Làm thế nào để tránh những khoảnh khắc im lặng, khó xử trong giao tiếp?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người thành công trong cuộc sống, ngoài tài năng hơn người còn phải kể đến khả năng giao tiếp. Có khả năng giao tiếp tốt sẽ có nhiều mối quan hệ, nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách giao tiếp tốt bởi hoàn cảnh sống, tính cách và trình độ của mỗi người khác nhau. Có người nói chuyện rất giỏi, được lòng mọi người, nhưng cũng có người không biết nói gì, thường hay im lặng. Vì sao lại như thế? Chúng ta hãy cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây.

1. Vì sao bạn luôn nói chuyện không linh động?

Khi nói chuyện với người khác, họ nói được 10 câu nhưng bạn thậm chí không nói được 5 câu? Người khác đã nói xong đang chờ bạn trả lời, nhưng bạn lại không biết phải nói thế nào?

Mỗi khi trò chuyện trước đám đông, bạn luôn im lặng, không nói được lời nào và không biết phải nói gì? Bạn cảm thấy lúng túng mỗi khi trò chuyện và sợ mình sẽ nói sai điều gì đó? Nhiều người chắc hẳn đã có những trải nghiệm tương tự.

Trong quá trình tương tác với người khác giới:

Rõ ràng trong lòng bạn có rất nhiều điều muốn nói nhưng lại không biết phải nói thế nào, bạn đỏ mặt khi nhìn thấy người đối diện. Bạn cũng không biết cách tìm chủ đề ngay cả khi đang trò chuyện trực tuyến. Rõ ràng đối phương rất có hảo cảm với bạn, lại bởi vì thái độ của bạn mà dần dần trở nên thờ ơ.

Khi trò chuyện với bạn bè:

Một nhóm người đang ngồi cùng nhau ăn uống và trò chuyện, ai cũng trò chuyện vui vẻ nhưng bạn chỉ biết ăn đồ ăn không bắt chuyện được, thấy mọi người trò chuyện sôi nổi như vậy, bạn cảm thấy bị cô lập.

Không phải ai cũng giỏi giao tiếp. (Pexels)

Thực ra bạn cũng muốn tham gia vào chủ đề này nhưng lại không biết cách nói.

Trong giao tiếp giữa các cá nhân:

Khi ai đó hỏi bạn điều gì, bạn chỉ trả lời và không bao giờ nói thêm lời nào nữa. Sự kiên nhẫn của người khác biến mất, họ không còn chủ động tìm chủ đề nữa, bạn cũng không biết nên nói chuyện gì.

Ngồi đối diện chỉ có thể nghịch điện thoại để giải tỏa bối rối, bầu không khí nói chuyện đang sôi nổi, bị bạn làm cho tẻ ngắt.

Không biết cách trò chuyện, cách chọn chủ đề và đề tài nói chuyện như thế nào, về cơ bản là nói quá ít và thường trầm mặc.

2. Làm thế nào để thay đổi tình trạng này?

Bạn không chỉ cần học cách lắng nghe mà còn nên cố gắng tìm chủ đề và rèn luyện khả năng sắp xếp ngôn ngữ của mình. Hãy nghe khi người khác nói, nói khi người khác im lặng.

Lắng nghe khi người khác nói chuyện:

Khi một nhóm người đang ngồi trò chuyện, nếu không biết cách bắt vào câu chuyện, tốt nhất bạn nên lắng nghe trước.

Hãy chú ý đến ánh mắt của người nói, đây là dấu hiệu của sự tôn trọng và gửi tín hiệu đến người đối diện: Tôi đang lắng nghe bạn nói.

Thỉnh thoảng gật đầu và giao tiếp bằng mắt với những người xung quanh, ngay cả khi bạn không muốn lắng nghe hoặc không quan tâm đến chủ đề này thì cũng không sao.

Điều bạn cần làm là tư thế, để cho người đối diện cảm nhận được sự chân thành và dụng tâm của bạn. Điều này rất quan trọng, vì trong giao tiếp giữa các cá nhân, sự chân thành và tôn trọng thường có thể nhanh chóng đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.

Khi người khác nói, hãy thể hiện sự tôn trọng bằng cách nhìn và chăm chú lắng nghe. (Pexels)

Ngay cả khi là bạn bè rất thân, các bạn vẫn cần dành cho nhau sự tôn trọng đúng mực. Nếu mỗi lần người khác nói chuyện, bạn không nghe mà chơi điện thoại di động thì họ cũng không sẵn lòng trò chuyện với bạn trong tương lai.

