Làm việc thiện được vong linh chỉ dẫn, 2 tú tài liên tiếp thi đỗ thành tiến sĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời nhà Thanh, Trung Quốc, có hai vị tú tài cùng đi một chiếc xe lên tỉnh thi Hương. Đúng lúc chạng vạng tối họ lại bị lạc đường nên ai cũng lo lắng.

Lúc này, chợt thấy ở phía trước có vài ngôi nhà tranh, hai vị tú tài liền tiến đến gõ cửa.

Bỗng họ nghe thấy trong căn nhà phát ra tiếng khóc rất bi thương. Sau một hồi lâu, tiếng khóc ngừng lại, một bà lão thắp đèn, mở cửa, hỏi rằng: "Xin hỏi hai vị đến đây có việc gì?".

Hai vị tú tài kể lại việc họ bị lạc đường lúc trời tối nên đến xin tá túc một đêm. Người phụ nữ đáp: "Nhà tôi không có đàn ông, lại vừa chật vừa hẹp, không biết nên làm thế nào?"

Hai vị tú tài thành khẩn nói rằng: "Chỉ xin bà cho chúng cháu một chỗ nằm để không phải ngủ ngoài trời, chúng tôi đã hết lòng cảm kích, ngoài ra không cần thứ gì khác".

Bà lão đáp: "Nếu các anh không chê nhà của tôi chật hẹp thì xin mời vào".

Hai vị tú tài vui mừng, cho người hầu tháo hành lý xuống rồi theo bà vào nhà. Sau đó hai vị tú tài trải chăn trên đất, chuẩn bị đi ngủ.

Hai người lại hỏi bà lão: "Tại sao trong nhà của bà lại không có đàn ông?. Vừa này chúng tôi còn nghe thấy tiếng than sao khóc, sao tiếng khóc lại bi thương như vậy?"

Bà lão thở dài đáp: "Chồng và con trai tôi vốn đều là tú tài, cũng có chút tiếng tăm. Thế nhưng năm kia dịch bệnh hoành hành, cả hai người đều không may qua đời. Đến nay đã hết thời gian chịu tang, cuộc sống của tôi và con dâu vô cùng khó khăn. Hơn nữa khi chồng và con trai qua đời, chúng tôi làm đám tang cũng phải mượn không ít nợ. Bây giờ đành phải để con dâu tái giá. Hôm qua đã bàn bạc xong với người mua, hai mẹ chúng tôi không đành lòng xa nhau, nên mới khóc lóc đau thương như vậy!"

Hai vị tú tài nghe xong cảm thấy vô cùng thương xót, liền hỏi rằng: "Người mua kia ra giá bao nhiêu?".

Bà lão đáp: "Đã đồng ý là 40 lượng bạc, đợi ngày lành tháng tốt sẽ đưa tiền, đón người".

Hai vị tú tài lại hỏi: "Con dâu của bà muốn thủ tiết thờ chồng hay muốn đi theo họ?".

Bà lão chảy nước mắt nói: "Con dâu của tôi ngoan hiền hiếu thảo, nếu như thật sự muốn đi, cũng không cần đợi hết thời gian chịu tang. Việc này là do chúng tôi bị bức bách, bởi vì không thể hoãn việc trả nợ nên mới, nên mới đau lòng như vậy".

Hai vị tú tài hỏi tên họ của hai cha con đã mất, biết rằng thực sự có người này, nên cũng thở dài thương xót.

Thế rồi hai người họ nói nhỏ với nhau, nghĩ cách giúp bà lão giải quyết chuyện này. Cuối cùng, hai người nói với bà lão rằng: "Hai chúng tôi quý trọng con dâu của bà ngoan hiền hiếu thảo, lại thương xót hai người không muốn chia lìa, chúng tôi xin tặng cho hai người 40 lượng bạc. Như vậy con dâu của bà cũng không cần tái giá nữa, bà thấy sao?"

Bà lão nghe xong lập tức quỳ sụp xuống đất hành lễ, khóc lóc cảm tạ: "Nếu được như vậy, không khác nào là ơn tái sinh đối với hai mẹ con tôi, chúng ta nhất định sẽ cố gắng báo đáp đại ân đại đức của hai vị".

Hai vị tú tài vội đỡ bà lão đứng dậy, mở hành lý lấy ngân lượng ra, tặng bà lão đúng số bạc đã nói. Đến khi trời sáng, hai người liền từ biệt bà lão để tiếp tục lên đường.

Lúc ấy đang là trung tuần tháng 7 âm lịch, sắp đến mùa thu, thời tiết lúc nắng lúc mưa. Sau khi rời khỏi nhà của bà lão không lâu, một ngày nọ, cũng vào lúc chạng vạng, trời mưa như trút nước, mãi đến tối trời mới quang đãng trở lại. Đường đi vô cùng lầy lội, chiếc xe di chuyển rất khó khăn khiến hai vị tú tài lo lắng.

Lúc này trăng dần lên cao, ánh trăng vằng vặc chiếu sáng khắp nơi. Dưới ánh trăng, họ nhìn thấy bên đường có một ngôi nhà nhỏ, có hai người đang đi qua đi lại trước của, giống như đang đợi ai đó. Nhìn thấy xe của hai vị tú tài, hai người liền chắp tay nghênh đón, nói rằng: "Hai vị tiên sinh đi đường vất vả, nếu không chê nhà tôi nhỏ hẹp, xin mời hai vị ở lại một đêm".

