Long bào là biểu tượng của "Chân long Thiên tử", tại sao hoàng đế nhà Tống không mặc họa tiết rồng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoàng đế thời cổ đại thường được coi là hóa thân của Thần trên thế gian, và được mệnh danh là "Chân long Thiên tử". Nếu xem qua nhiều tài liệu lịch sử khác nhau, bạn sẽ thấy rằng sự ra đời của một vị hoàng đế, đặc biệt là vị hoàng đế lập quốc, luôn đi kèm với một số những dị tượng, hoặc là sấm sét, hoặc ánh sáng và màu sắc kỳ lạ, hoặc người mẹ sinh con sau đó có một giấc mơ tốt lành...

Sở dĩ một người có thể trở thành vua của một nước là vì anh ta không phải là người bình thường, và việc trở thành hoàng đế là định mệnh. “Năm móng là Rồng, bốn móng là Giao long”, ngoại trừ hoàng đế mới được mặc long bào, ngay cả anh em ruột thịt của hoàng đế cũng chỉ có thể mặc áo choàng ‘bốn móng’. Sở dĩ long bào là áo rồng là vì trên đó có thêu hoa văn rồng, nếu quan sát kỹ long bào của các hoàng đế các triều đại trước, bạn sẽ thấy rằng long bào thời nhà Tống không có thêu hoa văn trang trí rồng trên đó. Tại sao lại như vậy?

Về vấn đề này, thực ra có hai nguyên nhân, nguyên nhân thứ nhất là chúng ta đã bị phim ảnh và truyền hình đánh lừa. Trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình, dù ở triều đại nhà Minh, nhà Thanh hay triều đại nhà Hán, nhà Đường, hầu hết các hoàng đế thường mặc áo long bào có hoa văn rồng rất phức tạp, chỉ có ở thời nhà Tống, hoàng đế mới mặc áo choàng màu đỏ, trông rất lạ. Nhưng trên thực tế, trước thời nhà Minh, long bào của hoàng đế cũng không hề khoa trương đến thế.

李世民与李渊龙袍像
Long bào của Đường Thái Tông Lý Thế Dân (trái) và Lý Uyên (phải). (Qua SOH)

Vào thời nhà Chu, long bào có họa tiết rồng mới bắt đầu xuất hiện, có tổng cộng 9 họa tiết rồng được vẽ trên long bào, 4 họa tiết ở phía trước và 4 họa tiết ở phía sau, các mẫu rồng còn lại được thêu ở ve áo bên trong, trông rất đẹp. Vì vậy, bản thân số lượng hoa văn rồng đã ít kể từ thời nhà Chu, và màu sắc được sử dụng trên áo long bào trước thời nhà Tùy và nhà Đường không phải là màu vàng.

Ví dụ, nhà Chu sử dụng màu đỏ sẫm, nhà Tần sử dụng màu đen và nhà Hán sử dụng màu đen với màu đỏ bên trong. Hoa văn rồng trên long bào chủ yếu được thêu từ màu trắng xám và xanh trơn, sự khác biệt về màu sắc giữa hai loại này không rõ ràng lắm. Vì kích thước và độ phức tạp của hoa văn rồng không bằng các thế hệ sau nên có vẻ như rồng không được thêu trên long bào. Mãi đến thời nhà Tùy, màu vàng kim mới chính thức được sử dụng làm màu chủ đạo của long bào, họa tiết rồng mới được hé lộ, tuy nhiên long bào vào thời điểm này không quá lộng lẫy.

Trong thời Chu Nguyên Chương của nhà Minh, rồng với tư cách là biểu tượng của hoàng đế càng được củng cố, các họa tiết rồng trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Ví dụ, Hoàng đế Vạn Lịch có một bộ 12 họa tiết hình rồng được thêu trên đó, trong khi long bào của Minh Thế Tông có 45 họa tiết rồng, được nhân lên theo ‘Cửu ngũ’.

宋朝皇帝宋仁宗
Hoàng đế Tống Nhân Tông. (Qua SOH)

Thời nhà Tống, tuy kinh tế rất phát triển nhưng Triệu Khuông Dận đã rút ra bài học từ nhà Đường rằng đất nước suy vong, gia tộc tan nát là do sự kiêu ngạo, ngông cuồng của Đường Huyền Tông. Do đó, nhà Tống chủ trương tiết kiệm và đơn giản. Long bào thời nhà Tống rất đơn giản, màu đỏ tươi dường như rất giống với trang phục trong triều đình của các quan lại, đồng thời được thiết kế để tạo ra môi trường để Hoàng đế và các quan đại thần có thể hòa hợp với nhau. Do đó, Tống triều mang phong cách khiêm tốn và gò bó của văn nhân nên việc may long bào cũng tiết kiệm, giản dị.

Mặc dù ngày nay long bào đã mất đi ý nghĩa biểu tượng nhưng văn hóa long bào là một phần của lịch sử và thể hiện phong cách của mỗi triều đại.

Theo Quách Hiểu - Sound of hope

Lý Ngọc biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Long bào là biểu tượng của "Chân long Thiên tử", tại sao hoàng đế nhà Tống không mặc họa tiết rồng?