Học cách nghiêm túc lắng nghe những cuộc trò chuyện của người khác, học hỏi từ họ. Nên tiếp đề tài như thế nào, nên khơi mào đề tài như thế nào, nên nói chuyện phiếm như thế nào để cho cả hai đều vui vẻ.

Khi người khác im lặng, hãy nhớ tìm chủ đề

Khi một nhóm người cùng nhau trò chuyện, một hoặc hai người im lặng thì không sao, nhưng nếu mọi người đều im lặng và không biết phải nói gì thì đó là trạng thái xấu nhất trong giao tiếp.

Lúc này, bạn nên chủ động tìm kiếm chủ đề. Tìm một chủ đề mà mọi người đều thích để trò chuyện.

Điều này đòi hỏi bạn phải tích lũy nhiều chủ đề hơn, chẳng hạn như: phim điện ảnh và phim truyền hình dài tập, nghiên cứu về một số món ăn, ô tô, trò chơi, các mối quan hệ, v.v. Tìm hiểu những gì mọi người thích, những hoạt động họ thường làm, sau đó nêu ra các chủ đề để trò chuyện.

Bạn có thể nói: Này, mình mới tìm được một cửa hàng mới mở và review khá tốt, nếu có thời gian chúng ta cùng đi ăn nhé.

Bạn chỉ cần nêu chủ đề và khơi dậy sự thảo luận của mọi người là đã thành công một nửa.

Cảnh đối thoại:

Bạn bè hỏi bạn: "Bình thường sau khi tan tầm bạn hay làm gì?"

Bạn nên hỏi ngược lại: "Thế còn bạn, sau giờ làm việc bạn làm gì? Tôi thường đọc sách, xem phim, nghiên cứu công thức nấu hoặc tìm các món ăn ngon".

Bạn hỏi ngược lại câu của đối phương, là dẫn dắt đối phương tiếp tục nói chuyện. Sau đó, bạn tiếp tục trò chuyện theo những lời đối phương đáp lại. Nếu như đối phương cũng không biết nói cái gì, bạn lại biểu đạt chính mình. Bằng cách này, không khí trò chuyện sẽ hài hòa hơn.

3. Lời khen ngợi phù hợp có thể khiến người khác thích bạn hơn

Trong tâm lý học có câu nói: “Trong tiềm thức con người thường quý những người thích mình hơn”.

Nói những lời khen thật lòng nhiều hơn khi giao tiếp. (Pexels)

Nói một cách đơn giản: Khi bạn thích ai đó, người kia cũng có thể có ấn tượng tốt về bạn (hạn chế trong giao tiếp giữa các cá nhân). Khi bạn khen ngợi người khác, họ rất vui vẻ và hạnh phúc, họ cũng sẽ đáp lại cho bạn lời khen và nụ cười tương tự.

Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lời khen ngợi.

Các cặp đôi cần được đánh giá cao và khen ngợi, bạn bè lại càng cần được khen ngợi nhiều hơn.

Khi ai đó mua quần áo mới, bạn có thể khen họ: “Bạn có gu thẩm mỹ tốt, chiếc váy này rất đẹp và rất phù hợp với khí chất của bạn”.

Một người bạn được thăng chức và tăng lương, bạn khen ngợi họ: “Bạn thật tuyệt vời. Bạn mới làm việc được vài năm và kết quả của bạn rất tốt, chắc chắn bạn sẽ ngày càng tiến bộ hơn trong tương lai”.

Hãy để người khác cảm nhận được lời khen ngợi của bạn và bạn sẽ nhận được phản hồi tương tự. Đây là cách tốt nhất để nhanh chóng kéo gần khoảng cách giữa người với người.

Sở dĩ bạn cảm thấy mình luôn lạnh lùng khi trò chuyện và ngại trò chuyện với người khác là do bạn không nói đủ.

Bình thường, khi ở chung với bạn bè, nhớ lắng nghe nhiều, tổng hợp nhiều và biểu đạt nhiều. Chỉ khi bạn thể hiện nhiều hơn, bạn mới có thể tạo ra quy tắc trò chuyện của riêng mình.

Tác giả: Hà Tú Hoan - Aboluowang - Nguồn: Tencent
Ngọc Liên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Làm thế nào để tránh những khoảnh khắc im lặng, khó xử trong giao tiếp?