Hại vị tú tài lại gần thì thấy một ông lão với chòm râu bạc phơ, ước chừng đã hơn 50 tuổi; ở phía sau là một người thanh niên, chừng xấp xỉ 30 tuổi. Hai vị tú tài cũng hành lễ, đáp rằng: "Chúng tôi quả thật cũng không có chỗ dừng chân, được ngài cho ở nhờ, thật sự rất cảm động. Chúng tôi đi đường vội vàng, phải làm phiền hai vị, nếu có điều gì sơ suất xin hai vị bỏ qua cho".

Ông lão nói: "Hai anh chớ từ chối, cũng đừng chê căn nhà của tôi nhỏ hẹp đơn sơ".

Thế rồi ông lão và người thanh niên khom người chắp tay hành lễ, mời hai vị khách vào nhà.

Ngôi nhà này chỉ có một gian phòng, bên trong chỉ có hai chiếc giường thấp đặt ở hai phía đông tây, ngoài ra không có đồ vật gì khác. Hai vị tú tài sai người hầu sắp xếp hành lý xuống rồi đến chiếc giường phía tây nghỉ ngơi, còn bọn họ cùng chủ nhà đến chiếc giường phía đông. Hai vị tú tài cùng chủ nhà ngồi thành vòng tròn trên đất. Ông lão sai người thanh niên bày rượu và thức ăn, rồi cười nói: "Trong nhà tôi không có người nấu cơm, buổi tối cũng không thể nhóm lửa, chỉ đành xấu hổ để hai vị tiên sinh ăn cơm nguội!"

Hai vị tú tài cảm tạ đáp: "Tiết trời đang ấm, ăn cơm nguội cũng không sao cả".

Mọi người mời nhau uống rượu, nói chuyện vui vẻ. Hai vị tú tài hỏi tên tuổi của chủ nhà nhưng ông lão chỉ cười không đáp.

Ông lão bảo hai vị tú tài, mỗi người hãy tự nghĩ ra ba bài văn. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Một lát sau, trăng đã lên cao, ông lão cười nói: "Đêm trăng thanh gió mát gặp được khách quý, không làm thơ phú sẽ không còn thú vị. Hai vị tiên sinh có chí hướng lớn, nếu không ngại thì mỗi người hãy tự nghĩ ra ba bài văn để cùng thưởng thức qua đêm nay".

Nói xong, ông lão liền mang giấy bút ra, từ trong "Tứ thư" chọn ra ba chủ đề, nhất quyết muốn hai vị tú tài làm văn. Hai vị tú tài phải suy nghĩ thật lâu, nhưng ông lão cùng người thanh niên viết thật nhanh, chỉ chốc lát hai người đã viết xong ba bài văn. Ông lão lấy bài văn mới viết xong đưa cho hai vị tú tài nói rằng: "Hai người chúng tôi ẩn cư ở nơi hoang vu, đã lâu không đụng đến văn chương. Đây là bài văn viết vội, xin hai vị chỉ giáo cho".

Hai vị tú tài thử đọc thì vô cùng kinh ngạc với hai bài văn trước mặt, tự biết bản thân không thể viết được như vậy.

Ông lão lại nói: "Đêm đã khuya, mời hai vị tiên sinh đi ngủ, đợi ngày mai trời sáng lại tiếp tục xuất phát. Tôi cũng đã mệt, muốn được nghỉ ngơi, không thể ngồi lâu tiếp chuyện hai vị nữa".

Nói xong, ông lão cùng người thanh niên nằm xuống gối đầu lên bài văn, chớp mắt đã ngủ say.

Hai vị tú tài đi đường xa mệt mỏi nên vừa nằm xuống cũng ngủ ngay. Hôm sau, khi trời gần sáng, người hầu tỉnh giấc thấy bản thân và hai vị tú tài đều đang ngủ ở chỗ để tạm của quan tài liền thất kinh, vội vàng đánh thức hai vị tú tài. Trong lúc hoảng hốt, họ nhìn kỹ tên họ của người chết mới biết đó chính là chồng và con trai của bà lão nọ.

Hai vị tú tài biết có điều dị thường, đặt biệt hai cha con ông lão mỗi người viết ba bài văn tối hôm qua vẫn còn, nên họ mang cất vào hành lý, tiếp tục lên tỉnh dự thi. Đợi đến lúc vào trường thi, họ phát hiện đề bài chính là ba chủ đề ông lão chọn trước đó. Hai người chép lại bài văn kia, quả nhiên thi đậu, Trong kỳ thi tiếp theo, cả hai vị tú tài đã đỗ tiến sĩ.

Hai vị tú tài cảm tạ ân đức của vong hồn hai cha con ông lão, trên đường trở về mỗi người tặng cho lão phu nhân 100 lượng bạc, sau đó còn xin triều đình ban thưởng cho hai mẹ con, tán dương nàng dâu hiếu thảo.

Thái Nguyên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo: "Lưu Tiên ngoại sử"



BÀI CHỌN LỌC

Làm việc thiện được vong linh chỉ dẫn, 2 tú tài liên tiếp thi đỗ thành tiến sĩ