thị chí (cuốn thứ 7) - Nhân vật chí



BÀI CHỌN LỌC

Huyền Trang thỉnh kinh (5): Công thành thân thoái, kết thúc nhân duyên trở về Trời